“Ông nên từ chức thôi, phải không?”

Tổng giám đốc BBC George Entwistle đã trả lời phỏng vấn 15 phút trên đài phát thanh Radio 4 của BBC trước khi từ nhiệm ngày 10-11-2012. Chương trình do nhân viên của ông, phát thanh viên kỳ cựu John Humphrys  thực hiện:

JH: Nhưng ông hẳn phải biết tối đó có chuyện gì xảy ra, vì trước khi phát 24 tiếng, có 1 thông tin trên tài khoản Twitter của BBC là sẽ có tin rất sốc trên Newsnight về nạn lạm dụng tình dục trẻ em, và sẽ liên quan tới một chính trị gia cao cấp của Đảng Bảo thủ từ thời Thatcher. Ông không thấy tweet đó à?

GE: Tôi không thấy, John. Giờ tôi hiểu…

JH: Vì sao không thấy?

GE: À, tôi lên Twitter xem vài lần vào cuối ngày, hoặc có khi không xem lần nào.

JH: Ông có lượng nhân viên khổng lồ, báo cáo với ông hàng ngày về tất cả mọi thứ. Họ cũng không thấy cái tweet sắp thiêu rụi thế giới?

GE: John, tôi cho rằng cái tweet đó không được báo cho tôi biết, bởi vậy, tôi chỉ biết về bộ phim sau kh nó phát sóng.  JH: Không ai nói cho ông là “Sếp, chúng ta sắp phát một bộ phim trong chương trình Newsnight – Newsnight chắc chắn là cái tên khiến cho ông phải chú ý, nhưng bộ phim này có nội dung cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng về một cựu chính trị gia…” Không ai từng nói thế à?

GE: Không.

JH: Thế có kỳ lạ không?

GE: Theo những gì đã xảy ra, tôi ước là có người đã nói với tôi như vậy…Tôi điều hành BBC theo cách đặt những người đúng vào những vị trí thích hợp để họ ra những quyết định đúng…

JH: Chúng ta giờ biết là Newsnight đã có một chương trình gây thất vọng lớn, và không chỉ là chương trình này. Như ông nói, với tư cách là Tổng biên tập, ông là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Do đó, dẫn tới câu hỏi rất rõ ràng: Ông nên từ chức thôi, phải không?

GE: Không John. Tôi được chỉ định làm Tổng giám đốc. Tổng giám đốc không chỉ được chỉ định đảm nhận nhiệm vụ khi mọi việc suôn sẻ; Tổng giám đốc được chỉ định khi có vấn đề không hay xảy ra, khi mọi việc diễn biến xấu hơn…

JH: Ông có nghĩ đến việc dừng phát sóng luôn chương trình Newsnight không?

Bài học ở đây:

– Phải để ý tới mạng xã hội và phải có người báo cáo liên tục về những gì mạng xã hội đang bàn thảo.

– Phải có “thằng đánh máy” bên cạnh để có gì còn đổ tại cho nó.

– Có người hỏi: ơ, ông ấy có làm đâu mà phải từ chức? Lính của ông ấy làm mà? Sự liêm sỉ của con người khác nhau ở chỗ đó.  Lương của ông ấy hơn 400 ngàn bảng/năm đấy.

Link: http://youtu.be/YLFeii1iwak

George Entwistle trả lời phỏng vấn trực tiếp trên BBC về sai sót của hãng. Ảnh: Guardian* Phải có niềm tin của công chúng để duy trì tính chính danh của sự tồn tại:

George Entwistle không hề là “tay mơ” với truyền thông khi lên đến vị trí cao nhất của BBC. Ông đã có hơn 1/4 thể kỷ làm báo, đảm nhận các chương trình tin tức và tài liệu, trong đó có cả vị trí đứng đầu quản lý Newsnight – một chương trình từng đoạt giải báo chí vì chất lượng cao của nó.

Phẩm chất cao nhất với Tổng giám đốc BBC không phải là kinh nghiệm chính trị hay làm báo, mà là sức mạnh trí tuệ và khả năng thay đổi cho phù hợp với thực tế, để đối phó với hàng loạt những lời chỉ trích đang nhắm vào BBC.  Niềm tin của công chúng là điều vô cùng quan trọng đối với tính chính danh cho sự tồn tại của một hãng truyền thông hoạt động nhờ tiền công quỹ như BBC.  Nhưng nhân vật thay thế cho ông, Tim Davie, lại không có kinh nghiệm báo chí và là gương mặt tương đối mới ở BBC. Bởi vậy,  các nhà quan sát cho rằng BBC đang bị thương, bị tấn công, và “như rắn mất đầu”.

Người Myanmar tôi gặp

Những gì diễn ra ở Myanmar đang là điểm nóng với truyền thông thế giới. Bởi vậy, entry này cũng nói về Myanmar cho hợp thời.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Myanmar  cùng đợt công du Thái Lan và Campuchia từ ngày 17 đến 20-11-2012. Chúng ta có thể đặt câu hỏi, vì sao ông ấy không ghé thăm Việt Nam, vì Việt Nam ngay cạnh Campuchia? Nhưng đó là chuyện khác, không liên quan tới Myanmar.

