Forbes Việt Nam 37: Hình thành thị trường người mẫu ở Việt Nam

screenshot_20©Forbes Việt Nam số 37 tháng 6.2016

Trần Ngọc Lan Khuê là cái tên hầu như chưa biết đến trên thị trường người mẫu cách nay 4 năm. Giờ đây, người đẹp 24 tuổi này là một trong những người mẫu hàng đầu, với cát-sê cho một lần trình diễn thời trang ở vị trí vedette là khoảng 1.000 đô la Mỹ, tham gia một sự kiện từ 2.000 – 5.000 đô la Mỹ.

Hiếm người đẹp có mức cát-sê đó, và người ta có thể hình dung sự khác biệt nếu biết mức thù lao cơ bản của người mẫu ở sự kiện thời trang lớn thường niên ở Việt Nam là khoảng 2 triệu đồng/show.
Với mục tiêu trở thành người mẫu chuyên nghiệp, Khuê trở thành người mẫu độc quyền của Elite Model Management Việt Nam từ năm 2012, vì “khi mới vào nghề, tôi cần có người dìu dắt, hướng dẫn, đỡ đầu.” Nhưng số người mẫu thuộc sự quản lý của một công ty chuyên nghiệp như Khuê chỉ chiếm một lượng rất nhỏ ở Việt Nam, khoảng 10-20%. Trong sự hào nhoáng của thời trang, phạm vi hoạt động kinh doanh của các công ty quản lý người mẫu chuyên nghiệp rất hẹp, và các công ty buộc phải vận động bằng nhiều cách để có thể tồn tại và chờ đợi thị trường chín muồi hơn.

Elite Model Management đến Việt Nam rất tình cờ, từ một buổi đi bar của các nhà sáng lập cách nay 14 năm ở Hà Nội. Phạm Minh Tuấn, hiện là CEO của tổ hợp Công nghệ giáo dục Topica, nói mình “muốn làm một cái gì đó liên quan tới người mẫu” khi nhận thấy có cơ hội mở công ty quản lý người mẫu chuyên nghiệp sau cuộc nói chuyện với bạn anh là giám đốc phụ trách châu Á của Elite Model Management. Cùng với hai người bạn khác là Nguyễn Thị Thúy Nga, với chuyên môn kinh tế, khi đó đang làm trợ lý tại đại sứ quán Argentina và Paul Nguyễn, Việt Kiều Na Uy chuyên về tài chính, họ mua nhượng quyền của Elite – mạng lưới tìm kiếm và quản lý tài năng người mẫu hàng đầu trên thế giới từ năm 1972 có trụ sở chính ở Paris (Pháp). Đến nay, Elite Việt Nam vẫn là công ty quản lý người mẫu mang thương hiệu nước ngoài duy nhất ở Việt Nam.

Bà Nga, hiện là đồng sở hữu của Elite Model Management Vietnam, cho biết công ty là “một sở thích” của cả ba nhà sáng lập, vì họ đều rất bận rộn với những công việc khác ngoài lĩnh vực thời trang và người mẫu (bà Nga làm về tư vấn đầu tư, ông Paul làm cho một quỹ đầu tư) để giải thích cho việc công ty vẫn hoạt động với quy mô tương đối nhỏ so với bề dày là công ty quản lý người mẫu chuyên nghiệp đầu tiên và lâu đời nhất ở Việt Nam.

Nhưng có lẽ lý do khác là thị trường thời trang Việt Nam còn rất nhỏ, với rất ít thương hiệu nổi bật và bền vững, nên sự hoạt động của các công ty người mẫu hầu như còn tạo ra rất ít ảnh hưởng. Nếu như thị trường là “sơ khai” thời điểm Elite đến Việt Nam (ngoài Elite, khi đó mới có CLB thời trang Hoa Học Đường ở TP.HCM, nhưng cũng mới chỉ hoạt động như là CLB mà không phải công ty kinh doanh), thì nay thị trường đã chuyển sang “kỳ lạ”. Vì là một thị trường “kỳ lạ”, Elite ở Việt Nam hưởng chế độ khác so với quy định của Elite nói chung. “Họ ưu đãi vì thị trường Việt Nam không chuyên nghiệp,” bà Nga cho biết.

“Ngành quản lý người mẫu không thực sự tồn tại ở Việt Nam,” Henri Hubert, người Pháp, chuyên gia sáng tạo trong lĩnh vực thời trang và người mẫu đã hoạt động ở Việt Nam 14 năm nay, nhận xét. “80% người mẫu làm việc tự do, ngay cả khi họ ký hợp đồng với công ty quản lý. Hầu hết 90% khách hàng gọi điện trực tiếp cho người mẫu thì làm sao các công ty quản lý người mẫu có thể tồn tại?” anh đặt câu hỏi.

