Forbes Việt Nam số 46: Vương Thị Ngọc Lan – Khoảnh khắc diệu kỳ

@Forbes Việt Nam số 46, chuyên đề Danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017. Tháng 3.2017

Phòng khám Ngọc Lan ở quận 1 (TP.HCM) luôn đông bệnh nhân từ sáng tới tối. Họ tới từ khắp mọi nơi ở Việt Nam và cả trên thế giới. Đây là một trong những phòng khám ngoài giờ có quy mô lớn trong lĩnh vực phụ sản và là địa chỉ được nhiều cặp vợ chồng tìm đến khi gặp khó khăn trong sinh nở. Ngoài giờ làm việc tại ĐH Y dược TP.HCM, bệnh viện phụ sản Từ Dũ và bệnh viện đa khoa Mỹ Đức, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan có mặt ở đây vào khoảng 5h – 7h tối mỗi ngày, trong chiếc áo blouse trắng, bà tư vấn cho người đến khám trong một phòng khám nhỏ như các đồng nghiệp khác. Bà nhận khoảng 20 trường hợp mỗi ngày, với lý do là muốn dành thời gian đủ để tư vấn, “vì nếu không họ sẽ phải chờ lâu và lại có cảm giác không được quan tâm chu đáo,” bà cho biết.

Bác sĩ Lan, 46 tuổi, được xem là “mát tay” trong điều trị hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF), lĩnh vực mà Việt Nam mới tham gia được 20 năm nay (chậm hơn so với thế giới 20 năm). Giống như chồng là bác sĩ Hồ Mạnh Tường, bác sĩ Lan có sự nghiệp gắn liền với quá trình phát triển IVF của Việt Nam. Bà có ảnh hưởng lớn tới đội ngũ chuyên gia y tế trong lĩnh vực này ở trong nước và khu vực, thông qua giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm tích lũy được trong nghiên cứu và thực hành ở hầu hết các cơ sở điều trị IVF tại TP.HCM. Bà thuộc trong số những tên tuổi hàng đầu đưa Việt Nam vào bản đồ các nước mạnh về điều trị IVF có tỉ lệ thành công cao và ổn định, khoảng 45%. Trong số khoảng 3.000 ca IVF ở Mỹ Đức hằng năm, nơi bà cộng tác để thực hiện cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, bác sĩ Lan thực hiện khoảng vài trăm ca. Forbes Việt Nam chọn bà là một trong 50 gương mặt phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 vì vai trò của bà là một trong những người tiên phong và bền bỉ nghiên cứu, thực hành IVF, đem lại hạnh phúc cho những gia đình hiếm muộn 20 năm qua.

Tại Việt Nam, tỉ lệ hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh nở là khoảng 7,7%, tương đương với khoảng một triệu cặp. Theo bác sĩ Tường, hiện là tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM, mỗi năm, Việt Nam thực hiện hơn 15 ngàn chu kỳ IVF (một cặp vợ chồng có thể phải làm nhiều chu kỳ nếu chưa may mắn thành công), tương đương với Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan, và lớn hơn so với Singapore, Philippines hay Malaysia (xem bảng). Nhu cầu về IVF ngày càng tăng cao, một phần do sự hiểu biết xã hội về hiếm muộn và tiến bộ y học đã giúp cải thiện tỉ lệ thành công hơn so với cách nay 20 năm.

Hành trình IVF đến Việt Nam không phải là “màu hồng” như các số liệu về tỉ lệ thành công hiện nay. Hành trình này bắt nguồn từ sự dấn thân của mẹ bác sĩ Lan, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng thời bà làm giám đốc bệnh viện phụ sản Từ Dũ cuối những năm 1990.

“Có lẽ mình sinh ra dưới một ngôi sao may mắn,” bác sĩ Lan nói với Forbes Việt Nam. Bà là “đệ tử ruột” của bác sĩ Phượng khi là người con duy nhất theo chuyên ngành của mẹ, một tên tuổi lớn về sản phụ khoa của Việt Nam và có chồng sát cánh cùng lĩnh vực mà cả hai đều gọi là “cuộc sống của mình.” Cả ba cùng chung sống trong ngôi nhà phố điển hình sơn màu xanh, ở con hẻm rộng, yên tĩnh tại quận 1, TP.HCM. Điểm nhấn dễ nhận thấy nhất nơi đây là dãy dài tủ sách dựa vào tường, những mảng tường trống còn lại đầy những hình ảnh vẽ ngẫu nhiên của cả thời thơ ấu của các con gái bác sĩ Lan. Những bữa cơm tối của gia đình cũng là thời gian mà ba chuyên gia đầu ngành về phụ sản và IVF hội chẩn về những ca khó. Bác sĩ Phượng nghỉ hưu năm 2005 sau những tháng ngày làm việc miệt mài ở bệnh viện Từ Dũ, nơi cũng chứng kiến những ngày liên miên làm việc tại khoa Hiếm muộn của bác sĩ Lan và Tường trong hơn 10 năm đầu tiên kể từ sau khi họ tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM. “Nhiều lúc tôi rầy Lan vì hay bỏ bữa, nhiều công việc quá, thì Tường hay trả lời rằng ‘má đừng rầy, vì đó chỉ là một bản photocopy của má mà thôi,” bà Phượng cười khi nhắc đến giờ giấc làm việc trước đây của con gái.

