Những ngày này, giới làm báo đang nói về Sài Gòn Tiếp Thị, tương lai của 107 phóng viên, biên tập viên, nhân viên, lãnh đạo của tờ báo 19 năm tuổi này.
Tôi nhớ hồi làm ở tờ báo trước đây (cách nay 1 năm), một trong những tờ tôi đặt (đa phần là báo của “tư bản xấu xa”) là Sài Gòn Tiếp Thị. Lý do: tờ này hay, đăng tải được thật nhiều điều thật dũng cảm, thật xác đáng, thật có ích cho dân thường, doanh nghiệp và đẹp nữa. Lẽ tất nhiên, tôi không thích những bài chính trị xã hội đầy sức nặng, đầy tính khai sáng lại phải xếp cạnh sạp hàng xén. Nhưng thôi cũng được, vì có còn hơn không. Món ngon quá hiếm, phải mò mãi tận đáy sông mới thấy …kim cương. Tờ này đăng những thứ mà đa phần những tờ khác né.
Báo chí Việt Nam nói là nhiều về số lượng (bụm miệng cười hi hi), nhưng chúng ta cùng hỏi nhau tờ nào có những xu hướng sau rõ rệt nhất:
– Cổ súy cho lối sống đô thị văn minh, hiện đại bằng những góc nhìn đa chiều, ngay cả khi có thể đi ngược với đám đông?
– Ủng hộ những giá trị phổ quát của nhân loại (quyền con người, tự do học thuật, dân chủ…) một cách mạnh mẽ nhất, bằng những cây bút uy tín và có dấu ấn học thuật?
– Ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nỗ lực quảng bá cho họ, liên kết để tạo ra sức mạnh trong mỗi nhóm xã hội để gầy dựng nền móng cho nền kinh tế còn non yếu của chúng ta.
– Rất nhiều lần đăng tải những đề tài khiến ta ngạc nhiên, vì “thật gấu”, rồi ta lại suýt xoa biết ơn các phóng viên và tòa soạn đã đủ dũng khí, đủ sáng suốt để đem đến cho số đông những câu chuyện mà những nhóm quyền lực trong xã hội muốn giấu nhẹm đi.
– Có được sự tham gia cộng hưởng của những cây bút ghi dấu ấn trong lòng công chúng nhiều nhất? (Ai đó nói rằng tướng mà không có quân thì không gọi là tướng).
– Nỗ lực biến những điều tưởng chừng như cao siêu, xa lạ như Triết học, trở thành món ăn hằng ngày của bạn đọc một cách dễ hiểu nhất?
– Có lối trình bày hiện đại, cách viết hiện đại, đầu tư hình ảnh, có phóng sự ảnh chất lượng và khiến các báo khác, đồng nghiệp khác thèm thuồng?
– Nhiều lần “nghe nói” là có quan hệ đồng nghiệp rất vui vẻ, văn minh, không lấy chức to mà đè chức nhỏ, anh em tình thương mến thương.
– (…và còn gì nữa mời bạn điền vào đây)
Thêm đây (từ nội bộ tờ báo)- Là tờ dám thử và dám sai; Cho người trẻ cơ hội. Tức ngoài chuyện về nghề, nếu người trẻ có ý tưởng, tòa soạn, BBT dám chấp nhận cho họ thử nghiệm. Quá quý giá, phỏng?
Câu chuyện của Sài Gòn Tiếp Thị có bước ngoặt hiện nay không phải là chuyện thách thức mà báo in đang gặp phải. Bạn có thể nói về báo in như thế trên thế giới, nhưng báo in ở Việt Nam cũng vẫn ok, chưa phải tệ lắm, cũng như đa phần báo in ở châu Á vẫn khỏe và vui (hơi ngược chiều gió tí). Vậy nó có thể là vì Quản lý hay “You-Know-Who” hoặc “He Who Must Not Be Named” (không hiểu phỏng? là vì chưa đọc Harry Porter đó).
Một doanh nghiệp quản lý sai sẽ nhận lãnh hậu quả ngay tức khắc. Nhưng công bằng mà nói, hãy chỉ cho tôi xem tòa soạn nào đang hoạt động hiệu quả, thực sự có lợi nhuận? Nếu không hiệu quả, thua lỗ, họ có bị làm sao không? Mình dự là nếu không được bú mẹ (là tiền thuế của chúng ta đó, Magret Thatcher nói chẳng có loại tiền nào là tiền của công cả), khơ khớ tòa soạn lăn đùng ra chết. Đọc chi tiết hơn 1 chút về tình hình tài chính của Sài Gòn Tiếp Thị ở đây, ở đây và ở đây.
Nhưng tôi thì không muốn tòa soạn nào chết. Tự sống tốt hơn, nhỉ? Vì xã hội luôn cần có nhiều tiếng nói, khác biệt, đa dạng. Mỗi tờ có một tiếng nói riêng, ủng hộ một nhóm lợi ích riêng. Very good. Có báo chí tử tế, chính trị xã hội nghiêm túc đàng hoàng thì cũng phải có lá cải bình dân. Ai cũng có nơi bảo vệ mình, không ai bị bỏ rơi.
Bây giờ, những cây bút uy tín đang đi đâu? Một số người đến một tờ báo mới hoạt động trở lại, hay tham gia vào một chuyên mục khác của một tờ báo điện tử, hay viết blog. Cuối cùng rồi cũng đều có đường ra cho suy nghĩ của họ, cũng như 107 người ở Sài Gòn Tiếp Thị sẽ tìm được công việc cho mình (trong trường hợp họ không làm được tiếp). Họ có thể mang cái tinh thần, những giá trị khai sáng, dấn thân mà tờ báo đã làm được. Hoặc có thể không. Nhưng tôi chưa bao giờ ngưng kỳ vọng và biết ơn những người tiên phong mở đường đầy dũng cảm.
Tự hỏi: Ta sẽ tìm ở đâu những thứ mình cần đọc, muốn đọc, phải đọc, nên đọc?
Em xin bổ sung một xu hướng rõ rệt nữa là: yêu thiên nhiên. Có một tòa soạn trồng rất nhiều cây xanh, ngoài ra còn cho nuôi chim nuôi gà. Xung quanh lúc nào cũng có tiếng chim hót.
Em là một độc giả và xin cảm ơn bài viết này của chị.