Trích dẫn học thuật (2)

Nếu có nhiều hơn 1 tài liệu của một tác giả trong cùng một năm được trích dẫn, hãy thêm các chữ thường sau năm trong ngoặc đơn.

Ví dụ:

– Có nhiều bằng chứng chứng minh rằng báo chí công dân đang ngày càng thể hiện vai trò trong xã hội Việt Nam (Nguyễn, 2006a).

– Nguyễn (2006b) cho rằng khoảng cách số không giảm mà thực ra đang gia tăng.

Nếu nhiều hơn một trích dẫn được sử dụng trong 1 cầu, đặt chúng theo thứ tứ ABC tên tác giả.

Ví dụ:

– Khoảng cách số giữa các quốc gia không hề giảm mà thực ra đang gia tăng (Alton, 1998; Nguyễn, 2006; Smith, 2000).

Đối với danh sách tài liệu tham khảo ở cuối bài viết:

Vào cuối bài viết, hãy đưa ra danh sách tham khảo gồm các chi tiết của tất cả những tác phẩm mà bài viết của bạn có tríchdẫn.

Ví dụ:

Bond, Michael (2003) The pursuit of happiness. New Scientist. 179 (2415) October pp.40-43

Trong đó:

Bond là họ;

Michael là tên;

2003 là năm xuất bản

The persuit of happiness là tên tác phẩm (bài viết) được trích dẫn

New Scientist là tên ấn bản đã đăng tác phẩm đó

179 là Volumn number

2415 là số xuất bản

40-43 là số trang

Ví dụ khác:

Nguyễn, An (2006). Journalism in the wake of participatory publishing. Australian Journalism Review, 28 (1), pp. 143-155.

Trích dẫn học thuật (1)

Khi viết các bài luận, để tránh bị cáo buộc đạo văn, chúng ta cần tuân thủ các nguyên tắc về trích dẫn học thuật. Cách làm như sau là một ví dụ để tham khảo, dựa trên tài liệu của Tiến sỹ Nguyễn Đức An. Giảng viên Khoa báo chí, Đại học Sterling, Vương quốc Anh.

– Với trích dẫn gián tiếp: Diễn giải ý bằng lời lẽ của bạn, và đưa ra các chi tiết thật ngắn gọn về các nguồn của ý đó trong đoạn viết; Chi tiết thật ngắn gọn bao gồm Họ của tác giả, sau đó là năm xuất bản trong ngoặc đơn.

Ví dụ: Nguyễn (2006) đã chứng minh rằng sự ra đời của blog đã ảnh hưởng lớn tới cách làm báo tại Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 21.

hoặc

Sự ra đời của blog đã ảnh hưởng lớn tới cách làm báo tại Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 21 (Nguyễn, 2006)

hoặc

Theo Nguyễn (2006)…; Như Nguyễn (2006) đã nhận định…

– Với trích dẫn trực tiếp:

Sử dụng chính xác từ ngữ trong tài liệu gốc, đưa vào trong ngoặc kép và cung cấp ngắn gọn chi tiết của nguồn tài liệu gốc. Chi tiết ngắn gọn cũng giống như trong trích dẫn gián tiếp, cộng thêm số trang của câu trích dẫn.

Ví dụ:  

Như Nguyễn (2006, p.147) tranh luận: “Sự ra đời của blog đã ảnh hưởng lớn tới cách làm báo tại Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 21.”

Nỗi buồn Haiti

Cả một tuần nay đọc những bản tin, xem những hình ảnh về hậu quả của động đất ở Haiti, tôi thấy mình rơi vào tình trạng căng thẳng. Những số phận vốn dĩ chịu quá nhiều đau khổ bỗng dưng chịu một tai ương khủng khiếp. Bỗng chốc, những con người ở đó mất tất cả. Người thân, gia tài, tương lai. Không còn gì cả. Người chết như súc vật bị vứt tứ tung trên đường phố. Người ta chết vì đói, vì bạo lực…

Động đất đã để lộ ra một nước Haiti vô cùng nghèo khổ. Và truyền thông thế giới đã lãng quên họ. Nước Mỹ được nói tới không phải là nước hỗ trợ, mà lại trở thành nước “paying for the debt” (trả nợ) cho Haiti. Vì sao? Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo đó có một nhân tố quan trọng gây ra: nước Mỹ. Hàng Mỹ tràn ngập Haiti, nông dân không sống nổi vì không thể cạnh tranh về giá. Cả Haiti chỉ sống nhờ cứu trợ. Không phải ngẫu nhiên mà thế. Cái vòng đó là: Nghèo – phá hủy môi trường – nghèo – phá hủy môi trường.

