Đóng cửa cơ quan kiểm duyệt truyền thông Myanmar

Ông U Tint Swe đã đề ra lộ trình từng bước đóng cửa văn phòng kiểm duyệt văn hóa Myanmar. Ảnh: NYT

“Chúng tôi không bắt bớ hay tra tấn ai hết, nhưng chúng tôi tra tấn tác phẩm của họ” – U Tint Swe – lãnh đạo cuối cùng của Văn phòng kiểm duyệt báo chí và văn hóa của Myanmar kể lại công việc mà ông vừa chính thức kết thúc.

Trụ sở của ông từng là trung tâm thẩm vấn của cảnh sát Nhật thời Thế chiến 2, hàng ngày, hàng trăm nhân viên, chủ yếu là nữ, miệt mài ngồi bên những chiếc ghế mây và bàn gỗ tếch, xung quanh đầy bản thảo sách, báo để cắt bỏ những phần nội dung mà họ cho rằng không được phép công bố.

Từng bị gọi là “kẻ tra tấn văn chương”, ông Tint Swe, cựu quan chức quân đội, từng là lãnh đạo của cơ quan có quyền quyết định công chúng Myanmar sẽ đọc gì, và phải xóa bỏ những gì khỏi chính sử. Họ kiểm tra mọi cuốn sách, bài viết, minh họa, hình ảnh hay thơ trước khi được xuất bản.

Họ trả lại cho các tác giả hay cơ quan xuất bản những bản nháp đầy dòng bị gạch đỏ, thậm chí cấm xuất bản luôn sách hay báo. Trách nhiệm của họ là các bài viết có hơi hướng cáo buộc chính phủ tham nhũng phải bị gạch bỏ, mọi bài viết đều dùng là Myanmar – tên gọi chính thức của đất nước hiện nay, chứ không phải Burma, họ kiểm duyệt cả sách trang vàng ghi số điện thoại.

Nhưng ông Tint Swe vừa làm một công việc mà ông cho rằng đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời: triệu tập tất cả các tổng biên tập và xuất bản đến văn phòng, chính thức thông báo với họ rằng cơ quan kiểm duyệt văn hóa của Myanmar chính thức đóng cửa, sau 48 năm và 14 ngày họat động.

Chính ông và một số quan chức trong Bộ Thông tin đã bàn đến lộ trình chấm dứt bộ máy kiểm duyệt chỉ vài tháng sau khi chính phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền. “Việc tôi làm (kiểm duyệt) là không phù hợp với những gì đang xảy ra trên thế giới, không phù hợp với thực tế. Chúng tôi không thể lẩn tránh sự thay đổi. Cả nước đang muốn thay đổi” – ông nói với New York Times.

Bản thân ông, lúc rảnh rỗi cũng viết về đề tài lịch sử quân sự, vũ khí…, nhưng ông cũng “lách” bằng cách đưa bài viết lên Facebook. Vì thế, các nhà báo Myanmar đã đùa rằng, ông cũng biết cách trườn khỏi bàn tay của văn phòng kiểm duyệt ra sao. Ông hiểu rằng kiểm duyệt thông tin là không thể tồn tại vào thời Internet được, bởi vậy, thậm chí, ông còn giúp các tổng biên tập báo chí nước này tổ chức hội nghị về tương lai báo chí.

Văn phòng kiểm duyệt bị đóng cửa từng bước bằng cách thu hẹp phạm vi hoạt động của từng bộ phận. Tháng 6-2012 là dừng kiểm duyệt những bài viết về giải trí, y tế, trẻ em và thể thao. Một tháng trước đây, những bài viết về chính trị và tôn giáo cũng không còn phải qua văn phòng ông nữa. 100 nhân viên kiểm duyệt của ông đang dư thừa thời gian, và họ sẽ còn nhiều thời gian hơn vì việc đăng ký ấn phẩm sẽ sớm được giao về cho nhà chức trách các bang.

Vì người đã gắn bó lâu với cơ quan, dĩ nhiên, ông Tint Swe cảm thấy buồn văn phòng của ông giờ “như thị trấn ma”, nhưng ông cũng “cảm thấy tự hào vì mình là người kết thúc sứ mạng của cơ quan kiểm duyệt này”.

