Nuôi dưỡng quả tim tươi trẻ

Chào các bạn,

Nếu các bạn trẻ nhìn một vị quan chức tham nhũng hay doanh nhân ma đạo nào đó các bạn có nhận ra là đã một thời vị này cũng đã từng là một sinh viên trẻ, l‎ý tưởng, lãng mạn, nhiệt huyết, và yêu nước không?

Tất cả mọi người không-còn-trẻ đều đã có một thời là tuổi trẻ, với những mơ mộng, lãng mạn và l‎ý tưởng trong tâm mình.

Và người ta lớn lên từng ngày, và thay đổi từng ngày. Người ta trở thành nặng nề hơn, bụng phệ hơn, tóc ít hơn, tính toán hơn, tranh giành hơn, vị kỷ hơn, thủ đoạn hơn, ma đạo hơn… Mỗi ngày một tí, chỉ một tí, nên người ta không nhận ra thay đổi của mình… cho đến một lúc nào đó người ta tình cờ nhìn lại mình trong gương, nhớ lại mình vào thời xa xưa đó, nuối tiếc con người thơ trẻ và quả tim trong sáng của mình, và người ta thở dài, “Không ngờ cuộc đời đã thay đổi mình nhiều quá. Ôi, thời tươi trẻ nay còn đâu!”

Các bạn, những người không-còn-trẻ luôn luôn nuối tiếc tuổi trẻ của mình, vì đó là thời trong sáng nhất của họ. Đó là thời của mặt trời, so với một ngọn đèn dầu tù mù trong tâm thức của họ ngày nay.

Và rất nhiều bạn trẻ hôm nay sẽ tiếp tục tiến trình trưởng thành và hối tiếc đó. Đó có phải là định mệnh của con người không? Hay đó chỉ là sự mê muội của con người?

Các bạn, chẳng có một l‎ý do gì để bạn phải từ từ mất l‎ý tưởng, mất nhiệt huyết, và trở thành ma đạo khi bạn trưởng thành cả, trừ khi bạn để tâm trí của bạn bị tấn công tràn ngập bởi những tư duy và lối sống tiêu cực.

Bạn không cần phải học dối trá, dù sẽ có nhiều người dạy bạn là “người hiền chết sớm” hay “cây ngay bị gãy.”

Bạn không cần phải học “thời ma đạo thì phải sống ma đạo”.

Bạn không cần phải học “khôn sống dại chết”.

Bạn không cần phải học “mắt trả mắt, răng trả răng”.

Bạn không cần phải học “một con én không làm được mùa xuân”.

Cuộc đời có rất nhiều người tiêu cực, và họ luôn luôn nghĩ là họ khôn ngoan thông thái, và họ luôn luôn tin rằng ánh sáng của tuổi trẻ là chỉ để cho tuổi trẻ, lớn hơn là phải tắt ánh sáng, và họ chấp nhận nuối tiếc tuổi trẻ nhưng không chấp nhận giữ con tim của họ luôn tươi trẻ.

Vấn đề chính là ở đó—Giữ con tim ta luôn tươi trẻ, luôn rực rỡ như mặt trời, dù cuộc đời có đưa đến ta bao nhiêu phong ba bão tố.

Đó là quy luật chiến thắng: Luôn luôn tích cực. Luôn luôn nhiệt tâm, lý‎ tưởng và trong sáng như mặt trời.

Các bạn, trong các thế hệ kháng chiến, ta không thể tìm được một người kháng chiến nào có con tim già đi cả. Dù 40, 50 hay 60, quả tim của họ vẫn trong sáng, lý tưởng và nồng nhiệt như khi họ mới 20, vẫn say mê đắm mình vào con đường giải phóng dân tộc mà không hề bị hoen rỉ một tí nào. Vì thế, chúng ta đã luôn luôn chiến thắng.

Không có quy luật nào của đời sống nói rằng khi chúng ta trưởng thành quả tim của chúng ta phải trở thành hoen rỉ, vị kỷ, gian tham, tồi tệ đi cả.

Nhưng, trong xã hội thời bình, khi mục tiêu giải phóng dân tộc không còn là một vấn đề sống chết nữa, thì “nhàn vi cư bất thiện”, chúng ta bắt đầu có đủ mọi thứ “thầy” truyền bá đủ mọi thứ tư tưởng và nếp sống tiêu cực vị kỷ vào xã hội của chúng ta. Và họ sinh sôi nẩy nở nhanh như nấm, nhiều đến mức rất nhiều người trẻ mới ra trường một vài năm là đã bắt đầu thông thạo những lối ngõ ma đạo, trong khi những người trẻ khác thì thở dài chấp nhận “gặp thời thế thế thời phải thế.”

“Thời thế” của đất nước chúng ta không tạo ra bởi kim đồng hồ, mà tạo ra bởi sức sống trong tim của chúng ta. Ánh sáng mạnh hơn bóng tối. Và tuổi trẻ là ánh sáng trong tim. Nếu nhiều chúng ta có ánh sáng trong tim, chúng ta tạo nên thời ánh sáng cho đất nước; nếu nhiều chúng ta chỉ toàn bóng tối trong tim, chúng ta tạo nên thời tăm tối. Vấn đề chỉ là quyết tâm của mỗi người nuôi dưỡng con tim của mình cách nào.

