Kim Jong Il

Bị truyền thông thế giới mô tả  là “lập dị”, “khùng”, trong khi báo chí cũng như người dân trong nước gọi là “lãnh tụ yêu quý”, nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã sử dụng kỹ năng chính trị để duy trì quyền lực với hiệu quả khó có thể phủ nhận.

Ông tiếp quản vị trí lãnh đạo từ cha mình – nhà sáng lập CHDCND Triều Tiên – bằng cách sử dụng các phương pháp tuyên truyền, các hoạt động đầy bí ẩn được huyền thoại hóa cùng lực lượng quân đội khổng lồ.

Báo chí thế giới cho rằng, các chi tiết liên quan tới ông Kim đều mang tính “phỏng đoán”, từ ngày sinh, nơi sinh và các sự kiện đưa ông lên làm lãnh đạo và duy trì sức mạnh cầm quyền đến nay. Người dân gọi ông là “lãnh tụ yêu quý”, “người kế tục vĩ đại sự nghiệp cách mạng”, trong khi gọi cha ông là Kim Il-sung là “lãnh tụ vĩ đại”.  Ở tất cả các gia đình hay các cơ quan nước đều treo trang trọng bức chân dung của ông bên cạnh cha mình. Khắp nơi mọi chốn đều treo các khẩu hiệu ca ngợi hai cha con.

Dáng người thấp đậm, báo chí thế giới hay mô tả ông thích đi giày lót đế để tăng chiều cao, chuộng đeo kính mát quá cỡ so với mặt. Ông rất thích điện ảnh, và từng bắt cóc cặp diễn viên, đạo diễn Hàn Quốc năm 1978 để yêu cầu giúp để vực dậy nền điện ảnh nước nhà. Cặp vợ chồng diễn viên, đạo diễn Choi En-hui và Shin Sang-ok sau đó đã mô tả ông Kim là người thông minh, nhưng “không có cảm giác mình đã làm việc có tội vì vốn được sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy”. Ông có  bộ sưu tập 20 ngàn đĩa phim nước ngoài, trong đó có đủ bộ James Bond.

Cho dù ông ít khi thấy thế giới bên ngoài (ngoại trừ Trung Quốc, Nga và Indonesia), các chính khách từng gặp ông đều cho rằng ông là người “am hiểu tình hình thế giới”.

Cựu Tổng thống Mỹ G.Bush gọi ông là “yêu tinh”, sách học của trẻ em Hàn Quốc vẽ hình ông Kim là con quỷ có sừng và răng nanh, nhưng những người đã từng gặp ông không giấu sự ngạc nhiên về ông. “Ông ta rất  hay nói” – Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo – hyun nhận xét sau khi gặp ông Kim ở Bình Nhưỡng năm 2007. “Và là người có phong cách và thái độ linh hoạt nhất ở CHDCND Triều Tiên”. Còn bà Wendy Sherman, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng phục vụ dưới thời Ngoại tưởng Madeleine K.Albright và tháp tùng bà tới CHDCND Triều Tiên nói năm 2008 nhận xét: “Ông ta thông minh, quan tâm tới mọi việc xung quanh, có kiến thức, tự tin, và chủ động trong mọi tình huống”.

Sử dụng con bài hạt nhân một cách thông minh, ông Kim đã duy trì được ảnh hưởng của mình và cân bằng vị trí trên bàn đàm phán với các bên, thậm chí còn vượt trội. Nói như GS Gramham Allison của ĐH Harvard (Mỹ): Khi người ta viết lại lịch sử thời này, điểm số sẽ là Kim: 8; Bush: 0”. Còn Alexander Mansourov, học giả về Triều Tiên và nhà cựu ngoại giao Nga cho rằng: “Tôi tin ông ta thông minh và thực tế.  Cũng có thể tàn nhẫn. Ông ta là người không để rơi vãi quyền lực cho những người quanh mình”.

Theo tài liệu của Triều Tiên, ông Kim sinh năm 1942 trong cabin tại một lán trại bí mật của du kích chống  Nhật đang nằm dưới sự chỉ huy của cha ông ở núi thiêng Paektu, CHDCND Triều Tiên. Truyền thông nước này cho biết, khi ông ra đời, có một ngôi sao sáng rực trên bầu trời, và cầu vồng xuất hiện. Ông chỉ là một cậu bé khi CHDCND Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, và cuộc chiến liên Triều bùng nổ những năm 1950. Không có nhiều chi tiết về thời điểm ông lớn lên, ngoại trừ thông tin chính thức là ông tốt nghiệp Khoa chính trị học và kinh tế học ở trường ĐH đặt theo tên của cha mình năm 1964. Ngay sau khi ra trường, ông Kim bắt đầu làm việc tại Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK). Năm 1973, ông được bầu làm Bí thư WPK. Khi còn ít tuổi, sáng sáng, ông đều đến vấn an cha, giúp cha đi giày cho tới khi được bầu vào Bộ Chính trị khi 32 tuổi, vào năm 1974.

