Bài này, viết theo tinh thần: Chỉ có những thông tin bị ngăn cản xuất hiện trên mặt báo thì mới là thông tin báo chí, những thứ còn lại, chỉ là quảng cáo.
Hồi tháng 9-2010, năm chính trị gia của Anh đã mất hết cả sự nghiệp uy danh sau khi bị lột mặt nạ trong một điều tra mà các nhà báo của một chương trình truyền hình đã cải trang để có được bằng chứng. Theo quy định, Anh cấm các chính trị gia đã nghỉ hưu sử dụng quyền và đặc ân của họ khi có được thời tại vị để trở thành các nhà vận động hành lang kiếm tiền bỏ túi. Một phóng viên của chương trình Dispatches trên Channel 4 đã giới thiệu mình từ công ty lobby, thảo luận các dịch vụ tư vấn với 5 cựu bộ trưởng Công đảng, và thành viên Đảng bảo thủ. Toàn bộ cuộc nói chuyện đều được quay phim lén.
Các ông mô tả mình là “xe taxi chờ khách”, và muốn sử dụng kinh nghiệm để kiếm tiền, nói một cách thô thô là thế. Sau vụ này, quan chức phụ trách kiểm tra của Công đảng, Sir John Lyon, đã đề nghị phải xem lại các quy định về lobby để tránh các lãnh đạo lợi dụng quan hệ, kinh nghiệm thời còn đương nhiệm để trục lợi. Cũng phải nói thêm đây là dịp tranh cử, các điểm xấu của đối thủ chính trị đều bị lôi ra hết ánh sáng, và báo chí giúp cử tri chọn ra đâu là ứng viên thực sự cần cho họ.
Đó là chuyện ở Anh, nơi rất khuyến khích việc báo chí nhập vai để điều tra, và hầu như không ai thắc mắc về tính pháp lý hay đạo đức của hành động nhập vai của nhà báo. Họ cho rằng, nếu các chính trị gia, những người nắm trong tay quyền hành, thực sự trong sáng, thì chẳng có gì “rung chuyển” được tinh thần họ. Hành động của báo chí chỉ là bước cuối cùng làm lộ hết cái đuôi khỉ ra. Chính trị gia, người của cơ quan công quyền, tiêu thuế của dân bị lừa để lộ đuôi khỉ mà không kêu được, chuyện này khác người thường bị lừa ở chỗ đó.
Câu chuyện của quá khứ?
Nhưng ở Mỹ, các chuyên gia báo chí tỏ ra bi quan trước câu hỏi: “Liệu báo chí nhập vai có là chuyện của quá khứ?”
Bill Buzenberg, tổng giám đốc của Trung tâm Liêm chính công chúng, một tổ chức báo chí điều tra độc lập, cho rằng nếu một nhà nhà báo tác nghiệp mà lại giới thiệu mình không là nhà báo thì “không phải là một ý tưởng hay”. Còn Howard Kurtz, nhà phê bình truyền thông của Washington Post và CNN nhận định ngày càng ít nhà báo làm công việc báo chí nhập vai điều tra như những năm 1970, 1980 hay 1990. Những chương trình điều tra riêng ngày này có xu hướng đi theo chân các lực lượng thi hành pháp luật, giống như chương trình Dateline của NBC.
Vì sao lại có sự suy giảm như vậy? Kurtz giải thích: Lý do là cho dù đó là bài điều tra công phu, nhưng vì nhà báo nhập vai, giả danh nên có thể gây ra nhiều sự nghi ngờ. Nhưng đó không hẳn là toàn bộ câu chuyện.
Báo chí nhập vai có lịch sử lâu đời. Nellie Bly, từng nổi tiếng là người đi khắp thế giới trong 80 ngày, đã có bài điều tra nổi tiếng về điều kiện sinh hoạt của những người xin tị nạn nhưng tâm thần cho tờ New York World. Bly giả vờ bị điên để qua mắt được hàng loạt bác sỹ và được đưa vào khu tị nạn dành cho người điên. Ở đó, bà chứng kiến những cảnh kinh hoàng nhất về điều kiện sinh hoạt, những cách hành xử dã man của các y tá và những người có tinh thần bình thường khác.
Loạt bài điều tra sau đó được xuất bản thành sách, có tên 10 ngày ở nhà điên, đã tạo nên một làn sóng lớn. Bly sau đó được mời vào đội điều tra của chính phủ về điều kiện sinh hoạt của các khu tị nạn.
