Tạp nhạp ngày 21-12

GERMANY/
Mắt ngỗng tại một trang trại ở Đức. Con mắt sợ hãi? Vào mùa Giáng sinh, ngỗng là món ăn truyền thống của người Đức. Ảnh: Reuters

1/ Bóng đá:

Cả nước rùng rùng lên vì bóng đá SEA Games. Báo chí đều gạt bỏ tất cả những vấn đề nóng bỏng của đất nước để đưa từng động thái của đội tuyển tại Lào. Tôi nghĩ là có điều gì đó không đúng trong chuyện này. SEA Games chỉ là một cuộc chơi. Cuộc chơi nghĩa là nó phải vui là chính. Tại sao lại phải ăn thua đến mức đau đớn, khóc lóc, thất vọng não nề? Trên bảng xếp hạng trình độ văn minh và văn hóa, hình như không tính điểm xếp hạng đội tuyển bóng đá.


Đó là chưa kể đến chuyện, cả nước như cuồng điên lên khi vào đá với Malaysia mà cứ như cầm cúp vàng rồi. Là sao? Là sao? Rồi hàng triệu người lao ra đường khua chiêng gõ trống phi xe máy ầm ầm gây nguy hiểm cho người khác. Trong sự rầm rầm đó, có một bài phân tích rất bình tĩnh của Sài Gòn Tíêp Thị. Tôi cho điểm 10 bài này.


Đó là chưa kể tới việc người hâm mộ Việt Nam chỉ ủng hộ đội tuyển khi họ chíên thắng, còn khi thua thì chẳng ai còn quan tâm nữa, cờ quạt chiêng chống vứt lung tung. Là sao? Là sao? Khi nào đội tuyển mới có được những người ủng hộ đúng nghĩa?


Lại có bài thơ rằng:


Việt Nam ta lại về nhì
Ngoài đường vắng vẻ người đi thẫn thờ
Buồn cho mấy chị buôn cờ
Buồn cho cái đám chực chờ đua xe

Vui cho mấy quán cà phê
Vui cho cái đám lô đề bóng banh
Công an được ngủ ngon lành
Dân phòng không bị mặt xanh nanh vàng

Bệnh viện vẫn được khang trang
Không bị cấp cứu hàng tràng chấn thương
Bố mẹ sung sướng lên giường
Khỏi lo con cái ngoài đường đua xe

(Sưu tầm)

2/ Dân số:

Một vấn nạn lớn của VN là tình trạng dân số tăng quá nhanh và vượt khỏi kiểm soát. Một trong những nguyên nhân là quy định nhập nhèm (ai hiểu sao cũng được) về vấn đề này. Những người có trách nhiệm thì không chịu nhìn nhận rằng họ đã làm không đủ trách nhiệm của họ. Báo chí thì liên tục lăng xê những cô đào, cô mận sống no đủ và ước vọng có 4,5,6,7,8 đứa con. Vậy là sao? Họ có hiểu rằng, thời nay, con người ta đã qua cái suy nghĩ “Trời sinh voi sinh cỏ” rồi. Một gánh nặng lớn sẽ đè lên ngân sách nhà nước, cơ hội học hành, được chăm sóc y tế của các trẻ em, những người nghèo sẽ bị giới hạn đáng kể vì những cái ước mơ đó.

Không ai cấm họ ước mơ, nhưng trước khi họ ước mơ và nói ra ước mơ đó, hãy nghĩ tới những người nghe họ nói. Những người nghe họ nói vốn dĩ rất dễ mong muốn trở thành giống thần tượng của mình.


3/ Sách:


Những chấn thương tâm lý hiện đại. Một phân tích đọc được về những tâm trạng của người Việt Nam, những diễn bíên tâm lý của họ hiện nay của Vương Trí Nhàn. Ông viết với sự suy ngẫm khá điềm tĩnh, sự kết nối của quá khứ và hiện tại nên có thể sẽ phù hợp với những người quá bận rộn với cuộc sống và đầu đầy những câu hỏi tại sao xã hội chúng ta lại đảo điên như hiện nay. Dù tôi không đồng ý với tất cả những gì ông viết, đây cũng là cuốn sách đọc được và tôi gợi ý những ai chưa đọc thì nên đọc.

Mua sách ở đây:

http://www.vinabook.com/tac-gia/vuong-tri-nhan-i18623

Hiện nay thì tôi đang đọc Lịch sử bí mật – đế chế Hoa Kỳ. Một cuốn sách rất hấp dẫn. Tôi không đi vào phân tích cuốn này mà tùy bạn nào quan tâm đến chính trị thì đọc và có sự đánh giá của riêng mình.

