Forbes Việt Nam số 42: Công thức nghỉ dưỡng của Fusion

screenshot_19©Forbes Việt Nam số 42. Tháng 11.2016

Fusion Suites Saigon, khách sạn 72 phòng vừa khai trương cách nay vài tháng ở TP.HCM khiến khách lưu trú cảm thấy ấn tượng với các hình ảnh đen trắng được phóng to hết cỡ tại khu lễ tân và nhà hàng. Những lát cắt của đô thị được thể hiện qua khuôn mặt bà lão da nhăn, răng đen đang nở nụ cười, và người đàn ông tầm 30 tuổi ngửa lưng ra ghế trong lúc bán gà chế biến sẵn bày trên mâm.

Khách sạn boutique với số vốn đầu tư khoảng bốn triệu đô la Mỹ này được chuyển đổi công năng từ một tòa nhà văn phòng có sẵn trên đường Sương Nguyệt Anh ở quận 1, TP.HCM. Đây là sản phẩm thiết kế mới nhất vừa được đưa vào vận hành của Marco van Aggele, CEO Serenity Holding, nơi sở hữu thương hiệu Fusion và là công ty hiếm hoi ở Việt Nam phụ trách tất cả các khâu trong quá trình phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn. Ý tưởng xuyên suốt các địa điểm nghỉ dưỡng và khách sạn của họ là dịch vụ spa được đưa vào trong giá phòng trọn gói. Đến nay, có năm địa điểm được đưa vào khai thác, và sáu địa điểm mới tại Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu và Phú Quốc dự kiến ra mắt trong năm 2017 và 2018.


Hầu hết các thương hiệu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam, nơi có ngành du lịch và nghỉ dưỡng còn rất tiềm năng. Theo khảo sát Ngành dịch vụ khách sạn 2016 của hãng Grant Thornton, giá phòng khách sạn 4 – 5 sao tại Việt Nam có xu hướng giảm do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm. Năm 2015, công suất phòng trung bình theo xếp hạng 4 – 5 sao ở Việt Nam đều thấp hơn so với Thái Lan và Philippines. Trong khi đó, xét về nguồn cung phòng khách sạn mới của các thương hiệu lớn sẽ có thêm 3.729 phòng tại Hà Nội và TP.HCM trong tương lai gần. Thị trường nguồn cung sôi động, trong khi giá lại không tăng, Marco sẽ đặt sản phẩm của mình ở vị trí nào để thuyết phục khách hàng?

“Chúng tôi muốn tập trung vào tính nguyên bản, độc đáo, hơn là chuẩn mực hay sự đồng nhất như các thương hiệu quốc tế lớn,” Marco nói với Forbes Việt Nam tại văn phòng quận 1, nơi có các bức tường kính trong suốt nhìn xuống Thảo Cầm Viên. Đây là nơi làm việc của khoảng 80 nhân viên văn phòng, kinh doanh và thiết kế, trong tổng số hơn 1.500 nhân viên nằm rải rác ở các khu nghỉ dưỡng và khách sạn mà họ quản lý ở khắp Việt Nam.

Bề ngoài của Marco thể hiện một phần sự “không chuẩn mực” đó. Anh thường xuyên mặc áo thun, quần soóc, và đi dép xỏ ngón làm bằng cói kết với vải bố đỏ, giống như đang đi nghỉ mát, kể cả trong các lễ ký kết, công bố hay gặp khách hàng. Marco tìm kiếm sự thoải mái, không hoàn hảo, tạo trải nghiệm “như ở nhà” cho khách, và có vẻ như ý tưởng đó đang được các chủ đầu tư ở Việt Nam ưa chuộng. “Thà là tôi có 20 khách sạn trong 10 năm, hơn là 200 khách sạn mà giống nhau. Vì dưới góc nhìn của khách đi nghỉ, việc đến lưu trú tại các khách sạn giống nhau ở các nơi thật vô lý,” Marco lập luận. “Tính sáng tạo sẽ biến mất khi ta đề cao tính chuẩn mực.”

Các thị trường đang phát triển  có chi phí nhân công thấp như ở Việt Nam giúp cho ý tưởng đưa dịch vụ spa vào chi phí tổng thể của cơ sở khách sạn, nghỉ dưỡng, được khả thi. Marco lập luận, với khách từ châu Âu, Mỹ hay các nước châu Á phát triển như Nhật Bản, giá dịch vụ spa riêng có thể là 100 đô la Mỹ/giờ. Ở Việt Nam, nếu hai khách được sử dụng spa miễn phí hai lần, tương đương 400 đô la Mỹ, trong khi họ chỉ phải trả số tiền hai đêm nghỉ là 400 đô la Mỹ. Như vậy, khách sẽ hài lòng, và giúp tăng thêm giá trị của địa điểm nghỉ dưỡng. Marc Townsend, tổng giám đốc công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản CBRE Việt Nam nhận xét về thương hiệu khách sạn dòng boutique mới ở TP.HCM là “mang hương vị quốc tế, chắc chắn là có thể nhân rộng.” Điểm cộng, theo ông là cách cải tạo địa điểm cũ, đặt tại ở vị trí có nhiều khách sạn, và nhất là trong bối cảnh khách lưu trú đến Việt Nam đang muốn tìm những trải nghiệm khách sạn khác biệt.

