“Ông nên từ chức thôi, phải không?”

Tổng giám đốc BBC George Entwistle đã trả lời phỏng vấn 15 phút trên đài phát thanh Radio 4 của BBC trước khi từ nhiệm ngày 10-11-2012. Chương trình do nhân viên của ông, phát thanh viên kỳ cựu John Humphrys  thực hiện:

JH: Nhưng ông hẳn phải biết tối đó có chuyện gì xảy ra, vì trước khi phát 24 tiếng, có 1 thông tin trên tài khoản Twitter của BBC là sẽ có tin rất sốc trên Newsnight về nạn lạm dụng tình dục trẻ em, và sẽ liên quan tới một chính trị gia cao cấp của Đảng Bảo thủ từ thời Thatcher. Ông không thấy tweet đó à?

GE: Tôi không thấy, John. Giờ tôi hiểu…

JH: Vì sao không thấy?

GE: À, tôi lên Twitter xem vài lần vào cuối ngày, hoặc có khi không xem lần nào.

JH: Ông có lượng nhân viên khổng lồ, báo cáo với ông hàng ngày về tất cả mọi thứ. Họ cũng không thấy cái tweet sắp thiêu rụi thế giới?

GE: John, tôi cho rằng cái tweet đó không được báo cho tôi biết, bởi vậy, tôi chỉ biết về bộ phim sau kh nó phát sóng.  JH: Không ai nói cho ông là “Sếp, chúng ta sắp phát một bộ phim trong chương trình Newsnight – Newsnight chắc chắn là cái tên khiến cho ông phải chú ý, nhưng bộ phim này có nội dung cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng về một cựu chính trị gia…” Không ai từng nói thế à?

GE: Không.

JH: Thế có kỳ lạ không?

GE: Theo những gì đã xảy ra, tôi ước là có người đã nói với tôi như vậy…Tôi điều hành BBC theo cách đặt những người đúng vào những vị trí thích hợp để họ ra những quyết định đúng…

JH: Chúng ta giờ biết là Newsnight đã có một chương trình gây thất vọng lớn, và không chỉ là chương trình này. Như ông nói, với tư cách là Tổng biên tập, ông là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Do đó, dẫn tới câu hỏi rất rõ ràng: Ông nên từ chức thôi, phải không?

GE: Không John. Tôi được chỉ định làm Tổng giám đốc. Tổng giám đốc không chỉ được chỉ định đảm nhận nhiệm vụ khi mọi việc suôn sẻ; Tổng giám đốc được chỉ định khi có vấn đề không hay xảy ra, khi mọi việc diễn biến xấu hơn…

JH: Ông có nghĩ đến việc dừng phát sóng luôn chương trình Newsnight không?

Bài học ở đây:

– Phải để ý tới mạng xã hội và phải có người báo cáo liên tục về những gì mạng xã hội đang bàn thảo.

– Phải có “thằng đánh máy” bên cạnh để có gì còn đổ tại cho nó.

– Có người hỏi: ơ, ông ấy có làm đâu mà phải từ chức? Lính của ông ấy làm mà? Sự liêm sỉ của con người khác nhau ở chỗ đó.  Lương của ông ấy hơn 400 ngàn bảng/năm đấy.

Link: http://youtu.be/YLFeii1iwak

George Entwistle trả lời phỏng vấn trực tiếp trên BBC về sai sót của hãng. Ảnh: Guardian* Phải có niềm tin của công chúng để duy trì tính chính danh của sự tồn tại:

George Entwistle không hề là “tay mơ” với truyền thông khi lên đến vị trí cao nhất của BBC. Ông đã có hơn 1/4 thể kỷ làm báo, đảm nhận các chương trình tin tức và tài liệu, trong đó có cả vị trí đứng đầu quản lý Newsnight – một chương trình từng đoạt giải báo chí vì chất lượng cao của nó.

Phẩm chất cao nhất với Tổng giám đốc BBC không phải là kinh nghiệm chính trị hay làm báo, mà là sức mạnh trí tuệ và khả năng thay đổi cho phù hợp với thực tế, để đối phó với hàng loạt những lời chỉ trích đang nhắm vào BBC.  Niềm tin của công chúng là điều vô cùng quan trọng đối với tính chính danh cho sự tồn tại của một hãng truyền thông hoạt động nhờ tiền công quỹ như BBC.  Nhưng nhân vật thay thế cho ông, Tim Davie, lại không có kinh nghiệm báo chí và là gương mặt tương đối mới ở BBC. Bởi vậy,  các nhà quan sát cho rằng BBC đang bị thương, bị tấn công, và “như rắn mất đầu”.