– New York Times –

– Khi tôi tới thăm Myanmar vào năm 2011, visa rất dễ dàng, chỉ cần thuê 1 công ty du lịch là họ làm cho hết,  thậm chí chả phải điền form gì cả. Myanmar giống như Việt Nam vào những năm 1980, nhưng tôi rất tin là đất nước này sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới vì sự hiểu biết chính trị của người dân nơi đây rất tiến bộ. Những thay đổi chính sách như mở cửa, thả tù nhân chính trị và đối lập liên tục, để bà Suu Kyi đi diễn thuyết khắp nơi đang tạo dựng niềm tin của thế giới với Myanmar. Người phụ nữ 67 tuổi này đang là nơi đặt niềm tin và hi vọng của không chỉ 60 triệu người Myanmar.

Vì đóng cửa, Myanmar vẫn duy trì những thói quen xưa, như mỹ phẩm là bột từ thân cây cọ trên mặt đá và nước, rồi bôi lên mặt, cả mặt, cả ngày như thế, lúc nào cũng như không rửa mặt. Người Myanmar cũng có cách để khăn mùi xoa trong túi áo rất lạ. Đồ ăn thì hơi khó ăn một chút so với đồ ăn của các nước châu Á, nhưng được cái dân tình rất thân thiện thật thà.

Một chuyến đi Myanmar không quá tốn kém nếu bạn chỉ đến Rangoon vào thời điểm này.

Philipp Rösler nói về Việt Nam

Philipp Rösler lúc 6 tuổi. Ảnh: Spiegel

Philipp Rösler khi trả lời báo Đức đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một phần cuộc đời ông, nhưng phần đời đó ông không còn nhớ gì cả. Ông có tất cả ở Đức, cha, bạn bè, gia đình nên không cảm thấy có nhu cầu phải đi tìm kiếm lại những gì của quá khứ. Ông không quan trọng thắt chặt mối dây gì đó với ai đó, ông chỉ muốn các doanh nghiệp Đức có lợi, vì ông là đại diện cho họ.

Ngày 17-9, ông sẽ trở lại Việt Nam, với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế Đức.

Chính trị  gia 39 tuổi đã trả lời phỏng vấn của báo Spiegel về chuyến đi. Đây sẽ là một hành trình độc đáo cho ông Rösler…một đoàn truyền thông sẽ đi cùng, và người Việt Nam cũng rất quan tâm.

SPIEGEL ONLINE: Ông sẽ tới Việt Nam, đất nước mà ông đã từng được sinh ra. Ông hi vọng gì ở chuyến đi?

Rösler: Tôi hi vọng các doanh nghiệp Đức sẽ có lợi. Việt Nam là đất nước đang lên, và do đó là thị trường rất thú vị cho các doanh nghiệp của chúng ta. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả, nhưng các động thái dịch chuyển về hướng tự do kinh tế nhiều hơn. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức trước mắt, như các vấn đề liên quan tới nguyên tắc thượng tôn luật pháp (pháp quyền).

SPIEGEL ONLINE: Chuyến đi của ông sẽ rất thu hút sự chú ý vì chuyện riêng của ông đan xen với lịch sử gần đây của đất nước Việt Nam. Ông bị bỏ rơi trong thời chiến tranh Việt Nam. Ông có nhớ gì khi đó không?

Rösler: Tôi sống vài tháng tại Khánh Hưng (giờ là Sóc Trăng) tại một cô nhi viện. Đó là năm 1973. Dĩ nhiên tôi không nhớ gì về thời đó cả. Vài năm trước đây, tôi đọc được 1 bài báo trên Spiegel mô tả lịch sử của cô nhi viện đó. Khoảng 3.000 đứa bé đã được chăm sóc vào thời gian đó nhờ các xơ.

SPIEGEL ONLINE: Hai xơ là Mary Marthe và Sylvie Marthe đã chăm sóc ông vào những tháng đầu đời. Tháng 11-1973, ông đến Đức sau khi được nhận làm con nuôi. Phóng viên Michael Brocker viết trong tiểu sử của ông là xơ Mary Marthe vẫn ở Việt Nam. Ông có liên lạc với bà ấy không?

Rösler: Chúng tôi liên lạc khi tôi trở thành Bộ trưởng Y tế vào năm 2009. Các phóng viên đã đến Việt Nam và chụp hình xơ Mary Marthe cùng với ảnh của tôi. Sau đó, bà đã liên lạc với tôi thông qua một xơ khác có địa chỉ email. Tôi cảm thấy rất xúc động.

SPIEGEL ONLINE: Bà ấy đã viết gì?

Rösler: Bà viết là bà đã tự hào như thế nào về những gì tôi đã làm được.

SPIEGEL ONLINE: Ông có biết gì thêm về hoàn cảnh khiến ông bị bỏ rơi bên ngoài trại tế bần không?

