Hôm nay, ngày 18.5, là 16 ngày kể từ khi chính quyền Trung Quốc lắp đặt dàn khoan vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đi cùng với cái giàn khoan bự như tòa nhà 40 tầng, to như sân bóng đá, trị giá 1 tỉ đô la Mỹ, là gần 134 loại phương tiện bảo vệ hộ tống đi kèm như tàu chiến, máy bay chiến đấu, tàu hải giám lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng giao tranh bạo lực với lực lượng chấp pháp bảo vệ lãnh hải của Việt Nam.
Hành động này của chính quyền Trung Quốc là xâm lược.
Với hành động này, Trung Quốc đã đi ngược lại toàn bộ những cam kết với Việt Nam, với ASEAN, với thế giới. Với Việt Nam thì 16 chữ vàng 4 tốt; với ASEAN thì là Tuyên bố DOC 2002. Đại khái là theo các nguyên tắc đó, các bên kiềm chế, không khiêu khích, không cậy to mà bắt nạt yếu, chỗ nào đang tranh cãi thì để nguyên hiện trạng, ngồi vào đàm phán, giữ hòa bình, với thế giới thì đảm bảo an ninh an toàn hàng hải. Hành động này của chính quyền Trung Quốc là ngạo ngược, là bất chấp luật pháp mà thế giới thừa nhận và chính Trung Quốc đã ký thông qua, là lấy thịt đè người.
16 ngày qua đã khiến chúng ta thay đổi rất nhiều suy nghĩ của mình về tương lai đất nước, chủ quyền quốc gia, vận mệnh dân tộc. Tất cả những mối lo lắng nhất của chúng ta trước đó về tình hình kinh tế trì trệ, lạm phát, nạn thất nghiệp, tiến trình đổi mới, dân chủ hóa, đưa đất nước thoát khỏi vòng tụt hậu quá xa so với thế giới và cải thiện đời sống của người dân đều đã trở thành thứ yếu. Điều đó có nghĩa là chúng ta lại tiếp tục bị lùi lại nữa, đất nước chúng ta lại bị kéo chậm lại nữa, lại nghèo lâu hơn nữa. Đó là một điều kém may mắn, nếu không nói là bất hạnh của chúng ta mà cần phải được nhanh chóng giải quyết và vượt qua.
May mắn sinh ra trong thời bình, chúng ta không còn nghe tiếng súng tiếng bom. Tôi đã từng ít hiểu về giá trị của hòa bình cho tới khi đến những vùng đất bị kiệt quệ vì chiến tranh, với những hậu quả nặng nề do bom mìn, người chết, bị thương. Tôi biết ơn những người đã phải hi sinh cả cuộc đời để kết thúc chiến tranh (cho dù bên nào thắng cuộc thì cuộc chiến đã kết thúc rồi) và luôn mong mỏi các quốc gia sẽ mãi sống trong hòa bình cho dù đấy là điều không tưởng trong thời kỳ lái súng lái bom và các tập đoàn vũ khí phát triển ầm ầm. Bất hạnh cho con người sinh ra không phải để yêu thương hạnh phúc mà để căm thù giận dữ.
Những ngày qua có những sự việc mang tính lịch sử phải ghi lại;
– Bài phát biểu lịch sử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị ASEAN ở Myanmar: Nói là lịch sử vì chưa bao giờ nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam lại dùng lời lẽ cứng rắn như thế về Trung Quốc tại một sự kiện quốc tế. Cho dù ASEAN là một tổ chức rất lỏng lẻo, họ cũng có những mục tiêu chung quan trọng quyết định sự phát triển tương lai của khối. ASEAN đã có được DOC với Trung Quốc, giờ đang bàn để có COC sao cho thực chất. Nhưng giờ này, việc đã xảy ra, Việt Nam đã thông báo cho thế giới thấy Trung Quốc đã vượt lằn ranh đỏ, và hỡi cả thế giới, hãy cảnh giác!
– Thị trường tài chính: Thị trường chứng khoán bốc hơi 65 ngàn tỉ đồng. Ngafy 8.5 chứng kiến con số sụt giảm lớn nhất trong một ngày từ trước tới nay. Giá USD và và giá vàng biến động mạnh. Liên tục VTV đăng tải về cam kết của ngân hàng nhà nước trong việc đảm bảo hoạt động của thị trường tiền tệ. Nền kinh tế ốm yếu của chúng ta lại càng ốm yếu hơn, trong khi thế giới cứ tiến lên vù vù.