Người Myanmar tôi gặp

Những gì diễn ra ở Myanmar đang là điểm nóng với truyền thông thế giới. Bởi vậy, entry này cũng nói về Myanmar cho hợp thời.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Myanmar  cùng đợt công du Thái Lan và Campuchia từ ngày 17 đến 20-11-2012. Chúng ta có thể đặt câu hỏi, vì sao ông ấy không ghé thăm Việt Nam, vì Việt Nam ngay cạnh Campuchia? Nhưng đó là chuyện khác, không liên quan tới Myanmar.

 

Ông Obama sẽ là Tổng thống đầu tiên của Mỹ thăm Myanmar trong khi cả thế giới đều rất kỳ vọng và mừng vui trước sự mở cửa của nước này. Sự hiện diện của ông sẽ là dấu chỉ quan trọng nhất thừa nhận những nỗ lực cải cách của giới lãnh đạo Myanmar.

Cái tôi tự hỏi là “Liệu đó có phải là cuộc cải cách thực sự không? Hay chỉ là giả vờ, và sau đó sẽ “chộp cổ” những người theo đường lối cải cách?”. Những cái gương đã tày liếp ra đấy, và đừng đùa với quân đội, một khi nó đã nắm quyền và nắm quyền duy nhất quá lâu mà không bị lực lượng nào thách thức hay đối lập.

 

Tôi đặt câu hỏi cho một bác là nhà văn, hiện là Tổng biên tập một tạp chí xuất bản 2 tuần 1 số ở Myanmar. Bác trở thành nhà báo mới được 2 năm nay, và trở thành chủ bút của tạp chí tư nhân ngay sau khi nhà nước chấp thuận sự tồn tại của báo chí tư nhân.

“Tôi đã chờ đợi hơn 20 năm cho thời điểm hiện nay” – ông nói. “Tôi rất hi vọng công cuộc cải cách này là thực sự cải cách. Tôi vẫn đang hồi hộp đây”.

 

Hơn 20 năm ẩn mình chờ đợi, chấp nhận im hơi lặng tiếng để đợi đến lúc chính phủ buộc phải theo xu hướng chung, không thể cưỡng lại được. Có lẽ đây không hẳn là câu chuyện của nhà văn đó. Ông có dáng người tầm thước, hẳn không phải là nghèo, nói thứ tiếng Anh rất “học thức” và chuẩn xác. Những người Myanmar tôi gặp đều khiến tôi ngả mũ chào vì khả năng tiếng Anh của họ. Bởi vậy, đừng nói Myanmar đóng cửa với thế giới là cách biệt hoàn toàn.  Bác nhà văn chắc hẳn không thuộc giai tầng vất vả kiếm sống trong xã hội, nhưng tỏ ra rất khiêm tốn, quan sát và học hỏi. Bác không né tránh bất kỳ câu hỏi nào, rất cởi mở thảo luận về tất cả mọi vấn đề.

Bác tỏ ra đặc biệt quan tâm tới Việt Nam, nói, những người Việt Nam mà ông gặp – dù ông chưa gặp nhiều người – khiến ông có cảm giác họ rất tự tin và đầy tiềm năng. Sự tự tin đó – theo ông – có vai trò rất lớn từ lịch sử, khi người Việt Nam buộc phải đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc và đã chiến thắng nhiều kẻ thù. Những tiềm năng đó – theo ông –  nếu được khai thác đầy đủ bằng những chính sách đúng đắn – thì Việt Nam “sẽ tiến rất nhanh và xa”. Tôi đã nói rằng “Tôi mong đừng để lịch sử níu kéo chúng ta. Mọi điều đều có ý nghĩa và giá trị lịch sử nhất định, ở những thời điểm nhất định. Hiện tại và tương lai là điều quan trọng hơn cả. Còn những gì chứng kiến ở Myanmar cho tôi thấy, đất nước và người dân Myanmar thật hiền hòa và mến khách. Người dân đã hi sinh và mất mát quá nhiều để có được ngày hôm nay, và với tiềm năng của đất nước, họ xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Và tôi rất trông mong điều đó xảy ra”. Thách thức với Myanmar hiện nay  là phát triển cân bằng, để thành phần nào trong xã hội cũng được hưởng lợi từ các chính sách cải cách và mà cửa. Theo một chính trị gia hàng đầu của Na Uy –  một trong những nước đầu tiên dự báo chính xác về sự thay đổi trong chính sách của Myanmar – điều quan trọng hơn cả, Myanmar phải thực sự  cải cách, dân chủ hóa, chứ không thể lấy lý do “chỉ cần dân chúng giàu lên là đủ, không cần dân chủ” như nhiều nước khác đang tuyên bố.

