Forbes Việt Nam số 39.(tháng 8.2016)
Cùng nhắm tới mục đích tạo dựng những doanh nghiệp bền vững trong môi trường kinh doanh và xã hội bền vững, năm 2011, trên tạp chí Harvard Business Review (HBR), hai nhà nghiên cứu Michael E. Porter và Mark R. Kramer lần đầu tiên đưa ra hướng tiếp cận mở rộng hơn so với khái niệm CSR truyền thống, gọi là “tạo giá trị chung” (Creating Shared Value, CSV).
Tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo về tạo giá trị chung tại Boston năm 2013, giáo sư Michael E. Porter (trường Kinh doanh Harvard) phát biểu, bên cạnh vai trò tạo ra lợi nhuận kinh doanh, đã có sự chuyển biến lớn trong cách tiếp cận về vai trò của doanh nghiệp trong xã hội. Đó là từ hoạt động từ thiện (tặng tiền cho các mục đích xã hội có ý nghĩa, hoạt động tình nguyện), tới CSR (tuân thủ các chuẩn mực của cộng đồng, là một công dân doanh nghiệp tốt, “bền vững”) đến cách tiếp cận mới nhất là CSV, tức là tích hợp các vấn đề và thách thức xã hội vào quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp.
Theo Porter và Kramer, có ba cấp độ về CSV, bao gồm: Đáp ứng nhu cầu xã hội thông qua các sản phẩm, tiếp cận những khách hàng chưa được phục vụ hoặc chưa được phục vụ tốt; Tái định nghĩa “hiệu suất” trong chuỗi giá trị bằng cách sử dụng các nguồn lực, nhà cung cấp, logistics và nhân viên một cách hiệu quả hơn; Cải thiện môi trường kinh doanh địa phương bằng cách cải thiện kỹ năng, nền tảng cung ứng, môi trường pháp lý và hỗ trợ các tổ chức trong cộng đồng mà doanh nghiệp hoạt động. Ví dụ một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tư vấn cho nông dân về phương thức trồng trọt, giúp họ có được giống, phân bón, thuốc trừ sâu, và trả giá cao hơn giá nếu sản phẩm tốt hơn. Năng suất và chất lượng cải thiện giúp thu nhập nông dân tăng, ảnh hưởng xấu tới môi trường giảm, nguồn hàng cho doanh nghiệp ổn định và chất lượng sản phẩm cải thiện. Như vậy, “giá trị chung” được tạo ra.
Hay một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đưa CSV vào chiến lược hoạt động của mình bằng cách dùng thế mạnh về công nghệ thông tin và lấy giá trị cốt lõi công nghệ để hỗ trợ xã hội giải quyết các bài toán giao thông, y tế và vừa tạo ra hướng kinh doanh mới cho công ty trong lúc mang lại lợi ích cho xã hội.
CSV và CSR có giống nhau về bản chất, tức là “doing well by doing good” – doanh nghiệp thành công về kinh tế bằng cách làm việc tốt?
“Giá trị chung” – CSV – mà doanh nghiệp tạo ra mang tính chủ đích và tập trung, mở ra nhu cầu mới, thị trường mới, chuỗi giá trị mới và các cách suy nghĩ mới về kinh doanh. Điều này giúp tạo ra cơ hội mới trong quá trình định vị chiến lược và lợi thế cạnh tranh mới.
Không giống CSR có xu hướng bị các yếu tố bên ngoài thúc đẩy và bị xem như khiến doanh nghiệp tốn chi phí, CSV được tạo dựng từ bên trong doanh nghiệp, là tâm điểm của chiến lược kinh doanh, tạo ra lợi nhuận. CSR là thiên về trách nhiệm; CSV thiên về tạo ra giá trị. Theo Kramer, hiện là giám đốc điều hành và sáng lập Foundation Strategy Group, LLC ở Boston, chủ tịch và sáng lập Center for Effective Philanthropy, Inc. ở Cambridge, CSR là cách tiếp cận khác với CSV, dù hai khái niệm này có sự chồng chéo.
