@Forbes Việt Nam số 44, tháng 1.2017
Những bức ảnh chụp ở Việt Nam đang được các nhà sưu tập và bảo tàng thế giới chú ý. Liệu thị trường Việt Nam đã thực sự sẵn sàng cho nghệ thuật nhiếp ảnh?
Tấm ảnh đắt giá nhất trên thế giới đang thuộc về Bóng ma (Phantom), bức ảnh đen trắng do nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Úc Peter Lik chụp hẻm núi Antelop ở Arizona (Mỹ). Kỷ lục 6,5 triệu đô la Mỹ mà “Bóng ma” xác lập cách nay hai năm cho thấy giá tiền một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật có thể đạt được.
“Bóng ma” gây tranh cãi dữ dội trong giới nghệ thuật và phê bình. Một phía cho rằng nhiếp ảnh không phải là nghệ thuật. Dẫu vậy, ở thị trường còn sơ khai với ảnh nghệ thuật như Việt Nam, theo Réhahn, nhiếp ảnh gia 37 tuổi người Pháp đã có 5 năm gần đây hoạt động ở Việt Nam, ảnh nghệ thuật bắt đầu được chú ý hơn. Anh cho biết bức ảnh “Best Friends” (Bạn thân) kích thước 1×1,5m của anh vừa được bán với giá 17 ngàn đô la Mỹ cho một nhà sưu tầm cá nhân người Việt giấu tên. Đây là bức ảnh đắt giá nhất của anh. Như vậy, toàn bộ 3 bức duy nhất trên thế giới có kích thước lớn này đã được bán hết với giá từ 10 ngàn đến 17 ngàn đô la Mỹ, và 11/14 bức có kích cỡ 60x90cm đã được bán với giá 4.000 đô la Mỹ. “Tác phẩm nhiếp ảnh có thể bán được (với giá cao),” anh nói. “Dù ở Việt Nam đây là thị trường nhỏ và mới, nhưng có những thứ thú vị đang diễn ra.”
Nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật khó bán, vì công cụ và công nghệ đã giúp tạo ra tác phẩm một cách dễ dàng khiến giá trị của tác phẩm nhiếp ảnh cần có thời gian và sự hiểu biết của xã hội để thuyết phục người mua coi đó như tác phẩm nghệ thuật.
Gọi mình là người kể chuyện theo đuổi dòng nhiếp ảnh nghệ thuật, Réhahn đến Hội An và chọn thành phố nằm bên dòng Thu Bồn là quê nhà sau khi đã đến 35 nước để chụp hình. Réhahn thực sự được biết đến khi đi xe máy đến khắp nơi ở Việt Nam để chụp và lưu giữ những hình ảnh mới nhất của các nền văn hóa thiểu số đang mai một. Anh có tác phẩm được đăng tải trên các tạp chí như National Geographic, Travel Live và bán ảnh khắp thế giới. Bức ảnh đầu tiên anh bán được chỉ sau một năm anh cầm máy, nhưng mất tới 10 năm để anh có thể bán được bức đắt giá nhất của mình (và anh tin rằng đây là bức ảnh đắt nhất ở Việt Nam cho người Việt Nam đến nay, cho dù Forbes Việt Nam chưa thể kiểm chứng được thông tin này.)
“Tác phẩm nhiếp ảnh thuyết phục người ta bằng hình ảnh, và người xem bị thuyết phục rất dữ dội, nhưng khó bán giá cao,” giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Như Huy, sáng lập và là giám đốc nghệ thuật của Ga 0, nhận xét. Vậy cần những yếu tố nào để một tác phẩm nhiếp ảnh có thể bán được giá cao?
“Phải có thị trường. Thị trường không chỉ là có các hoạt động giao dịch mua bán (vốn có từ thời cổ xưa của loài người), mà phải có hệ thống có quy luật, bảo vệ bản quyền và có đạo đức về mặt sáng tạo,” anh nói.