Một người Myanmar khác mà tôi gặp là một nhân vật từng đi tị nạn 20 năm cho tới khi quyết định trở về Myanmar vài tháng trước để ra tờ báo tư nhân mới. Cũng dáng người tầm thước, nước da màu ngăm đen, ông đặt những câu hỏi thể hiện sự cầu thị, muốn lắng nghe, học hỏi từ các nền báo chí khu vực và thế giới để tìm cách giải quyết vấn đề mà báo chí Myanmar đang gặp phải, trong đó có việc định hình những quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp được những người làm báo thừa nhận và tình nguyện tuân thủ, nhằm tránh để nhà nước can thiệp vào hoạt động báo chí một cách cao nhất. Cách ông ấy hỏi cho thấy ông ấy thực sự quan tâm và sẽ tạo ra khác biệt ở đất nước mình.

Tôi lại nhớ đến một người bạn khác từng gặp cách nay khoảng 7 năm. Khi đó, anh ta đang tị nạn ở Thái Lan. Đợt đi học ở Campuchia hồi đầu năm 2000 là cái cớ để anh không muốn trở về quê hương nữa. Anh hay ôm đàn ghi-ta lim dim hát bài “Imagine” của John Lennon. Không biết anh đang ra sao, và liệu có quyết định trở về chưa?

“You may say I am a dreamer. But I am not the only one”.

Học bổng báo chí

Hiện có rất nhiều loại học bổng dài hạn, khóa đào tạo ngắn hạn miễn phí dành cho những người làm báo ở VN.

Trong năm năm trở lại đây, lượng lao động trong ngành báo chí gia tăng nhanh chóng, với khoảng hơn 1.000 lao động mỗi năm. Điều đó cho thấy sức hút hấp dẫn của ngành đặc biệt này.

Thông thạo tiếng Anh, có người giới thiệu

Để có được học bổng báo chí, ngoài việc chứng minh mình là người có những tố chất có thể gây ảnh hưởng tới người khác, yêu nghề và muốn trở thành nhân tố tạo thay đổi trong xã hội, ứng viên xin học bổng cần phải thông thạo tiếng Anh (cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) để có nền tảng đầu tiên tốt nhất thích nghi với cuộc sống học tập và nghiên cứu ở xứ người.

Nếu được lựa chọn, các chương trình học báo chí ở các nước phát triển, nơi có nền báo chí theo xu hướng tự do, có trách nhiệm với xã hội là những địa điểm nên đến. Đó là những đất nước mà luôn đánh giá cao tinh thần phản biện và tôn trọng những suy nghĩ đa chiều – điều rất cần thiết để có thể vừa học vừa nghiên cứu báo chí. Các chương trình này đều được chọn lựa công khai nhưng nếu bạn có những người giới thiệu “nặng ký” sẽ là một lợi thế cho bạn.

Nhiều học bổng có đầu vào dễ thở

Trung tâm Joan Shorenstein (về báo chí, chính trị và chính sách công) hằng năm đều cấp học bổng toàn phần trong lĩnh vực báo chí dành cho các nhà báo tại ĐH Harvard (Mỹ). Giá trị học bổng bao gồm cả sinh hoạt phí là 30.000 USD (giải ngân trong bốn đợt). Ngoài ra, sinh viên còn được cung cấp chỗ làm việc, máy tính và những tiện nghi hoạt động khác. Hạn chót nộp hồ sơ cho đợt học mới là 1-2-2013. Link: http://shorensteincenter.org/fellowships/fellowship-application/.

Chương trình báo chí châu Á học tại Trường Truyền thông và thông tin Wee Kim Wee thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) trong ba tháng. Đợt học thứ năm sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến 17-5-2013. Chương trình hằng năm này là sáng kiến của Quỹ Temasek và ĐH Công nghệ Nanyang, giúp các nhà báo tạm tránh xa những áp lực công việc hằng ngày để nghiên cứu tại một trong những trường ĐH hàng đầu châu Á. Chương trình thiết kế nhằm “mài sắc” hơn những kỹ năng đã có của các nhà báo, cũng như giúp họ tìm hiểu những xu hướng báo chí và truyền thông trong thời buổi thông tin đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Học viên cũng có cơ hội gặp gỡ các lãnh đạo, những người ra quyết định tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội của Singapore. Ứng viên phải có ít nhất năm năm kinh nghiệm, có tiềm năng tạo sự khác biệt trong nghề nghiệp và quê hương sau khi học xong. Chương trình nhận ứng viên ở mọi loại hình tin tức, như báo in, tạp chí, truyền hình, phát thanh hay web. Bạn hãy vào link: http://www.ajf.sg/application/ để tìm hiểu các chương trình học.

