Ai cũng có thể là “nhà báo”?

Trong bối cảnh chúng ta đều nói về thời đại của “báo chí công dân”, và có không ít niềm tin cho rằng, ai cũng có thể là nhà báo, tôi lại nghĩ khác.

“Báo chí” là một lĩnh vực đặc biệt trong xã hội. Nói như vậy không có nghĩa là các lĩnh vực khác không đặc biệt, nhưng vai trò của báo chí trong việc cân bằng lợi ích, giám sát các thành phần trong xã hội rất quan trọng (còn ai giám sát báo chí thì là một đề tài khác).

Một đất nước không có nền báo chí độc lập, có trách nhiệm với xã hội, thì số đông dân chúng – vốn là những người bình thường, thân yếu thế cô, không quyền, không tiền, sẽ dễ bị đàn áp, không được người khác biết đến sự tồn tại của mình, vì họ không có tiếng nói.

Thực tế đó sẽ dễ dẫn tới một xã hội bất ổn vì những bức xúc của số đông không được giải tỏa. Như vậy rất nguy hiểm.

Báo chí phản biện đưa ra những tiếng nói mang tính chỉ trích, phê bình với các vấn đề cụ thể dựa trên những ý kiến của giới chuyên gia, những  người liên quan. Đó là chức năng tất nhiên của báo chí – và có thể nói là quan trọng nhất. Báo chí nghiêng về bên nào cũng đều không nên, vì đó là cán cân tạo sự cân bằng trong xã hội. Giới chức cầm quyền, dân chúng, doanh nghiệp…tất cả đều coi báo chí là một kênh thông tin, dựa vào báo chí để tạo sự cân bằng lợi ích trong xã hội.

“Báo chí phát triển” là loại báo chí tồn tại ở một số nước (đừng nghĩ rằng nếu ở đâu đó sở hữu chiếc iPhone thì đồng nghĩa với việc nơi đó đã phát triển). Đó là báo chí vì sự phát triển, tức là tính phản biện có thể không được đặt ở vị trí ưu tiên, mà báo chí cùng tham gia tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện mục tiêu chính sách phát triển nào đó mà nhà cầm quyền đưa ra. Nó có thể hiểu như dạng báo chí chuyên quyền. Thực tế, đây là loại hình mà người sáng lập Singapore đã cho rằng, báo chí châu Á có giá trị riêng là vậy.

Báo chí tự do coi tin tức là hàng hóa, phục vụ cái gì số đông muốn. Lẽ tất nhiên, những gì số đông muốn không đồng nghĩa với những gì sẽ giúp họ thông minh hơn, tỉnh táo hơn, hiểu biết hơn. Đám đông sẽ muốn những gì không mất công suy nghĩ cho khỏi đau đầu, sung sướng, làm ít mà hưởng nhiều. Nhưng, “be careful what you wish for”. Nếu một nền báo chí không khiến cho bạn hiểu biết hơn về cuộc sống xung quanh, giúp cho bạn trí tuệ hơn, giúp bạn có được nhiều quyết định, lựa chọn hơn trong nhiều trường hợp, thì đó là nền báo chí thất bại, vì trách nhiệm và sứ mệnh của nó không được hoàn thành.

Giờ đây, báo chí ở nhiều nước đang đạt đến cái gọi là “báo chí có trách nhiệm với xã hội” hay “báo chí diễn giải”. Tức là báo chí như là trung tâm điều phối những luồng thông tin, ý kiến khác nhau trong xã hội. Báo chí giúp giải thích các sự kiện, chứ không chỉ đưa tin về các sự kiện. Báo chí chạy theo số lượng bài vở khó làm cho công chúng khôn ngoan hơn. Một lúc nào đó, chúng ta sẽ nhận ra chúng ta có lẽ cần hiểu biết sâu về các sự kiện, chứ không chỉ là “hôm nay đã xảy ra chuyện gì”. Báo chí trả lời câu hỏi “Tại sao?” và “Thế thì sao?” nhiều hơn là “Cái gì, Ai, Ở đâu, Khi nào”.?

Trở lại cái gọi là “báo chí công dân”.  Có lẽ chúng ta đã quá hồ hởi với sự phát triển của công nghệ, nên đã vội vã trong việc cho rằng, blog là báo chí. Hai cái đó chỉ có có 1 điểm chung đó là thông tin. Nhưng từ blog tới báo chí là cả một quãng đường dài.

Blog là nơi người ta có thể tung lên bất kỳ thông tin nào người chủ blog muốn. Có thể không cần kiểm chứng, không cần điều tra, không cần xác minh: Tôi thấy thế, tôi cảm thấy vậy, thế đó.

