Nhà văn Isabel Allende năm nay 71. Chồng bà 76 tuổi. Cha mẹ bà đều đã gần 100 tuổi.
Như rất nhiều phụ nữ (và cả đàn ông), bà ghét tuổi già. Bà không thích khi mỗi ngày thấy một nếp nhăn trên trán, vài bộ phận không còn ở yên vị trí mà cứ chạy lung tung.
Nhưng bà có 1 thái độ đáng quí: Sống một cách đam mê. Đam mê sống.Thế là thế qué nào?
Bà cho rằng thực tế, mỗi giây phút chúng ta sống là mỗi giây phút chúng ta già. Xuân Diệu đã nói Xuân đang đến nghĩa là Xuân đang qua. Xuân còn non nghĩa là Xuân đã già. “Xã hội quyết định khi chúng ta già. Là khi chúng ta khoảng 65 tuổi.” Ai cũng đều đang già, nhưng mỗi người đều trải nghiệm cảm giác đó khác nhau. Thường chúng ta sẽ cảm thấy mình trẻ hơn tuổi thật. Thái độ là điều quyết định.
Thái độ chính là tuổi tác và sức khỏe. Bà đưa ra câu chuyện của Olga Murray. Ở tuổi 60, bà bắt đầu làm việc ở Nepal để cứu các cô gái phải đi lao động sớm do gia đình ép buộc. 88 tuổi, bà đã cứu được 12 ngàn cô, và giờ đây, ở Nepal, việc bán con gái đi ở đợ là bất hợp pháp.
Càng sống lâu, cảm giác có thể là sợ hãi (khi thấy từng người quanh ta bỏ ta đi), hoặc càng thấy hứng khởi (mỗi ngày là 1 ngày vui). Tuổi già , với Isabel,đồng nghĩa với tự do. “Tôi không cần phải chứng minh gì nữa cả. Tôi không phải loay hoay tìm kiếm mình là ai, mình muốn trở thành ai, người khác đang kỳ vọng gì ở mình”. Và đây mới là điều sung sướng đỉnh cao “Tôi không còn phải làm hài lòng nam giới nữa, chỉ cần làm hài lòng lũ mèo và các loài động vật khác thôi. (ha ha ha, quá chuẩn). Tuổi già đi cùng với cảm giác nhẹ như lông hồng, khi bạn tạo cho mình một thái độ buông bỏ. It’s great to let go.
“Tôi đáng lý phải có cảm giác đó sớm hơn. Tôi cũng cảm thấy mình mềm mại hơn vì không còn sợ mình trở thành yếu ớt nữa. Tôi không cho rằng đó là điểm yếu nữa. Tôi đã có được tinh thần đó. Tôi biết rõ là trước đây thần chết chỉ là hàng xóm, còn giờ đây, thần chết đã đến ngay cửa, hay ở ngay trong nhà mình.”
Mỗi người phụ nữ đều khó chấp nhận mình đã lớn tuổi. (Thiếu nữ sống hơi lâu năm). Bên trong họ thấy mình vẫn trẻ trung, hấp dẫn, sexy. Nhưng vấn đề là những người quanh họ lại nói rằng già rồi, không cần phải màu mè nữa. Bạn có thấy những phụ nữ phương Tây đều mặc những màu sáng, sặc sỡ không? Họ trang điểm, làm tóc, và thật yêu đời. Vì cớ gì phụ nữ Việt Nam hơi lớn tuổi lại luôn thích những màu tối, u buồn? Vì những người xung quanh muốn họ như vậy. Quá vớ vẩn.
Nhưng 1 bà già 71 tuổi làm sao lại lúc nào cũng yêu đời quá thể thế? Phải thực hành, phải tập luyện, phải tạo thái độ. Suy nghĩ — hành động — thái độ — thói quen — cuộc sống.
“Tôi huấn luyện mình bằng cách tiếp nhận (say yes) với bất kỳ thứ gì đến với cuộc đời mình. Hài hước, bi kịch, tình yêu, cái chết, mất mát. Yes to life. Và huấn luyện mình luôn giữ trái tim yêu. Không phải lúc nào cũng được, nhưng cố gắng thì cũng chẳng chết ai.”
Và với những người đã nghỉ hưu, tuổi hưu của họ là sự ăn mừng. Là niềm hứng khởi. Là kết thúc công việc họ phải làm cho xã hội. Là xã hội thừa nhận và biết ơn sự đóng góp của họ. Giờ là lúc họ có thời khắc tuyệt vời.
Tôi chọn sống trong đam mê, với trái tim rộng mở. Và tôi làm điều đó mỗi ngày.
Câu chuyện của cụ già này, mình nghĩ là có ích cho tất cả. Say yes to life.
Cứ màu mè sặc sỡ, vui vẻ yêu đời, ấm áp dễ thương đê.