Thế là tôi đã chính thức tham gia vào nỗi sợ hãi và ám ảnh của những người lớn có con đi học. Con sẽ vào lớp mầm non, rồi lớp 1, rồi hết cấp 1, chuyển cấp 2, lên cấp 3, vào đại học, rồi lên thạc sĩ, tiến sĩ chuyên gia gì gì nữa, hoặc cũng có thể rẽ ngang tham gia vào một start up lớn, phụ trách công việc dẫn dắt mọi người tới những nơi họ cần đến và luôn ở vị trí cầm lái (cụ thể là con lái xe ôm UberMotor hoặc Grabbike he he he ^^). Ai mà biết được. Nhưng nghĩ tới hành trình gian truân của con đi học mà dựng tóc gáy. Panic Mood!
Nào, hít thở sâu, thư giãn, thư giãn…Thư giãn…Thư giãn…Hãy hình dung ra tầm nhìn tương lai…Nói một cách to tát. Niềm vui của cha mẹ thấy con khôn lớn mỗi ngày luôn đi kèm với đó là vô vàn câu hỏi, tự vấn, chất vấn lương tâm.
Nhưng đến giờ, tôi cho rằng vài câu hỏi mình quan tâm nhất là: Hôm nay con có vui không? Con được những ai thể hiện tình cảm yêu mến? Con thể hiện sự quan tâm tới ai? Con có chia đồ cho bạn khi chơi không?
Và khi con đã lớn khôn, trưởng thành, tôi nghĩ, và hi vọng mình sẽ tiếp tục hỏi con và muốn con tự hỏi bản thân rằng: “Con hôm nay có vui không, có hạnh phúc không? Con đã làm những việc gì khiến con thấy hài lòng, có ích, giúp đỡ người khác, đóng góp cho xã hội, góp phần trả lại những nguồn tài nguyên thiên nhiên của nhân loại mà con sử dụng bấy lâu nay?”
Có vài nguyên tắc mình luôn tin và nhất trí cao độ khi ở vai trò làm mẹ:
- Con là sản phẩm của cha mẹ, và gia đình. Con chịu ảnh hưởng lớn nhất của cha mẹ. Cha mẹ hãy dừng việc đổ lỗi cho nhà trường và xã hội. Nếu đẻ được thì hãy sắp xếp thời gian và ưu tiên để cùng với con trưởng thành. Đừng thoái thác, đừng kiếm cớ. Nếu không có thời gian, phải biết đó là lỗi của mình và tìm mọi cách có thể để bù đắp lại (bù đắp bằng thời gian bên con giá trị gấp bội lận so với bù đắp bằng vật chất ẹc ẹc – một người có ít vật chất cho hay ^^)
- Các giá trị nền tảng trong gia đình có dấu ấn quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của con cái. Nếu cha mẹ nói dối, tham lam, độc ác, hay hận đời, sầu đời, thì làm sao, lý do gì, lại mong con mình trung thực, tử tế, yêu đời, hào hiệp, nghĩa khí? Không phải đứa trẻ nào cũng đọc sách của Thích Nhất Hạnh và nhớ liền đâu. Nó sẽ quan sát cha mẹ và so sánh.
- Cha mẹ tốt hơn người thầy tốt. Không hề có ý chê gì công việc thầy cô (mình cũng từng đi học nghề dạy học), nhưng sự ảnh hưởng của thầy cô sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi hợp tác được với cha mẹ, và các giá trị của thầy cô bồi dưỡng và vun đắp cho con phải song hành với các giá trị mà cha mẹ của học sinh tin tưởng. Thầy cô mà lười nhác, vô trách nhiệm, thì làm sao khơi gợi được sự tò mò, khát khao hiểu biết của trò. Cha mẹ lười nhác, vô trách nhiệm thì con cái khó chủ động tìm tòi, chăm chỉ bồi dưỡng để sớm tiến bộ.
Sau vài buổi đi xem các trường mầm non và cho con học thử, mình dành thời gian trao đổi với cô chủ nhiệm tương lai của con về tính tình của con, cách mình cho con sinh hoạt ở nhà, quan điểm của mình về giáo dục trẻ em. Cơ bản là tôn trọng đặc tính, sở thích, nhu cầu của mỗi cá nhân, không gò ép con vào khuôn đóng gạch nếu con không thích, con không cần phải giống các bạn khác. Các quá trình tìm hiểu môi trường của con cần được tôn trọng tuyệt đối, miễn là an toàn và không làm ảnh hưởng, gây hại cho ai, loài vật nào…. Quá trình phát triển mỗi cá nhân khác nhau, và con là một cá thể cần được tôn trọng, cũng như người lớn, có ngày vui ngày buồn, ngày giận dữ, con không phải cái máy hay người máy. Nếu con muốn nghỉ ngơi, hãy để con nghỉ ngơi. Không biết mình có chia sẻ quá mức không. ^^
Viết đến đây thì bạn đọc có thể hình dung ra một phụ huynh tương lai rồi đấy:
Hôm nay con đi học có vui không? Con thích nhất điều gì? Con không thích điều gì?
Con hôm nay học kiến thức nào mới? Con có thích tìm hiểu thêm về lĩnh vực nào khác không? Mẹ có thể tìm sách cho con, tìm thầy giỏi cho con, hoặc đưa con đến nơi cần tìm hiểu…
Lớp con tất cả các bạn đều điểm 10 mà mỗi con điểm 6 à? Con không thích học cái đó à? Ok, Fine, mẹ nghĩ không sao. Lần sau con có thể làm tốt hơn. (Mẹ nghĩ bụng: Điểm 10 giả mạo nhiều như quân Nguyên thế con lấy làm gì. Con có thể học món đó lúc khác khi con muốn.)
Các phụ huynh luôn hốt hoảng, lo lắng cho chuyện học hành của con. Vấn đề là, chúng ta làm mọi thứ để chuẩn bị cho tương lai của con nhưng không thực sự tham gia vào quá trình trưởng thành của con mà để hết phần đó cho nhà trường – nơi thường là rất lạc hậu so với sự phát triển của xã hội.
Và quan trọng hơn, tương lai không ai biết được. Tương lai con cái chúng ta là điều bí ẩn. Nhưng chúng ta mong gì?
Tôi mong con tôi hạnh phúc hơn, cân bằng hơn, biết thưởng thức và trân trọng những cái đẹp của cuộc đời, sống trong một thế giới hòa bình, thân thiện với thiên nhiên, nơi con người yêu thương nhau.
Nếu người lớn chúng ta nghiêm khắc nhìn lại thế giới mà chúng ta để lại cho con cháu mình thế nào, chắc hẳn chúng ta sẽ kìm nén bớt sự đốc thúc vội vã trong quá trình con phát triển và cả những đòi hỏi vô lý và khát vọng ngạo mạn của chúng ta đối với con cái mình.
Trong lúc chờ con tôi lớn, chắc tôi sẽ phải nhiều lần hít thở sâu để thư giãn. Nếu lỡ tôi quên không hít thở, bạn nhớ nhắc tôi. Cứ bình tĩnh! Con cái chúng ta giỏi hơn chúng ta tưởng nhiều, và chúng ta tốt nhất là hãy tránh đường để con tiến bước.