Báo chí thì khác. Nó cần kiểm chứng, cần xác minh, cần điều tra, cần ý kiến của các nhà chuyên môn để cho thấy có sự liên quan tới độc giả, tới hiện tại. Báo chí là cả 1 bộ máy đứng đằng sau mỗi bài viết đăng tải để đảm bảo thông tin chính xác nhất, khách quan nhất, công bằng nhất, trung thực nhất. Đó là trách nhiệm với xã hội rõ ràng, giải thích cho độc giả biết: Vì sao họ cần quan tâm, cần biết tới thông tin đó.

Không thể thấy cái gì trên blog cũng đưa lên báo chí, mà không trải qua bước xác minh, kiểm tra, phỏng vấn…Nó gây nhiễu loạn thông tin, nó trộn lẫn báo chí với blog chỉ khiến cho độc giả (có thể) hiểu sai về công việc làm báo. Có những blog cố gắng lấy nhiều nguồn để tạo sự công bằng. Họ có thể làm được như vậy, nhưng tất nhiên, duy trì như vậy lại là một việc khác.

Tôi tin là mỗi nhà báo đều cần có nền tảng là một công dân có trách nhiệm với xã hội, với sự phát triển của loài người.

Tôi tin là mỗi con người đều có tố chất trở thành nhà báo.

Nhưng để trở thành nhà báo, cần phải có sự trui rèn, đào tạo kỹ năng nhất định, và hiểu rõ về giá trị nghề nghiệp cũng như nền tảng đạo đức cần thiết.

Blogger không phải lúc nào cũng là người như vậy.

Vì vậy, chúng ta không nên nhầm lẫn.

Vì vậy, tôi thay khái niệm báo chí công dân thành truyền thông công dân. Citizen Communication. Tức là, các công dân có đang có những cơ hội chưa từng có để truyền tin cho nhau, chia sẻ thông tin cho nhau. Nhưng báo chí là một lĩnh vực đặc biệt. Professional – một nghề chuyên môn cao, cũng tương tự như bác sỹ, luật sư. Với sự phát triển của công nghệ, người ta đôi khi tự hỏi: Liệu báo chí có chết không?

Như George Brock, Hiệu trưởng trường ĐH Báo chí City, London, nhận định, thì điều lo ngại không phải là “có chết không?”, mà là “Liệu nó còn giữ được chất lượng như nó đã từng có hay không” mà thôi. Báo chí sẽ tìm ra con đường phát triển cho mình, vì bất kỳ một xã hội nào cũng cần một lực lượng cụ thể trong xã hội, thực hiện chức năng giám sát và điều phối thông tin một cách có trách nhiệm và công bằng.

SG, 29-4-2011.

Copyrighted.

Nghe cha dạy con gái

Một người không tốt với con, con không nên quá bận tâm. Trong cuộc sống của con, không ai phải có nghĩa vụ đối tốt với con trừ cha mẹ. Còn với những người tốt với con, con nên trân trọng và biết ơn điều đó. Nhưng con cũng cần phải có chút đề phòng bởi mỗi người khi làm bất cứ việc gì đều có mục đích riêng. Hãy nhớ, họ tốt với con không đồng nghĩa với việc họ phải quý mến con.

Không có ai là không thể thay thế, không có vật gì thuộc hoàn toàn sở hữu của con. Vì thế, nếu sau này người con yêu thương không còn ở bên, hay họ không còn là nơi con có thể đặt niềm tin, con cũng đừng bi lụy. Sinh mệnh con người thực sự ngắn ngủi, con đừng để mỗi ngày trôi đi vô ích. Người ta tham vọng sống lâu nhưng con chỉ cần sống hạnh phúc mỗi ngày. Hãy trân trong và yêu lấy cuộc sống hiện tại của con.

Trên đời này không có gì là nhất cả, tình yêu chỉ là cảm giác bất chợt đi qua cuộc đời con, nhưng nó sẽ theo thời gian và lòng người mà thay đổi. Nếu như người đó rời xa con, con hãy học cách chờ đợi. Hãy để thời gian rửa sạch vết thương, để tâm hồn con lắng lại rồi nỗi đau của con cũng sẽ dần biến mất. Con đừng mơ ước một tình yêu hoàn hảo, cũng đừng thổi phồng nỗi đau khi nó không còn.

Có những người thành đạt mà không cần trải qua nhiều trường lớp, nhưng điều đó không có nghĩa con thôi nỗ lực học tập. Kiến thức con học được chính là vũ khí con cần có, hãy nhớ người ta không thể làm gì nếu họ chỉ có tay không.

