(Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 62, tháng 7.2018. Tác giả: Khổng Loan)
Trên sân khấu của buổi tiệc tri ân chặng đường 12 năm của công ty cổ phần tập đoàn Đại Sứ Trẻ (Yeah1 Group, YEG) vào tối 21.6, bên cạnh ông Thân Trọng Phúc, giám đốc điều hành VinaCapital (lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của tập đoàn VinaCapital) và phó giám đốc Hoàng Đức Trung, Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, sáng lập và chủ tịch của Yeah1 hào hứng khi nói về “một cuộc chơi toàn cầu” mà họ đang có cơ hội trước mắt: xuất khẩu nội dung từ Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Yeah1 vừa ký hợp tác đa dự án về âm nhạc, giải trí và truyền thông với Universal Music Group (UMG), công ty hàng đầu thế giới về giải trí trên nền tảng âm nhạc, để phát triển kênh truyền hình UM tại Việt Nam, phát triển nghệ sĩ Việt Nam trên toàn cầu; và dự án kết hợp giữa Yeah1, UMG và Global Tunes để phát triển các mạng lưới đa kênh cùng với các influencer (những gương mặt có ảnh hưởng trên mạng) và các YouTuber (những người phát triển nội dung phát hành trên YouTube). Họ cũng ký kết thành lập liên doanh với công ty Nhật Bản AKS và Geo Brain để trở thành đối tác tại thị trường Việt Nam nhằm xây dựng, phát triển nhóm nhạc chị em theo mô hình hoạt động của nhóm nhạc thần tượng nữ nổi tiếng, được yêu thích tại Nhật Bản AKB48. Việt Nam, nhóm nhạc 48 người này sẽ có thể được đặt tên là SGO48.
Yeah1 vẫn tuân theo đường hướng xác lập từ đầu là tập trung cung cấp các hoạt động giải trí của giới trẻ, xây dựng và phát triển các tài năng từ khi mới là “mầm” để chờ ngày “hái quả.” Điều thay đổi là họ không còn là một diễn đàn Yeah1 đơn sơ, hay một trang web như năm 2006, 2007 nữa. Giờ đây, YEG là một trong những hệ sinh thái đa phương tiện lớn nhất tại Việt Nam, với 60 triệu tài khoản đăng ký theo dõi, đang nhắm vào mục tiêu mở rộng quy mô theo chiều rộng, khuyến khích cộng đồng tạo ra nội dung để phát trên mạng lưới của mình. Yeah1, hiện có gần 400 nhân sự, vừa niêm yết trên sàn chứng khoán vào ngày 26.6, nếu tính với mức giá giao dịch trong hai ngày đầu niêm yết, Yeah1 có mức vốn hóa tương đương 350 triệu đô la Mỹ. Với sự tham gia của khoảng 20 nhà đầu tư mới (trong đó có 1 nhà đầu tư Việt Nam là Vietnam Holding), còn lại là các tên tuổi lớn đến từ Thái Lan, Anh, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, sau 11 năm, giá trị vốn hóa của Yeah1 tăng lên gần 90 lần.
“IPO của Yeah1 là câu chuyện rất lớn trên thị trường, giống như phát pháo lệnh đầu tiên,” Hoàng Đức Trung, người đại diện nhà đầu tư trong ban giám đốc của YEG, nhận định. Trong đợt kêu gọi đầu tư mới, Yeah1 gọi được 100 triệu đô la Mỹ, trong đó các nhà đầu tư dành 50% để mua lại cổ phần của DFJ VinaCapital, nơi đã đầu tư 1,6 triệu đô la đổi lấy 40% cổ phần cách nay 11 năm. Giờ đây, khoản đầu tư này đem lại lợi nhuận lớn cho quỹ. 50% còn lại được đầu tư để phát triển công ty, sử dụng cho hoạt động M&A trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Ông Trung lý giải: “Việc Yeah1 IPO cho thị trường biết rằng công ty khởi nghiệp Việt Nam, cơ hội thoái vốn cho nhà đầu tư rất rộng mở, hoàn toàn có thể tạo ra những câu chuyện rất lớn trên thị trường, xây dựng được hệ sinh thái. Đồng thời, công ty đó có thể mời các nhà đầu tư bên ngoài. Thứ hai là ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam sẽ không còn gói gọn là đối tượng đi mua, mà sẽ là người chủ động đi mua các công ty khác.”
