Trong một cẩm nang thương hiệu của một tòa soạn báo, có dòng chữ thế này: Khi một giám đốc điều hành kể cho chúng ta (các phóng viên) là họ đang làm ăn rất tốt, phản ứng của chúng ta sẽ giống như 1 cổ đông ngồi hàng ghế sau trong cuộc họp thường niên của công ty. Anh ta giơ tay phát biểu: “À, thế à? Thế ông chứng minh đi.”
Tôi chưa thấy tòa soạn báo nào ở Việt Nam có 1 cuốn cẩm nang thương hiệu hoặc cuốn code of conduct một cách chính thức (các quy tắc về tác nghiệp, đạo đức cho phóng viên). Nhưng entry này tôi không định nói về cẩm nang đó, cho dù trên thế giới, những tòa soạn danh tiếng ở Mỹ đều đã có, và công khai trên Internet. Đó là công cụ để người trong tòa soạn giám sát lẫn nhau, nhưng quan trọng hơn, là để bạn đọc giám sát chính tòa soạn. Bạn đừng nghĩ chỉ có các nước phát triển mới có các quy định tác nghiệp nhé, kể cả các nước đang phát triển, các tòa soạn cũng có rồi.
Trong entry này, tôi chỉ định nói về verification – xác minh sự thật – một trong những nguyên tắc và trách nhiệm của báo chí với độc giả.
Thời gian qua, những ai hay lên mạng sẽ đọc được vài cái tin gây tranh cãi lớn, mà những tranh cãi đó sẽ không xảy ra nếu phóng viên làm cái việc vô cùng cần thiết ( để phân định họ với những nguồn tin khác trong xã hội) là “xác minh sự thật.”
Chuyện thứ nhất, chuyện “Tỉ phú Forbes đến Việt Nam.” Đây chỉ là 1 trong rất nhiều trang web đã đăng tải thông tin này. Trong thư đề nghị gặp mặt các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước ở Việt Nam bằng tiếng Anh, có chữ ký của ông Bruce K.Forbes, ông cũng khẳng định mình thuộc gia đình Forbes xuất bản tạp chí Forbes. Ngoài ra, trong thông cáo gửi tới báo chí, công ty con của ông cũng làm như vậy. Chuyện ông giả mạo tỉ phú Forbes (có thể hiểu là tỉ phú thuộc gia đình Forbes, hoặc có tên trong danh sách xếp hạng của Forbes hằng năm), vì sao ông làm như vậy, động cơ gì để một doanh nhân “điều hành 60 công ty ở khắp thế giới, tốt nghiệp rất nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới” cố tình “nhận vơ” và không trung thực, không lên tiếng đính chính ngay khi có thông tin sai lệch về mình như thế, ông ấy sẽ được luật sư của bên bị ảnh hưởng hỏi thăm. Nhưng tôi rất thắc mắc chuyện báo chí đã làm gì khi nhận được thông cáo báo chí về việc “tỷ phú Forbes sang Việt Nam.”
Trong hành tinh gần 7 tỉ người chúng ta đang sống, Forbes chỉ mới công nhận 1.341 tỉ phú. Vì sao Forbes công nhận thì quan trọng? Vì họ đã có 27 năm làm danh sách, với phương pháp và cách làm đã được thừa nhận. Đó là danh sách công khai, chẳng có gì giấu diếm. Bạn cần bao nhiêu lâu để tìm tên ông ấy trong danh sách trên mạng và trên trang Forbes.com? Tôi đoán chỉ 5 giây. Vậy sao báo chí không làm? Vậy sao các lãnh đạo tòa soạn lại cứ nhắm mắt đăng tải. Mục đích là gì? Để câu view và để gây tranh cãi à? Hay là 1 chiêu PR (xin lỗi những người làm PR vì viết là “chiêu PR” (một cách rất sai) ở đây, biết là mọi người sẽ nói đấy không phải là PR, nhưng giờ người ta cứ nhầm đó là PR ạ) với sự hậu thuẫn của các phóng viên và các tòa soạn? Đưa là “tỉ phú Forbes sang Việt Nam” là đưa tin sai. Cái này là fact, thực tế, có thể xác minh được một cách dễ dàng, chứ không phải khó khăn gì. Trong tòa soạn, người ta luôn nhắc nhau rằng, when in doubt, leave it out. Tức là: Nếu thấy nghi ngờ (thông tin), thì cắt thông tin nó đi. Thà thiếu thông tin chứ đừng để sai thông tin. Sai chỉ trong trường hợp hoàn toàn ngoài ý muốn, nhưng tôi nghi ngờ (trong nghề báo, nghi ngờ là 1 đức tính rất tốt; nhưng tin vào những đức tính và giá trị tốt đẹp của con người cũng tốt không kém), là các tòa soạn cố tính làm sai. Vì trong trường hợp này, đăng tin đúng cũng không khó gì hơn so với đăng tin sai. Vậy tại sao lại đăng tin sai? Cố tình hay vô tình? (Hỏi là trả lời rồi đấy).