“Nếu ông xã không làm cùng ngành, thực sự, chắc có lẽ không ai sống được với tôi. Vì họ không thể hiểu được tại sao vợ cứ đi hoài không ở nhà,” bác sĩ Lan nói về công việc mà mình đã làm 20 năm nay, khi kể về chuyện mình đã phải vào bệnh viện chuyển phôi cho một ca khó chỉ ba tuần sau khi sinh con thứ hai. Bà có dáng người dong dỏng và khuôn mặt thanh tú, lối nói chuyện dứt khoát: “Công việc của tôi thì phải làm tốt, khâu nào cũng phải tốt thì cơ hội thành công mới cao.”

Tại Anh vào năm 1978, Louise Joy Brown là người đầu tiên trên thế giới ra đời nhờ IVF – kỹ thuật lấy noãn và tinh trùng kết hợp với nhau ở ngoài cơ thể, tạo thành phôi, rồi phôi được chuyển vào buồng tử cung, phát triển thành thai nhi. Bác sĩ Phượng nhớ lại bà thấy tự ái khi Việt Nam quá chậm so với thế giới về IVF, trong khi nước láng giềng Thái Lan đã làm được.

Bà tìm hiểu, nhưng giấc mơ xa vời khi biết chi phí cho một cơ sở IVF là khoảng ba triệu đô la Mỹ, ở thời mà đời sống người dân còn thiếu thốn nhiều thứ sau chiến tranh. Cơ hội đến khi bà được mời sang ĐH Nice Sophia Antipolis (Pháp) giảng dạy năm 1994. Bà tiết kiệm tiền tài trợ trong một năm đủ để mua máy móc thiết bị chuyển về Việt Nam (với giá không đắt như ban đầu bà lo sợ.) Nhưng đầu tư  thiết bị chỉ là khó khăn ban đầu. Dù được sự hậu thuẫn của bí thư đảng ủy, bác sĩ Tạ Thị Chung (Hai Chung) của bệnh viện Từ Dũ, bà gặp phải nhiều ý kiến phản đối hơn.

Theo lời kể của bác sĩ Tường, thậm chí có người trong ngành đã gửi thư cho Quốc hội yêu cầu cấm làm IVF vì sợ sinh ra quái thai. Ngoài ra, Việt Nam đang tập trung hạn chế dân số, không coi vô sinh, hiếm muộn là vấn đề y tế. Nhưng những bi kịch do hiếm muộn mà bác sĩ Phượng chứng kiến trong sự nghiệp đã khiến bà quyết tâm làm. (Đến giờ, ở tuổi 73, bà vẫn kể lại minh mẫn về những trường hợp gọi điện thoại cho bà thông báo ý định tự tử vì không thể sinh con cách nay vài chục năm).

Bà gợi ý bác sĩ Tường, khi đó 28 tuổi, gày gò chưa đầy 50kg, vừa tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM đi Pháp học về IVF, đặc biệt là khâu tạo phôi với sự hỗ trợ tài chính một phần của Việt kiều Pháp là GS. Trần Đình Khiêm và tiền bà cho mượn. Bệnh viện phía Pháp cho học không tốn tiền. Theo lời bà Phượng, bà chọn bác sĩ Tường vì ông biết ngoại ngữ, và tính tình điềm đạm, thận trọng. Sau ba tháng, trải qua nhiều bỡ ngỡ và khó khăn từ ngôn ngữ tới môi trường sinh hoạt và chuyên môn, bác sĩ Tường trở về với những ghi chép chi tiết tỉ mỉ và sự hiểu biết ban đầu về IVF. Bệnh viện Từ Dũ sau đó mời đoàn bác sĩ từ bệnh viện La Republique (Nice, Pháp) sang để chuyển giao kỹ thuật cho khoa Hiếm muộn trong sự hồi hộp đến mất ngủ và bạc cả tóc của bác sĩ Phượng, khi đó 53 tuổi, gần nghỉ hưu. Uy tín của bà cùng những người ủng hộ bà đặt cả vào dự án đầy tham vọng và nhiều rủi ro này.

