Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 67, tháng 12.2018. Tác giả: Khổng Loan. Xem đầy đủ hình ảnh và thông tin trên Forbes Vietnam số 67. Bản quyền: Forbes Vietnam.
Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận, cơ sở thứ hai của bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức nằm trên con đường một chiều ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Xét về độ thuận tiện trong giao thông nó cũng kém thuận tiện y như cơ sở thứ nhất tại Núi Thành (quận Tân Bình). Nhưng bác sĩ Tường và các cộng sự của mình không có nhiều lựa chọn về địa điểm. Giống như cơ sở đầu tiên, họ mua lại nơi này, có tên cũ là Ngọc Linh, vốn là một bệnh viện tư nhân vắng khách. Sau cải tạo, cơ sở mới có 20 giường bệnh, bằng ½ so với cơ sở đầu.
Lĩnh vực chính đem lại nguồn thu đến từ các dịch vụ hiếm muộn, vô sinh, sản – phụ khoa, trong đó điều trị hiếm muộn là chuyên môn sâu của các nhà sáng lập. Cơ sở điều trị thụ tinh ống nghiệm của Mỹ Đức (IVFMD) được xem là hàng đầu tại Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á về quy mô thăm khám, tay nghề chuyên môn và ảnh hưởng trong đào tạo nhân sự lĩnh vực hiếm muộn.
Nhu cầu về điều trị hiếm muộn tại Việt Nam đang tăng cao, một phần do sự hiểu biết xã hội về hiếm muộn và tiến bộ y học đã giúp cải thiện tỉ lệ thành công hơn so với cách nay 20 năm, khi các phương pháp điều trị này, trong đó có thụ tinh ống nghiệm (IVF) lần đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM. Cùng với đó là số lượng cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị vô sinh hiếm muộn phát triển nhanh, đặc biệt là phía Bắc, với nhiều nhà đầu tư tài chính tư nhân tham gia, tạo ra mức tăng trưởng khoảng 50% trong năm 2017. Trong số hơn 20 trung tâm, phía Bắc chiếm đa số, theo bác sĩ Tường, người còn là phó chủ tịch hội Sinh sản châu Á-Thái Bình Dương.
Hoạt động trong mảng hẹp, chuyên sâu, nhóm năm nhà đầu tư vào Mỹ Đức có những lợi thế nhất định khi họ chính là những chuyên gia hàng đầu trong nghiên cứu, xây dựng phương pháp điều trị hiếm muộn và IVF tại Việt Nam. Gần 40 nhà đầu tư vào công ty Hy Vọng, và CEO, bác sĩ Tường hiện sở hữu 15% cổ phần công ty. Ông cùng vợ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, con gái bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, thuộc thế hệ bác sĩ đầu tiên ở Từ Dũ nghiên cứu, thử nghiệm IVF. Đến năm 1998, Từ Dũ là bệnh viện duy nhất tại Việt Nam có trung tâm IVF, và đón đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng IVF có tên Phạm Tường Lan Thy – đặt theo tên bác sĩ Tường và Lan.
Trong 10 năm sau khi tốt nghiệp ĐH Y dược, cùng với thế hệ bác sĩ đầu tiên tại Từ Dũ được đào tạo nền tảng, bác sĩ Tường và Lan liên tục làm việc từ 6h sáng đến 9h tối, nhưng vẫn chứng kiến những trường hợp phải chờ hai năm mới tới lượt làm IVF vào những năm 2000. Sau Từ Dũ, năm 2000, bệnh viện Phụ sản Trung ương tại Hà Nội thực hiện ca IVF đầu tiên. Nhưng đến năm 2006, nhiều bác sĩ khác không gắn bó với khoa Hiếm muộn do thu nhập thấp và vất vả. Bác sĩ Tường và Lan – trong vai trò trưởng khoa và phó khoa cũng rời khỏi khoa năm 2007, do “không thể tiếp tục phát triển được trong khi cơ hội rất nhiều,” theo lời bác sĩ Tường.
