Khi dành thời gian tìm hiểu, quan sát đời sống con người, sự vận hành của vạn vật, và đọc trên các mạng xã hội, thì tôi nhận thấy là con người ta “chê người thì dễ, sửa mình mới khó.” Vì vậy, trong năm nay, một từ khóa mà tôi đặt ra cho mình là “sửa mình.” Nôm na là, điều chỉnh mình một cách chú tâm, sao cho mình đi đến hướng mà mình muốn đi, thành người mà mình muốn thành.
Hành trình “đập đi sửa lại” đã diễn ra nhiều chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ là một hành trình thực sự chủ động cả. Chúng ta vẫn làm điều đó mỗi ngày, một cách vô thức, khi chúng ta mong muốn mình hôm nay tốt hơn mình hôm qua và ngày mai mình tốt hơn ngày hôm nay. Nói vậy thôi, chứ số đông con người chỉ ưa những gì nhàn nhã, không phức tạp, đau đầu, làm ít hưởng nhiều. Đó là bản tính của loài người, hiếm có cá nhân thích cái khó khăn, đâm đầu vào núi, đâm quàng vào bụi rậm.
“Sửa mình” – nghĩa là Tu thân. Với những ai ưa tìm hiểu về Khổng giáo, một trong những tư tưởng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của các xã hội châu Á, trong đó có Việt Nam, thì đã nghe và hiểu câu Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Mọi việc náo loạn nơi đất trời này đều xuất phát từ việc lòng không an, mỗi con người đều không chú tâm sửa mình trước khi muốn sửa thiên hạ, cách sắp xếp phân bổ quyền lực trong xã hội có những cái trớ trêu tréo ngoe (mà nó vẫn hợp lý một cách bất thình lình ^^).
Continue reading