Ngọc Lan không phải là người được mẹ chọn vào ê-kip đầu tiên tham gia thực hiện IVF. Năm 1997, vừa ra trường, rảnh rỗi, Lan hỗ trợ mẹ làm hồ sơ các trường hợp được điều trị. Dù chỉ làm “lon ton” vòng ngoài, những ghi chép tỉ mỉ, sự thông hiểu người được điều trị của Lan khiến các bác sĩ Pháp ấn tượng, và sau đó họ đề nghị đưa Lan vào ê-kip đầu tiên. Bà trở thành người đầu tiên phía đoàn Việt Nam chuyển phôi đậu thai, và bé gái Phạm Tường Lan Thy ra đời năm 1998, đánh dấu cột mốc quan trọng để IVF phát triển tại đây.

“Tôi nghĩ hoàn toàn do mình may mắn mà thôi,” bác sĩ Lan nhớ lại. “Vì mình hoàn toàn làm theo hướng dẫn của phía Pháp chứ không làm khác gì cả.” Cha mẹ của Thy đặt con mình có tên lót theo tên bác sĩ Lan và bác sĩ Tường.
Với sự thành công của Từ Dũ, năm 2000, bệnh viện phụ sản Trung ương tại Hà Nội thực hiện ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên.

Khoa Hiếm muộn của bệnh viện Từ Dũ đón lượng bệnh nhân từ khắp nơi đổ về. Các bác sĩ liên tục làm việc từ 6h sáng đến 9h tối, nhưng vẫn chứng kiến những trường hợp phải chờ hai năm mới tới lượt. Nhưng rốt cuộc, những bác sĩ trụ lại rất ít, trong đó có bác sĩ Lan, bác sĩ Tường và kỹ thuật viên Nguyễn Thị Mai. Bà Lan giải thích vì bà khi đó không phải quá lo lắng về tài chính do sống cùng mẹ, khác với các bác sĩ khác phải có gia đình chăm sóc, cần thu nhập tốt hơn ở khoa Hiếm muộn. Đến nay, 20 năm sau, những người tham gia trực tiếp vào những đợt IVF đầu tiên ở Từ Dũ đều đã rời khỏi khoa Hiếm muộn. Bác sĩ Phượng rời khỏi vị trí cố vấn bệnh viện Từ Dũ năm 2006, một năm sau khi nghỉ hưu và hiện là cố vấn cho bệnh viện Mỹ Đức và đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức (IVFMD). Bà vẫn thăm khám bệnh nhân, và thực hiện phẫu thuật dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm.”

Bệnh viện Từ Dũ sau đó cử bác sĩ Lan và Tường đi học chuyên sâu về IVF ở Singapore, trong khi giám đốc bệnh viện Phượng bị phê bình. Khi đó, ở tuổi gần nghỉ hưu, bà Phượng quyết định chỉ là người tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển, mà không trực tiếp bắt tay vào thực hiện kỹ thuật các ca điều trị. Bà gạt đi những ý kiến phản đối việc chọn bác sĩ Lan và Tường đi đào tạo do họ còn trẻ, chưa có thành tích. “Tôi nói là phải cho một loạt bác sĩ trẻ làm, vì họ có ngoại ngữ, tiếp thu cái mới dễ hơn, mắt sáng, tay không run, kết quả mới tốt.” Bà kỳ vọng lớp trẻ có thời gian tích lũy kinh nghiệm từ thực tế, học tập tiến bộ nước ngoài, và họ sẽ có sáng kiến giúp Việt Nam tiến vượt bậc hơn trong lĩnh vực này.

Kỳ vọng đó thành sự thật, khi cả bác sĩ Lan và Tường nay đều trở thành chuyên gia đầu ngành về IVF của Việt Nam và khu vực. “Lan là người đặc biệt thích hợp để làm IVF, công việc đòi hỏi kiên nhẫn, khéo tay,” bác sĩ Tường nói về người vợ cũng là cộng sự của mình.  Họ  kết hôn năm 1999, và có con đầu lòng năm 2000.

