Niềm tin thời hỗn loạn và Cụ rùa

Viết linh tinh nhân dịp đọc cái bài làm mình phì cườ i này.

Mình bắt đầu biết đến vai trò của tôn giáo khi ra nước ngoài. Ở VN, khi còn nhỏ, không thấy ai hỏi “tôn giáo của bạn là gì?”. Khi ra nước ngoài, người ta hay hỏi: “Bạn là người theo đạo Thiên chúa, hay đạo Phật, hay là người vô thần?”

Đến Jerusalem, nơi khởi nguồn của 3 loại đạo trên thế giới năm 2009 là dịp để mình tìm hiểu về tôn giáo, niềm tin và vai trò của chúng trong cuộc sống. Về cơ bản, các đạo đều dạy con người ta sống tốt, sống lương thiện và có ích. Dù là người có quan điểm vô thần, mình tin vào kiếp nạn, tin vào luật nhân quả, tin là con người cần phải sống hài hòa với môi trường xung quanh, thương yêu và độ lượng, vị tha. Đạo nào cũng có những người miệng thì nói ra những điều tử tế, bụng sẵn 1 bồ dao găm. Và không có gì đau khổ bằng sống mà không biết tin vào đâu, vì trong những lúc vật vã của cuộc đời, niềm tin là thứ duy nhất có thể neo giữ con người sống tiế p cho tử tế.

Người ta vẫn nói, tâm có vững, thì cuộc sống mới an. Tâm có vững, có sáng, thì nhìn xung quanh mới thấy niềm vui, mới gặp những người tốt bụng, mới tin vào việc mình làm, tin vào nhận định của mình. Phàm ở đời, mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Chuyện xảy ra chỉ là kết của rất nhiều yếu tố xảy ra trước đó. Tâm xấu thì lúc nào cũng sợ, cũng run, cũng nghĩ người khác xấu với mình.

Nhân dịp rằm tháng giêng, mình đi ăn chay theo lời rủ của mấy người bạn. Chùa chiền đông nghẹt, rác rến đầy khắp. Cái quán chay mở bên trong chùa cũng đông nghẹt. Bà con chen lấn xô đẩy, không có chỗ để ngồi. Ăn chay trong bối cảnh ầm ĩ, quả là không thấy đâu là thú vị. Đó còn chưa kể đến ăn xong bị đau bụng gần chết. Muốn làm người thanh tịnh cũng không dễ, và cũng không nhất thiết phải tới cổng chùa.

Về nhà, thấy truyền thông đưa tin chen nhau để xin ấn cầu danh tại Đền Trần Nam Định. Chợt thấy cuộc sống này thật đa dạng. Niềm tin vào thành công tự nhiên trên trời rơi xuống thể hiện rõ nhất là đây. Nhưng suy cho cùng, đó là lựa chọn của họ. Chỉ mong sao không có tai nạn thương tâm nào xảy ra. Cuống cuồng giành giật, thật là bi thảm. Cướp đó.

Lại nghĩ tới cụ rùa ở Hồ Gươm. Khổ thân cụ, coi như cụ chịu khổ rồi cụ ạ. Nếu cụ sống ở nước ngoài thì cụ đã được đưa lên bờ cứu chữa từ lâu rồi. Các hội động vật ở đó họ hoạt động mạnh lắm, hoặc đầy những cá nhân “khùng khùng” sẵn sàng xả thân vì cụ. Hoặc có thể cụ đã được sống trong 1 cái hồ dọn dẹp sạch sẽ hơn, để xứng đáng với cái vị trí của cụ trong tiềm thức người dân Hà Nội. Ầy à, nhưng Cụ lại chọn Hà Nội để sống, lại sống lâu nữa. Vậy là cụ khổ rồi cụ ạ. Con rất thương cụ, vì con nghĩ mỗi sinh linh trên đời đều có quyền sống tử tế. Con e là bàn tới bàn lui rồi người ta sẽ để cụ chết vì đau đớn dưới cái hồ bẩn đó thôi. Con suy nghĩ về cụ mấy hôm rày, không kém gì suy nghĩ việc người nghèo ở nước con đang rên xiết trong cơn bão giá.