Rồi sau đó ít lâu, các trang mạng lại viết theo kiểu công ty ở Việt Nam của “ông tỉ phú” nọ họp báo nói là dịch sai nên dẫn tới thông điệp sai. Gớm, các bác cứ đùa. Chuyện tỉ phú Forbes là thông tin rất nghiêm túc. Việt Nam là vùng mà ti tỉ năm (nói quá tí, ý là rất lâu đấy) mới có 1 tỉ phú ghé thăm (từ thời có Internet thì tôi nhớ mới có cái anh làm Facebook, ông Soros, Bloomberg là đến Việt Nam thôi), nên chuyện tỉ phú đến Việt Nam là rất lạ, không giống như nước Mỹ có tới 442 tỉ phú (kiểu, quá nhiều so với Việt Nam). Tôi cố gắng tin là công ty con của “ông tỉ phú Forbes” ở Việt Nam đã sử dụng chữ ký điện tử của ông “tỉ phú Forbes” nên đã qua mặt ông ấy. Tôi không tin (vĩnh viễn không tin) một ông như vậy lại phải sử dụng tới cái chiêu “thấy người sang bắt quàng làm họ” để đến cái xứ có mỗi 1 tỉ phú như chúng ta để “air blade” (à, bạn thấy cái từ này quen phải không? Nó là nhãn hiệu xe máy, có nghĩa là “choém gió”). Thế thì vì sao nhỉ? Thông tin mập mờ sau đó được viết lại trên báo chí, theo cách mà báo chí rất là vô can, không có tội gì, em ngây thơ, em bị lừa. Ối làng nước ôi. (Mặt đỏ bừng rất bẽn lẽn, hị hị).
Chuyện thứ 2, chuyện em Huyền Chip đi “du lịch bụi 25 nước với 700 đô la Mỹ.” Với cái tít “với 700 đô la Mỹ” đã là 1 cách đặt tít “misleading,” tức là cố tình dẫn dắt bạn đọc hiểu sai. Bạn đọc có thể phản ứng gì? Như tôi là thấy như cái gai trong ngực. Vì ai chả biết, 700 đô la Mỹ thì đi được đến đâu? Nhưng chắc là hành trình đó được bắt đầu lần đầu tiên với 700 đô la Mỹ. Sau này, em cũng nói lại như vậy. Thế thì báo chí hãy viết cho đúng, cho “fair,” tức là công bằng với Huyền, với bạn đọc. Xin lỗi, tôi tin là không có trường học dạy báo chí nào dạy phóng viên viết kiểu đó. Vậy cái gì đã làm cho phóng viên viết kiểu đó? Chỗ này ba chấm để những người liên quan tự điền.
Còn chi tiết tiếp theo là “du lịch bụi 25 nước.” Đến nay, con số này vẫn còn gây tranh cãi, dù cuốn sách đã chuyển sang đến tập 2 rồi. Cá nhân tôi chưa từng biết Huyền, chưa từng nói chuyện, và tôi vẫn tin là Huyền có thể làm được những điều kỳ lạ mà những người thế hệ 7x như tôi còn lâu mới hiểu và dám tin (phải, tôi hơi hèn một tí, đâu dám liều như em ấy. Tôi cũng hoàn toàn không định khuyên bất kỳ ai khác liều như em ấy. Tôi tin là đi đến những vùng đất xa lạ đòi hỏi chuẩn bị kỹ càng. Sự cẩn thận đó sẽ giúp chúng ta không rơi vào những hoàn cảnh nguy hiểm, rồi lại phí công cha mẹ đẻ ra, nuôi cho lớn, tốn tiền ăn học). Nhưng báo chí, à báo chí, sao em Huyền nói gì cũng tin thế? Sao thông cáo báo chí gì cũng dùng ngay mà không thắc mắc thế? Sao không làm giống như ông cổ đông mà tôi viết ở đoạn đầu, là giơ tay, rồi nói; “Thế á? Chứng minh đi xem nào?” Chứng minh bằng cách nào? Đưa hộ chiếu ra đây xem, dấu đóng xuất nhập cảnh? Visa đâu? Có gì mà khó nhỉ? Sao không làm từ đầu? Bạn nghi ngờ những gì Huyền nói phải không? Vậy sao không hỏi Huyền? Nếu Huyền không đưa cho bạn xem hộ chiếu và visa (đó là điều duy nhất để chấm dứt tranh cãi, vì đưa các cụ, các chuyên gia vào để nói rằng “tôi tin Huyền và bởi thế các bạn cũng nên tin Huyền” thì là ngụy biện), và nếu bạn không được chứng minh ngay từ đầu, tức ngay khi tập 1 phát hành, hẳn là bạn (nhà báo) có quyền nghi ngờ, và bạn hẳn có thể không đưa chi tiết đó vào bài. Vì “When in doubt, leave it out.” Cái gì đã làm bạn phải đưa chi tiết đó vào? Cái gì và cái gì? Chỗ này ba chấm để những người liên quan tự điền.