Con không nhất thiết phải chăm sóc cha nửa cuộc đời còn lại và cha cũng thế. Khi trưởng thành, con có thể tự mình bước đi, trách nhiệm của cha cũng đã kết thúc. Sau này dù con hạnh phúc hay buồn đau, con đều phải tự mình lựa chọn và có trách nhiệm với nó.

Con có thể bắt mình phải giữ chữ tín, nhưng không thể yêu cầu người khác làm thế với mình. Con có thể yêu cầu bản thân phải đối đãi tốt với người, nhưng con không thể kì vọng người ta sẽ làm ngược lại. Khi con tốt với họ, họ không có nghĩa vụ phải tốt lại với con. Hãy nhớ điều này nếu không con sẽ luôn gặp ưu phiền trong cuộc sống.

Cha đã mua vé số trong 26 năm thế nhưng chưa một lần trúng, điều đó nói lên rằngmuốn giàu có phải dựa vào nỗ lực làm việc của bản thân, trên đời này không có bữa ăn nào là miễn phí cả.

Chỉ những ai có duyên phận mới trở thành người thân của nhau,cho dù trong cuộc sống bận rộn con ít khi gặp mọi người, nhưng con hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn bên họ, hãy dành cho họ thời gian để yêu thương con hơn, và hãy gọi điện cho mẹ con.

(Sưu tầm)

Mẹ dặn con gái

Mẹ là người thầy đầu tiên và là người luôn sát cánh, nâng đỡ mọi khó khăn của cuộc sống. Những lời mẹ dạy về cuộc đời, tình yêu … cho con là những gì mẹ rút ra từ chính cuộc đời mẹ.

1.        Về cuộc sống

–          Con sẽ chẳng bao giờ đạt được điều gì, dù là nhỏ nhất, nếu lúc nào cũng chỉ ngồi im một chỗ.

–          Biết trân trọng và đánh giá cao mọi niềm vui, dù là nhỏ nhặt nhất, trong cuộc sống. Đừng lúc nào cũng than vãn và mơ mộng về những thứ mà mình không thể có. Hạnh phúc là biết ước muốn vừa đủ.

–          Những người khác có thể lấy đi của con nhiều thứ, ngoại trừ học vấn mà con đã dày công có được.

2.        Về tình yêu

–          Một người đàn ông đã yêu con thật lòng, anh ta sẽ tìm cách liên lạc lại với con cho dù con có hay không mong đợi điều đó.

–          Con chỉ có thể làm thay đổi người đàn ông con yêu nếu anh ta thật tình cũng muốn thay đổi.

–          Đừng bao giờ có tư tưởng kỳ vọng thái quá hoặc hoàn toàn ỷ lại vào sự chở che, giúp đỡ của bất kỳ người đàn ông nào, cho dù đó là chồng con. Người phụ nữ tài năng và hiện đại phải biết tự mình đi trên đôi chân của mình.

–          Không nên chung sống một cách vội vàng với bất kỳ người đàn ông nào, bởi có thể anh ta không xứng đáng với tình yêu của con.

–          Trong hai người đàn ông: một con có thể sống chung và một con không thể sống thiếu (anh ta), hãy chọn kết hôn với người đàn ông thứ hai.

3.        Về hôn nhân gia đình

–          Đừng quá cố chấp hoặc lúc nào cũng cằn nhằn những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hôn nhân. Hãy biết tôn trọng và tin yêu lẫn nhau.

–          Để có hạnh phúc với một người đàn ông, con phải biết “kết hôn” với cả cha mẹ và những người thân trong gia đình anh ta.

–          Đừng bao giờ phục vụ, chiều chuộng chồng như một người đầy tớ chỉ biết lắng nghe; nếu không, con không những sẽ đánh mất lòng tự trọng và bãn lĩnh của một người vợ hiện đại mà con có nguy cơ đánh mất luôn cả hạnh phúc gia đình.

4.        Về vai trò làm mẹ

–          Hãy luôn là người bảo vệ, chở che và chăm sóc con cái nhiều và tốt nhất.

–          Thái độ thiên vị của người mẹ sẽ làm méo mó sự phát triển nhân cách của các con (cả đứa được thiên vị lẫn đứa không được thiên vị)

–          Nếu muốn con tốt nhất thì phải biết sống mẫu mực.

–          Tình thuơng đích thực của người mẹ là tình thương vô điều kiện đối với các con.

5.        Về nội trợ

–          Công việc nội trợ tuy không còn là gánh nặng của người phụ nữ hiện đại nhưng là một nghệ thuật sống và giữ gìn hạnh phúc.

–          Đối với người đàn ông biết yêu thương vợ, bữa cơm gia đình thân mật và ngon miệng bao giờ cũng có giá trị hơn những bữa tiệc sang trọng chiêu đãi ở nhà hàng.