Kurtz cho rằng những năm 1970 và 1980, Chicago chứng kiến thời đại vàng của báo chí nhập vai, nhờ nỗ lực của một phụ nữ tên Pam Zekman. Bà và và đồng đội tại truyền hình WBBM đã sử dụng nghiệp vụ điều tra báo chí để đưa ra một loạt các câu chuyện động trời. Bà trở thành người điều dưỡng viết bài về y tế, thầy dạy khiêu vũ, trợ lý trong một trạm y tế để viết bài về tình trạng phá thai, thậm chí còn kiếm việc ở sân bay để biết người ta kiểm tra hành lý ra sao.
Nhưng bài báo lớn nhất của Zekman là khi bà làm việc cho Chicago Sun-Times. Ai cũng biết chính quyền Chicago tham nhũng, nhưng Zekman mới là người chứng minh việc đó. Bà mua một quán rượu và làm hàng loạt các vi phạm về quy định, lưu lại hàng loạt những bằng chứng cho thấy những nhân viên công quyền, từ đơn vị kiểm tra việc thực hiện phòng cháy chữa cháy, tới thông hơi, tới hành chính, kế toán…đều nhận hối lộ để làm ngơ các vi phạm của bà.
Loạt bài 25 kỳ đầy những chi tiết đắt giá. Hàng loạt du khách tới quán rượu vì nó trở nên quá nổi tiếng, và hàng trăm người gọi điện tới tòa soạn để thông báo về trường hợp của họ, báo chí thế giới cũng vào cuộc. Tổng cộng 29 thanh tra điện lực đã bị khởi tố, và cơ quan ngân khố Illinois phải thành lập ủy ban điều tra mới.
Những năm gần đây, Barbara Ehrenreich đã giả mạo thân nhân để làm việc như hầu bàn, phụ việc, nhân viên Wal-Mart, giúp việc gia đình để viết về họ.
Nhưng ngoài những nhân vật này ra, báo chí nhập vai đang ngày càng ít đi.
Năm 1992, chương trình PrimeTime Live của ABC đã cho phóng viên đi điều tra về cửa hàng bán thực phẩm Food Lion. Phóng viên đã giả mạo là người xin việc, vào làm việc để biết cửa hàng đã cẩu thả ra sao trong quá trình cung cấp thực phẩm cho khách hàng. Người xem tin là Food Lion đã sai.
Nhưng Food Lion không phải dễ chấp nhận, đã đâm đơn kiện chống lại ABC. Cửa hàng này không phản đối bài viết về tính chính xác, nhưng cáo buộc phóng viên có tin vì đã dối trá. Food Lion kiện ABC vì lừa đảo (trong đơn xin việc), xâm nhập trái phép (đến Food Lion mà không được phép) và vi phạm luật trung thành (vì quay phim những hành vi sai phạm trong khi đáng lý phải làm việc vào giờ đó). Sau nhiều năm tranh cãi, năm 1997, thẩm phán đã phán Food Lion được bồi thường 5,5 triệu USD. Năm 1999, vụ án đã được làm lại sau khi ABC kháng cáo.
Nhưng khi đó đã quá trễ, do thời gian tranh cãi pháp lý tính tới gần 7 năm, vô cùng tốn kém. Các phóng viên và tòa soạn báo biết cái giá đắt như thế nào. Đó là chưa phải tốn máu.
Việc suy giảm của thể loại báo chí điều tra, nhìn chung, phản ánh quan điểm thận trọng ngày càng tăng, cũng như sự bảo thủ ngày càng tăng trong báo giới, đặc biệt là các tập đoàn báo chí “chiếu trên” của Mỹ. Khi các phóng viên càng ngày càng trở nên dễ nổi tiếng hơn trong vài thập kỷ qua, họ trở thành một phần của chính cấu trúc quyền lực mà đáng lý, họ phải có trách nhiệm theo dõi và chỉ trích.
Vì báo chí điều tra trở nên quá hiếm hoi, các tổ chức tư nhân phải lấp vào chỗ trống. Tập hợp các cá nhân đã hình thành tổ chức phi lợi nhuận có tên ProPublica, với ngân sách hoạt động hàng năm là 10 triệu USD. Nơi đây đang có đội ngũ các phóng viên điều tra báo chí lớn nhất của nước Mỹ.
Tác phẩm của họ đã được trao giải Putlizer danh giá lần đầu tiên dành cho báo mạng.
Có thể đọc thêm ở đây:
http://tuoitre.vn/The-gioi/373421/Lan-dau-tien-bao-mang-doat-giai-Pulitzer.html
và ở đây:
http://tuoitre.vn/The-gioi/434146/Bao-mang-lan-dau-gianh-giai%C2%A0Pulitzer-2011.html
(Còn nữa)