 

Ông Obama sẽ là Tổng thống đầu tiên của Mỹ thăm Myanmar trong khi cả thế giới đều rất kỳ vọng và mừng vui trước sự mở cửa của nước này. Sự hiện diện của ông sẽ là dấu chỉ quan trọng nhất thừa nhận những nỗ lực cải cách của giới lãnh đạo Myanmar.

Cái tôi tự hỏi là “Liệu đó có phải là cuộc cải cách thực sự không? Hay chỉ là giả vờ, và sau đó sẽ “chộp cổ” những người theo đường lối cải cách?”. Những cái gương đã tày liếp ra đấy, và đừng đùa với quân đội, một khi nó đã nắm quyền và nắm quyền duy nhất quá lâu mà không bị lực lượng nào thách thức hay đối lập.

 

Tôi đặt câu hỏi cho một bác là nhà văn, hiện là Tổng biên tập một tạp chí xuất bản 2 tuần 1 số ở Myanmar. Bác trở thành nhà báo mới được 2 năm nay, và trở thành chủ bút của tạp chí tư nhân ngay sau khi nhà nước chấp thuận sự tồn tại của báo chí tư nhân.

“Tôi đã chờ đợi hơn 20 năm cho thời điểm hiện nay” – ông nói. “Tôi rất hi vọng công cuộc cải cách này là thực sự cải cách. Tôi vẫn đang hồi hộp đây”.

 

Hơn 20 năm ẩn mình chờ đợi, chấp nhận im hơi lặng tiếng để đợi đến lúc chính phủ buộc phải theo xu hướng chung, không thể cưỡng lại được. Có lẽ đây không hẳn là câu chuyện của nhà văn đó. Ông có dáng người tầm thước, hẳn không phải là nghèo, nói thứ tiếng Anh rất “học thức” và chuẩn xác. Những người Myanmar tôi gặp đều khiến tôi ngả mũ chào vì khả năng tiếng Anh của họ. Bởi vậy, đừng nói Myanmar đóng cửa với thế giới là cách biệt hoàn toàn.  Bác nhà văn chắc hẳn không thuộc giai tầng vất vả kiếm sống trong xã hội, nhưng tỏ ra rất khiêm tốn, quan sát và học hỏi. Bác không né tránh bất kỳ câu hỏi nào, rất cởi mở thảo luận về tất cả mọi vấn đề.

Bác tỏ ra đặc biệt quan tâm tới Việt Nam, nói, những người Việt Nam mà ông gặp – dù ông chưa gặp nhiều người – khiến ông có cảm giác họ rất tự tin và đầy tiềm năng. Sự tự tin đó – theo ông – có vai trò rất lớn từ lịch sử, khi người Việt Nam buộc phải đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc và đã chiến thắng nhiều kẻ thù. Những tiềm năng đó – theo ông –  nếu được khai thác đầy đủ bằng những chính sách đúng đắn – thì Việt Nam “sẽ tiến rất nhanh và xa”. Tôi đã nói rằng “Tôi mong đừng để lịch sử níu kéo chúng ta. Mọi điều đều có ý nghĩa và giá trị lịch sử nhất định, ở những thời điểm nhất định. Hiện tại và tương lai là điều quan trọng hơn cả. Còn những gì chứng kiến ở Myanmar cho tôi thấy, đất nước và người dân Myanmar thật hiền hòa và mến khách. Người dân đã hi sinh và mất mát quá nhiều để có được ngày hôm nay, và với tiềm năng của đất nước, họ xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Và tôi rất trông mong điều đó xảy ra”. Thách thức với Myanmar hiện nay  là phát triển cân bằng, để thành phần nào trong xã hội cũng được hưởng lợi từ các chính sách cải cách và mà cửa. Theo một chính trị gia hàng đầu của Na Uy –  một trong những nước đầu tiên dự báo chính xác về sự thay đổi trong chính sách của Myanmar – điều quan trọng hơn cả, Myanmar phải thực sự  cải cách, dân chủ hóa, chứ không thể lấy lý do “chỉ cần dân chúng giàu lên là đủ, không cần dân chủ” như nhiều nước khác đang tuyên bố.

Một người Myanmar khác mà tôi gặp là một nhân vật từng đi tị nạn 20 năm cho tới khi quyết định trở về Myanmar vài tháng trước để ra tờ báo tư nhân mới. Cũng dáng người tầm thước, nước da màu ngăm đen, ông đặt những câu hỏi thể hiện sự cầu thị, muốn lắng nghe, học hỏi từ các nền báo chí khu vực và thế giới để tìm cách giải quyết vấn đề mà báo chí Myanmar đang gặp phải, trong đó có việc định hình những quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp được những người làm báo thừa nhận và tình nguyện tuân thủ, nhằm tránh để nhà nước can thiệp vào hoạt động báo chí một cách cao nhất. Cách ông ấy hỏi cho thấy ông ấy thực sự quan tâm và sẽ tạo ra khác biệt ở đất nước mình.

Tôi lại nhớ đến một người bạn khác từng gặp cách nay khoảng 7 năm. Khi đó, anh ta đang tị nạn ở Thái Lan. Đợt đi học ở Campuchia hồi đầu năm 2000 là cái cớ để anh không muốn trở về quê hương nữa. Anh hay ôm đàn ghi-ta lim dim hát bài “Imagine” của John Lennon. Không biết anh đang ra sao, và liệu có quyết định trở về chưa?

“You may say I am a dreamer. But I am not the only one”.