– Sự hỗn loạn ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh (TP.HCM suýt thì cũng thế) và thái độ bàng quan thụ động khó hiểu trong thời gian đầu của các cơ quan chức năng đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề chưa biết bao giờ có thể giải quyết được. Hàng chục ngàn công nhân ở các thành phố lớn, nơi có các khu công nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động nhiều đã xuống đường phản đối Trung Quốc. Chưa bao giờ kể từ mấy chục năm qua ở Việt Nam có biểu tình trên diện rộng, vượt khỏi kiểm soát của lực lượng an ninh như vậy. 2 người Trung Quốc đã thiệt mạng, 140 người bị thương, khoảng 300 người bị khởi tố vì các tội kích động, cướp bóc, phá phách, chống người thi hành công vụ. Hàng trăm doanh nghiệp bị đập phá, cướp bóc, hôi của. thiệt hại vô cùng lớn.
– Các lãnh đạo Việt Nam khẳng định chuyện người dân biểu tình phản đối Trung Quốc là chính đáng. Vậy phải khẳng định là chính quyền các địa phương đã không hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo trật tự an ninh xã hội, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam. Sau chuyện này, lực lượng công nhân nòng cốt đã thể hiện sức mạnh của mình sau bao nhiêu năm nằm im lìm và không được chú ý của thời bình. Lời nhắn nhủ ( 😎 ): đó mới là sức mạnh của quần chúng đấy.
– Lần đầu tiên biểu tình ở nhiều thành phố lớn: Nếu chỉ vài tháng, vài năm trước các khẩu hiệu chống chính quyền Trung Quốc, hay khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam có thể khiến người dân gặp nhiều rắc rối thì nay đã trở thành biểu ngữ bình thường, và từ nay trở đi sẽ là bình thường. Ai không thừa nhận điều này sẽ là không bình thường.
– Thông điệp của lãnh đạo: Thời gian đầu, không có người nào trong “tứ trụ” lên tiếng, có 1 thông điệp rõ ràng với người dân về tình hình đất nước. Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là tại ASEAN và hội nghị tiếp xúc cử tri, của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là tại hội thảo, của Chủ tịch Trương Tấn Sang là tại hội nghị tiếp xúc với cử tri. Người dân nói chung không nhận được một thông điệp rõ ràng và nhất quán, trực tiếp tới gửi họ. Lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắn tin cho người dân (tức là người có điện thoại), (riêng tôi nhà mạng nhắn 3 tin, chắc sợ tôi không nghe lời), yêu cầu không biểu tình bất hợp pháp (vào hôm nay, 18.5). Cũng ghi thêm là tôi có nhắn tin trả lời: “Thế khi nào có Luật Biểu tình để cho em đi biểu tình cho hợp pháp” thì tin nhắn không đi. 👿 Như vậy vẫn là thông điệp một chiều, cần cải thiện.
– Luồng thông tin trong xã hội những ngày này chủ yếu qua mạng xã hội, cụ thể là Facebook với gần 25 triệu người đang sử dụng ở Việt Nam. Nhưng cũng đừng quên tình trạng digital divide (khoảng cách số) rất lớn ở Việt Nam, nên thông điệp nhiều khi không đến được người cần đến. Tôi nghĩ nếu báo chí Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp đến phát không cho các công nhân thì rất tốt.
– Từ “tập trung đông người” không còn được báo chí dùng để gọi biểu tình nữa, mà đã thành từ biểu tình. Lần đầu tiên 1 tờ báo (Tuổi Trẻ) in trang đặc biệt để người biểu tình có thể cầm đi giờ cao.
– Sự lo lắng của các doanh nghiệp và người nước ngoài ở Việt Nam là điều có thể nhận thấy rõ. Chỉ trong 1 cơn bạo động đã khiến các doanh nghiệp kiệt quệ,công nhân mất việc làm. Hình ảnh đất nước và người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, ôn hòa đã bị tổn hại nghiêm trọng, phải làm rất nhiều việc để lấy lại hình ảnh này.
Vậy chúng ta có thể làm gì?
