Với khách hàng cá nhân có lịch sử giao dịch ngân hàng, hạn mức cho vay được tính toán, tham khảo theo trung tâm Đánh giá Tín dụng (CIC) thuộc ngân hàng Nhà nước. Vậy cá nhân chưa từng giao dịch? Vài năm trước, câu hỏi này chưa có nơi trả lời. Hiện nay, có một vài doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) có thể đáp ứng thông qua điểm tín dụng (credit score).
Hiểu một cách ngắn gọn, điểm tín dụng phản ánh những thông tin trong báo cáo tín dụng của khách hàng vay, tóm tắt lịch sử tín dụng của khách hàng và giúp bên cho vay dự đoán khả năng trả nợ và thanh toán các khoản phí khi các khoản vay đến hạn. Bên cho vay có thể sử dụng điểm số tín dụng do CIC hoặc do bên thứ ba cung cấp để tham khảo, trước khi ra quyết định.
Theo ông Nguyễn Dương Huy Vũ, CEO của công ty FIBO, thị trường cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng là rất lớn. FIBO là nơi cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng cá nhân và quản lý trang creditscore.vn, khách hàng của họ là các ngân hàng, các tổ chức tài chính đang nhắm tới đối tượng khách hàng cần vay tiêu dùng bằng tín chấp. Tại Việt Nam, khoảng 30% dân số trong độ tuổi có thể có nhu cầu vay tiêu dùng, tức khoảng 27 triệu người độ tuổi từ 22 – 55 với thu nhập trung bình từ 6 – 17 triệu đồng/tháng. Những người này có nhu cầu vay tín chấp, trả góp để mua đồ dùng, vật dụng cần thiết như xe máy, tủ lạnh, TV, điện thoại ở trong tầm giá 10 – 20 triệu đồng. Thông thường, khoản vay kéo dài trong vòng 12 – 48 tháng. “Giả sử mỗi năm một người vay 500 đô la Mỹ, thì thị trường này tương đương 15 tỉ đô la Mỹ, và hiện các giao dịch ở mức 5 – 7 tỉ đô la Mỹ, với mức độ tăng trưởng 5 – 10%/năm,” ông Vũ cho biết.
Hệ thống đánh giá điểm tín dụng là kết quả của nhiều công nghệ gộp lại, gồm kho dữ liệu (data warehouse), dữ liệu lớn (big data), AI (trí tuệ nhân tạo), neural network (mạng thần kinh), deep learning (học sâu), kèm với đó là sự giám sát cập nhật và phân tích dữ liệu của các chuyên gia. Trên thị trường, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã có dịch vụ cho vay tiêu dùng, bên cạnh một số công ty tài chính như FE Credit, Home Credit, Mirae Asset (Hàn Quốc)… Nguyễn Dương Huy Vũ khởi nghiệp và kinh doanh trong các dịch vụ tên miền, SMS, phân tích dữ liệu hơn 20 năm qua, và hiện cung cấp dịch vụ đánh giá tín dụng cho ngân hàng Phương Đông (OCB). Ngoài FIBO tập trung vào thị trường Việt Nam, Trusting Social vừa thông báo đợt tuyển dụng mới để tiếp tục quá trình mở văn phòng tại bảy thành phố ở châu Á. Trusting Social được biết đến là công ty khởi nghiệp xây dựng công nghệ tính điểm giúp các ngân hàng kết nối những người tiêu dùng chưa được tiếp cận ngân hàng trên khắp thế giới. Trên trang web, công ty cho biết “xây dựng niềm tin trên mạng” được thể hiện qua TrustingSocial Authenticity Score, được cung cấp miễn phí cho mọi người trên thế giới, để họ có thể xây dựng niềm tin ngay lập tức với người khác, dựa trên dữ liệu di động, web, và xã hội như Facebook, LinkedIn, Twitter và Weibo, kết hợp với dữ liệu toàn cầu về con người và doanh nghiệp để “đem đến sự hiểu biết chưa từng có về cuộc sống xã hội và công việc của người tiêu dùng.”
Ông Vũ cho biết các yếu tố để xét điểm tín dụng với một cá nhân ở Việt Nam bao gồm thu nhập (điểm tài chính), mức độ nợ hiện tại (điểm công nợ), uy tín và thương hiệu (điểm xã hội), điểm trung thực (có đáng tin cậy không) và định danh (người vay là ai, chứng minh nhân dân, hộ khẩu). Để có thể xác định điểm tín dụng của một cá nhân, theo ông Vũ, các công ty phân tích dữ liệu có thể chỉ mất 1 phút nhờ vào lượng dữ liệu thu thập được từ nhiều nguồn, như vị trí điện thoại, chi tiêu điện thoại, Internet, tiền điện, nước, hay mức trả thuế thu nhập… ông Vũ đưa ra ví dụ: “Trung bình một người Việt Nam dành 0,3% thu nhập hằng tháng cho điện thoại. Từ đó ta có thể ước đoán thu nhập của họ, nhưng quan trọng hơn là họ gọi cho ai, tỉ lệ gọi đi hay nhận được như thế nào. Hoặc nếu ta biết họ đã từng xin việc thì có thể ước tính được thu nhập của họ, vì thường thu nhập thực tế sẽ thấp hơn 10 – 20% thu nhập mong muốn.”