“Không phải đơn giản để chúng tôi làm được việc mà không ai nghĩ làm được là đưa Việt Nam trở thành một tên tuổi quan trọng trong lĩnh vực IVF ở khu vực. Không chỉ khu vực mà trên thế giới, những người làm IVF đều biết đến Lan,” ông nói. Trở về từ Singapore, họ cải thiện quy trình điều trị IVF, nâng tỉ lệ thành công từ 15% trước đó lên 35%. Sau 20 năm, Việt Nam có 24 trung tâm IVF, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, và khoảng 400 chuyên gia trong lĩnh vực này. Bác sĩ Lan và Tường là người hỗ trợ, tư vấn, giảng dạy chính cho đa số. Từ các hoạt động đào tạo mà bác sĩ Lan và Tường thực hiện, Việt Nam cũng là trung tâm đào tạo IVF lớn nhất khu vực ASEAN và là nước đứng đầu khu vực về số báo cáo khoa học tại các hội nghị quốc tế khu vực và số công bố quốc tế về IVF.

“Tôi vẫn hướng dẫn học trò rằng bác sĩ không cần phải thông minh. Đức tính cần nhất là thương bệnh nhân và thận trọng tối đa trong nghề nghiệp của mình,” bác sĩ Phượng lý giải sự “mát tay” của con gái mình, “Trong số những học trò của tôi, Lan là người thận trọng nhất. Giỏi chuyên môn mà lơ là, không thận trọng thì thường kết quả không tốt, còn ảnh hưởng nguy hiểm cho bệnh nhân. Không phải vấn đề là “mát tay,” mà là do thận trọng.”

Quá trình bác sĩ Lan cùng chồng tham gia phòng khám Ngọc Lan và bệnh viện đa khoa Mỹ Đức xuất phát từ mong muốn và tầm nhìn được kiểm soát lĩnh vực mình làm mà không bị chi phối bởi các yếu tố tài chính hay chính trị của tổ chức. Sau khi bác sĩ Phượng nghỉ hưu năm 2005, bác sĩ Lan bị đề xuất chuyển công tác tới nơi không thuộc sở trường. “Tôi như con cá bị nhấc ra khỏi nước, đêm nào cũng khóc, lo lắng, cuộc sống rất căng thẳng,” cựu phó khoa Hiếm muộn nhớ lại.

Bà chuyển về ĐH Y dược TP.HCM. Bác sĩ Tường cũng rời khỏi vị trí trưởng khoa năm 2006. Họ cùng với một nhóm các bác sĩ mở phòng khám tại quận 5 (TP.HCM), lấy tên Ngọc Lan vì “nghe cái tên thì mọi người đều biết là bác sĩ làm IVF, cũng là một cách tiếp thị,” bác sĩ Lan giải thích.

Phòng mạch thu hút đông bệnh nhân và họ chuyển đến cơ sở rộng hơn ở quận 1, TP.HCM. Qua thời gian hùn vốn với những cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ IVF ở các bệnh viện tư như Vạn Hạnh, An Sinh, bác sĩ Lan và Tường nhận thấy trong khi tập trung vào chuyên môn, họ cũng cần có vai trò quyết định nhiều hơn trong bệnh viện nhằm cải thiện tình hình điều trị.

“Lĩnh vực IVF luôn phát triển nhanh vượt trội so với bộ máy điều hành ở cả bệnh viện công và tư,” bác sĩ Tường, hiện chủ yếu phụ trách về phát triển nhân sự tại bệnh viện Mỹ Đức, trong lúc nắm vị trí giám đốc trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản, khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM và thường trực Ban chấp hành hội Sinh sản châu Á-Thái Bình Dương (ASPIRE) cho biết. Theo ông, IVF không còn được xem là lĩnh vực công nghệ cao nữa, mà thách thức nằm ở quy trình vận hành, tức là quy trình vận hành càng tốt thì tỉ lệ thành công càng cao.

Cùng với nhóm các bác sĩ và những cộng sự làm việc với mình, họ thế chấp nhà, phòng mạch, lấy tiền đầu tư thông qua công ty Hy Vọng, nơi ông Tường hiện là CEO và sở hữu 20% cổ phần. Thương vụ mua lại hoàn tất năm 2012. Họ phát triển bệnh viện này mạnh về IVF khi đầu tư cho dịch vụ này từ năm 2014, và chuẩn hóa quy trình đạt chuẩn thế giới. Hiện nay, theo bác sĩ Tường, nhóm của họ thực hiện số chu kỳ IVF lớn nhất ở Đông Nam Á, trong khi hạn chế được những xung đột giữa lợi nhuận và chuyên môn khi không nhận đầu tư từ các cá nhân đầu tư chuyên nghiệp hay tổ chức đầu tư lớn.