– Chê bai công nhân thì dễ thôi, nhưng tôi không dám làm điều đó. Họ không có đủ thông tin nên dễ bị giật giây, lừa đảo. Bạo động càng để lộ ra khoảng cách quá lớn về kinh tế, văn hóa, học vấn giữa các giai tầng trong xã hội, và nhà nước phải có trách nhiệm kéo gần những khoảng cách đó. Khi nhìn những công nhân thất nghiệp vì nhà máy đã bị đốt, tôi nghĩ gì? Tôi chỉ nghĩ đến gia đình họ. Đó là những mái nhà sập sệ ở một vùng quê, nơi họ có cha mẹ già và những đứa con đang chờ những đồng tiền lương của họ gửi về để sinh hoạt và đi học. Tôi tin họ sẽ có những thái độ khác trong những lần biểu tình sắp tới, ít nhất là sẽ đứng bên nhau để bảo vệ nhà máy, bảo vệ công ăn việc làm của họ, và nói rằng có họa ngu (lần này thì ngu thật) mới để thằng khác đập nồi cơm của mình. 👿
– Để thế giới quan tâm và truyền thông quốc tế đăng tải nhiều về hàng chục tàu chiến và máy bay, cùng cái gian khoan 1 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc đang nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hãy để người dân xuống đường tuần hành trong hòa bình, phản đối thái độ ngạo ngược này. Nhiều người cho rằng biểu tình = bạo loạn. Tôi không nghĩ vậy. Biểu tình là quyền cơ bản thể hiện quan điểm của người dân. Thế giới lúc nào chả có biểu tình, chuyện nhỏ chuyện to đều xuống đường được. Đó là một kênh quan trọng để chính quyền biết dân mình đang nghĩ gì. Vấn đề không phải là người biểu tình. Vấn đề là lực lượng an ninh đã không làm tròn trách nhiệm của họ.
– Hơn lúc nào hết, chúng ta phải bình tĩnh để thể hiện cho thế giới biết chính nghĩa của mình. Phải thể hiện cho thế giới biết là nếu không sát cánh cùng Việt Nam tống cái giàn khoan kia về nhà của nó, thì một ngày nào đó cái giàn khoan đó sẽ đến nhà bạn và ảnh hưởng lớn tới lợi ích chiến lược của các bạn đấy. Hỡi Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Mỹ…
– Không thể hiện thái độ kỳ thị với người Trung Quốc hay bất kỳ người quốc tịch nào khác. Cái chúng ta phản đối là hành xử của chính quyền Trung Quốc, chứ không phải mỗi người dân. Người dân ở đâu cũng chỉ muốn yên ổn làm ăn mà thôi, chỉ có chính quyền là ngạo ngược.
– Báo chí hãy thể hiện trách nhiệm của mình, đừng kêu gọi tinh thần dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa cực đoan, đừng bài xích những giá trị tốt đẹp, tử tế của các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có những điều tốt đẹp và không dễ thay đổi, chỉ có chính quyền mới có những chính sách đôi khi đi ngược lòng dân và chính quyền là thứ có thể thay đổi. Sợ nhất là tinh thần “tự sướng đỉnh cao,” chỉ có hại cho mình thôi. Biết người biết ta, không sợ bị thua.
Gần 40 năm sau cuộc chiến gần đây nhất, đất nước chúng ta vẫn đang trong đói nghèo, lạc hậu và trì trệ. Đừng để đất nước chúng ta rơi vào một cuộc chiến tranh khác. Hãy kêu gọi thế giới sát cánh cùng Việt Nam và hãy tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ giúp đỡ của họ. Hãy truyền tải thông điệp hòa bình từ Việt Nam bằng cách tham gia vào dự án này. Hoặc share những thông tin từ đây, hay ở đây.
Chúng ta hãy làm mọi điều có thể, tùy theo sức của mình, để giữ lấy hòa bình cho đất nước! Mọi nỗ lực đều đáng trân trọng.
Có một blog nhiều bài thú vị ở đây.
Cuối cùng, một cách rất đúng mực, nói như Bộ trưởng Trần Đại Quang thế này: đề nghị Bộ trưởng Quách Thanh Côn báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc chỉ đạo rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam; hai bên sớm trở lại đàm phán để giải quyết những vấn đề bất đồng, vì lợi ích của nhân dân hai nước.