Kết quả kinh doanh năm 2017 Yeah1 ghi nhận 851 tỉ đồng doanh thu hợp nhất. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 82 tỉ đồng, tăng trưởng gấp 5 lần so với năm 2016 và vượt 212% kế hoạch. Phần lớn lợi nhuận đến từ quảng cáo của các chương trình phát trên hạ tầng kỹ thuật số. Hơn 70% doanh thu của Yeah1 đến từ thị trường Việt Nam, còn lại là từ thị trường nước ngoài. Năm 2017, sản phẩm do Yeah1 phát hành đã tiếp cận với người xem tại 150 nước. Công ty đặt mục tiêu tham vọng với doanh thu thuần năm 2018 là 1.600 tỉ đồng, tăng 90% so năm 2017, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 109%, lên 172 tỉ đồng. Vì sao lại có những con số mục tiêu tăng vọt đầy tham vọng như vậy?
“Những năm trước, để đưa nước vào ruộng đồng, mình phải đào nhiều con mương, rất khó khăn, nhưng thời điểm này hệ thống đào gần xong rồi, chỉ cần đào nhẹ một cái là bùng phát, nước chảy vào ruộng đồng rất nhanh,” Tống ví von trong buổi nói chuyện với Forbes Việt Nam tại văn phòng của Yeah1, một tòa nhà trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM). Yeah1 giờ đây là một mô hình kinh doanh khép kín từ sản xuất nội dung đến tạo ra doanh thu quảng cáo và thiết lập được nhiều mối quan hệ hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Quá trình tìm kiếm nhà đầu tư mới của Yeah1 không dễ dàng. Thế giới biết đến Việt Nam xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, ít người biết là doanh nghiệp Việt Nam cũng làm “truyền thông xã hội, hay sản phẩm trực tuyến” và phát hành ra thế giới. Nguyễn Đức Trọng, giám đốc khối quan hệ doanh nghiệp của công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), người thực hiện thương vụ để Yeah1 kết nối nhà đầu tư, kể lại có nhà đầu tư cho là “xạo” khi nghe ở Việt Nam cũng có công ty cung cấp các sản phẩm và tiếp cận người xem quốc tế.
Về việc định giá Yeah1, ông Trọng giải thích nhà đầu tư mới không nhìn vào thị trường Việt Nam để trả giá, mà so sánh với các công ty tương tự Yeah1 ở các thị trường khác cùng ngành nghề, và “tin vào giới trẻ Việt Nam.” Ông Trọng nói: “Họ tin rằng giới trẻ Việt Nam không cần phải dựa vào đất đai, tài nguyên thiên nhiên, sự quan hệ, mà họ có thể làm ăn chân chính dựa vào tài năng của mình, tiếp cận được với thế giới bằng ngôn ngữ chung.”
Sự ra đời và phát triển của Yeah1 cùng thời điểm với sự bùng nổ của Internet tại Việt Nam. Internet đã san phẳng mọi biên giới, và các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nội dung số có thể tiếp cận khách hàng ở khắp mọi nơi. Yeah1 đã thay đổi kịp thời phù hợp với sự thay đổi của công nghệ, mạng xã hội sau khi Tống nhận thấy doanh thu cho mảng truyền hình (các kênh Yeah1TV, Yeah1Family, Imovie, Uni) không tăng trưởng và có xu hướng giảm. Hiện nay, Yeah1 có 10 công ty con trực tiếp và 6 công ty gián tiếp, ngoài vận hành mảng truyền hình truyền thống, họ còn sản xuất phim điện ảnh (Yeah1 CMG), bên cạnh mảng kỹ thuật số trên các nền tảng như YouTube, Google, Facebook… Công ty con Yeah1 Network, một trong 3 công ty tập trung phát triển mạng lưới đa kênh (MCN) tại Việt Nam đang hợp tác với hơn 4.000 đối tác sáng tạo nội dung (content creators), với văn phòng tại Singapore, Thái Lan (sau khi mua lại một công ty ở đây,) Hong Kong, và đang thương lượng để mua một công ty Philippines.