6.        Về chuyện làm đẹp

–          Hãy biết làm đẹp mỗi ngày vì chẳng người đàn ông nào là không thích vợ (người yêu) của mình quyến rũ.

–          Nghệ thuật trang điểm là biết cách tôn vinh những nét đẹp vốn có của mình một cách tự nhiên chứ không phải là cố tình thoa son trát phấn một cách lố bịch và kệch cỡm.

–          Vẽ đẹp đích thực nằm trong sự giản dị, tự nhiên và có phong cách.

(Sưu tầm)

Câu hỏi cho một số bạn phóng viên “văn hoá”

Các bạn ạ, mấy hôm nay hoang mang quá, tôi bèn giở từ điển tiếng Việt ra, thấy có cả thảy năm nghĩa về “văn hoá”:

1. Tổng thể giá trị vật chất tinh thần do con người sáng tạo trong quá trình lịch sử.

2. Những hoạt động của con người nhằm làm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần.

3. Tri thức, kiến thức khoa học.

4. Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh.

5. Nền văn hoá của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau.

Tôi hoang mang là vì tất cả các mục có tên gọi là “văn hoá” trên nhiều tờ báo mạng không hề thuộc khoản nào trong năm mục định nghĩa trên.

Nhưng một người quen tôi bảo, sai rồi, thuộc năm mục cả ấy chứ. Đây này:

1. Cung cấp tin diễn viên, ca sĩ mua xe gì, túi gì, thuộc mục một.

2. Cung cấp tin có gì trong váy của ca sĩ, nghệ sĩ; cầu tiêu nhà nghệ sĩ thì thơm hay hôi đến mức nào… thuộc mục hai.

3. Tìm hiểu nghệ sĩ có bơm ngực bơm mông không, công nghệ nào là thuộc mục ba.

4. Cung cấp tin nghệ sĩ lăng mạ nhau, thắc mắc về mức độ “văn minh” của một số ca sĩ, diễn viên… là thuộc mục bốn.

5. Lâu lâu đăng những bài gần như giống hệt nhau mỗi khi có nghệ sĩ lìa đời (mà khi họ còn sống thì không hề có bài nào cho biết họ đang làm gì, sống ra sao) là thuộc mục năm.

Các bạn phóng viên mục văn hoá ơi, một số nghệ sĩ quen biết nói với tôi rằng ngoài chuyện lù mù về định nghĩa “văn hoá” trên báo mạng, còn vấn đề tác nghiệp cũng không biết có thể gọi là “văn hoá” không.

Thí dụ họ đang đứng trên sân khấu hát (ở tư thế là đã cao hơn đầu các bạn), các bạn đứng bên dưới, chĩa ống kính lên thì làm sao mà họ khép chân cho kịp, thế là thành một bài “lộ hàng”.

Họ đang ở trong toilet, phòng thay đồ, các bạn xông vào, chĩa thẳng, họ cũng không khép chân lại kịp (lại cũng thành một bài “lộ hàng” nốt, nhưng có bạn phóng viên còn hỏi ngây thơ, lộ hàng thật hay lộ hàng giả).

Chuyện họ mặc áo hở ngực hay không mặc áo ngực đi ngoài đường, tưởng chỉ có chồng họ thắc mắc thôi, có ai ngờ các bạn lại quan tâm, đứng sau gốc cây quan sát, rồi cho vào cái gọi là bản tin an toàn giao thông.

Họ giận nhau, chửi nhau trên Facebook, trên blog, chơi đùa hay nghiêm trọng, là chuyện riêng của họ, có ngờ đâu các bạn phóng viên đọc hết, chép lại y chang, thành bài – thêm vào dấu chấm hỏi, bảo thế là có thật không, thế là có văn hoá không?

Rồi lúc họ đang bị vợ bỏ, chồng bỏ, mất của…, thấy có người đưa khăn cho chùi nước mắt, họ mủi lòng khai chuyện, làm sao biết được các bạn đi đăng báo, rồi quay lại mắng họ “rẻ tiền”, mắng là showbiz của họ nhiễu loạn.

Tóm lại tác nghiệp như thế thì gọi là gì bây giờ? Du kích? Tổng công kích? Nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, người mẫu… chân yếu tay mềm làm sao đỡ nổi sự nhanh nhẹn và mưu trí của các bạn bây giờ?