Năm 2006, khi 26 tuổi, Marco đến Việt Nam cùng với Rudy van Bork, người mà anh quen từ lâu khi ở Hà Lan, để thành lập văn phòng tại Việt Nam của La Perla International Living. Thời điểm đó, Marco là trung úy lính thủy đánh bộ sau sáu năm tại ngũ, đồng thời học đại học tại London và trong thời gian làm luận văn. Đến Việt Nam cũng là một dịp tốt để hoàn thành luận văn về quản trị giao thoa văn hóa, anh nghĩ vậy. Marco không tưởng tượng được chuyến đi đó sẽ thay đổi cuộc đời mình, khi anh ở lại Việt Nam 10 năm tiếp theo, cùng vợ người Colombia sinh ba đứa con, phát triển thương hiệu của riêng mình trong lĩnh vực nghỉ dưỡng và du lịch.

Marco đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi bơi, nhưng thích sáng tạo, thiết kế hơn. “Từ hồi nhỏ tôi đã luôn thích hình dung ra hình ảnh ngôi nhà của riêng mình,” anh nhớ lại. Thời điểm Marco đến Việt Nam, thị trường rất sôi động và có nhiều nhà đầu tư bất động sản cá nhân. Nhưng còn một lý do khác, anh muốn kinh doanh riêng để “không phải chịu tuân theo lệnh ai tuyệt đối như trong môi trường quân đội.

Quan hệ hợp tác giữa Marco và Rudy chấm dứt khi họ không có cùng quan điểm sau khi lập Serenity Holding năm 2008. Rudy, giờ là chủ chuỗi cà phê Hội An Roastery nhận xét: “Marco là người rất có tinh thần doanh chủ. Anh ta thông minh, nhìn thấy cơ hội trên thị trường và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.”
Sau khi Rudy rời đi, Marco phụ trách thiết kế và phát triển, kết hợp với Louk Lennaerts, một người Hà Lan có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng, phụ trách quản trị. Họ cung cấp dịch vụ tư vấn và hoàn tất dự án đầu tiên có tổng đầu tư là 12 triệu đô la Mỹ là Fusion Maia Đà Nẵng năm 2010. Làm thế nào để một người nước ngoài, chưa có kinh nghiệm trong ngành có thể được tin tưởng trong lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao? “Nhờ tôi cười tươi đấy,” Marc hài hước nói. Nhưng nghiêm túc hơn, “đó là vì người Việt tin người nước ngoài hơn người Việt.” Và bởi, “văn hóa của chúng tôi, và DNA của chúng tôi là không nhận tiền lót tay.”

Rồi Don Lam, thành viên sáng lập và chủ tịch HĐQT quỹ đầu tư VinaCapital xuất hiện. Ông thấy ấn tượng với ý tưởng của khu nghỉ dưỡng nên quyết định mua cổ phần thông qua quỹ đầu tư gia đình và trở thành người đồng sở hữu Serenity, xây dựng Fusion Resort Nha Trang trên cồn cát thuộc Bãi Dài sân bay Cam Ranh với đầu tư 12 triệu đô la Mỹ và vận hành năm 2015. Là người có quan điểm tích cực về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn ở Việt Nam, trong lần trả lời phỏng vấn của Deal Street Asia gần đây, Don Lam cho rằng đây sẽ là mảng tăng trưởng hàng đầu của thị trường bất động sản tại Việt Nam, với các dự án ở bờ biển có chi phí rẻ hơn so với các thị trường khác ở Đông Nam Á, và bởi vậy phân khúc khách sạn và khu nghỉ dưỡng sẽ là các cơ hội đầu tư nổi bật cho các nhà đầu tư bất động sản.

Thách thức quản trị của việc cùng lúc quản lý nhiều dự án phát triển khác nhau khiến công ty phải thay đổi nhân sự. Louk rời đi sau khi bán lại cổ phần. Atilla Erda, người Thụy Sĩ, trở thành giám đốc phụ trách hoạt động. Hiện nay, Atilla và Remco de Hoog (giám đốc thiết kế)  và Don Lam sở hữu cổ phần thiểu số, Marco có 36%. Marco từ chối tiết lộ doanh thu, lợi nhuận của công ty, với lý do công ty vẫn thuộc sở hữu tư nhân.