Đó có thể là một nhận xét khó tính của Henri, khi thị trường hiện có nhiều công ty người mẫu đang hoạt động, dù theo những người hoạt động trong ngành nhận xét, con số công ty chuyên nghiệp và được biết đến không nhiều quá hai bàn tay. Elite Model Management Việt Nam hiện quản lý khoảng 15 người mẫu độc quyền.

Còn beU Models làm việc với rất nhiều người mẫu, nhưng chỉ ký hợp đồng quản lý độc quyền với những quán quân, á quân, và các gương mặt xuất sắc nhất từ chương trình Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model) qua các mùa (đến nay là mùa thứ 7). Hay TayModels, công ty mới thành lập cách nay 3 năm, nhắm vào phân khúc cung cấp người mẫu tây cho các thương hiệu muốn có yếu tố mới lạ trong sản phẩm, hiện quản lý khoảng 10 người mẫu nước ngoài, chủ yếu là các gương mặt mới, và đã đưa được 3 người mẫu Việt Nam đi nước ngoài.

Những con số đó không nhiều so với 500 – 1.000 người mẫu mới tham gia các hoạt động như diễn thời trang, quảng cáo, biểu diễn, và gần 100 cuộc thi sắc đẹp, tìm kiếm người mẫu, hoa khôi, hoa hậu và gương mặt đại diện cấp tỉnh trở lên mỗi năm mà bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch thống kê và cấp phép.

Thị trường người mẫu Việt Nam thực sự mới hoạt động sôi động trong vài năm trở lại đây, khi có sự ra đời của những chương trình truyền hình thực tế chuyên về lĩnh vực thời trang và người mẫu như Người mẫu Việt Nam, Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runway Vietnam), Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week) thì nhu cầu sử dụng người mẫu mới thực sự tăng cao. Thị trường chuyển động tích cực hơn khi các chương trình giới thiệu được các gương mặt mới về thiết kế và trình diễn.

Vẫn còn quá sớm để nói về sự chuyên nghiệp của thị trường người mẫu. Việc các người mẫu ở Việt Nam hoạt động tự do, một phần do các công ty, các nhà thiết kế, các nhãn hàng có thói quen sử dụng người mẫu tự do mà không thông qua những công ty quản lý người mẫu chuyên nghiệp. “Điều này hoàn toàn trái ngược với cách thức hoạt động của các công ty người mẫu tại các thị trường quốc tế bởi tại đó, khái niệm ‘người mẫu tự do’ hầu như không tồn tại.

Tất cả người mẫu nếu muốn nhận được những công việc tốt với những khách hàng tốt thì đều phải thông qua công ty quản lý, bởi họ sẽ là cầu nối giúp tiếp thị hình ảnh người mẫu đến với mạng lưới khách hàng khắp toàn cầu, đồng thời cũng là bên đứng ra đảm bảo trách nhiệm và mọi quyền lợi cho người mẫu trong quá trình làm việc với khách hàng,” bà Lê Thị Quỳnh Trang, giám đốc Multimedia JSC, nơi sản xuất các chương trình truyền hình thực tế về thời trang và người mẫu, và cũng là chủ của beU Models cho biết.

“Chừng nào ở Việt Nam còn chưa từ bỏ thói quen sử dụng người mẫu tự do, thì chừng đó thị trường người mẫu của chúng ta sẽ chưa thể phát triển và hoạt động chuyên nghiệp như các nước trên thế giới được.”

Vì sao tuyệt đại đa số người mẫu ở Việt Nam vẫn hoạt động dưới dạng “freelance,” tự tìm hợp đồng, thỏa thuận thù lao, lo lắng mọi thứ cho sự nghiệp vốn có vòng đời ngắn ngủi của mình? Ngoài thói quen từ trước tới nay là như thế, nhìn ở góc độ ngược lại, Phạm Tường Lân, CEO của TayModels, cho rằng “vì các công ty người mẫu không thể đảm bảo được công việc và thu nhập cho người mẫu, cũng như sự minh bạch trong thù lao.”

Cho dù những năm qua Việt Nam chứng kiến nhiều chương trình thời trang hơn, phát hiện được nhiều nhà thiết kế và người mẫu hơn, nhưng Henri không chắc (là có gì thay đổi nhiều) ở khía cạnh kinh doanh của các công ty quản lý người mẫu. “Họ đang làm mọi thứ có thể để sống sót.”

Vì không thể tạo ra nhiều doanh thu và lợi nhuận nhiều từ riêng lĩnh vực quản lý người mẫu (Elite Model Management Vietnam cho biết doanh thu từ các hợp đồng người mẫu trình diễn thời trang của họ là khoảng “vài tỉ đồng”/năm), hầu hết các công ty quản lý người mẫu ở Việt Nam đều có kinh doanh thêm một vài lĩnh vực song song, và đó mới chính là nguồn thu chính của họ.