Tôi thì nghĩ rằng người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm hành vi của mình. Ai mượn thay đồ không chốt cửa cho phóng viên xông vào làm chi. Ai mượn đi hát mặc váy ngắn lại đứng gần mép sân khấu có phóng viên rình sẵn làm chi. Ai mượn yêu nhau rồi bỏ nhau, chửi nhau như người thường làm chi… Được lăngxê rồi bị vùi dập là hai mặt gắn bó của chữ “nổi tiếng”, không nên khóc lóc nhiều. Nhưng tôi hoang mang đến nỗi phải tra từ điển là vì bản chất mục “văn hoá” trên các báo mạng hoá ra lại toàn những chuyện như thế. Nếu có nói chuyện nước ngoài thì cũng chỉ đến Lady Gaga mặc gì, Britney chở con không cài dây an toàn, bà Beck chườm chân nước đá vì đi giày cao gót…

Hồi trước đại lễ nghìn năm Thăng Long có bàn nên chôn cái gì xuống đất, nghìn năm sau đào lên còn biết văn hoá đời nay. Nếu căn cứ vào những gì các mục “văn hoá” nhiều báo mạng hay nói tới nhất, nên chăng chôn theo một ít áo hở ngực “bạo”, váy xẻ cao “quá táo bạo”, vài bộ ngực “khủng”, cho người đời sau biết cái gì đang bao trùm văn hoá mạng nước nhà.

Ch.e

Ảo tưởng nguy hiểm nhất của con người

Trong phần trả lời phỏng vấn của báo Spiegel, nhà hoạt động hòa bình, tác giả Jonathan Schell đã nêu lên những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima. Và tại sao ông cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản sẽ đánh dấu một bước ngoặt đối với thế giới .

Spiegel: Điều gì khiến ông ưu tư nhất về thảm họa hạt nhân Fukushima?

Schell: Rõ ràng toàn bộ vụ thảm họa hạt nhân này nằm ngoài mọi sự chuẩn bị. Thử nhìn vào các sách hướng dẫn đối phó với tai nạn an toàn hạt nhân, bạn không thể tìm thấy mục nào nói rằng: tập trung máy bay trực thăng quân sự, múc đầy nước biển và cố gắng hết sức giội nước vào lò phản ứng nhằm làm mát các thanh nhiên liệu. Hay cũng chẳng có hướng dẫn nào quy định: đưa xe tải kiểm soát bạo động đến phun nước vào các lò phản ứng để ngăn ngừa rò rỉ phóng xạ. Những gì đang diễn ra ở Nhật Bản đã minh chứng sự khó lường của thảm họa hạt nhân.

Spiegel: Nhưng những người ủng hộ năng lượng hạt nhân lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Họ nói rằng Fukushima là một nhà máy điện hạt nhân cũ và lỗi thời cùng lúc bị sóng thần và động đất đánh vào – và cho đến nay chỉ có một số ít người bị phơi nhiễm phóng xạ. Vẫn chưa có người nào chết vì bị nhiễm xạ trực tiếp.

Schell: Rõ ràng là cho đến nay, mọi chuyện vẫn còn tốt hơn nhiều viễn cảnh một vụ nổ hạt nhân khổng lồ theo phiên bản Chernobyl. Nhưng tôi cho rằng bất kỳ phân tích hợp lý nào cũng sẽ cho thấy: nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa nằm trong tầm kiểm soát. Những người điều hành nhà máy đang cố trấn an sự hoảng loạng không kiểm soát nơi người dân. Các chuyên gia tại nhà máy Fukushima đã đưa ra hàng loạt phương án giải quyết và sửa chữa, nhưng không có gì chắc chắn. Sẽ không ai dám mô tả sự kiện này là một mô hình an toàn hạt nhân. Vì mô tả như vậy thì chẳng khác nào nói cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba (1962) là ví dụ điển hình về độ an toàn của kho vũ khí hạt nhân.

Spiegel: Không chỉ ở Đức mà còn ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, mọi người lo dự trữ các viên iốt. Đồng thời, những chuyến hàng đến từ Nhật Bản  được kiểm tra phóng xạ chặt chẽ. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa của nỗi sợ hãi năng lượng hạt nhân?

Schell: Trong tâm trí người dân, điện hạt nhân có liên quan đến vũ khí hạt nhân. Trong thực tế, nguồn năng lượng phát sinh ở cả hai trường hợp đều phát xuất từ phản ứng dây chuyền hạt nhân. Quả thật, không thể xảy ra một vụ nổ nguyên tử trong một nhà máy điện hạt nhân, nhưng người dân cũng đúng khi gán ghép hai hình ảnh này với nhau. Thứ nhất, cả hai trường hợp đều gắn liền với việc phổ biến hạt nhân nguyên tử. Thứ hai, thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân và vũ khí hạt nhân đều có khả năng phát tán phóng xạ hạt nhân không kiểm soát, trường hợp điển hình là thảm họa ở Chernobyl. Thứ ba, vấn đề chất thải là một thách thức không nhỏ. Người ta phải chôn chất thải hạt nhân dưới lòng đất gần nửa triệu năm. Như vậy, chúng ta đang hành động như thể người trần gian làm chuyện trên trời, dù chúng ta không thể sống đủ lâu để làm chuyện đó.