Trong khi hợp tác tại trung tâm IVF ở bệnh viện Vạn Hạnh và bệnh viện An Sinh, họ cùng mở phòng khám Ngọc Lan. Bác sĩ Tường dành hai năm hoàn tất bằng quản trị kinh doanh của chương trình kết hợp với ĐH Maastricht tại Việt Nam, trong khi tham gia điều hành và thăm khám tại Ngọc Lan. Với danh tiếng của họ và nhu cầu thị trường lớn do không có nhiều nơi đáp ứng dịch vụ thời điểm đó, bệnh nhân biết và tìm đến. Năm 2012, họ bỏ tiền túi và vay thêm ngân hàng 40% để mở bệnh viện Mỹ Đức – một bước đi táo bạo khi đầu tư tư nhân vào y tế còn khá mới, với mong muốn kiểm soát lĩnh vực mình làm mà không bị chi phối bởi các yếu tố tài chính, hay chính trị của tổ chức. Bác sĩ Lan, hiện là bác sĩ hợp tác tại Mỹ Đức, nhớ lại bà đã “mất ăn mất ngủ” vì khoản nợ đó cho tới khi họ trả được hết vài năm sau.
Tại Việt Nam, ước tính tỉ lệ hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản là khoảng 7,7%. Như vậy, ước tính cả nước có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn. Hiện nay mỗi năm, Việt Nam thực hiện 20 ngàn – 25 ngàn chu kỳ IVF (một cặp vợ chồng có thể phải làm nhiều chu kỳ nếu chưa thành công), cao hơn Thái Lan, tương đương lãnh thổ Đài Loan, và cao hơn nhiều so với Singapore (5.000), Philippines (2.000) hay Malaysia (dưới 10.000). Riêng nhóm IVFMD thực hiện khoảng 7.000 chu kỳ/năm tại bốn cơ sở, trong đó ngoài hai cơ sở của Mỹ Đức, có thêm An Sinh và Vạn Hạnh theo hợp đồng hợp tác. Trung bình chi phí cho một chu kỳ khoảng 70 triệu đồng. Theo bác sỹ Tường, hiện tỉ lệ thành công của một lần chuyển phôi ở IVFMD là 45-50%.
Mỹ Đức không tìm kiếm nhà đầu tư ngoài ngành. Với doanh thu tăng trưởng 15 – 20%/năm, các nhà đầu tư mở bệnh viện thứ hai mà không cần sử dụng đòn bẩy tài chính. Họ cũng đối mặt với nhiều hạn chế do mô hình quản trị tập trung vào nhóm các nhà làm chuyên môn y tế nên khó quy mô hóa.
Tuy đầu tư tư nhân vào bệnh viện bắt đầu tăng dần trong thời gian qua, theo ông Tường, thị trường chưa có mô hình bệnh viện tư nhân được cho là thành công, xét về doanh thu và lợi nhuận dựa trên cung cấp dịch vụ y tế. Việt Nam giờ mới bắt đầu thai nghén về bệnh viện tư, ông dự báo 20 năm nữa mới có bệnh viện tư thành công, đạt được quy mô và chuyên môn như những bệnh viện công hiện nay, và có lãi trên dịch vụ y tế.
Thách thức lớn nằm ở việc quản trị con người. Máy móc, cơ sở khám chữa bệnh có thể mua được với tiềm lực tài chính, nhưng các nhà đầu tư phải có được bác sĩ giỏi tại bệnh viện của mình làm chủ lực trong khi phát triển thương hiệu và uy tín. Tại Việt Nam, các bác sĩ giỏi thường có phòng mạch riêng và thu nhập chủ yếu đến từ nguồn này, trong khi họ có thể nhận lời làm việc tại các bệnh viện tư với giờ giấc linh hoạt và cường độ làm việc giảm nhẹ so với bệnh viện công. Để tạo được mối quan hệ thấu hiểu và tôn trọng sẽ là thách thức rất lớn với nhà đầu tư ngoài ngành, khi họ đưa ra các quy trình quản trị áp từ trên xuống để các bác sĩ phải tuân thủ với mục đích tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng cho nhà đầu tư. Nhiều nội quy chi tiết có thể phù hợp với mô hình kinh doanh khác, nhưng sẽ không phù hợp trong ngành y tế. “Chỉ có bác sĩ mới hiểu cách làm việc của bệnh viện, của bác sĩ, và đưa ra những quy trình phù hợp,” bác sĩ Tường cho biết. Nhà đầu tư và bác sĩ không nhìn cùng một hướng dẫn tới tỉ lệ nghỉ việc cao, không tạo được văn hóa của bệnh viện và tổ chức.
