Trong phần trả lời phỏng vấn của báo Spiegel, nhà hoạt động hòa bình, tác giả Jonathan Schell đã nêu lên những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima. Và tại sao ông cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản sẽ đánh dấu một bước ngoặt đối với thế giới .
Spiegel: Điều gì khiến ông ưu tư nhất về thảm họa hạt nhân Fukushima?
Schell: Rõ ràng toàn bộ vụ thảm họa hạt nhân này nằm ngoài mọi sự chuẩn bị. Thử nhìn vào các sách hướng dẫn đối phó với tai nạn an toàn hạt nhân, bạn không thể tìm thấy mục nào nói rằng: tập trung máy bay trực thăng quân sự, múc đầy nước biển và cố gắng hết sức giội nước vào lò phản ứng nhằm làm mát các thanh nhiên liệu. Hay cũng chẳng có hướng dẫn nào quy định: đưa xe tải kiểm soát bạo động đến phun nước vào các lò phản ứng để ngăn ngừa rò rỉ phóng xạ. Những gì đang diễn ra ở Nhật Bản đã minh chứng sự khó lường của thảm họa hạt nhân.
Spiegel: Nhưng những người ủng hộ năng lượng hạt nhân lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Họ nói rằng Fukushima là một nhà máy điện hạt nhân cũ và lỗi thời cùng lúc bị sóng thần và động đất đánh vào – và cho đến nay chỉ có một số ít người bị phơi nhiễm phóng xạ. Vẫn chưa có người nào chết vì bị nhiễm xạ trực tiếp.
Schell: Rõ ràng là cho đến nay, mọi chuyện vẫn còn tốt hơn nhiều viễn cảnh một vụ nổ hạt nhân khổng lồ theo phiên bản Chernobyl. Nhưng tôi cho rằng bất kỳ phân tích hợp lý nào cũng sẽ cho thấy: nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa nằm trong tầm kiểm soát. Những người điều hành nhà máy đang cố trấn an sự hoảng loạng không kiểm soát nơi người dân. Các chuyên gia tại nhà máy Fukushima đã đưa ra hàng loạt phương án giải quyết và sửa chữa, nhưng không có gì chắc chắn. Sẽ không ai dám mô tả sự kiện này là một mô hình an toàn hạt nhân. Vì mô tả như vậy thì chẳng khác nào nói cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba (1962) là ví dụ điển hình về độ an toàn của kho vũ khí hạt nhân.
Spiegel: Không chỉ ở Đức mà còn ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, mọi người lo dự trữ các viên iốt. Đồng thời, những chuyến hàng đến từ Nhật Bản được kiểm tra phóng xạ chặt chẽ. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa của nỗi sợ hãi năng lượng hạt nhân?
Schell: Trong tâm trí người dân, điện hạt nhân có liên quan đến vũ khí hạt nhân. Trong thực tế, nguồn năng lượng phát sinh ở cả hai trường hợp đều phát xuất từ phản ứng dây chuyền hạt nhân. Quả thật, không thể xảy ra một vụ nổ nguyên tử trong một nhà máy điện hạt nhân, nhưng người dân cũng đúng khi gán ghép hai hình ảnh này với nhau. Thứ nhất, cả hai trường hợp đều gắn liền với việc phổ biến hạt nhân nguyên tử. Thứ hai, thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân và vũ khí hạt nhân đều có khả năng phát tán phóng xạ hạt nhân không kiểm soát, trường hợp điển hình là thảm họa ở Chernobyl. Thứ ba, vấn đề chất thải là một thách thức không nhỏ. Người ta phải chôn chất thải hạt nhân dưới lòng đất gần nửa triệu năm. Như vậy, chúng ta đang hành động như thể người trần gian làm chuyện trên trời, dù chúng ta không thể sống đủ lâu để làm chuyện đó.
Spiegel: Ông cho rằng kinh doanh năng lượng hạt nhân chẳng khác nào chơi một canh bạc với “sức mạnh của mẹ thiên nhiên.” Tại sao năng lượng hạt nhân lại khác hẳn với các nguồn năng lượng khác?