Rösler: Không, và tôi cũng không bao giờ muốn biết.

SPIEGEL ONLINE: Vì sao?

Rösler: Tìm kiếm điều gì đó có nghĩa là cho bạn thấy là bạn đang thiếu một cái gì đó. Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy mình thiếu điều gì cả.

SPIEGEL ONLINE: Ông không bao giờ cảm thấy có thôi thúc tìm kiếm thêm à?

Rösler: Không, không bao giờ. Đức là quê nhà của tôi. Việt Nam là một phần cuộc đời tôi mà tôi không còn nhớ. Tôi lớn lên ở Đức, tôi có gia đình, có cha và bạn bè ở đây.

SPIEGEL ONLINE: Sáu năm trước khi ông đến Việt Nam lần đầu tiên cùng vợ, ông không đến trại tế bần đó. Liệu đó có phải là quyết định khôn ngoan không?

Rösler: Cho đến năm 2006, chúng tôi hoàn toàn không biết nơi đó chính xác ở đâu. Tôi tìm kiếm địa điểm Khánh Hưng trên bản đồ, nhưng không tìm thấy. Chỉ đến khi tôi ở Sài Gòn, vào Dinh Độc lập (Phủ Tổng thống Sài Gòn) thì mới giải quyết được bí ẩn đó. Đó là khi tôi đến tầng hầm của nơi hiện là bảo tàng này, có một trung tâm điện đàm của Mỹ. Điều tôi không biết mà nhờ người phiên dịch giải thích, là Khánh Hung cũng như nhiều địa điểm khác đã được đổi tên sau khi miền Nam và miền Bắc thống nhất.

SPIEGEL ONLINE: Vì sao ông không đến thăm thành phố khi đó?

Rösler: Tôi chỉ đến du lịch ở Việt Nam. Vợ tôi và tôi đang ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chúng tôi cho rằng Sóc Trăng có lẽ không khác nhiều so với những nơi mà chúng tôi đã đến.

SPIEGEL ONLINE: Ông có định đến thăm lại chỗ này không?

Rösler: Tôi sẽ thăm Việt Nam với tư cách Bộ trưởng kinh tế, đại diện cho doanh nghiệp Đức. Tôi không phải là người đi tìm kiếm quá khứ của mình.

SPIEGEL ONLINE: Ông có định lúc đó sẽ đến không?

Rösler: Không. Chúng tôi không có ý định đó. Đơn giản là vì nó không có ý nghĩa gì với tôi cả.

SPIEGEL ONLINE: Sau khi cha mẹ ông ly hôn khi ông 4 tuổi, ông sống cùng cha ở vùng Hạ Saxony. Ông có nói chuyện về Việt Nam khi đó không?

Rösler: Không. Chúng tôi không bàn luận gì về Việt Nam. Khi tôi lớn lên, cha tôi để tôi ngồi trước gương và giải thích vì sao tôi khác những đứa trẻ khác.

SPIEGEL ONLINE: Vậy khi ông đi ra nước ngoài thì sao? Người ta có hỏi ông về cội nguồn của mình?

Rösler: Đôi khi, Năm ngoái tôi đến Mỹ với Thủ tướng Merkel, hai bộ trưởng người Mỹ gốc châu Á hỏi tôi về cuộc đời mình, cả Tổng thống Barack Obama cũng thế. Nhưng ông ấy ít ngạc nhiên hơn về chuyện này.

SPIEGEL ONLINE: Ông không nói tiếng Việt, nhưng ông có học vài từ cho chuyến đi không?

Rösler: Điều đó sẽ là không chân thành. Tôi nói rõ một lần nữa, là một cách tự nhiên tôi có mối liên hệ với quốc gia đó như một phần câu chuyện của cuộc đời tôi, nhưng tôi đến Việt Nam với tư cách Bộ trưởng Kinh tế của nước Đức.

Box: « Đức là quê nhà của tôi. Nhờ đất nước này mà những người không có biography điển hình cũng có cơ hội phát triển. Điều kiện tiên quyết là lòng vị tha. Hệ thống dân chủ và sự thành công của chúng không chỉ do nền kinh tế thị trường xã hội, mà còn nhờ sự tự do của xã hội.  Tôi cũng sẽ nhấn mạnh điều này ở Việt Nam. Về lâu dài họ không thể phát triển được nền kinh tế thị trường mà không có tự do. » – TS Philipp Rösler.

 

(Lược dịch từ Spiegel)