Ông rất ít khi xuất hiện trước nơi công cộng hay phát biểu. Khi nói, ông có giọng cao, và vẻ hiền lành của cha mình. Theo Hwang Jang-yop, cựu thư ký WPK đã đào tẩu sang Seoul năm 1997, ngày  từ nhỏ, ông Kim con đã tỏ ra am hiểu về quyền lực. Tháng 8-1997, ông trở thành Tổng Bí thư WPK và đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên các khóa từ năm 1982 – 1998. Ông làm Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên từ tháng 12/1992 – tháng 4/1993.

Tiếp nối quan điểm lãnh đạo “tự lực tự cường” và độc lập, ông Kim là một trong những lãnh đạo bí ẩn nhất cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, lãnh đạo một đất nước cô lập về ngoại giao, suy sụp về kinh tế với 1/3 trẻ em bị đói.  Ông chết để lại một người vợ chính thức là Kim Yong Suk, 1 con gái và 3 con trai.

Chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Triều Tiên Andre Lankov nhận định: “Ông ta sẽ được nhớ đến như một người phải chịu trách nhiệm về những việc làm khủng khiếp nhất liên quan sự tồn tại của  một trong những nền độc tài  tồi tệ nhất trong lịch sử Triều Tiên và thế giới, ít nhất là trong thế kỷ 20 và 21”.

Vì sao báo chí phải nhập vai?

Một xã hội vận hành tốt cần các thành phần tham gia  có vai trò độc lập, bổ sung và đối lập nhau, bao gồm nhà nước, tổ chức dân sự, báo chí, nhân dân. Báo chí có vai trò độc lập, giám sát hoạt động của các thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào thông tin mang tính điều tra cũng dọn sẵn. Các nhà báo phải lăn lộn, mạo hiểm rất nhiều thứ, kể cả tính mạng của mình, để có được các thông tin hấp dẫn người đọc.

Có người nói rằng, tin tức là thứ mà ai đó, ở đâu đó, muốn che đậy, giấu giếm, đàn áp không cho xuất hiện, tất cả những thứ còn lại trên báo chí đều là quảng cáo.

Nhập vai là 1 kỹ năng trong báo chí điều tra. Tùy từng nước nhìn nhận và đánh giá kỹ năng này. Ở Bắc Âu có xu hướng cho rằng, báo chí tuyệt đối không nên có hành động khiến người khác sập bẫy, ví dụ, đề nghị hối lộ cho quan chức, rồi quan chức nhận hối lộ, rồi đăng tải lên đây là quan chức vô đạo đức. Tuy nhiên, Anh là nước rất thích kiểu nhập vai này. Cách nay không lâu, các quan chức nước này đã bị phát hiện sẵn sàng sử dụng sức ảnh hưởng của mình để làm lợi cho doanh nghiệp sau khi 1 nhóm nhà báo giả dạng là người môi giới, trả khoản tiền bộn cho các ông, rồi quay lại cảnh này bằng máy quay bí mật. Không ai thắc mắc về tính “đạo đức” của các nhà báo trong trường hợp này, vì họ đã thực hiện vai trò kiểm tra các quan chức, thay mặt dân chúng. Dù có bị bẫy hay không, các ông quan chức đó cũng không được làm điều mà họ đã làm. Nếu vì lợi ích công, hành động nhập vai này là hoàn toàn chấp nhận được.

Về nguyên tắc chung, các phóng viên phải công khai hoạt động của họ, tức giới thiệu giải thích…làm cho người mình tiếp xúc hiểu công việc đang được tiến hành, mục đích, yêu cầu…Tức là phóng viên phải công khai họ là ai. Tuy nhiên, phóng viên nhập vai lại khác. Họ có một số nguyên tắc cho phép họ nhập vai như sau:

1. Thông tin mà phóng viên muốn nhận được có ích cho xã hội, cho số đông, ví dụ như các vấn nạn xã hội (tham nhũng, bảo kê, hối lộ, làm sai, lạm dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm quyền con người)

2. Các biện pháp thu thập thông tin bình thường, công khai không đủ để họ có thể đạt được mục tiêu mong muốn, tức là họ biết có vấn nạn xảy ra, nhưng nếu không nhập vai thì họ sẽ không thể có được bằng chứng, hay thông tin.

3. Nếu họ nhập vai, nguy cơ đối với họ ở  mức có thể chấp nhận được.

4. Quyết định sử dụng các thông tin có được từ biện pháp nhập vai, cũng như xuất bản thông tin này có sự đồng ý, và nhận lãnh trách nhiệm của tổng biên tập hay người đại diện của phóng viên này.

Ở nơi mà  không có luật tiếp cận thông tin, hay thông tin bị ngăn chặn, che giấu, nhập vai là biện pháp cuối cùng mà phóng viên buộc phải thực hiện. Cho dù nhập vai có thể bị tranh cãi rằng không đạo đức, nhưng tôi cho rằng nó không sai trái. Điều quan trọng là phóng viên có được thông tin đúng.

Nếu các nhà báo sử dụng biện pháp nhập vai không được bảo vệ, thì  sẽ đặt ra những tiền lệ rất xấu cho công việc làm báo, và hậu quả là xã hội, tức chúng ta, sẽ phải gánh chịu.