Schell: Bởi vì nó là một thứ năng lượng có sức mạnh khổng lồ. Loại năng lượng tương đương với nó mới chỉ được tìm thấy ở phần lõi của các ngôi sao, không thể tự nhiên tìm thấy trên trái đất. Nhờ những phát minh khoa học tuyệt vời, con người mới có thể sản xuất ra nó trên trái đất. Nhưng, thật không may, chúng ta vẫn chưa đạt đủ trình độ tiên tiến về mặt đạo đức, chính trị như trong khoa học, vậy nên, chúng ta vẫn chưa thật sự sẵn sàng để kiểm soát nguồn năng lượng này đúng cách. Ảo tưởng nguy hiểm nhất ở đây là: con người nghĩ họ có thể kiểm soát năng lượng hạt nhân.
Spiegel: Bất chấp những quan ngại này, chúng ta đang thấy sự “phục hưng” về năng lượng hạt nhân trong những năm gần đây.
Schell: Tôi không nghĩ rằng thực sự có cái gọi là sự “phục hưng” trong năng lượng hạt nhân. Rõ ràng có cụm từ “phục hưng hạt nhân”, nhưng tại nhiều quốc gia trên thế giới, khía cạnh tài chính của điện hạt nhân vẫn không mấy sáng sủa. Các ngân hàng không mặn mà với việc chi tiêu tài chính cho các nhà máy điện hạt nhân mới. Những công ty bảo hiểm khá miễn cưỡng khi trang trải cho các rủi ro liên quan đến hạt nhân.
Spiegel: Nhiều nhà môi trường học hiện nay thậm chí còn kêu gọi phát triển năng lượng hạt nhân, bởi vì họ coi đó là cách duy nhất để hạn chế biến đổi khí hậu.
Schell: Tôi thấy lập luận của họ còn yếu kém. Hiện nay, có khoảng 450 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Để giảm đáng kể lượng khí thải carbon sẽ phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba số nhà máy nêu trên, không chỉ tại các nước có kỹ thuật tinh vi như Nhật Bản. Quan trọng hơn, tôi e rằng cố gắng thực hiện phương án như trên sẽ dẫn đến thất bại. Hãy nghĩ xem chi phí sẽ ra sao nếu chúng ta đổ nguồn lực khan hiếm của quốc gia vào một dữ án có sai sót, và sau đó thảm họa ập đến, còn chúng ta bị buộc phải thanh toán cho khoản đầu tư xây dựng. Lúc này, tai họa không còn là của riêng nước nào, nhưng sẽ là một thảm họa đối với nỗ lực chung nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Spiegel: Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn là người ủng hộ năng lượng hạt nhân. Nhưng hiện nay, bà ấy đang xúc tiến kế hoạch giảm dần các dự án năng lượng hạt nhân ở Đức. Liệu nước Đức có thể thành công trong sứ mạng chấm dứt hoàn toàn nguồn năng lượng điện hạt nhân?
Schell: Phong trào chống hạt nhân ở Đức chắc chắn mạnh mẽ hơn bất cứ nước nào khác, ngay cả trước khi xảy ra sự cố Fukushima. Tôi muốn nói rằng có khả năng Đức sẽ sớm thực hiện chính sách cắt giảm điện hạt nhân, và các nhà máy điện hạt nhân ở Đức sẽ bị ngưng hoạt động. Tôi tin rằng Nhật Bản cũng sẽ đi theo hướng này.
Spiegel: Tại sao chúng ta vẫn chưa thấy cuộc biểu tình chống hạt nhân tương tự diễn ra tại Hoa Kỳ?
Schell: Ngành công nghiệp hạt nhân có lẽ không còn được quan tâm nhiều ở Hoa Kỳ, bởi vì chúng ta vẫn chưa thấy xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, kể từ khi tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island diễn ra ở bang Georgia (Hoa Kỳ) năm 1979.
Spiegel: Nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới.
Schell: … và cho đến nay, người dân ở Mỹ dường như chẳng mấy phiền lòng vì nó. Đó là sự thật, cho đến bây giờ. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người ủng hộ điện hạt nhân đã giảm mạnh. Thành thực mà nói, tôi nghĩ rằng người Mỹ không mấy để tâm đến vấn đề này. Chính lúc này, tai nạn hạt nhân ở Fukushima sẽ đánh thức tâm trí người dân.
Spiegel: Ông Obama sẽ từ bỏ chính sách ủng hộ năng lượng hạt nhân của mình?
