©Forbes Việt Nam số 36. Tháng 5.2016
Bộ phim hài tình cảm của Việt Nam Em là bà nội của anh lấy cảm hứng từ Miss Granny của Hàn Quốc, đang nắm kỷ lục là phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử phòng vé phim Việt Nam: 102 tỉ đồng tính đến tháng 2.2016.
Nhà sản xuất, công ty CJ E&M thuộc tập đoàn CJ Việt Nam, trước đó đã có trong tay Để Mai tính 2 với doanh thu 101 tỉ đồng. Ông Chang Bok Sang, chủ tịch kiêm tổng giám đốc CJ Việt Nam thường xuyên nhắc đến điều này trong buổi gặp gỡ với báo chí hồi tháng 3 vừa qua.
Phim ảnh, âm nhạc, thực phẩm giúp người dân Việt Nam quen dần với cái tên CJ, song các mảng này mới phát triển trong 5 năm qua và chiếm tỉ trọng không lớn trong tổng doanh số của tập đoàn này tại đây. Đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể là thức ăn gia súc và chăn nuôi, mới là mảng kinh doanh đem về hơn 50% doanh thu và khoảng 40% lợi nhuận cho tập đoàn đa ngành này. Năm 2016, CJ Việt Nam công bố tham vọng mở rộng kinh doanh mạnh mẽ hơn với ngân sách đầu tư lên tới 500 triệu đô la Mỹ. Số tiền này dự kiến sẽ được sử dụng để xây thêm nhà máy và tiến hành các thương vụ M&A ở bốn lĩnh vực chính mà tập đoàn này đang kinh doanh gồm: ẩm thực và dịch vụ ẩm thực; giải trí và truyền thông; công nghệ sinh học và dược phẩm; mua sắm tại nhà và dịch vụ hậu cần.
Chưa rõ CJ có khả năng hiện thực hóa được mục tiêu đầy tham vọng này trong năm 2016 hay không. Ngay đầu năm, CJ đã bị thua một hiệp trong cuộc cạnh tranh với Masan để mua cổ phần trong Vissan khi công ty chế biến thực phẩm hiếm hoi ở Việt Nam này thực hiện việc chào bán cho đối tác chiến lược. Ông Chang cho rằng CJ mới có khả năng thực sự đem lại giá trị cho Vissan vì công ty đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp.
Có mặt tại Việt Nam từ 1998, đến nay, tập đoàn được coi là một trong những đại công ty (chaebol) của Hàn Quốc này có 13 công ty con với 3.000 nhân viên ở 19 tỉnh, thành phố. CJ cho rằng Việt Nam phù hợp với chiến lược phát triển và sản phẩm của CJ vì có dân số đông, trẻ và khát khao trải nghiệm những điều mới mẻ. Nắm bắt cơ hội từ việc kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu với khu vực, khi đến Việt Nam năm 2012, chủ tịch CJ Group Lee Jay-hyun đã công bố tham vọng hiện thực hóa kế hoạch biến thị trường Việt Nam thành “CJ thứ ba,” chỉ sau thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc trong mục tiêu “toàn cầu hóa văn hóa Hàn Quốc.”
Theo số liệu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong vòng 5 năm qua tại Việt Nam, doanh thu của CJ tăng vọt trong năm 2014, đạt 14 ngàn tỉ đồng so với 6.000 tỉ đồng của năm 2013. Lợi nhuận còn ở mức khá khiêm tốn, 400 tỉ đồng trong năm 2014. Các con số này tăng lên tới 15 ngàn tỉ đồng doanh thu và 500 tỉ đồng lợi nhuận vào năm 2015.
CJ đầu tư vào nông nghiệp ngay từ khi đặt chân tới Việt Nam và chỉ đầu tư mạnh vào các lĩnh vực tiêu dùng như rạp chiếu phim, ẩm thực, mua sắm trên truyền hình trong vòng vài năm qua. Khi Việt Nam gia nhập TPP, họ công bố đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp.
