Forbes Việt Nam số 22: “Bà mối” nội dung số

Theo báo cáo của Nielsen về mức tiêu thụ video kỹ thuật số ở Đông Nam Á năm 2014, Việt Nam thuộc hàng đầu. Esther đã thấy trước tiềm năng bùng nổ về giải trí trên mạng đó ở Việt Nam. Năm 2007, cô xách hai va li đồ dùng cá nhân và 500 ngàn đô la Mỹ tiền đầu tư từ các cá nhân ở Mỹ trở về Việt Nam lập nghiệp sau khi nhận bằng luật tại đại học Golden Gates, với mục tiêu ban đầu là phát triển mạng xã hội cho người dùng Việt Nam. Nhưng kế hoạch thất bại do khi đó mạng xã hội là khái niệm quá mới. Cô nhận thấy giới trẻ Việt Nam bắt đầu tiếp cận với Internet nhiều hơn, thích nghe và tải nhạc trên mạng trong khi bản quyền tác giả là khái niệm xa lạ với người dùng. “Nếu có gì đó chưa đúng trong cuộc sống này thì đó chính là cơ hội để kinh doanh,” Esther nghĩ và tập trung vào khai thác bản quyền các sản phẩm âm nhạc để kinh doanh dịch vụ nhạc chờ, nhạc chuông trên điện thoại.

“Hướng đi của công ty thời 2007 rất khác so với bây giờ, tập trung nhiều hơn vào kỹ thuật và phân khúc hẹp hơn,” ông Giang V. Lam nhớ lại. Khi đó, việc ký hợp đồng mua bản quyền với các nghệ sĩ rồi khai thác trên các phương tiện khác nhau là lĩnh vực hoàn toàn mới và rất rủi ro ở Việt Nam do nền tảng luật pháp và kỹ thuật chưa hỗ trợ.

“Nhìn vào kế hoạch kinh doanh ban đầu, thú thực là tôi không kỳ vọng nhiều vào hiệu quả kinh tế, nhưng tôi biết đây là việc nên làm,” ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch HĐQT và CEO của Le Group of Companies, nhà đầu tư Việt Nam duy nhất trong hơn 20 nhà đầu tư hiện nay ở POPS cho biết. Theo ông Vinh, hoạt động kinh doanh dựa trên bản quyền của POPS mang lại lợi ích cho cả các nghệ sĩ, nhạc sĩ và nền âm nhạc Việt Nam nói chung. Lợi ích của các MCN gắn liền với việc bảo vệ bản quyền. Điều này tạo ra thay đổi lớn trong thói quen sản xuất và tiêu thụ sản phẩm văn hóa ở Việt Nam. Người dùng không còn được tự đăng tải, sử dụng, tải về sản phẩm trên YouTube nếu như không được sự cho phép của ca sĩ, nghệ sĩ. Các nghệ sĩ có thể có lợi dài lâu nếu sản phẩm của họ có sức sống lâu bền trên mạng. “Người ta từng cười vào kế hoạch của chúng tôi, nhưng đến nay, chúng tôi nghĩ mình đã làm được,” Esther cho biết. POPS đã đi những bước táo bạo như ký độc quyền khai thác album Full house (Ngôi nhà hạnh phúc) với ca sĩ Thủy Tiên năm 2010 với giá “vài trăm triệu đồng”.

POPS Worldwide giờ đây không còn “một mình một chợ” trong lĩnh vực MCN ở Việt Nam nữa. Đầu năm 2015, NVU thuộc công ty tập đoàn Đại Sứ Trẻ và Metub thuộc công ty truyền thông trực tuyến Netlink vừa trở thành các MCN mới. “Chúng tôi cạnh tranh với cả thế giới, vì Internet không có biên giới địa lý,” Esther cho biết. MCN cạnh tranh với cá nhân, các MCN khác, các tổ chức sở hữu nội dung lớn như đài truyền hình, và ngay cả với chính YouTube – nơi tự phát triển nội dung quảng cáo để khai thác trên nền tảng của mình.

Cho đến nay, POPS tỏ ra mạnh về khai thác những nội dung đã có sẵn, nhưng thách thức của MCN nằm ở chỗ phải phát triển và phân phối được những nội dung mới, chuyên biệt, phù hợp với đối tượng xem trên Internet. “Các video phát riêng trên mạng cần phải đáp ứng tiêu chí mà tôi tạm gọi là 3N – nhanh, ngắn, ngon – để người xem Internet tiện xem và chia sẻ,” Nguyễn Ngọc Hưng, CEO của NVU, người sáng lập nhóm Thích Ăn Phở và phát triển series Phở trên mạng cho biết. Các cá nhân hay nhóm làm nội dung trên Internet biến quảng cáo thành thông điệp vui, thu hút, và khiến các nhãn hàng thích do có thể đo đếm hiệu quả dễ dàng thông qua lượt xem, lượt thích hay lượt chia sẻ trên mạng xã hội.

Với những dữ liệu mà các MCN có được, họ có thế mạnh trong phát triển các kênh hay chương trình dành riêng cho từng đối tượng, từ làm đẹp, tâm lý, ca nhạc, tấu hài cho người xem ở khắp thế giới. Ở Hollywood, các kênh MCN đang là món hàng được các công ty truyền thông tìm mua. Năm 2013, DreamWorks Animation đã trả 33 triệu đô la Mỹ để mua kênh AwesomenessTV trên YouTube, còn Disney vừa mua Maker Studios giá 500 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Giang, Đông Nam Á có diện tích lớn nhưng còn kém phát triển, và các công ty truyền thông đa quốc gia vẫn chưa hiểu rõ nên làm gì với những cộng đồng ngày  càng chuyên biệt hóa trên mạng.

POPS Worldwide đang chuẩn bị gọi vốn vòng thứ ba, dự kiến 15 triệu đô la Mỹ trong năm nay để mở rộng ra các nước như Philippines, Campuchia, Thái Lan. Họ đang đứng trước thách thức về khả năng tìm kiếm, đào tạo và phát triển hiệu quả các tài năng trên mạng để tiếp tục dẫn đầu thị trường và đạt lợi nhuận cao. Ngoài ra, như bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, quá trình mở rộng đi cùng với khó khăn về tìm kiếm nhân sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu của công ty ở quy mô lớn hơn.

Mọi thứ mới đang chỉ bắt đầu với mô hình kinh doanh MCN còn mới mẻ này. Cả Esther Nguyen và Nguyễn Ngọc Hưng đều tin rằng, một ngày nào đó, khi nền tảng tìm kiếm và phát triển tài năng ở Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn, kết hợp với các loại hình tiếp thị số, Việt Nam sẽ có gương mặt giải trí được cả thế giới biết đến như Psy của Hàn Quốc. “Đó chỉ là vấn đề về thời gian. Bạn sẽ không biết khi nào nội dung nào sẽ lan truyền chóng mặt trên mạng đâu,” Esther nói.

©Forbes Việt Nam số 22. Tác giả: Khổng Loan

(10.3.2015)

Comments