Schell: Trong thực tế, có khả năng như vậy. Ông Obama sẽ dừng lại – một phần là do liên quan đến ngân sách quốc gia. Nếu bạn muốn gắn vào nhà máy tất cả các tính năng an toàn mới, thì chi phí sẽ tăng lên. Chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân hiện nay đã lên đến hàng chục tỷ đô la.
Spiegel: Không lâu sau phát hiện ra năng lượng hạt nhân, khắp Hoa Kỳ, mọi người đều ủng hộ nó. Trong những năm 1950, chính quyền của tổng thống Eisenhower đã nhiệt tình xúc tiến chương trình “Nguyên tử vì hòa bình”.
Schell: Đây là câu chuyện thú vị bởi vì dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower, có sự kết nối chặt chẽ giữa năng lượng hạt nhân với vũ khí hạt nhân. Ông Eisenhower tăng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ từ 1.400 lên đến 20.000 đầu đạn hạt nhân. Nhưng ông cũng muốn tăng cường yếu tố hạt nhân vì hòa bình trong chính sách của mình. Đó là lý do vì sao chương trình “nguyên tử vì hòa bình” được khởi động, theo đó các nước được cung cấp công nghệ sản xuất điện hạt nhân – “nguyên tử thân thiện” để đổi lại các ràng buộc về phổ biến vũ khí hạt nhân – “nguyên tử hủy diệt”. Ngày nay, tiền lệ này vẫn còn thể hiện trong các điều khoản của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Spiegel: Tổng thống Obama vạch ra tầm nhìn về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhưng mọi người phản ứng khá thờ ơ, thậm chí ngay trong đảng của ông. Ông nghĩ sao về điều này?
Schell: Dưới thời Tổng thống Obama, có vẻ như chỉ có mình ông trong chính phủ cầm quyền thực sự tin vào tầm nhìn này. Nhưng công chúng đứng về phía tổng thống. Nếu bạn hỏi người dân liệu họ có muốn sống trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đa số sẽ khẳng định là: Có. Ở khía cạnh khác, cơ cấu chính quyền quan liêu vẫn tồn tại trong Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, trong Bộ Năng lượng. Chính điều này đã khiến tầm nhìn mới của ông Obama về một thế giới phi hạt nhân không thể nào trở thành hành động cắt giảm hạt nhân cách cụ thể. Ngài tổng thống cần nhiều quan chức ủng hộ mình trong chính phủ hơn nữa.
Phần 2: Ngày nay, sự hủy diệt thế giới ít có khả năng diễn ra, nhưng về mặt kỹ thuật là có thể.
Spiegel: Một thế giới không có vũ khí hạt nhân có phải là một tầm nhìn thực tế? Với công nghệ hạt nhân đang có hiện nay, việc triển khai phi hạt nhân hóa toàn cầu có thể ví như bắt thần đèn đã thoát khỏi đèn thần vào năm 1945 ở Hiroshima lại phải chui vào cây đèn một lần nữa?
Schell: Sẽ không bao giờ có một thế giới không có hạt nhân tồn tại. Một khi con người đã chiếm lĩnh được tri thức, thì tri thức không bao giờ bị lạc mất. Vì vậy, bức tranh không vũ khí hạt nhân phải là một bức tranh sống không có vũ khí hạt nhân, chứ không phải sống với tri thức tạo ra chúng. Có nhiều cuộc tranh luận quá quen thuộc chống lại một thế giới phi hạt nhân bằng những lập luận: rồi sẽ có người sẽ sử dụng kiến thức còn sót lại, tạo ra một loại vũ khí hạt nhân và bắt đầu ra lệnh cho thế giới không có khả năng tự vệ. Điều tôi muốn nói là các quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ có được kiến thức tạo ra vũ khí hạt nhân và họ có thể, trong thời gian rất ngắn, tái trang bị vũ khí hạt nhân. Do đó, sự mất cân bằng ngày càng mang tính nhất thời hơn nhiều so với ban đầu.
Spiegel: Cấm vũ khí hạt nhân liệu có khả thi nếu không bãi bỏ năng lượng hạt nhân?
Schell: Thế giới không còn vũ khí hạt nhân phải là một một thế giới kiểm soát chặt chẽ công nghệ hạt nhân. Tuy nhiên, chừng nào con người vẫn còn tiếp tục sản xuất năng lượng hạt nhân, bao lâu uranium vẫn tiếp tục được làm giàu và plutonium vẫn đang được chế tạo ở đâu đó trên thế giới, thì việc kiểm soát chặt chẽ tất cả công nghệ hạt nhân sẽ rất khó khăn.
