@Forbes Việt Nam số 46, chuyên đề Danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017. Tháng 3.2017
Vàng Thị Mai là người phụ nữ bận rộn: Gọi điện cho bà thì lúc bà đang ở chỗ ruộng trồng cây lanh, lúc đang tiếp khách đến thăm quan nhà xưởng. Tranh thủ dịp đến Hà Nội vào đầu tháng 2.2017 để chụp hình cho Forbes Việt Nam, bà có mấy cuộc hẹn để giao dịch bán hàng, làm việc với các nhà thiết kế thời trang đang muốn hợp tác với bà.
Bà Mai là người sáng lập hợp tác xã sản xuất vải lanh truyền thống thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang, một tỉnh sát biên giới phía bắc có đa số người dân tộc Mông, sinh sống thưa thớt ở đồi núi, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp và du lịch. Bà điều hành, đào tạo nhân sự, phát triển kinh doanh, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm lanh thổ cẩm do những nghệ nhân và thành viên của hợp tác xã làm ra.
Forbes Việt Nam chọn bà vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 vì vai trò tiên phong trong việc đưa sản phẩm dệt lanh thổ cẩm có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế. Việc làm này giúp cải thiện đời sống của phụ nữ, thay đổi tư duy truyền thống trọng nam khinh nữ của người Mông khi người phụ nữ trở thành trụ cột kinh tế gia đình. Ngoài ra, mô hình này sử dụng nguyên liệu địa phương, giúp người dân tiếp tục gắn bó và duy trì, phát triển những giá trị truyền thống của dân tộc.
Bà Mai, 55 tuổi, tháo vát, lúc nào cũng đầy sức sống, lanh lẹn, nhiệt tình trả lời mọi câu hỏi. Doanh thu của hợp tác xã là 1,2 tỉ đồng cho năm 2016 (lợi nhuận 800 triệu đồng), nhưng con số này đã cải thiện rất nhiều so với 100 triệu đồng cách nay sáu năm. Thu nhập xã viên trung bình khoảng ba triệu đồng/tháng (cách nay năm năm là khoảng 900 ngàn đồng).
Từ xưa tới nay, vải lanh có giá trị đặc biệt trong văn hóa người Mông: Người con gái luôn cố gắng trồng cây lanh, xe sợi, dệt, may cho mình bộ quần áo vải lanh thổ cẩm bền chắc và độc đáo nhất để mặc vào những dịp đặc biệt; khi họ lấy chồng cũng phải có bộ quần áo bằng vải lanh, rồi khi qua đời cũng phải được chôn cùng bộ quần áo bằng vải lanh để “tổ tiên nhận ra mình.” Họ có khi dành cả năm trời để tự làm được một bộ trang phục như vậy. Quá trình làm được tấm vải lanh mới thật kỳ công.
Với 41 công đoạn, từ trồng cây lanh, tới phơi, tước vỏ, tước sợi, dập, luộc, hay nhuộm màu, dệt vải, vẽ sáp ong… làm ra miếng vải lanh thổ cẩm đòi hỏi người phụ nữ sức khỏe, khéo léo, tỉ mẩn. Nhưng cuộc sống của người Mông còn nghèo, không đủ ăn. “Thu nhập mỗi tháng không được một bữa thịt,” bà kể. Đàn ông hay say xỉn, bạo hành vợ.
Người Mông ở Hà Giang gặp khó khăn mà đa số các làng nghề hay nghệ nhân ở Việt Nam cũng gặp phải là không tìm được thị trường cho sản phẩm. Họ chỉ sản xuất cho mình, trong khi làm các công việc khác như trồng trọt mang lại thu nhập thấp hơn, trong khi tay nghề, truyền thống dần mai một. Sau 20 năm làm hội trưởng phụ nữ Lùng Tám, bà Mai lập hợp tác xã dệt lanh, hiện có 130 phụ nữ Mông, chín tổ sản xuất ở ba xã trên tổng số 13 xã của huyện.
Theo lời bà Mai, hợp tác xã ra đời ban đầu từ sự hỗ trợ của một cặp vợ chồng người Thụy Điển đến dạy trồng rừng ở Hà Giang (nhưng không thành công). Họ nhìn thấy tấm vải lanh đang phơi bên hàng rào và hỏi bà về nguồn gốc xuất xứ. Bà Mai kể cho họ về cách làm kỳ công và vai trò đặc biệt của vải lanh trong đời sống tinh thần người Mông. Họ thấy ấn tượng và giới thiệu sản phẩm này tới các đại sứ quán. Năm 1998, những ý tưởng bắt đầu được thai nghén và năm 2001, hợp tác xã ra đời với số vốn ban đầu 13 triệu đồng của bà Mai dành dụm được.