Ở Việt Nam, việc xác định tính nguyên bản và bảo vệ bản quyền là nguyên nhân khiến các nhiếp ảnh gia khó bán tác phẩm của mình với giá cao. Theo kinh nghiệm của Réhahn, các nhiếp ảnh gia ở Việt Nam không muốn bán giá cao mà thích bán giá rẻ hơn để bán được nhiều, hoặc họ nghĩ nếu bán giá cao sẽ không bán được. Anh cho rằng đó là lối suy nghĩ “sai lầm.” “Nghệ thuật không phải là chuyện rẻ hay đắt, mà về khách hàng. Khách hàng có mua được hay không, thích hay không,” anh nói. Vậy Réhahn bán được tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của mình bằng cách nào? Tất nhiên anh có ưu thế hơn với các nghệ sĩ trong nước khi anh có thể chủ động tiếp cận được các phòng tranh, nhân vật đầu mối để tìm thị trường. Nhưng việc đó cũng chưa đảm bảo bán được tác phẩm nhiếp ảnh với giá cao.
Réhahn là tác giả của 4 cuốn sách ảnh và vừa khai trương bảo tàng cá nhân của anh ở Hội An. Anh tạo ra giá trị cho tác phẩm của mình bằng cách tìm kiếm những câu chuyện và góc ảnh độc đáo… Anh sở hữu khoảng 70 ngàn tấm ảnh về Việt Nam và chỉ chọn được 200 tấm cho bộ sưu tập ảnh nghệ thuật của mình. Anh đưa ảnh sang Pháp để in tráng do chất lượng giấy in ở Việt Nam không đạt chất lượng. Để được coi là tác phẩm nghệ thuật mà nhà sưu tầm hay bảo tàng có thể muốn mua, bức ảnh phải đảm bảo sẽ bền lâu và không thay đổi màu sắc.
Chi phí để in một tấm ảnh kích cỡ lớn 1×1,5m với loại giấy “ở Việt Nam không có”, cộng với phí vận chuyển về Việt Nam là khoảng 500 đô la Mỹ. Nhưng quan trọng nhất trong nhiếp ảnh là giấy chứng thực tác phẩm nguyên bản, để người mua khi càng trả giá cao thì họ càng hiểu rõ là tác phẩm đó giới hạn phiên bản. Số lượng ảnh ra thị trường càng nhiều thì giá càng thấp. Bức ảnh Nụ cười ẩn giấu chụp bà Bùi Thị Xong, 74 tuổi năm 2011 được anh bán giá 4.000 đô la Mỹ cho bức ảnh cỡ nhỏ (60x90cm), và đã bán được 5/15 bản. Với kích cỡ lớn (1×1,5m), anh bán giá 7.000 đô la Mỹ và đã bán được 1/15 bản.
Theo giám tuyển Như Huy, ở góc độ tích cực, nghệ thuật đương đại, nghệ thuật đỉnh cao đang về gần với Việt Nam hơn bao giờ hết, và các nghệ sĩ Việt Nam đã bắt đầu tận dụng nó, chứ còn thật sự trong nội hàm Việt Nam thì chưa có được các công chúng hiểu biết về nghệ thuật nhiếp ảnh, và nhất là coi trọng tính nguyên bản, bản quyền trong sáng tác như vậy.
Đó có lẽ là lý do khiến các tác phẩm của các nghệ sĩ như Phan Quang không có người mua trong nước. Nếu Réhahn sử dụng những kỹ thuật căn bản của nhiếp ảnh, kể câu chuyện đằng sau tấm ảnh thông qua nhân vật trong bối cảnh, chú trọng vào màu sắc, chi tiết, luôn dùng ánh sáng tự nhiên, thì Phan Quang, 40 tuổi, là nghệ sĩ địa phương sáng tác nghệ thuật ý niệm sử dụng nhiếp ảnh như công cụ truyền tải. Xu hướng này xuất hiện đầu những năm 2000 ở Việt Nam, mà một trong những người khởi đầu là Bùi Xuân Huy. Phan Quang gây chú ý khi các tác phẩm của anh được bảo tàng ở Singapore, và các nhà sưu tập ở Mỹ và Đài Loan mua.