Elite ở Việt Nam có thêm Elite Media Việt Nam, nơi bà Nga cũng là đồng sáng lập và quản lý, sở hữu rất nhiều giấy phép độc quyền trong các cuộc thi về hoa hậu, người mẫu, người đẹp quốc tế, tổ chức các sự kiện liên quan tới hoa hậu, người đẹp, lễ hội. Đó cũng là một trong những lý do để Lan Khuê chọn họ, và “đến nay tôi không có một phút giây tiếc nuối vì quyết định này,” cô cho biết. Elite đã đầu tư cho Lan Khuê đi thi 4 cuộc thi quốc tế, trong đó có siêu mẫu châu Á (giải 3), Miss Model of the World. Sau đó, Khuê đoạt giải nhất Siêu mẫu Việt Nam, rồi giải Hoa khôi Áo dài Việt Nam do Elite Media tổ chức và năm 2015 lọt vào tốp 11 cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Những người mẫu như Khuê giúp cho thương hiệu Elite được biết đến, đem lại những hợp đồng sản xuất sự kiện lớn cho Elite Media. Với mọi hợp đồng của Khuê, Elite Model Management Vietnam nhận hoa hồng theo thỏa thuận (mà theo bà Nga là từ 15 – 20%), bù đắp những khoản đầu tư đào tạo và chi phí quảng bá cho các người mẫu trước đó.

Nhìn ở góc độ tích cực, thị trường lộn xộn lại có thể giúp các công ty mới dễ thâm nhập hơn rào cản thấp. Nhận thấy cơ hội sau các chương trình truyền hình thực tế về tìm kiếm người mẫu và nhà thiết kế thời trang do Multimedia JSC mua bản quyền nước ngoài, bà Trang đã lập công ty quản lý và đào tạo người mẫu beU Models.

Trong khi các chương trình truyền hình thực tế giúp cho Multimedia JSC kiếm nhiều tiền hơn, việc tham gia quản lý người mẫu là cách để giúp họ quảng bá cuộc thi và cũng giúp các thí sinh sau khi đoạt giải có đường ra cho nghề nghiệp. Sau hơn 5 năm hoạt động, beU Models đã đưa người mẫu Việt Nam ra thị trường thế giới, tham gia và giành giải thưởng tại nhiều cuộc thi sắc đẹp như giải nhất tại Asian Model Search (Tuyết Lan), giải Best Catwalk tại Top Model of the World (Hoàng Thùy), giải Best Asian Model (Huyền Trang).

Tại các thị trường người mẫu chuyên nghiệp ở các nước, sẽ không khó để tìm thấy các công ty người mẫu có thể kiếm được rất nhiều tiền nếu họ sở hữu được một siêu mẫu. Nhưng điều này chưa xảy ra ở Việt Nam. Ở các nước, thị trường thời trang tạo ra người mẫu, nhưng ở Việt Nam, thị trường thời trang còn cần nhiều thời gian mới tạo ra được thế hệ người mẫu chuyên nghiệp xuất sắc tạo xu hướng và gây ảnh hưởng.

Trong khi chờ đợi sự hoạt động hiệu quả hơn của hiệp hội Người mẫu Việt Nam sau 9 năm thành lập, người ta vẫn chứng kiến các hoa hậu là vedette của một chương trình trình diễn thời trang, cách làm mà bà Nga nhận xét là “sai loạn xạ.” Henri cho rằng chỉ với một hiệp hội thực sự mạnh thì mới có thể thay đổi, và cũng giúp tạo ra tiền để hỗ trợ ngành người mẫu phát triển, để từ đó, các công ty quản lý người mẫu có thể làm đúng chuyên môn của mình.
“Thị trường cần người mẫu thật sự hay là ‘hot girl’ và người đẹp? Chọn người mẫu phù hợp với sản phẩm hay độ ‘hot’ của người mẫu?” bà Nga đặt câu hỏi. Sẽ còn lâu mới có thể có thực tế phù hợp như chuẩn mực thế giới.

Đêm 7.6 sắp tới, chương trình truyền hình thực tế về sắc đẹp đầu tiên tại Việt Nam Hoa khôi Áo dài Việt Nam – Đường tới vương miện Hoa hậu thế giới sẽ tìm được người đội vương miện. Sẽ có nhiều người đẹp tham gia làm người mẫu sau đó. Họ đi đường dài như thế nào sẽ thể hiện mức độ ảnh hưởng tới thị trường của các công ty quản lý người mẫu hiện nay.

©Forbes Việt Nam số 37 tháng 6.2016

Tác giả: Khổng Loan

Comments