Spiegel: Ông cho rằng kinh doanh năng lượng hạt nhân chẳng khác nào chơi một canh bạc với “sức mạnh của mẹ thiên nhiên.” Tại sao năng lượng hạt nhân lại khác hẳn với các nguồn năng lượng khác?

Schell: Bởi vì nó là một thứ năng lượng có sức mạnh khổng lồ. Loại năng lượng tương đương với nó mới chỉ được tìm thấy ở phần lõi của các ngôi sao, không thể tự nhiên tìm thấy trên trái đất. Nhờ những phát minh khoa học tuyệt vời, con người mới có thể sản xuất ra nó trên trái đất. Nhưng, thật không may, chúng ta vẫn chưa đạt đủ trình độ tiên tiến về mặt đạo đức, chính trị như trong khoa học, vậy nên, chúng ta vẫn chưa thật sự sẵn sàng để kiểm soát nguồn năng lượng này đúng cách. Ảo tưởng nguy hiểm nhất ở đây là: con người nghĩ họ có thể kiểm soát năng lượng hạt nhân.

Spiegel: Bất chấp những quan ngại này, chúng ta đang thấy sự “phục hưng” về năng lượng hạt nhân trong những năm gần đây.

Schell: Tôi không nghĩ rằng thực sự có cái gọi là sự “phục hưng” trong năng lượng hạt nhân. Rõ ràng có cụm từ “phục hưng hạt nhân”, nhưng tại nhiều quốc gia trên thế giới, khía cạnh tài chính của điện hạt nhân vẫn không mấy sáng sủa. Các ngân hàng không mặn mà với việc chi tiêu tài chính cho các nhà máy điện hạt nhân mới. Những công ty bảo hiểm khá miễn cưỡng khi trang trải cho các rủi ro liên quan đến hạt nhân.

Spiegel: Nhiều nhà môi trường học hiện nay thậm chí còn kêu gọi phát triển năng lượng hạt nhân, bởi vì họ coi đó là cách duy nhất để hạn chế biến đổi khí hậu.

Schell: Tôi thấy lập luận của họ còn yếu kém. Hiện nay, có khoảng 450 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Để giảm đáng kể lượng khí thải carbon sẽ phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba số nhà máy nêu trên, không chỉ tại các nước có kỹ thuật tinh vi như Nhật Bản. Quan trọng hơn, tôi e rằng cố gắng thực hiện phương án như trên sẽ dẫn đến thất bại. Hãy nghĩ xem chi phí sẽ ra sao nếu chúng ta đổ nguồn lực khan hiếm của quốc gia vào một dữ án có sai sót, và sau đó thảm họa ập đến, còn chúng ta bị buộc phải thanh toán cho khoản đầu tư xây dựng. Lúc này, tai họa không còn là của riêng nước nào, nhưng sẽ là một thảm họa đối với nỗ lực chung nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Spiegel: Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn là người ủng hộ năng lượng hạt nhân. Nhưng hiện nay, bà ấy đang xúc tiến kế hoạch giảm dần các dự án năng lượng hạt nhân ở Đức. Liệu nước Đức có thể thành công trong sứ mạng chấm dứt hoàn toàn nguồn năng lượng điện hạt nhân?

Schell: Phong trào chống hạt nhân ở Đức chắc chắn mạnh mẽ hơn bất cứ nước nào khác, ngay cả trước khi xảy ra sự cố Fukushima. Tôi muốn nói rằng có khả năng Đức sẽ sớm thực hiện chính sách cắt giảm điện hạt nhân, và các nhà máy điện hạt nhân ở Đức sẽ bị ngưng hoạt động. Tôi tin rằng Nhật Bản cũng sẽ đi theo hướng này.

Spiegel: Tại sao chúng ta vẫn chưa thấy cuộc biểu tình chống hạt nhân tương tự diễn ra tại Hoa Kỳ?

Schell: Ngành công nghiệp hạt nhân có lẽ không còn được quan tâm nhiều ở Hoa Kỳ, bởi vì chúng ta vẫn chưa thấy xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, kể từ khi tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island diễn ra ở bang Georgia (Hoa Kỳ) năm 1979.

Spiegel: Nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới.