Nhiếp ảnh ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn theo xu hướng dùng ánh sáng tôn vinh cái đẹp, khác với hình ảnh khiến người ta suy nghĩ và liên tưởng nhiều chiều như Phan Quang tạo ra. “Ở Việt Nam hiếm người mua ảnh và tôi không thấy có nhà đầu tư sưu tầm nghệ thuật nhiếp ảnh,” Quang nhận định. Là người gắn liền với nhiếp ảnh, nhưng chủ yếu là ảnh báo chí, Phan Quang có triển lãm lần đầu tiên “Nhật ký người nông dân” ở Gallery Quỳnh năm 2010 sau hai năm miệt mài thực hiện loạt tác phẩm lạ so với thời điểm đó, tức là ảnh của anh không nắm bắt khoảnh khắc bằng ánh sáng, mà anh đứng ngoài khoảnh khắc (trước khi chụp hình anh đã có sẵn ý niệm, bài trí, thực hiện bằng kỹ thuật chỉn chu như tại phòng chụp chuyên nghiệp.) Phan Quang bán tác phẩm đầu tiên của mình năm 2011. “Tôi khụy luôn vì bất ngờ quá,” anh nửa đùa nửa thật.
Một số tác phẩm trong triển lãm thứ ba của Phan Quang “Re/cover” (Phủ đậy/Phục hồi) vào tháng 7.2016 vừa được bán. Các tác phẩm nhiếp ảnh lai ghép giữa tư liệu và hư cấu, giữa lịch sử và tự sự, mang tính địa phương và toàn cầu. Loạt tác phẩm kể về chuyện của các cá nhân từ Hà Nội trải qua mối tình xuyên biên giới với lính Nhật. Phan Quang đã đến ngoại thành Hà Nội, nghe câu chuyện của những phụ nữ đã yêu và có con với lính Nhật trong thời gian 1945 – 1955. Những người lính Nhật xâm chiếm Việt Nam trong thời gian này sau đó ở lại Việt Nam và trở thành sĩ quan huấn luyện cho quân đội Việt Nam. Họ về lại Nhật khi bị bắt buộc. Có người sau đó trở lại Việt Nam, có người không bao giờ.
Từ trước tới nay, nhiếp ảnh chủ yếu được xem như có giả trị lịch sử, lưu giữ, hay bằng chứng nhiều hơn là nghệ thuật. Zhuang Wubin, nghệ sĩ và nhà nghiên cứu ở Singapore vừa xuất bản cuốn sách “Photography in Southeast Asia” (Nghệ thuật nhiếp ảnh ở Đông Nam Á,” trong trao đổi qua email với Forbes Việt Nam cho rằng, trong quá khứ, các nhà sưu tập có xu hướng sưu tập những tác phẩm nghệ thuật theo kiểu truyền thống như tranh hay điêu khắc. Theo anh, ở Đông Nam Á, hiện nay, nhiếp ảnh vẫn chưa hoàn toàn được chấp nhận là một loại hình nghệ thuật. Nhưng những người như Réhahn cho rằng mọi việc đang thay đổi, và xu hướng mua ảnh như tác phẩm nghệ thuật mà Mỹ bắt đầu có cách nay 20 năm sẽ lan tới Việt Nam một cách tự nhiên.
Một bức ảnh được bán cần rất nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu kỹ thuật tiếp thị, lĩnh vực mà Réhahn tỏ ra rất giỏi. Anh tích cực trên mạng xã hội với hơn 400 ngàn người theo dõi hình ảnh anh chụp liên tục. Anh xuất hiện ở các triển lãm trong vai trò khách mời, gây chú ý với những cơ quan thông tấn báo chí (nơi giúp anh bán ảnh đi khắp thế giới), và hợp tác với những trang web có lượt người đọc cao như Huffington Post, Daily Mail, Elle… Không nghi ngờ gì khi anh nói rằng “Việc bán được ảnh là quá trình dài hơi, cần sự đầu tư nghiêm túc.” Nhiều người có thể chụp hình đẹp, và họ cũng có thể có website, nhưng các hoạt động để đủ gây tiếng vang lại cần một sự bền bỉ, “năng nhặt chặt bị,” đúng như câu nói rằng thành công tưởng chừng sau một đêm lại cần rất nhiều thời gian chuẩn bị trước đó.
Theo giám tuyển Như Huy, “nghệ thuật là giá trị ảo. Nó được xây dựng trên lòng tin và uy tín. ” Khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu về tôn trọng bản quyền, và thị trường của thế giới và Việt Nam tiếp cận với nhau thì chính là thời điểm thuận lợi cho nghệ thuật Việt Nam có cơ hội tăng giá trị.
Tác giả: Khổng Loan
@Forbes Việt Nam số 44, tháng 1.2017
Xem bản đầy đủ trên báo in.