Spiegel: Ông quan ngại thế nào về các mối đe dọa hiện nay, khi công nghệ hạt nhân có khả năng rơi vào tay những kẻ xấu?
Schell: Vấn đề này rất thực tế. Hai điểm nóng trên thế giới đang có hoạt động phổ biến hạt nhân mạnh mẽ hiện nay là Iran và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nhưng ta có thể thấy nhiều quốc gia khác cũng đang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với điện hạt nhân. Đặc biệt, việc chuyển giao công nghệ hạt nhân ở Trung Đông, đang trở thành mối nguy hiểm thực sự. Chúng ta có thể có ít vũ khí hạt nhân hơn, nhưng lại có thêm nhiều bàn tay đặt trên ngòi nổ hơn.
Spiegel: Có phải chính điều đó làm cho thế giới ngày hôm nay nguy hiểm hơn thế giới trong cuộc Chiến tranh lạnh năm xưa?
Schell: Không, ký ức về một thời khủng hoảng tên lửa Cuba giữa Chiến tranh lạnh vẫn còn sống động trong tâm trí tôi, mọi chuyện lúc ấy được ví như: ngày tàn của thế giới. Nếu không kể đến điều đó, thì quả thật bản chất của nguy hiểm trong thế giới hôm nay đã thay đổi.
Spiegel: Như vậy, hủy diệt nhân loại bằng vũ khí hạt nhân vẫn có thể xảy ra?
Schell: Về cơ bản, khả năng đó vẫn còn. Điều kinh khủng hơn chính là viễn cảnh tất cả các loại vũ khí sẽ được châm ngòi cùng một lúc. Rõ ràng, trong xu thế hiện nay, khả năng này ít xảy ra như thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, sẽ có những mối nguy khác xảy đến, dù con người chỉ sử dụng rất ít vũ khí hạt nhân. Ví dụ như: chỉ với một số lượng rất thấp vũ khí, hiểm họa sinh thái từ chiến tranh hạt nhân có khả năng sẽ xảy ra. Nghiên cứu mới đây cho thấy rằng chỉ cần sử dụng khoảng 100 hoặc 150 đầu đạn hạt nhân trong một cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ cũng có thể gây nên một mùa đông hạt nhân đầy muội than trong khí quyển và thiêu rụi các thành phố lớn nhỏ. Điều này sẽ gây nên nạn đói toàn cầu.
Spiegel: Ông đánh giá thế nào về tình trạng vũ khí hạt nhân rơi vào tay bọn khủng bố?
Schell: Về lâu dài, mối nguy hiểm này đang tăng lên rõ ràng. Bản chất của kiến thức khoa học và công nghệ là nó sẽ ngày càng được phổ biến rộng rãi theo thời gian. Rồi sẽ đến thời điểm vũ khí hạt nhân vượt khỏi tầm kiểm soát của các quốc gia và rơi vào tay của các nhóm nhỏ hơn.
Spiegel: Các nhà máy điện hạt nhân được bảo vệ ở mức độ nào để chống lại các cuộc tấn công khủng bố?
Schell: Cho đến nay, các nhà máy điện hạt nhân đã thực hiện nhiều biện pháp an ninh hữu hiệu nhằm ngăn chặn hậu quả trên. Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân đã thành công với biện pháp đơn giản: Xây dựng một nhà máy như vậy sẽ rất tốn kém.
Spiegel: Sự kiện thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản lúc này phải chăng chính là ví dụ điển hình cho thấy con người không có khả năng học hỏi từ lịch sử? Một đất nước từng kinh qua thời khắc kinh hoàng của quả bom hạt nhân đầu tiên vẫn quyết định phụ thuộc vào nguồn năng lượng điện nguyên tử.
Schell: Kenzaburo Oe, nhà văn nhận giải Nobel Văn học, cho biết xúc tiến phát triển điện hạt nhân ở Nhật Bản là phản bội các nạn nhân trong vụ nổ bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima. Nhưng có lẽ, thảm họa Fukushima sẽ là một bước ngoặt không chỉ thay đổi Nhật Bản, mà còn biến đổi thái độ của các quốc gia khác.
Spiegel: Xin cám ơn ông.
Philip Bethge và Gregor Peter Schmitz thực hiện trên Spiegel.
(Đa Minh dịch) – Thank you!