“Báo chí trong thế giới kỹ thuật số” là tên chương trình tại Học viện Báo chí quốc tế Intajour (Hamburg, Đức). Hiện đã quá hạn nộp hồ sơ cho chương trình năm 2012-2013 nhưng bạn sẽ đủ thời gian để chuẩn bị hồ sơ cho đợt học 2013-2014 bắt đầu từ tháng 4-2013. Việc đăng ký rất dễ dàng qua mạng tại địa chỉ http://www.intajour.com/Int.-Academy-of-Journalism/apply-here/general-information.html. Cả những nhà báo tự do, blogger hay đang làm việc lâu dài ở những tòa soạn đều có thể đăng ký xin học bổng được. Đây là một chương trình rất “hợp thời” và nền báo chí Đức vốn nổi tiếng là tiến bộ, tự do và hiện đại chắc chắn sẽ đem lại cho người học nhiều trải nghiệm thú vị.

Chương trình báo chí LHQ – Quỹ Dag Hammarskjöld dành cho nhà báo – nhằm giúp các nhà báo khắp thế giới hiểu hơn về sứ mệnh của LHQ. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các nhà báo trẻ ở các nước đang phát triển như Việt Nam hiểu và đưa tin về LHQ tới người đọc ở Việt Nam. Ngoài yêu cầu phóng viên 25-35 tuổi, ứng viên phải có được sự chấp thuận nghỉ và đồng ý đăng tải bài vở của ban biên tập. Ứng viên được cấp vé máy bay khứ hồi ở New York, nhà ở, bảo hiểm y tế, tiền sinh hoạt hằng ngày và vật dụng cần thiết. Link tìm hiểu thông tin: http://www.unjournalismfellowship.org/index.php/recipients/fellows-1962-2009/10-site-content/fellowship/4.

Thomson Reuters Foundation Fellowships là chương trình của Viện Reuters về nghiên cứu báo chí, bắt đầu từ năm 1983, dành cho các nhà báo có kinh nghiệm muốn thực hiện một dự án nghiên cứu. Đây là chương trình rất phù hợp với những ai có đề tài nghiên cứu nhưng chưa có tiền và sự hỗ trợ chuyên môn. Mỗi chương trình kéo dài 3-6 tháng. Link: http://reutersinstitute.politics.ox.ac.uk/fellowships/types.html.

Học bổng Chevening của Bộ Ngoại giao Anh cũng cung cấp chương trình thạc sĩ báo chí cho người học ở bất kỳ một trường ĐH nào tại Vương quốc Anh. Link: http://www.fco.gov.uk/en/about-us/what-we-do/scholarships/.

Học viện Báo chí Quốc tế (the International Institute for Journalism – IIJ) của InWEnt, Tổ chức bồi dưỡng và nâng cao năng lực quốc tế của CHLB Đức, thường xuyên mở các lớp đào tạo báo chí online, môi trường hay ASEAN tại Việt Nam, Jakarta và Berlin. Chương trình học dành cho các phóng viên làm việc cho các báo, tạp chí, các ấn phẩm online và các cơ quan thông tin; đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau: Có ít nhất bốn năm kinh nghiệm và quan tâm đến các vấn đề của ASEAN; không quá 36 tuổi; thành thạo tiếng Anh; ưu tiên cho các ứng cử viên nữ. Các thông tin có thể hỏi tại văn phòng InWEnt Hà Nội. Link: www.inwent-vn.org.

Theo một báo cáo của Pricewaterhourse Cooper (công ty tư vấn doanh nghiệp), Việt Nam là nơi có thị trường truyền thông báo chí phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2009-2013. Chỉ riêng từ năm 2004-2009, giá trị của ngành này đã tăng lên gấp ba lần và được kỳ vọng đạt đến mức 2,3 tỉ USD trong năm 2013.

DIÊN VỸ

Link: http://phapluattp.vn/20121103114427157p0c1019/san-hoc-bong-bao-chi.htm