4/ Phim Bẫy rồng:

Tôi xem xong và không hiểu phim này lắm. Không thích. Nhận xét của tôi là phim ảnh Việt Nam không phải kém về kỹ thuật, mà kém về kịch bản. Rất kém. Gần đây, ai đó đã xem “500 ngày yêu” thì sẽ thấy, chẳng cẩn kỹ xảo gì nhưng một kịch bản hấp dẫn sẽ đủ để người ta yêu thích bộ phim.

5/ Bạn đã nghe bài hát “I say Gold” của Phạm Quỳnh Anh chưa? Rất là dễ thương. Một sự tái khẳng định của người da vàng trước người da trắng? Người da màu đã có nhiều bài hát dạng như vậy, nhưng da vàng thì chưa có nhiều. Có thể vì văn hóa và trình độ văn minh chăng? Trong bài hát có câu: “Sông Hồng đưa tôi về lại quê hương….”

Link nghe:


http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/I-say-Gold-Pham-Quynh-Anh.IW6ZIU07.html

Lời bài hát:

[Verse 1]
Walking through the streets
Sometime there’s a stranger in my town
Wait ‘til April and I meet
Wear my silken shirts and gowns

Karaoke I sing
Balance my yang with my ying
When I say I love to follow eastern winds

[Chorus]
You think yellow, I say gold
It’s the color of my real skin
I am young but I am told
That my history flows within

You think yellow, I say gold
Feel the current of red river
Through my soul
You think yellow, I say gold

[Verse 2]
Draw my thoughts in China ink
On my paper made of rice
I am shy in the begin
When a boy gives me the eye

Karaoke I sing
Balance my yang with my ying
When I say I love to follow eastern winds

[Chorus]

[Interlude]
Oh red river take me home
Feel the current through my soul

[Chorus]

You think yellow…

[Chorus]

You think yellow, I say gold…
Flow red river through my soul…
Oh, red river take me home…

Biết mình muốn gì

Bài viết này của nhà văn Nguyên Ngọc:

Trong một chuyến đi ra nước ngoài vừa rồi, tôi có gặp một câu chuyện ngồ ngộ, như sau: một cặp vợ chồng trẻ người Việt, do những hoàn cảnh nhất định, nay đang sống ở một nước châu Âu. Họ có một cậu con trai, sinh ở nước ngoài, hiện mới lên năm.

Năm ngoái, ông ngoại cháu từ trong nước ra thăm, sống với con cháu được mấy tháng. Ông cụ là cán bộ nhà nước đã về hưu, thuộc loại người cực tốt trong xã hội ta, suốt đời thanh bạch, giản dị, tận tụy với việc nước cũng như việc nhà. Con gái, con rể và cháu cũng hết sức quý bố quý ông. Một dịp đoàn tụ thế này, dễ gì có được và chắc gì còn có lần sau nữa…

Nhưng rồi sống với nhau mới gần tháng, trong cái tổ ấm con con ấy dần dần lại nảy sinh một chuyện chẳng đâu vào đâu, thoạt đầu thật nhỏ nhặt, thậm chí hơi buồn cười, nhưng rồi ngày bỗng trở nên phiền phức một cách chẳng ai ngờ. Chuyện nhỏ lắm, chỉ có thế này thôi: hỏi ông cần bất cứ điều gì, ông cũng đều không có ý kiến. Đấy là một con người quen sống sao cũng được. Hỏi ông muốn đi chơi những đâu, ông bảo đi đâu chả được, tùy chúng mày thôi. Hỏi ông định mua quà gì cho bà, ông bảo ối dào, quà gì chẳng là quà, quý là ở cái tình ấy mà. Hỏi ông muốn tiếp tục xem ti vi, hay tắt đài để cho ông ngủ sớm, ông bảo muốn thế nào cũng được. Hỏi ông muốn ăn món gì, ông bảo ăn gì cũng xong. Hỏi ông muốn uống bia hay uống rượu, ông bảo bia rượu gì tuỳ các con thôi.

Thậm chí trong bữa ăn hỏi ông muốn ăn nữa không, ông bảo ăn thêm cũng được, thôi cũng được!… Suốt đời ông vẫn thế, xưa nay ông vẫn thế, sao cũng được, chẳng bao giờ đòi hỏi điều gì, chẳng bao giờ có ý kiến riêng về bất cứ chuyện gì, mọi người cứ quyết định đi, ông theo… – cô con gái nhớ lại quả xưa nay bố mình vẫn vậy, cả nhà đều biết và đều quen vậy. Và hình như đấy chính là một trong những điều góp phần làm nên cái đức tính được coi là cực tốt, tốt nhất trong những người tốt của ông: chẳng có gì của riêng mình cả, một ý kiến riêng cho những nhu cầu nhỏ nhất của mình cũng không.