Khai bút năm con Mèo

Thấm thoắt, Tết năm này vừa qua, Tết năm khác đã đến. Đôi khi, ta tự hỏi, mình đã làm được gì trong năm qua? 365 ngày trôi đi, tưởng chừng như vô tích sự. Con người ta sinh ra, may mắn thì được nuôi dưỡng tử tế, lớn lên, học hành, trưởng thành, rồi ốm đau, bệnh tật, rồi giật mình khi soi gương, thấy những vết chân chim trên khóe mắt, một ngày kia đặt hai tay lên bụng, vĩnh biệt trần gian. Tự hỏi, làm người, ta đã làm gì?

Mấy chục Xuân đến, Xuân đi. Xuân nào cũng bằng đấy bài hát, điệu nhạc, làm bằng đấy việc, cũng ăn bánh chưng, cũng mua đào, mai, quất, cũng cắm hoa, nấu thịt đông, ăn nem rán, thịt gà. Rồi có những năm thấy thảng thốt: Sao thời gian trôi đi nhanh thế, có cách nào níu giữ thời gian? Sao Xuân nào cũng giống Xuân nào thế?

Mỗi Xuân đến để nhắc con người rằng họ đang may mắn được sống tiếp trên trần gian, hay nhắc con người rằng, thời gian trên trần gian của họ sắp hết?

Vẫn còn nhớ như in những cảm giác háo hức của thời thơ ấu mỗi khi nghe thấy bài hát chào Xuân. Tết Bắc, đêm trừ tịch mới thiêng liêng, mùng 1 mới ấm cúng. Tết Nam đêm trừ tịch cũng thế, chỉ là vì nóng quá, nên độ ấm cúng cũng giảm đi. Nói những lời tốt đẹp chúc nhau. Ai cũng nghĩ điều mình mong muốn ắt hẳn người khác cũng muốn; bởi vậy, người ta chúc nhau phát tài, hạnh phúc, thấy được tình yêu, ai chưa chồng thì có chồng, ai chưa giàu thì phát tài. Mà ai cũng phát tài, tài hơn, tài mãi.

Trong 1 bộ phim, có một lời thoại. Nhân vật chính nữ đau khổ hỏi nhân vật chính nam: Tại sao con người ta phải chết? Trả lời: Để thấy rằng cuộc đời đáng quý biết bao.

Đời người, cũng như đời mọi vật trên đời, đều trải qua những giai đoạn sinh, thành, hoại. Có sinh, có tử, lẽ tự nhiên của đất trời, cớ sao lại buồn?

Chẳng buồn vì điều đó, chỉ buồn khi nhận thấy mỗi số phận chấm dứt khi không làm được điều gì đáng nhớ.  Die for nothing. Chết chẳng vì điều gì cả. Có gì buồn hơn thế?

Mà thế nào mới là điều đáng nhớ? So với loài người, với dân tộc, với gia đình, hay với mỗi cá nhân?

Cuộc sống phải chăng chỉ có cơm, áo, gạo, tiền, những mối lo vật chất thường trực, hay những mối quan hệ xã hội xung quanh? Làm người tốt ư? Làm việc tốt ư? Không khó lắm. Nhưng tốt có đồng nghĩa với có ích không?

Thế nào mới là sống có ích? Quá trình thay đổi nhận thức, đặt câu hỏi với chính bản thân mình có thể khiến con người trở nên bối rối với những thực tế. Đâu là đúng, đâu là sai? Đúng với cái gì, sai với cái gì? Đâu mới đích thực là giá trị nhân loại, dân tộc, gia đình, và mỗi cá nhân? Mỗi – con – người  đều đang trong 1 cái lồng, có lẽ ai cũng thắc mắc, cũng đặt câu hỏi, cũng cố tìm ra cái cánh cửa để chui ra, đến một vùng nào đó, dù chẳng biết đó là vùng nào, và nó ở đâu.

Mỗi ngày trôi qua, mỗi con người ta gặp, mỗi vùng đất ta đến, đều chỉ bảo ta biết những giới hạn của mình, sự yếu kém của mình, thiếu thốn của mình. Có lẽ suy nghĩ này sẽ luôn như vậy, vì cuộc sống là 1 quá trình hoàn thiện nhận thức. Ai có thể nói: Tôi biết hết, tôi biết đủ rồi?

Ai cũng phải đặt tay lên bụng. Ai cũng phải đến điểm kết thúc. Xuân ơi, có phải Xuân đến để nhắc nhở rằng, ta đang may mắn được sống tiếp trên trần gian, hay thời gian trên trần gian của ta sắp hết?

Việt Nam, 6-2-2011 (Mùng 4 Tết âm lịch)