Quá trình Serenity trở thành nhà cung cấp dịch vụ từ A-Z vừa ngẫu nhiên, vừa bắt buộc, theo như giải thích của Marco. Thời gian đầu, còn trẻ, chưa từng xây dựng công trình nghỉ dưỡng hay khách sạn nào, anh nhận thấy mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát khi có nhiều bên tư vấn làm việc với chủ đầu tư nên không phải lúc nào cũng làm theo ý tưởng sáng tạo ban đầu của anh. “Tôi thấy không ai quan tâm tới mục tiêu của dự án mà chỉ quan tâm tới phần việc của mình. Và họ hay chơi những trò chính trị,” anh kể. Marco quyết định bao thầu toàn bộ, nhận tiền từ chủ đầu tư và tự thuê người để thực hiện các ý tưởng và tự quản lý để duy trì những triết lý đằng sau các thiết kế của mình.

“Anh ta là người có tính sáng tạo cao, có tầm nhìn, kiên định với ý tưởng, và nếu chủ đầu tư cho anh ta không gian sáng tạo thì sẽ có sản phẩm rất tuyệt vời,” Đặng Trọng Ngôn, CEO của Khải Toàn Group, chủ đầu tư vào Fusion Suites Đà Nẵng có 130 phòng, 170 nhân viên và mức đầu tư 10 triệu đô la Mỹ nói. “Marco không phải kiểu người sẵn sàng thương lượng với chủ đầu tư, là người tự tin, quyết đoán trong thiết kế, không thích chủ đầu tư can thiệp quá nhiều.”

Fusion Suites Đà Nẵng sau khi đưa vào hoạt động năm 2015 giờ đang đón hơn 85% khách lưu trú là người nước ngoài, và ông Ngôn đang muốn phát triển các dự án tương tự tại Đà Lạt và Bình Thuận. Việc sử dụng dịch vụ tư vấn trọn gói như của Serenity cung cấp cũng có những rủi rui nhất định. Một trong những rủi ro đó, theo ông Tu Nguyen, giám đốc dự án của Gami Group, chủ đầu tư vào Fusion Suites Saigon, là nếu có bất đồng sâu sắc giữa chủ đầu tư và bên tư vấn, thì chủ đầu tư tìm  được nhà tư vấn thay thế sẽ rất khó khăn.

Là người chủ yếu tham gia giai đoạn ý tưởng và khi hoàn thiện công trình, “làm phần việc dễ bằng cách kết nối những dấu chấm,” như anh viết trên hồ sơ LinkIn, Marco tập hợp quanh mình những người cộng sự đắc lực, và có thể giúp cho ý tưởng của anh trở nên tốt hơn ở thực tế. Ngược lại, anh cho họ khoảng không gian để tự do sáng tạo. Minh Bùi, 37 tuổi, Việt kiều Thụy Sĩ, sau một năm làm việc ở tạp chí thời trang L’Officiel Vietnam, vừa đến Serenity trong vai trò giám đốc thương hiệu.

“Tôi chưa từng gặp nhà tuyển dụng nào yêu cầu ứng viên tự viết bản mô tả công việc như Marco,” anh nói. Khi Minh đưa bản mô tả công việc tại Serenity cho Marco, Marco chỉ thay đổi vài dòng. “Marco muốn để cho nhân viên có trách nhiệm với những gì họ nghĩ là họ cần thực hiện, chứ không phải là bắt buộc thực hiện theo yêu cầu từ trên đưa xuống.”

Sức khỏe của ngành du lịch sẽ ảnh hưởng tới công suất khai thác các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng – một lĩnh vực có tính chu kỳ cao. Marco cho biết anh đang xây dựng loại sản phẩm không phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của hạ tầng du lịch của Việt Nam. Đến nay, thảm họa sinh thái ở biển miền Trung chưa ảnh hưởng gì tới công việc của họ, và anh dự báo ngành du lịch ở Việt Nam trong 5 – 10 năm nữa sẽ vẫn tốt. Về dài hạn, nguồn cung khách sạn sẽ có thể có quá nhiều giống như Indonesia và Thái Lan. “Ở châu Á, người này thấy người kia làm được liền làm theo rồi cạnh tranh bằng giá. Chúng tôi nghĩ là nên cạnh tranh bằng chất lượng và sự sáng tạo hơn,” anh nói và khẳng định mình không tìm kiếm khách chú trọng tới giá cả. “Điều quan trọng là cần tiếp cận một dự án theo concept phù hợp, và tiếp tục phù hợp với khách hàng trong nhiều năm tới.”

Serenity đặt kế hoạch sẽ có hơn 30 khu nghỉ dưỡng và khách sạn mang tên Fusion tại Việt Nam và Thái Lan, Indonesia trong 5 năm tới. Liệu sẽ có những rủi ro gì? “Chúng tôi có cái thú thưởng thức những rủi ro,” Marco, người sinh ra trong một gia đình không kinh doanh, nói. “Người Hà Lan vốn dĩ là những người sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy để khám phá. Nếu gia đình tôi vẫn an toàn, thì tôi chả thấy gì là rủi ro cả.”

©Forbes Việt Nam số 42. Tháng 11.2016

Tác giả: Khổng Loan

Comments