Tại Việt Nam, thức ăn chăn nuôi là mảng kinh doanh có khả năng thu hồi vốn nhanh nhưng cạnh tranh cũng mạnh, có nhiều hãng lớn của thế giới đang cùng khai thác. Đây là mảng kinh doanh lâu nhất của CJ Việt Nam thông qua CJ Vina Agri, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh các loại thức ăn chăn nuôi. CJ Vina Agri xây nhà máy sản xuất thức ăn đầu tiên ở Long An năm 1999, tiếp đó là Hưng Yên và Vĩnh Long. Tháng 7.2015, họ khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ tư tại Việt Nam ở Đồng Nai.
Với số vốn hơn 20 triệu đô la Mỹ trên diện tích hơn 83 ngàn m2, nhà máy có công suất thiết kế hơn 420 ngàn tấn thức ăn một năm, cung cấp thức ăn chăn nuôi cho khu vực miền Đông, và các tỉnh miền Trung Việt Nam. Bốn nhà máy ở Việt Nam và một nhà máy nhỏ ở Campuchia hiện có sản lượng 850 ngàn tấn, tiêu thụ hầu hết ở Việt Nam, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu thị trường. Theo website của công ty, Vina Agri còn có tám kho trung chuyển, khoảng 120 trại chăn nuôi trực tiếp và trại gia công. Việc phát triển nhà máy ở Đồng Nai giúp cho Vina Agri bước đến gần hơn mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam vào năm 2020. Sản phẩm vừa tiêu thụ ngoài thị trường, còn được dùng trong các trang trại chăn nuôi heo và gà của Vina Agri.
Công ty còn có một nông trại chăn nuôi gia súc gia cầm ở Bình Dương với đàn heo giống 20 ngàn con và đàn gà giống 100 ngàn con, dự kiến sẽ mở rộng lên 2 – 3 lần trong bốn năm tới.
Theo cục Đầu tư nước ngoài, trong khi vốn trung bình của một dự án FDI là khoảng 14,7 triệu đô la Mỹ, thì các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp đa phần có quy mô nhỏ, trung bình khoảng 6,6 triệu đô la Mỹ. Bốn nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi theo kế hoạch trong bốn năm sắp tới của CJ Việt Nam dự kiến sẽ có tổng đầu tư khoảng 80 triệu đô la Mỹ, giúp tăng sản lượng lên hai triệu tấn/năm, theo Hwang Hyun Jo, phó giám đốc tài chính của Vina Agri. Các công ty này sẽ đặt ở phía Bắc, miền Trung, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia. “Nghe thì có vẻ rất tham vọng,” ông thừa nhận, nhưng với khoản đầu tư mạnh từ tập đoàn mẹ, CJ Việt Nam đang sẵn sàng khai thác cơ hội mới mở ra từ thị trường này.
Việt Nam có những yếu tố cần thiết hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như tài nguyên thiên nhiên và con người, nhưng công nghệ, sản xuất, phân phối đều yếu, lại ít kinh nghiệm phát triển ở quy mô lớn và không có tài chính dài hạn. Việc xây dựng các nhà máy thức ăn gia súc mới giúp CJ khai thác được cơ hội thị trường ở Việt Nam, xuất phát từ khả năng tiêu thụ thịt tương đối cao và đặc biệt tăng mạnh của Việt Nam những năm gần đây. Theo OECD – FAO Agricultural Outlook 2015, tính trên đầu người, năm 2014, số lượng tiêu thụ thịt của Việt Nam đã tương đương với Hàn Quốc (khoảng 52kg/năm).
Là nhà kinh doanh thực phẩm, CJ Việt Nam hưởng lợi từ thị trường có dân số trẻ, lớp thị dân đang tăng, lượng thịt tiêu thụ sẽ còn tăng cao. Cuộc chạy đua giành thị phần có phần thuận lợi hơn với doanh nghiệp đa quốc gia, giàu kinh nghiệm, mạnh vốn, và thấu hiểu thị trường như CJ. Năm 2015, họ đã mua lại công ty cổ phần Kim & Kim, và đưa nhãn B!b!go của mình kết hợp với thương hiệu này trong nhiều sản phẩm, từ đậu hũ, cá rim kiểu Hàn, ớt bột Hàn Quốc, cũng như kimbab, củ sen rim, và đậu phộng rim kiểu Hàn.