Tính tới tháng 6.2018, Yeah1 Network quản lý 1.100 kênh YouTube với tổng 154 triệu lượt người theo dõi, 3,5 tỉ lượt xem video mới mỗi tháng. Trên nền tảng website và Facebook, họ cũng phát triển và quản lý 12 website & 60 triệu người theo dõi, 700 triệu lượt tiếp cận mỗi tuần, và 1,2 tỉ lượt xem video mới mỗi tháng. Trong khi chi phí đầu tư cho một chương trình truyền hình lớn, việc tự sản xuất toàn bộ nội dung là không khả thi nếu các đài tự làm. Nhằm khuyến khích đối tác sản xuất, Yeah1 đảm nhiệm việc tư vấn nội dung, thời điểm, hỗ trợ phát sóng trên mạng lưới của họ và chịu trách nhiệm kinh doanh nội dung. Nhờ vậy mạng lưới của Yeah1 Network mỗi ngày đăng tải khoảng 240 giờ nội dung mới. Yeah1 sẽ thu một khoản phí hoa hồng. “Không ai nghĩ rằng ở Việt Nam một sinh viên ngồi trong nhà một tháng có thể kiếm được 20 ngàn đô la Mỹ từ sản phẩm của mình,” ông Trung nói.
Việc không bám quá sâu vào mảng truyền hình, không chi tiền vào tiếp thị (họ mới có nhân sự phụ trách về tiếp thị), không đầu tư lớn vào thương hiệu, và quản lý dòng tiền tốt (lãi thì mới làm) là một số lý do giúp Yeah1 đi được một quãng đường dài ở thị trường nhiều cạnh tranh trong lĩnh vực truyền thông và các sản phẩm giải trí cho giới trẻ. YANTV, một kênh truyền hình âm nhạc giải trí dành cho giới trẻ sau 10 năm đã chấm dứt phát sóng năm 2017. Trong khi YANTV mua những sản phẩm chất lượng cao từ bên ngoài vào nhiều hơn là sản phẩm tự sản xuất của công ty, Yeah1 đi theo chiến lược tự làm, với cơ cấu 70% tự sản xuất. Yeah1 bền bỉ xây cộng đồng, phục vụ cộng đồng, phát triển những tài năng chưa tỏa sáng. “Chúng tôi làm rất bình dân để ai cũng muốn tới với mình,” ông Trung nói. Cách làm như vậy giúp cho Yeah1 có chi phí hoạt động thuộc loại tiết kiệm. Từ đó, họ xây dựng được những tên tuổi có lượng người hâm mộ kỷ lục, như Phở Đặc Biệt, Khởi My, Ngọc Thảo, Kelvin Khánh, Hoàng Phi, Thanh Duy…
Câu chuyện IPO của một công ty truyền thông như Yeah1 chưa từng có ở thị trường Việt Nam. Khác với VNG hay Thế Giới Di Động, vốn là hai ví dụ thành công nhất về khởi nghiệp ở Việt Nam dựa vào nền tảng công nghệ, Yeah1 hoạt động trong lĩnh vực rất mới. Nếu VNG khiến cho thế giới biết rằng Internet Việt Nam đang phát triển mạnh, Thế Giới Di Động đem đến quy mô bán lẻ khiến cho người tiêu dùng cảm thấy mình được hiểu “đến tận chân tơ kẽ tóc”, thì Yeah1 “bán những thứ không nhìn rõ, khác với các sản phẩm hay cổ phiếu của các công ty bất động sản, ngân hàng,” ông Trung nhận định.
“Nhưng cả ba câu chuyện cho thấy đó là sự đột phá lớn vào ba mảng rất lớn trong rất nhiều mảng chưa được khai phá của thị trường Việt Nam.” Thời điểm DFJ VinaCapital đầu tư vào Yeah1 là khi Việt Nam bắt đầu nới lỏng các quy định về phát triển nội dung truyền thông, tạo cơ hội cho các công ty tư nhân tham gia và Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã nắm bắt lấy thời cơ.
Tống có phong thái thoải mái, ưa đi lại khi trình bày quan điểm, dáng người cao trong chiếc áo sơ mi trắng, quần jean xanh, trông anh trẻ trung hơn tuổi 40 của mình. Có thời gian là người mẫu, diễn viên, anh học quản trị ĐH Kinh tế TP.HCM. Với trực giác tốt về tiếp thị và kinh doanh, Tống từng đoạt giải nhất về tiếp thị khi mới học năm đầu đại học trong một cuộc thi toàn quốc, cho dù chưa một ngày học về tiếp thị. Yeah1 ra đời sau khi Tống bán công ty quảng cáo của mình và có trong tay 200 ngàn đô la Mỹ.
