Vì sao Sheri Fink đọat giải Pulitzer thể loại báo chí điều tra?

Làm thế nào bài viết về một sự kiện diễn ra từ năm 2005 ở Mỹ lại được giải thưởng Pulitzer 2010 dành cho thể loại báo chí điều tra?

Bạn có thể tìm được câu trả lời ở đây, và ở đây.

Nhưng tôi cũng muốn tìm hiểu rõ hơn về nội dung bài viết và chia sẻ với những người quan tâm.

Trước hết, chúng ta nghe câu chuyện mà tác giả Sheri Fink nói về tác phẩm của mình. Một lưu ý là chị này là Tiến sỹ y khoa, nên chắc chắn chị rất rành rẽ về các vấn đề trong ngành của mình. Đây là bản dịch tóm lược:

Câu hỏi: Bài viết đưa ra những chi tiết rất thú vị về trung tâm y khoa, nhưng hàm ý của bài viết còn rộng hơn như thế. Chị có thể nói thêm về điều này như thế nào?

Trả lời: Tôi nghĩ, nhiều người vẫn tin rằng, chúng ta chẳng có thể học được gì trong tình huống đó (cơn bão Katrina năm 2005), những người làm công tác cứu hộ khi đó đã làm rất tốt, có thể nói là không thể làm tốt hơn. Nhưng nhiều năm sau đó, khi nhìn lại, ta thấy rằng suy nghĩ đó không còn đúng nữa. Chúng ta tự hỏi, trong tình huống cực kỳ khó khăn như vậy, liệu ta có thể làm gì để cứu sống được càng nhiều người càng tốt, làm thế nào để thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất, và loài người xứng đáng được có điều đó. Vì vậy, tôi cho rằng, xét về quan điểm báo chí, là phải nhìn vào thực tế: Nước Mỹ sẽ còn phải đối mặt với những thảm họa trong tương lai, chúng ta sẽ còn nhiều trận bão nữa, chúng ta còn có các dịch bệnh kinh khủng tấn công, kể cả như bệnh cúm trong mùa này; Sẽ đến lúc những nguồn dự trữ của chúng ta có giới hạn, sẽ đến lúc (thật không may mắn) là chính phủ bất lực trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, và các nhân viên y tế, cứu hộ sẽ bị kẹt trong hoàn cảnh làm việc rất khó khăn. Như vậy, lý do duy nhất để nhìn lại, tìm hiểu về những gì thực sự đã diễn ra là tìm hiểu xem chúng ta có thể học được gì ở sự việc đó, câu chuyện đó đã dạy chúng ta điều gì.

Theo Wikipedia, “Bão Katrina là một cơn bão mạnh đã tàn phá miền Đông Nam Hoa Kỳ và đã trở thành thiên tai kinh khủng và tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ kể từ trận động đất tại San Francisco năm 1906 đến nay. Khu vực bị ảnh hưởng bao gồm tiểu bang Louisiana (nhất là vùng New Orleans), miền nam và trung Mississippi, nam Alabama, vùng tây Florida, miền nam Florida, và nhiều khu vực về phía bắc. Trong mùa bão ở Đại Tây Dương năm 2005 nó là bão thứ 11 được đặt tên, gió xoáy nhiệt đới thứ 4 và cơn bão quan trọng thứ 3. Nó là bão mạnh thứ ba đổ xuống Hoa Kỳ đã được ghi chép trong lịch sử.

Giới chức trách xác nhận có 207 người thiệt mạng tuy nhiên thị trưởng New Orleans, ông Ray Nagin ước đoán con số tử vong có thể lên đến hàng ngàn người. Hai con đê ở New Orleans vỡ với hậu quả là 80% thành phố bị lụt; có khu phố nước dâng cao đến 7,6 mét.

Các chuyên gia phỏng đoán khoảng một triệu người đã mất nhà vì trận bão. Năm triệu người bị cúp điện trong vùng Vịnh Mexico và phải mất đến hai tháng dịch vụ điện mới được phục toàn.

Tính đến năm 2005, bão Katrina là cơn bão gây nhiều tử thương nhất ở Hoa Kỳ kể từ trận bão Camille năm 1969 làm 256 người bị thiệt mạng trước đó.”

Với sự giúp đỡ rất nhiệt tình và có hiệu quả của bạn Cảnh Toàn – sinh viên báo chí của Khoa Báo chí – Truyền thông – ĐH QG TP HCM, tôi đã có bản dịch của 13.000 chữ bài điều tra của Sheri. Tôi sẽ post dần để những ai quan tâm cùng đọc và tham khảo.

Comments