Mười thành viên ban đầu là những phụ nữ tình nguyện tham gia. Bà Mai cầm tay chỉ việc, trước hết là thuyết phục họ dành đất để trồng cây lanh thường xuyên, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Nhưng việc này khi đó rất khó khăn, các xã viên bị chồng hay cha chồng mình phản đối vì người Mông muốn trồng cây lương thực để có cái ăn như ngô hay đậu; trồng lanh thường là việc phụ vì người phụ nữ chỉ xe lanh dệt vải lúc nông nhàn. Giờ đây, ở Lùng Tám, người chồng không còn ngăn cấm vợ tham gia hợp tác xã nữa khi thấy vợ có thu nhập tốt, ổn định hơn. Nếu người phụ nữ tham gia vào công việc ngoài xã hội là điều bình thường tại các đô thị, với người Mông, đó là sự thay đổi to lớn.
“Hợp tác xã không bao giờ đóng cửa,” bà Mai nói với Forbes Việt Nam. “Chúng tôi sẵn sàng dạy nghề cho tất cả chị em quan tâm và muốn làm.” Bà đào tạo cả các em nhỏ tuổi có hoàn cảnh khó khăn ngoài giờ học, để các em làm một số công đoạn đơn giản như xe sợi, nối sợi, sáng tạo mẫu thêu với sự hỗ trợ của các nghệ nhân. Có những xã viên từng làm công nhân may ở tỉnh Bình Dương, giờ về làm việc ở Lùng Tám vì lương cao hơn và lại được gần nhà. Có những xã viên tham gia từ lâu, xuất sắc, tích cóp xây được nhà, mua được ti vi. Bà tổ chức các buổi đào tạo để các nghệ nhân dạy các xã viên mới, thậm chí trả tiền cho xã viên mới đi học, theo lời bà kể.
Chính quyền địa phương giờ đã công nhận và khuyến khích các hoạt động ngày một mở rộng của hợp tác xã. Giờ họ làm cả quần áo, trang sức, phụ kiện, trang trí, chứ không chỉ làm những sản phẩm vải đơn giản.
Nguyễn Huyền Châu, hiện làm tại dự án Xây trường cho em và điều phối viên dự án tại Live & Learn Việt Nam, sau ba lần đến tìm hiểu ở Lùng Tám thấy ấn tượng với sự dạn dĩ và thân thiện của các xã viên. “Đó là hợp tác xã toàn thành viên nữ, rất khác so với các bản Mông mà tôi từng làm việc cùng ở vùng sâu vùng xa trước đó, nơi vai trò của phụ nữ trong cộng đồng thường thụ động hơn, thường là quẩn quanh bếp núc,” Châu kể.
Bà Mai tận dụng cơ hội tham gia hội chợ quốc tế theo lời mời của các đại sứ quán hay hợp tác với nhà thiết kế như Minh Hạnh, hay Del Valle Cortizas Diego (Chula Fashion) để thấy tổng thể của thị trường, nhu cầu và sự ủng hộ với sản phẩm sáng tạo bền vững, mang tính địa phương. Toàn bộ sản phẩm dệt lanh đều được sản xuất từ nguyên liệu thiên nhiên, tốn công nhưng bền màu. Do toàn bộ quá trình làm bằng tay nên chi phí sản phẩm của lanh Lùng Tám cao hơn so với các vùng khác. Tuy nhiên, bà Mai vẫn duy trì phương pháp này, vì bà bán được giá cao, và sản phẩm có thể xuất hiện ở những nơi trang trọng hay trên các sản phẩm thời trang cao cấp.
Trong các tour du lịch đến Hà Giang, làng dệt lanh Tám giờ là địa chỉ thu hút khách. Ở đấy, có thể bạn sẽ gặp nghệ nhân Mai trong trang phục Mông cho dù thời tiết nắng nóng, đon đả mời khách xem hàng, giới thiệu các công đoạn, rồi thậm chí mời họ ở lại ăn cơm. Người phụ nữ học hết lớp 9 này đang muốn mở rộng hoạt động ra các địa phương khác, đặt chiến lược năm 2017 – 2020 là hợp tác xã sẽ có thêm 50 héc ta trồng lanh, thu hút 400 thành viên vào hợp tác xã, mỗi thôn sẽ có một nhóm xã viên khoảng 10 người. Bà cũng muốn đào tạo các bạn trẻ biết dùng máy tính, làm du lịch, bán được hàng để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại hộ gia đình. “Nghe thì tốt thế, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn lắm,” bà nói. Hợp tác xã vẫn là những căn nhà đơn sơ, các khung dệt đã cũ, số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Sức mạnh của người phụ nữ Mông vẫn luôn luôn có sẵn. Bà Mai đang tìm cách dẫn dắt họ khai thác sức mạnh đó nhằm cải thiện đời sống. Sau bước đi đáng khích lệ ban đầu, công việc tìm thị trường cho sản phẩm sẽ nhiều hơn và thách thức hơn với bà Mai.
Tác giả: Khổng Loan
@Xem đầy đủ trên tạp chí Forbes Việt Nam số 46, chuyên đề Danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017