Schell: … và cho đến nay, người dân ở Mỹ dường như chẳng mấy phiền lòng vì nó. Đó là sự thật, cho đến bây giờ. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người ủng hộ điện hạt nhân đã giảm mạnh. Thành thực mà nói, tôi nghĩ rằng người Mỹ không mấy để tâm đến vấn đề này. Chính lúc này, tai nạn hạt nhân ở Fukushima sẽ đánh thức tâm trí người dân.

Spiegel: Ông Obama sẽ từ bỏ chính sách ủng hộ năng lượng hạt nhân của mình?

Schell: Trong thực tế, có khả năng như vậy. Ông Obama sẽ dừng lại – một phần là do liên quan đến ngân sách quốc gia. Nếu bạn muốn gắn vào nhà máy tất cả các tính năng an toàn mới, thì chi phí sẽ tăng lên. Chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân hiện nay đã lên đến hàng chục tỷ đô la.

Spiegel: Không lâu sau phát hiện ra năng lượng hạt nhân, khắp Hoa Kỳ, mọi người đều ủng hộ nó. Trong những năm 1950, chính quyền của tổng thống Eisenhower đã nhiệt tình xúc tiến chương trình “Nguyên tử vì hòa bình”.

Schell: Đây là câu chuyện thú vị bởi vì dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower, có sự kết nối chặt chẽ giữa năng lượng hạt nhân với vũ khí hạt nhân. Ông Eisenhower tăng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ từ 1.400 lên đến 20.000 đầu đạn hạt nhân. Nhưng ông cũng muốn tăng cường yếu tố hạt nhân vì hòa bình trong chính sách của mình. Đó là lý do vì sao chương trình “nguyên tử vì hòa bình” được khởi động, theo đó các nước được cung cấp công nghệ sản xuất điện hạt nhân – “nguyên tử thân thiện” để đổi lại các ràng buộc về phổ biến vũ khí hạt nhân – “nguyên tử hủy diệt”. Ngày nay, tiền lệ này vẫn còn thể hiện trong các điều khoản của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Spiegel: Tổng thống Obama vạch ra tầm nhìn về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhưng mọi người phản ứng khá thờ ơ, thậm chí ngay trong đảng của ông. Ông nghĩ sao về điều này?

Schell: Dưới thời Tổng thống Obama, có vẻ như chỉ có mình ông trong chính phủ cầm quyền thực sự tin vào tầm nhìn này. Nhưng công chúng đứng về phía tổng thống. Nếu bạn hỏi người dân liệu họ có muốn sống trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đa số sẽ khẳng định là: Có. Ở khía cạnh khác, cơ cấu chính quyền quan liêu vẫn tồn tại trong Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, trong Bộ Năng lượng. Chính điều này đã khiến tầm nhìn mới của ông Obama về một thế giới phi hạt nhân không thể nào trở thành hành động cắt giảm hạt nhân cách cụ thể. Ngài tổng thống cần nhiều quan chức ủng hộ mình trong chính phủ hơn nữa.

Phần 2: Ngày nay, sự hủy diệt thế giới ít có khả năng diễn ra, nhưng về mặt kỹ thuật là có thể.

Spiegel: Một thế giới không có vũ khí hạt nhân có phải là một tầm nhìn thực tế? Với công nghệ hạt nhân đang có hiện nay, việc triển khai phi hạt nhân hóa toàn cầu có thể ví như bắt thần đèn đã thoát khỏi đèn thần vào năm 1945 ở Hiroshima lại phải chui vào cây đèn một lần nữa?

Schell: Sẽ không bao giờ có một thế giới không có hạt nhân tồn tại. Một khi con người đã chiếm lĩnh được tri thức, thì tri thức không bao giờ bị lạc mất. Vì vậy, bức tranh không vũ khí hạt nhân phải là một bức tranh sống không có vũ khí hạt nhân, chứ không phải sống với tri thức tạo ra chúng. Có nhiều cuộc tranh luận quá quen thuộc chống lại một thế giới phi hạt nhân bằng những lập luận: rồi sẽ có người sẽ sử dụng kiến thức còn sót lại, tạo ra một loại vũ khí hạt nhân và bắt đầu ra lệnh cho thế giới không có khả năng tự vệ. Điều tôi muốn nói là các quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ có được  kiến thức tạo ra vũ khí hạt nhân và họ có thể, trong thời gian rất ngắn, tái trang bị vũ khí hạt nhân. Do đó, sự mất cân bằng ngày càng mang tính nhất thời hơn nhiều so với ban đầu.

Spiegel: Cấm vũ khí hạt nhân liệu có khả thi nếu không bãi bỏ năng lượng hạt nhân?

