Bánh mỳ

Nguồn: http://www.pocaparty.com.vn

Tự do có hình thù thế nào? Nó tròn hay nó méo, hay hình hột lựu? Nguyễn Trần Bạt (Cội nguồn cảm hứng, 2008) đã lập luận rằng khi con người không có các quyền tự do thì dần dần con người sẽ đánh mất những kinh nghiệm về tự do, mất ý chí đòi tự do cũng như mất cảm hứng sử dụng tự do như là phương tiện để phát triển các giá trị tinh thần của mình.

Nhưng, “đa số chúng ta hay nhầm lẫn giữa tự do và vô chính phủ”.

Ông viết tiếp: “Thực tế ở nhiều quốc gia lạc hậu cho thấy, sự tha hoá của cái Tôi là kết quả của một đời sống tinh thần phát triển không lành mạnh dưới tác động của sự ràng buộc của tư tưởng, sự bao vây của văn hóa lạc hậu, sự níu kéo của nghèo đói… “

 “Tất cả, những yếu tố như vậy xuất hiện trong mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, chính trị cho đến giáo dục, làm cho con người trở nên lệch lạc và kết quả là con người không còn đủ các năng lực để thích nghi với cuộc sống”.

Có một ý mà tôi rất thích trong lọat bài viết này. Đó là Tự do luôn đi kèm với Trách nhiệm. Con người càng cảm nhận được mình tự do càng cảm thấy mình có trách nhiệm. Cái trách nhiệm đó tự họ nhận thức được, không cần ai đặt lên vai, không cần ai đó nói oang oang giữa một hội nghị. Họ tự cảm nhận được trách nhiệm làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

 Mỗi người sẽ lựa chọn cách làm khác nhau. Chúng ta cũng đừng vội vàng phán xét.

Nguyễn Trần Bạt lấy ví dụ, một nhân viên văn phòng đã bật điều hòa nhưng không ai dùng, vào ra không tắt. Họ không lấy cái gì của xã hội để bỏ vào túi mình, nhưng họ để cho năng lượng xã hội bị tiêu tốn một cách vô ích, và hành động đó hay được gọi là “lãng phí”.

 Nhưng tác giả gọi đó là “tham nhũng”.

Ông lập luận khi một cá nhân không làm gì để làm tiết kiệm hơn cho xã hội, để xã hội trở nên hợp lý hơn cũng là tham nhũng, bởi cá nhân đó đã không làm đúng với chức năng của mình.

 “Lãng phí là không đúng, từ lãng phí là một cách phân cấp theo quan niệm hành chính quan liêu để định nghĩa một loại tội phạm phổ biến đó là tham nhũng trách nhiệm. Tham nhũng ở góc độ này cũng là kết quả của sự mất mát năng lực bởi con người không có năng lực nhận thức về những trách nhiệm xã hội mà mình buộc phải làm.”

Như vậy, chị gái bán bánh mỳ ở đường Hai Bà Trưng sáng nay cũng tham nhũng trách nhiệm ư? Chị bán cho cửa hàng bánh mỳ được coi là ngon ở Sài Gòn, cửa tiệm rất lớn, rất đông nhân viên. Về nguyên tắc, chị phải đeo bao tay khi lấy đồ ăn và bỏ ra khi đếm tiền. Nhưng không, chị không hề đeo bao tay. Khi ai đó nhắc chị thì chị vênh mặt lên, hỏi “cái bánh mỳ chị mua đã được làm sẵn cho vào túi bóng rồi, còn lo gì nữa!”

Trách nhiệm của chị là cung cấp cho người dân món ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh. Nhưng hàng trăm khách hàng đến cũng chẳng ai nhắc chị. Họ cứ cầm bánh mỳ đi, cố gắng không nhớ đến cái tay cầm đủ mọi thứ và cầm đến cái bánh mỳ của họ.

Nếu chị làm đủ trách nhiệm của mình thì chắc hẳn chị đã không bao giờ làm như vậy. Nếu mỗi người mua bánh mỳ làm đủ trách nhiệm thì họ cũng không im lặng như vậy.

Chuyện bánh mỳ có thể là chuyện rất nhỏ, trong vô vàn chuyện rất to khác.

 * Những khuyết tật của đời sống hiện đại (Phần 1) (http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Su_tha_hoa_cua_cai_Toi/). Đăng nhập ngày 27-1-2010

Comments