Sau một thời gian đi chơi, một buổi tối, anh chợt nhận ra tài sản mình tưởng to, ví dụ như một tòa nhà, cũng chỉ là một ánh đèn nếu nhìn từ trên cao. “Tôi tự hỏi, cuối cùng mình muốn làm gì với cuộc đời mình. Mình phải làm gì để có thể kiểm soát được tầm nhìn.” Tống chọn truyền thông và Internet, vì tin rằng hai mảng này sẽ giúp anh đạt được điều đó, khi có thể sản xuất ra sản phẩm cho hàng triệu người sử dụng. Thời điểm đó, thị trường truyền thông còn rất trống vắng. Tống tự phát triển mạng xã hội vào thời điểm Facebook vẫn còn rất mới mẻ, nhưng thất bại. Anh mua lại diễn đàn Yeah1, và sau một năm đầu tư, họ mới bắt đầu có dòng tiền. Cùng với CEO Đào Phúc Trí, năm nay 38 tuổi, họ trở thành cặp bài trùng xây dựng cộng đồng, sân chơi cho giới trẻ Việt Nam.
Với sức mạnh tài chính sau IPO, Yeah1 đặt mục tiêu khai phá mạnh hơn thị trường quốc tế. “Thế giới vô cùng mênh mông. Khôn ngoan đối đáp người ngoài nên chúng tôi không tập trung cạnh tranh trong nước,” Tống nói. Cơ hội khai phá là rất lớn.
Có khoảng 250 đối tác MCN của YouTube như Yeah1 Network trên toàn cầu, nhưng thị trường cho các MCN ở châu Á còn nhiều dư địa. Ở Thái Lan, các công ty địa phương chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước. Doanh nghiệp Trung Quốc thì quá tập trung vào thị trường “đủ lớn, đủ no.” Yeah1 đặt mục tiêu là đối trọng với doanh nghiệp từ Mỹ, khi họ sẽ là trung gian phát triển từ các thị trường này ra quốc tế, tương tự với các thị trường khác.
Nhưng là một công ty truyền thông dựa trên công nghệ vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của Yeah1. Họ phụ thuộc nhiều vào nền tảng bên ngoài, trong khi chu kỳ công nghệ lên và xuống rất nhanh chóng và bất ngờ. Phải làm sao nắm bắt đúng xu hướng và “nhảy lên đúng con tàu” vì sự phụ thuộc quá lớn vào nền tảng của người khác là mối nguy tiềm tàng. Các ông trùm công nghệ một thời như MySpace, Yahoo! ngã ngựa cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong giới. Giờ đây là thời của Instagram, Snapchat, hay các nền tảng ngách.
“Tôi ước mong là mình làm được cái gì đó để kiểm soát,” Tống nói, ám chỉ về việc còn phải phụ thuộc vào các nền tảng bên ngoài.
Yeah1 từng thất bại khi tự mở văn phòng, bắt tay làm mọi thứ từ đầu ở thị trường mới tại các nước láng giềng. Họ cũng thất bại nhiều với các ý tưởng như Yeah1 City, vì đụng vào một lĩnh vực phức tạp là quản lý bất động sản. Dựa trên ý tưởng tạo sân chơi cho thành viên cộng đồng Yeah1 kết nối sinh hoạt với nhau, chỉ sau một vài địa điểm Yeah1City, họ gặp bế tắc trong việc quy mô hóa và thiếu chuyên môn quản lý. Với game, họ cũng gặp nhiều thách thức và chưa thành công.
Các doanh nghiệp lớn nhất châu Á đều đang đầu tư vào truyền thông và giải trí. Như Tencent đầu tư vào Newsdog chuyên về thông tin kinh doanh tại Ấn Độ. iQiyi của Baidu được cho là đang quan tâm đầu tư vào Iflix. Go-Jek, nhà điều hành ứng dụng chia sẻ xe, công bố nền tảng streaming video tên là Go-Play. Theo báo cáo “Chi tiêu quảng cáo tại Đông Nam Á” của eMarketer năm 2017, quảng cáo kỹ thuật số, đặc biệt là trên nền tảng di động, sẽ đóng vai trò lớn trong tăng trưởng tổng thể. eMarketer ước tính chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số sẽ tăng “gần 22% và trên di động sẽ tăng 77%. Tiền sẽ chảy vào túi ai biết cách khơi gợi và điều khiển nguồn lực từ cộng đồng.
Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 62, tháng 7.2018.
Tác giả: Khổng Loan