Sau 5 năm giới thiệu ý tưởng về CSV, theo ông Kramer, nhiều công ty lớn áp dụng ý tưởng về “giá trị chung,” và tích hợp mục tiêu xã hội vào chiến lược doanh nghiệp. Ví dụ tạp chí Fortune đã xuất bản danh sách các công ty “đang thay đổi thế giới” (Change the world) năm 2015.
Ông cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thấy các tổ chức phi chính phủ (NGO) đánh giá cao khái niệm này và háo hức phát triển các mối quan hệ hợp tác về giá trị chung với doanh nghiệp. Có các bằng chứng rằng các nhà đầu tư có thể cải thiện lợi nhuận bằng cách xem xét đánh giá CSV trong các phân tích chứng khoán của mình.”
Trong bối cảnh sự hiểu biết thực sự về CSR ở các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, theo bà Dana Doan, sáng lập và cố vấn chiến lược của trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN tại TP.HCM, ở thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp cần phải vượt ra khỏi những hoạt động CSR cơ bản (mà cơ bản nhất là không làm tổn hại tới môi trường và cộng đồng trong khi tìm kiếm lợi nhuận), họ cần tập trung nhiều hơn vào thực hiện CSV. “Các nghiên cứu gần đây của Cimigo và Nielsen cho thấy thế hệ Thiên niên kỷ đang ngày càng tạo áp lực cho các công ty phải có những đóng góp tích cực hơn nữa cho xã hội, nên việc chuyển đổi sang CSV sẽ sớm diễn ra,” bà nhận xét.
Vậy có phải các doanh nghiệp ở các nước đã phát triển dễ dàng tích hợp CSV vào chiến lược kinh doanh của mình hơn so với ở các nước đang phát triển? Trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam, ông Kramer cho rằng, qua nghiên cứu, ông gặp nhiều ví dụ về CSV ở các thị trường đang phát triển hơn, một phần vì hạ tầng, sản phẩm và các hệ thống phân phối ở các thị trường đang phát triển thường kém hơn, nên các công ty muốn phát triển kinh doanh thường sẽ phải nghĩ cách vượt qua những hạn chế của môi trường đó.
Ông chia sẻ thêm: “Với các nước đang phát triển như Việt Nam, có rất nhiều lợi ích để đưa doanh nghiệp tham gia giải quyết các thách thức xã hội, phát triển hạ tầng, cải thiện năng suất của các hộ gia đình nhỏ, giúp đào tạo huấn luyện nhân lực. Các doanh nghiệp có những khả năng độc đáo để đáp ứng nhu cầu xã hội. Họ không thể thay thế vai trò của chính phủ hay NGO, nhưng họ có thể là đối tác quan trọng trong quá trình phát triển xã hội.”
GS Michael Porter viết trên HBR, lối tiếp cận tạo ra giá trị chung này giúp tái kết nối thành công của công ty với sự tiến bộ của xã hội. Theo ông, để làm được như vậy, các chủ doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, trong đó, khó khăn là họ phải rời xa mục tiêu hạn hẹp là lợi nhuận mà tập trung vào tạo dựng giá trị chung, tầm nhìn và mục tiêu lâu dài, rộng hơn.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, giám đốc văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI) kiêm tổng thư ký hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), các doanh nghiệp Việt Nam hiểu về cách tiếp cận CSV chưa nhiều, và có rất ít sự kiện chia sẻ về CSV. Dưới góc nhìn của bà Dana Doan, Việt Nam cần nói nhiều hơn về CSV.
“Khi chúng ta nói về CSV, các công ty dễ hiểu hơn rằng chúng ta cần hợp tác đối tác với nhau để tạo ra những sự phát triển cộng đồng tích cực. Đây mới là điều cần thiết,” bà cho biết. “Cách tiếp cận CSR hiện nay của các công ty làm hạn chế ảnh hưởng tích cực họ có thể tạo ra cho cộng đồng. Họ vẫn làm theo lối từ thiện truyền thống hơn là nghiên cứu và sử dụng các nguồn lực mà công ty có thể đem đến để giúp phát triển cộng đồng.”
Tác giả: Khổng Loan
Forbes Việt Nam số 39.(tháng 8.2016)