Tôi nghĩ để người khác biết đến mình vì những trò PR vớ vẩn như “ông tỉ phú” hay “đi bụi 25 nước” (well, “có thể là đi bụi 25 nước thật. I dont know 😯 ”, còn “ông tỉ phú” thì dỏm chắc rồi, không tính) là cách mà những người có lòng tự trọng không bao giờ làm. Bạn không nhận cái mà bạn không có, hay không thuộc về bạn. Đó chẳng phải chuẩn mực đạo đức căn bản nhất hay sao?
Nhưng tôi đang nói về báo chí cơ mà nhỉ? Ờ, cái gì đã làm cho báo chí tiếp tay những trò lố đó?
Tính chính xác và tính liêm chính là 2 phẩm chất cần thiết, trong rất nhiều phẩm chất của một tòa soạn báo. PR thời đại kỹ thuật số phải sử dụng nhiều công cụ, nhưng cái cần nhất là “nội dung.” Nội dung phải trúng, phải đúng, đừng có nói sai. Cố tình bịa còn kinh hơn.
Các tòa soạn cứ đăng những tin sai lệch, uy tín của họ sẽ dần mất đi. Làm sao có thể tạo ra những legacy (di sản) của mình được? Làm sao tồn tại lâu dài được? Mà cuối cùng, làm sao bán báo, bán quảng cáo được nếu bạn đọc không tin, không mua báo? Báo chí là mỗi một ngày góp nhặt từng tí sự cẩn trọng, liêm chính, và chuyên nghiệp. Nếu bạn viết blog (như tôi), chẳng ai nghi ngờ (và nên nghi ngờ. he he) tính chính xác của những gì tôi viết. Nhưng nếu bạn viết báo, thì sự cẩn trọng trong từng chi tiết mới giúp bạn đi đường dài.
Vậy xác minh thế nào? Theo trên này, là “tìm nhiều nhân chứng, tìm càng nhiều nguồn càng tốt, hỏi các bên để nghe bình luận…đó chỉ là vài thủ thuật. Nguyên tắc xác minh là điều phân định báo chí khác với những mô hình thông tin khác, ví dụ như tuyên truyền, văn chương (fiction) hay giải trí.
Again, xác minh là một trách nhiệm của báo chí. Bạn làm báo có thể ngày nào cũng viết chính xác, nhưng bạn đọc chả để ý (nhưng họ nhớ đấy, và họ đánh giá cao điều đó trong lòng họ).
Đừng quên xác minh và nghi ngờ.
Cám ơn Hương. Chị đã đọc comment của em. Chị đã viết rõ trong đoạn đấy rồi, chị hiểu là PR không phải vậy. Như vậy không phải PR. Cám ơn em đã ghé đọc và có ý kiến.
Chữ Pr mà chị lặp liên tục không phải là Pr, không có tactic nào như thế hết. Người làm Pr mà em biết là người hiểu khá sâu về vấn đề họ làm, thường họ chọn phần nào nên nói ra và nói như thế nào cho đúng người, đúng với thời điểm. Những người làm pr như em lúc trước, vì thế chính là người đi xác minh hoặc hỏi thêm khá nhiều thông tin, đây là một phần công việc của pr, bởi bọn em luôn chuẩn bị Q&A cho mọi tình huống của họp báo, phỏng vấn mặc dù thông thường ít có câu hỏi sâu, và ‘hóc’. Chị Loan biết dùng từ này là sai mà vẫn dùng là em không đồng ý đâu, nhất là người cầm bút lâu năm. Em xin lỗi khi nói thẳng, thà không dùng chứ không trích dẫn thế, gợi nên tranh cãi không cần thiết và làm loãng chủ đề.
Em cảm ơn cô vì bài viết rất hay ạ.