Và ánh sáng mạnh hơn bóng tối.

Vấn đề quan trọng nhất cho tuổi trẻ không phải là học thêm được các kỹ năng gì. Đó là chuyện hàng thứ hai. Chuyện hàng đầu là làm sao để giữ cho con tim mình trẻ mãi và trong sáng mãi. Và đây là một cuộc hành trình nhiều thử thách, vì như đã nói trên, sự thay đổi và hoen rỉ của con tim xảy ra hàng ngày, mỗi ngày một milimét, cho nên nhiều người sẽ không nhận ra và rốt cuộc sẽ gục ngã.

Cho nên các bạn cần phải có quyết tâm giữ vững con tim nhiệt huyết lý tưởng của mình, dù cho ai có vỗ về ngon ngọt gì. Và tập thói quen xem lại mình, xem lại con tim của mình, xem lại tác phong và hành động của mình thường xuyên, hàng ngày, để nếu mình đang đi xuống một bước thì mình phải thấy được điều đó, và vực mình lên lại.

Đừng rẻ tiền. Đừng hành động như công dân của một quốc gia chết đói nhiều chụp giật.

Các bạn, hãy có tác phong như một nữ hoàng và người ta sẽ đối xử với bạn như một nữ hoàng. Hãy có tác phong của ánh sáng và người ta sẽ đối xử với bạn như ánh sáng. Hãy có tác phong là công dân của một quốc gia vô địch và người ta sẽ đối xử với đất nước của bạn như một quốc gia vô địch.

Thân thể có thể mất đi,nhưng tinh thần thì vĩnh cửu. Thân thể ta có thể già cỗi, nhưng tâm ta có thể tươi trẻ trong sáng qua hàng vạn kiếp người, chẳng phải chỉ kiếp này.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Link gốc

Vấn đề là để giải, không để phàn nàn

Chào các bạn,
Có rất nhiều người hình như là chẳng hiểu gì về cuộc đời cả. Thấy bất cứ vấn đề gì họ cũng càm ràm càu nhàu. “Chỉ toàn là người vô trách nhiệm, xả rác bừa bãi, chẳng ai quan tâm cả.” “Nhà nước chỉ là một bọn giá áo túi cơm, chẳng ai lo đường xá tử tế cả.” “Học sinh ngày nay toàn là một lũ du côn, đánh nhau hàng ngày.” “Thời loạn lạc toàn là tham nhũng nắm quyền, ta về trồng rau ở ẩn là thượng sách.”

Nếu ta suy nghĩ thật kỹ càng, thì thực sự là chẳng có vấn đề gì là l‎í do để phàn nàn cả. Đường xá bẩn thỉu! Bò trâu đi chẳng cần đường có sao đâu? Chúng nó đánh nhau! Chó cắn nhau hàng ngày, chết ai đâu?

Nếu nhìn cuộc đời như chính nó, thì chẳng có vấn đề gì trên thế giới là lí do hợp luận lí để chúng ta phàn nàn. Nếu ta thấy vấn đề, đó là vì ta muốn đời sống của chúng ta hay hơn tốt hơn; và để hay hơn tốt hơn thì ta phải giải quyết vấn đề.

Tức là, sở dĩ vấn đề là vấn đề, là vì chúng ta muốn cải thiện đời sống của chúng ta. Vấn đề là lí do để cải thiện đời sống. Nếu ta không muốn cải thiện đời sống, thì vấn đề không là vấn đề.

Nếu bạn thấy vấn đề, tức là bạn muốn cải thiện đời sống. Nếu bạn muốn cải thiện đời sống, thì hãy làm gì đó để cải thiện đời sống. Làm gì thì tùy bạn, nhưng chắc chắn càm ràm phàn nàn thì chẳng giải quyết vấn đề. “Làm” ở đây có nghĩa là “giải quyết” hay “giúp giải quyết”. Nếu chẳng làm gì được thì ít nhất bạn có thể viết một bài báo/bài blog, nói rằng chỗ này có vấn đề, và kêu gọi nhà nước cùng mọi người hợp lực giải quyết vấn đề.

Nếu bạn không muốn giải quyết, thì cứ ở bẩn như bò cũng chẳng sao. Quyền tự do của bạn. Nhưng nếu đã vậy, thì bạn chẳng có vấn đề gì để phàn nàn.

Đây cũng chỉ như một khoa học gia thôi. Thấy một câu hỏi toán hay vật lí, thì một là tìm cách giải nó, hai là lờ nó đi. Nhưng chẳng nhà khoa học nào phàn nàn tại sao lại có vấn đề này.

Một điều khác rất quan trọng chúng ta cần nhớ là: Nếu bạn stress vì vấn đề thì bạn sẽ bị stress vĩnh viễn, đời đời. Xã hội loài người, dù là ở đâu và thời nào, cũng không bao giờ hoàn toàn, luôn luôn có chỗ này chỗ kia có thể cải tiến cho khá hơn. Có nghĩa là, bạn sẽ luôn luôn thấy vấn đề để cải tiến, cho dù bạn có sống đến 1000 tuổi tại bất kì nơi đâu. Chẳng lẽ bạn stress vĩnh viễn đời đời sao?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Link gốc