Cả thế giới đang vội vã kêu gọi quyên góp. Campuchia thông báo sẽ hỗ trợ 50 ngàn USD. Cái nước này nghèo thật là nghèo, khổ thật là khổ cũng có 50 ngàn USD.  Rồi dân Palestine đang bị bao vây, không làm ăn gì được cũng có người xuống đường kêu gọi mọi người quyên góp.

Chờ mãi không thấy Việt Nam lên tiếng. Ừ, thì dĩ nhiên Việt Nam nghèo, dân còn khổ (may mắn vạn lần là không có ai chết vì đói và bỗng chốc mất tất cả). Nhưng thể hiện sự quan tâm tới một quốc gia đang chịu quá nhiều khổ nạn như Haiti trong thời đại này là rất cần thiết. Một số tiền nhỏ để thể hiện sự chia sẻ với những người đang gặp hoạn nạn, thể hiện truyền thống “nhường cơm sẻ áo”, không chỉ với đồng bào mình, mà với những dân tộc khác trên thế giới sẽ làm được hai việc: 1/ Cộng đồng trong nước càng hiểu là ngoài cái dân tộc Việt Nam, còn nhiều dân tộc khác trên thế giới. Là bạn bè thì khi gặp hoạn nạn phải giúp đỡ nhau. 2/ Các nước khác nhìn vào mình, thấy, à, cái nước đó nghèo khổ thật, nhưng dân tộc đó rất nhân ái. Đó có phải là được tiếng thơm không? Rồi lỡ mà lúc đói, lúc khổ, người ta muốn giúp, người ta lại ghét, không giúp nữa thì có phải khổ hơn không.

Mà thiên tại dịch bệnh chẳng chừa một ai thời buổi này. Cái thế giới  này trở nên thật bé Chẳng thể nói trước được điều gì. Hôm nay Trung Quốc lại bị động đất ở Quý Châu, một số người chết. Và động đất ở vùng biển Thái Bình Dương nữa, chưa có chi tiết cụ thể. Một vụ mạnh 3,4 độ rich-te. Một vụ mạnh 6,3 độ rich-te.

Ăn mày là ai? Ăn mày là ta. Đói cơm rách áo lại ra ăn mày.

Phản ứng của Việt Nam trước thảm họa Haiti.


Thiên tai bất ngờ giáng xuống

Ai có thể ngờ thủ đô của Haiti nghèo khổ chỉ trong chốc lát đã bị san phẳng. Cảnh tượng kinh hoàng này thật không thể mô tả bằng lời. Vài tháng trước là Indonesia, là Trung Quốc…Tiếp theo sẽ là nước nào?

Động đất là thảm họa con người chưa thể dự đóan trước. Nếu có dự đoán thì biết làm sao đây? Có lẽ chờ chúa Trời cứu giúp chăng? Con người sẽ chạy đi đâu? Trong cơn động đất, con người đúng là loài ong vỡ tổ.

Những ngày trực thế này thật là căng thẳng.

Thế mới thấy, con người chỉ là một loài vật nhỏ nhoi sinh sống trên trái đất. Chúng ta chả có quyền lực gì nhiều đâu mà cứ hoắng lên đòi chinh phục cái này xây dựng cái nọ. Những người Na’vi trong Avarta đã sống thật thanh bình và hiền hòa với thiên nhiên xung quanh. Họ thật khác xa loài người. Họ gắn bó với thiên nhiên tới mức giữa họ và thiên nhiên các các gắn kết (bond) bằng sợi thần kinh.  Hiểu nhau và sống với nhau.

Những bất ngờ mà thiên nhiên giáng xuống con người cho thấy cuộc sống của chúng ta thật là mong manh và ngắn ngủi. Vì vậy, cố gắng để mỗi ngày sống mà cảm thấy vui vẻ, mà những người xung quanh vui vẻ. Nếu chúng ta khỏe mạnh, có ai đó để yêu, có việc gì đó để làm và có điều gì đó để hy vọng cho tương lai tốt đẹp hơn thì chúng ta đã rất hạnh phúc rồi. Điều đơn giản này không phải lúc nào cũng được thấm nhuần.

Ngày 14-1-2010, trực tin tối về động đất ở Haiti tại tòa soạn và vừa xem Avarta 3D xong vào buổi chiều.