Họ cũng đang tìm đường đưa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam ra thế giới. “Với hệ thống mạng lưới hiện có, chúng tôi có thể làm được điều đó,” ông Chang cho biết. Tập đoàn CJ mẹ bắt đầu thực thi chiến lược phát triển trên toàn cầu từ năm 2006. Hiện nay, họ có mặt ở Trung Quốc, Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và Nam Mỹ. Mục tiêu của CJ Group là đạt doanh thu 110 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, trong đó 54% đến từ nước ngoài.
Trong mảng văn hóa đại chúng, CJ đánh dấu sự tham gia của mình vào thị trường văn hóa và giải trí của Việt Nam từ năm 2011, với hai hoạt động thu hút chú ý là mua hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam là Megastar, đổi tên thành CGV (hiện là hệ thống rạp lớn nhất với 24 cụm rạp và 157 màn hình cùng công nghệ tối tân) và thành lập CJ E&M tập trung vào sản xuất phim, truyền hình và game, cũng như phân phối phim ảnh Hàn Quốc.
Họ mang đến khái niệm cultureplex, tổ hợp không gian giải trí để cùng một lúc cung cấp các trải nghiệm thư giãn cho khách hàng, từ văn hóa giải trí đến mua sắm.
CJ E&M cạnh tranh với các hãng phim trong nước tương đối có bề dày như Galaxy, BHD, Chánh Phương, HKFilm, cùng với nhiều tên tuổi mới như Wepro, Thiên Phúc, LBT. Họ cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện thông qua việc tiếp tục sản xuất ra các bộ phim thuần Việt, mở rộng ra các chương trình sản xuất âm nhạc, tổ chức nhạc hội.
Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn phim Em là bà nội của anh cho rằng sự có mặt của CJ tại Việt Nam đã đem đến kinh nghiệm, công nghệ và tài chính cho thị trường giải trí còn rất nhiều dư địa để phát triển này.
“Họ là thách thức lớn cho các hãng phim Việt Nam, buộc các hãng này phải thay đổi tư duy,” anh cho biết, “và chính CJ cũng phải thay đổi tư duy để phù hợp với văn hóa bản địa.”
Trong khi vẫn đẩy mạnh đầu tư để thu hút tầng lớp thị dân vào những sản phẩm của mình, từ các loại dược phẩm, thực phẩm, đồ uống, phim ảnh, mua sắm trên truyền hình, CJ Việt Nam vẫn tiếp tục khai thác lợi thế đất đai và con người nông nghiệp của Việt Nam để mở rộng kinh doanh. Họ vừa hợp tác với cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) để trồng thử nghiệm ớt tại Ninh Thuận trong chương trình nông thôn mới. Với đầu tư 2,1 triệu đô la Mỹ chia đều giữa KOICA và CJ Việt Nam, dự án trên bốn héc ta sẽ kết thúc vào năm 2017, với mục tiêu tạo ra được giống ớt đủ chất lượng để sản xuất bột ớt và tương ớt của CJ, nơi hiện vẫn chủ yếu trồng ớt ở Trung Quốc và Hàn Quốc do ớt bản địa Việt Nam quá cay.
Vừa trở về từ trụ sở CJ E&M tại Hàn Quốc, Linh cho biết anh ấn tượng với việc CJ rất chú trọng tới chuyện tạo ra những không gian truyền cảm hứng sáng tạo. “Tôi thấy họ đánh giá cao sự sáng tạo và tầm nhìn lâu dài, cũng như khuyến khích sáng tạo và truyền cảm hứng.” Thách thức với CJ, theo Linh, là có thể đến một giai đoạn họ sẽ phải đặt ra câu hỏi là sẽ giữ những tiêu chuẩn cao của mình, hay hạ thấp xuống cho phù hợp với thị trường Việt Nam. “Tầm nhìn xa của họ có thể giúp tôi thực hiện được những dự án phim mà tôi ấp ủ nhiều năm,” Linh cho biết.
Trong lúc dự án của những đạo diễn như Linh đang dần thành hiện thực, thì những trang trại ớt nho nhỏ của CJ trong dự án ở Ninh Thuận đã có những đợt thu hoạch đầu tiên.
©Forbes Việt Nam số 36. Tháng 5.2016
Tác giả: Khổng Loan