Nhu cầu điều trị vô sinh không phân biệt giàu nghèo. Cho dù tại Việt Nam, chi phí điều trị khoảng 70 triệu đồng/ chu kỳ được xem là thấp nhất trên thế giới (xem biểu đồ), giá tiền vẫn là rào cản. “Tiềm năng IVF sẽ phát triển tùy vào sự phát triển về kinh tế của Việt Nam,” bác sĩ Tường cho biết. Theo đó, lĩnh vực IVF được dự báo là sẽ rất lớn ở Việt Nam, do là một nước đông dân, kinh tế đang cải thiện nhanh và việc có con là điều quan trọng trong suy nghĩ của người dân.

Bác sĩ Lan và Tường không giữ bí quyết trong nghề nghiệp. Họ cho biết mình chia sẻ cho tất cả những ai có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, kể cả đối thủ của mình. Trong năm 2016, IVFMD đã hợp tác tổ chức đào tạo và chuyển giao công nghệ cho 22 học viên là bác sĩ, chuyên gia phôi học từ các nước trong khu vực như Malaysia, Phillipines, Indonesia, Thái Lan, bên cạnh việc đào tạo cho 34 học viên là bác sĩ, chuyên gia phôi học, nam khoa của các bệnh viện, trung tâm cả nước.

Bác sĩ Lan nói: “Vì đằng nào họ cũng làm. Nếu họ làm đúng thì sẽ tránh sai sót và hạn chế thiệt hại cho bệnh nhân.” Với “máu” giảng dạy nghề y có sẵn và tư duy giúp đỡ hỗ trợ cộng đồng của bác sĩ Phượng đã ăn sâu vào con cái, họ khiến các đoàn nước ngoài khi đến tìm hiểu ngạc nhiên. “Mục tiêu của chúng tôi là làm tốt hơn chuyên môn của mình,” bác sĩ Tường lý giải việc sẵn sàng chia sẻ hiểu biết chuyên môn của mình. Ông cho biết Mỹ Đức, với doanh thu khoảng 200 tỉ đồng/năm vẫn chưa có lời vì họ đầu tư để thực hiện nghiên cứu và công bố trên các ấn phẩm chuyên ngành quốc tế. Trong lúc bác sĩ Tường tập trung phát triển mạng lưới, nhân sự, chuẩn hóa quy trình, bác sĩ Lan đầu tư vào chuyên môn. Hiện nay, mỗi ngày, các bác sĩ ở phòng khám Ngọc Lan thăm khám cho khoảng 60 cặp vợ chồng đến nghe tư vấn về điều trị hiếm muộn. Còn ở Mỹ Đức  là khoảng 20 cặp.

Khoảnh khắc chờ đợi nhất của những cặp vợ chồng hiếm muộn sau khi chuyển phôi là nhận được cuộc điện thoại vào buổi sáng, thông báo đã đậu thai và hẹn chiều đến lấy thuốc uống dưỡng thai. Nhưng không phải ai cũng gặp may mắn ngay từ lần đầu tiên làm IVF. Có người đã thực hiện 5 lần thụ tinh ống nghiệm ở nước ngoài, 3 lần ở Việt Nam trong khoảng 10 năm, tổng số lần chuyển phôi là 14 lần, và cuối cùng đã thành công. Chỉ có thể nói là ông Trời thử thách sự kiên trì của cả người điều trị và cả bác sĩ.

Trong 20 năm, thật khó đếm được hết những khoảnh khắc mà bác sĩ Lan có mặt trong phòng phẫu thuật để thực hiện các thủ thuật chọc hút trứng, chuyển phôi, hay hạnh phúc khi nhìn thấy những phôi đang phát triển tốt và được xếp hạng “đẹp“ trong phòng nuôi cấy.  Chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi, nhưng những chiếc phôi này mang theo bao kỳ vọng của biết bao gia đình.

“Tôi nghĩ có những khoảnh khắc một chút xíu thôi, như khi tôi đưa phôi vào buồng tử cung, mà mình thay đổi cuộc sống của người khác, hạnh phúc hay chia tay,” bác sĩ Lan nói, “Nên mỗi khi làm, tôi tập trung dữ lắm. Tôi không bao giờ thấy chán dù làm động tác không biết bao nhiêu lần,” bác sĩ Lan cho biết.

Tác giả: Khổng Loan

@Xem đầy đủ trên tạp chí Forbes Việt Nam số 46, chuyên đề Danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017

Comments