Schell: Thế giới không còn vũ khí hạt nhân phải là một một thế giới kiểm soát chặt chẽ công nghệ hạt nhân. Tuy nhiên, chừng nào con người vẫn còn tiếp tục sản xuất năng lượng hạt nhân, bao lâu uranium vẫn tiếp tục được làm giàu và plutonium vẫn đang được chế tạo ở đâu đó trên thế giới, thì việc kiểm soát chặt chẽ tất cả công nghệ hạt nhân sẽ rất khó khăn.

Spiegel: Ông quan ngại thế nào về các mối đe dọa hiện nay, khi công nghệ hạt nhân có khả năng rơi vào tay những kẻ xấu?

Schell: Vấn đề này rất thực tế. Hai điểm nóng trên thế giới đang có hoạt động phổ biến hạt nhân mạnh mẽ hiện nay là Iran và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nhưng ta có thể thấy nhiều quốc gia khác cũng đang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với điện hạt nhân. Đặc biệt, việc chuyển giao công nghệ hạt nhân ở Trung Đông, đang trở thành mối nguy hiểm thực sự. Chúng ta có thể có ít vũ khí hạt nhân hơn, nhưng lại có thêm nhiều bàn tay đặt trên ngòi nổ hơn.

Spiegel: Có phải chính điều đó làm cho thế giới ngày hôm nay nguy hiểm hơn thế giới trong cuộc Chiến tranh lạnh năm xưa?

Schell: Không, ký ức về một thời khủng hoảng tên lửa Cuba giữa Chiến tranh lạnh vẫn còn sống động trong tâm trí tôi, mọi chuyện lúc ấy được ví như: ngày tàn của thế giới. Nếu không kể đến điều đó, thì quả thật bản chất của nguy hiểm trong thế giới hôm nay đã thay đổi.

Spiegel: Như vậy, hủy diệt nhân loại bằng vũ khí hạt nhân vẫn có thể xảy ra?

Schell: Về cơ bản, khả năng đó vẫn còn. Điều kinh khủng hơn chính là viễn cảnh tất cả các loại vũ khí sẽ được châm ngòi cùng một lúc. Rõ ràng, trong xu thế hiện nay, khả năng này ít xảy ra như thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, sẽ có những mối nguy khác xảy đến, dù con người chỉ sử dụng rất ít vũ khí hạt nhân. Ví dụ như: chỉ với một số lượng rất thấp vũ khí, hiểm họa sinh thái từ chiến tranh hạt nhân có khả năng sẽ xảy ra. Nghiên cứu mới đây cho thấy rằng chỉ cần sử dụng khoảng 100 hoặc 150 đầu đạn hạt nhân trong một cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ cũng có thể gây nên một mùa đông hạt nhân đầy muội than trong khí quyển và thiêu rụi các thành phố lớn nhỏ. Điều này sẽ gây nên nạn đói toàn cầu.

Spiegel: Ông đánh giá thế nào về tình trạng vũ khí hạt nhân rơi vào tay bọn khủng bố?

Schell: Về lâu dài, mối nguy hiểm này đang tăng lên rõ ràng. Bản chất của kiến thức khoa học và công nghệ là nó sẽ ngày càng được phổ biến rộng rãi theo thời gian. Rồi sẽ đến thời điểm vũ khí hạt nhân vượt khỏi tầm kiểm soát của các quốc gia và rơi vào tay của các nhóm nhỏ hơn.

Spiegel: Các nhà máy điện hạt nhân được bảo vệ ở mức độ nào để chống lại các cuộc tấn công khủng bố?

Schell: Cho đến nay, các nhà máy điện hạt nhân đã thực hiện nhiều biện pháp an ninh hữu hiệu nhằm ngăn chặn hậu quả trên. Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân đã thành công với biện pháp đơn giản: Xây dựng một nhà máy như vậy sẽ rất tốn kém.

Spiegel: Sự kiện thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản lúc này phải chăng chính là ví dụ điển hình cho thấy con người không có khả năng học hỏi từ lịch sử? Một đất nước từng kinh qua thời khắc kinh hoàng của quả bom hạt nhân đầu tiên vẫn quyết định phụ thuộc vào nguồn năng lượng điện nguyên tử.

Schell: Kenzaburo Oe, nhà văn nhận giải Nobel Văn học, cho biết xúc tiến phát triển điện hạt nhân ở Nhật Bản là phản bội các nạn nhân trong vụ nổ bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima. Nhưng có lẽ, thảm họa Fukushima sẽ là một bước ngoặt không chỉ thay đổi Nhật Bản, mà còn biến đổi thái độ của các quốc gia khác.

Spiegel: Xin cám ơn ông.

Philip Bethge và Gregor Peter Schmitz thực hiện trên Spiegel.

(Đa Minh dịch) – Thank you!