Với tỉ lệ lợi nhuận trung bình trong ngành y tế là 15%, với IVF, con số có thể cao hơn một chút. Giờ đây IVF không là lĩnh vực kỹ thuật cao đầy huyền bí, mà tỉ lệ thành công hay lợi nhuận đến từ việc quản trị. “Trong IVF quan trọng là quản trị chứ không phải công nghệ. Như vậy trong một chỗ gặp vấn đề về quản trị thì ngành không thể phát triển được,” bác sĩ Tường lý giải về một số nơi đầu tư vào IVF, kể cả bệnh viện công quy mô lớn, cũng không có lợi nhuận thực sự.
Sau sáu năm, bài học vận hành một bệnh viện quy mô vừa trong ngành sản của bác sĩ Tường không phải là xây trụ sở thật hoành tráng, mà “phải có bác sĩ giỏi từ đầu, họ phải làm việc được với nhau, sau đó xây dựng được quy trình thật tốt về chuyên môn và dịch vụ.” Ông không tìm kiếm những bác sĩ kỳ cựu như bệnh viện tư có tiềm lực tài chính sau này, mà tuyển bác sĩ trẻ chấp nhận mức lương thấp hơn mức họ có thể nhận được ở nơi khác, với quan điểm “nếu người ta đến với mình vì lương cao thì họ sẽ đi nếu có nơi nào trả cho họ cao hơn”. Song song, ông tạo cơ hội để họ phát triển sự nghiệp chuyên môn, cho quy trình tạo ra thái độ tư duy “tốt hơn mỗi ngày” trong đội ngũ. Là các bác sĩ điều hành, họ đưa ra mục tiêu kinh doanh mang tính “dự báo” chứ không phải “cần đạt được.”
Bác sĩ Tường từ chối cho biết chi tiết số liệu tài chính của bệnh. Với 500 nhân sự, Mỹ Đức hiện có 50 bác sĩ, trong đó hơn 95% làm việc toàn thời gian, trên 45 giường bệnh, và nằm trong nhóm bệnh viện có lượng bác sĩ và nhân viên y tế trên giường bệnh cao nhất cả nước. Ở quy mô nhỏ về lĩnh vực sản nhưng lớn về hiếm muộn, Mỹ Đức vẫn có những điểm yếu không thể cải thiện được, như không có sân, cây cối xung quanh do hạn chế về mặt bằng.
Với tư duy phát triển “chậm mà chắc”, cơ hội để nhóm nhà đầu tư vào Mỹ Đức quy mô hóa nhanh chóng sẽ không thể sớm thành hiện thực. Bác sĩ Tường nhận định bệnh viện nào đem lại trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân sẽ là nơi thành công và là điểm mấu chốt trong sự cạnh tranh giữa các đơn vị y tế trong thời gian tới. Ông lý giải hiện quy trình điều trị của các nơi đều như nhau, và “không có chuyện nơi này mổ lấy thai cao cấp hơn nơi kia. Y tế giờ đây “không còn là cái gì cao siêu kỹ thuật nữa, hiếm lắm, trừ một số kỹ thuật quá mới; ở Việt Nam giờ trang thiết bị y tế không thua nước ngoài, thậm chí còn mới hơn.”
Thị trường cung cấp dịch vụ hiếm muộn đang nở rộ. Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thuộc công ty TNHH Y khoa Việt sau tám năm hoạt động, thực hiện hàng ngàn chu kỳ IVF mỗi năm, đang chứng kiến tình trạng quá tải 20%, và đang đầu tư phát triển cơ sở mới. Trong bối cảnh các cơ sở IVF đang nhiều hơn, đầu tư tốt hơn, Mỹ Đức làm thế nào để giữ được vị trí vững chắc? Bác sĩ Tường tỏ ra không ngại do các bệnh viện tư khác vẫn loay hoay với quản trị, còn bệnh viện công vướng về cơ chế quản trị nên cũng không thể thay đổi một cách nhanh chóng.
“Chưa nơi nào có mô hình tốt, còn ở đây là mô hình nhân lên được, và cải thiện hằng ngày,” ông nói. “Chúng tôi không quan tâm tới cạnh tranh, mà tập trung làm tốt hơn, làm tất cả những gì khiến bệnh nhân hài lòng, và như vậy đó là cách làm tốt nhất.”
Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 67, tháng 12.2018. Tác giả: Khổng Loan. Xem đầy đủ hình ảnh và thông tin trên Forbes Vietnam số 67. Bản quyền: Forbes Vietnam.