FIBO không tập trung vào phân tích những đối tượng thường nằm ngoài chuẩn cho vay tiêu dùng tín chấp, như quá trẻ, quá già, và người có thu nhập trên 1.000 đô la Mỹ/tháng. FIBO tập trung vào khai thác dữ liệu để phỏng đoán và đón khách hàng trong số 20% dân số phù hợp, trong khi các ngân hàng với dữ liệu tự xây dựng, phối kiểm với CIC có thể mất tới 5 ngày, và phải đầu tư nguồn lực nội bộ. Do nguồn khách hàng về các tổ chức tín dụng và công ty tài chính đến từ nhiều nơi khác nhau, dịch vụ đánh giá tín dụng giúp các tổ chức tín dụng tiết kiệm thời gian, công sức, ít bị phụ thuộc vào cảm tính của cá nhân xử lý hồ sơ. Theo ông Vũ, thông tin trên các mạng xã hội ở Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ (5%) trong tổng số các dữ liệu để đánh giá tín dụng.
Trong khi các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần dịch vụ chấm điểm tín dụng để giảm rủi ro và tiếp cận người cho vay tốt hơn, các công ty fintech nói chung và công ty chuyên về đánh giá tín dụng nói riêng vẫn đang hoạt động trong điều kiện luật pháp chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ vì lĩnh vực này quá mới mẻ. Tại Na Uy, dịch vụ này do ba cơ quan gồm Dun & Bradstreet, Experian và Lindorff Decision đánh giá, dựa trên những thông tin công khai như dữ liệu nhân khẩu, hoàn thuế, thu nhập chịu thuế và bất kỳ dữ liệu không liên quan tới chi trả nào. Tại Anh, điểm tín dụng được cung cấp cho mỗi cá nhân do các cơ quan thông tin tín dụng (Credit Reference Agencies) như Call Credit, Equifax và Experian cung cấp. Còn tại Mỹ, điểm tín dụng dựa trên các thông tin báo cáo, thường từ một trong ba cơ quan tín dụng gồm Experian, TransUnion, và Equifax. Người dân được nhận báo cáo tín dụng miễn phí mỗi 12 tháng từ mỗi cơ quan tính điểm tín dụng này. Trên trang Annualcreditreport.com, người dùng có thể nhận báo cáo tín dụng miễn phí.
Các ngân hàng Việt Nam có hệ thống thông tin tín dụng liên thông, thông qua CIC, hiển thị đánh giá lịch sử tín dụng cá nhân hay doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ tín dụng ngân hàng. Theo thông tin trên trang web của CIC, CIC sử dụng dữ liệu từ các ngân hàng thành viên, 1.100 quỹ tín dụng nhân dân, 35 tổ chức tự nguyện tham gia để đưa ra đánh giá. Tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu tín dụng quốc gia là trên 36,8 triệu, tăng gần hai triệu so với cuối năm 2017. Trong sáu tháng đầu năm 2018, CIC đã cung cấp trên 10.000 lượt thông tin (bao gồm báo cáo tổng hợp và chi tiết khách hàng vay) cho các đơn vị liên quan của ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng thương mại chi trả khoảng 20 ngàn đồng/báo cáo tín dụng. Độ phủ thông tin tín dụng của Việt Nam hiện đã vượt 51%, theo đánh giá của nhóm ngân hàng Thế giới năm 2018.
Không chỉ có tổ chức tín dụng có nhu cầu sử dụng điểm tín dụng, các doanh nghiệp viễn thông, bảo hiểm, chủ nhà, các cơ quan chính phủ cũng có nhu cầu tương tự. Trong hình thức cho vay ngang hàng (P2P lending), dựa vào số điểm tín dụng cá nhân của người muốn vay, người cho vay sẽ chọn và đưa ra lãi suất mong muốn. Nếu hai bên chấp thuận, việc giải ngân được thực hiện và sàn giao dịch thu một khoản phí. Sau 2 năm hoạt động, Tima – sàn kết nối tài chính được xem là lớn hiện nay tại Việt Nam – cho biết đang sở hữu 11 ngàn đơn vị vay trên toàn quốc, với hơn 1 triệu khách hàng, hơn 1,6 triệu hồ sơ vay trực tuyến, kết nối thành công 24 ngàn tỉ đồng.
Làm việc trong ngành dữ liệu khoảng 20 năm qua, ông Vũ cho biết dự định trong tương lai gần sẽ cộng sinh với các ngân hàng, tổ chức tài chính bằng cách cung cấp miễn phí dịch vụ tính điểm tín dụng cho tất cả tổ chức và cá nhân có nhu cầu, và sẽ lấy 3 – 4% phí trong khoản lãi suất cho vay đối với mỗi đợt cho vay thành công. FIBO đang chứng kiến tăng trưởng doanh thu trong mảng đánh giá tín dụng từ 5 – 10%/tháng.
Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số tháng 10.2018, chuyên đề Tài chính-Ngân hàng.
Bản quyền Forbes Vietnam.