Ngày trước cả nhà đều yên trí như vậy và thấy cũng bình thường thôi… Nhưng nay, sống ở một môi trường khác, quen với cách sống, cách nghĩ và hành xử hằng ngày khác, quen lúc nào họ cũng không ngờ, họ lại thấy lạ và rồi dần dần khó chịu: chính vì ông không bao giờ có bất cứ ý kiến riêng về điều gì, ngay cả cho chính ông, nên khiến cô con gái và cậu con rể muốn chăm sóc bố bỗng rất lúng túng.

Ông không chọn lựa gì cả, cho chính ông, cho nên ngày nào, trong bất cứ việc nhỏ nhặt nào, họ cũng phải chọn lựa thay cho ông, luôn lo lắng không biết mình chọn lựa như thế này có vừa lòng ông không. Ngày nào họ cũng khó xử như vậy, khó xử vì những điều vụn vặt thôi, nhưng lại thường xuyên, lúc nào cũng phải tính, phải nghĩ, phải lo, lo mà chẳng biết mình lo vậy là đã được chưa.

Tất nhiên họ có hơi phiền, ngày càng thấy phiền, họ thấy ông kỳ quá, những người như ông thật kỳ quá, sống như vậy thì lạ quá, sao lại có thể sống như vậy nhỉ, sống mà cứ như không có mình sống vậy, mà bao nhiêu người vẫn sống như thế đó, xưa nay… Họ nghĩ, nhưng đều giữ gìn không hở miệng. Bố ở với mình được bao nhiêu ngày đâu, khiến ông cụ bận tâm làm gì. Họ không nói ra, nhưng hóa ra cậu con trai mới lên năm của họ lại nghe thấy và hiểu cả. Nó thuộc một lớp người khác, một kiểu người khác, một môi trường xã hội và giáo dục khác. Và nó không biết kìm chế. Nó rất lấy làm khó chịu.

Cho đến một hôm, đột ngột thằng bé chỉ vào mặt ông, nói như quát lên: Chính ông cũng không tự biết ông muốn cái gì cả như vậy là ông làm phiền người ta lắm, ông có hiểu không? ông phải có ý kiến của ông chứ. Sao ông lại không bao giờ có ý kiến gì cả, vậy ai có ý kiến thay cho ông?!

Ông già sững người ra, còn bố mẹ thằng bé thì bịt mồm nó không kịp. Họ biết nó hỗn với ông đấy, nó còn chưa biết cách nói cho lễ độ, nhưng không thể mắng nó: bởi vì nó nói phải. Ông già suốt đời đã quen sống trong một xã hội không ai có ý kiến riêng của mình, không ai có quyền và rồi lâu dần cũng không có nhu cầu có ý kiến riêng của mình, từ việc nhỏ đếm việc lớn. Trong cái xã hội đó, không có ý kiến riêng gì cả được coi là rất đạo đức.

Suốt đời ông không tin quyết định việc gì cả, mọi sự lớn nhỏ đều là do “người khác”, do một ai đó ở đâu đó mà ông đã giao phó cuộc đời mình, do cộng đồng, do tập thể quyết định thay cho ông. Ông tin tưởng tuyệt đối ở cộng đồng, ở tập thể. Và đó là đạo đức của ông, mà thậm chí ông có thể rất tự hào…

Còn thằng bé thì khác: nó sinh ra và lớn lên trong một môi trường khác, ở đấy mỗi con người chỉ được coi là tốt khi trong mỗi việc lớn nhỏ đều có ý kiến riêng của mình, ý kiến đó có thể đúng hay sai, nhưng là ý kiến riêng, và dám chịu trách nhiệm về ý kiến đó.

Không như thế thì thật kỳ quặc. Nó thuộc một thế hệ khác, một xã hội khác, một nền giáo dục khác, tuy nó chưa đi học, chưa đến trường, nhưng nền giáo dục đó thấm trong toàn xã hội và môi trường xã hội ấy như không khí để thở đã quy định cách ứng xử tự nhiên hằng ngày của nó. Một xã hội tạo nên từng con người độc lập. Từng con người tự do…

Sau cái cuộc bi kịch bé tẹo trong cái gia đình bé tẹo ấy ông già có hiểu ra không, tôi không được biết. Có thể ông chẳng bao giờ hiểu được. Thậm chí cái bi kịch nhỏ đó đối với ông lại quá lớn, quá lạ, đến nỗi nó ở ngoài tầm hiểu của ông. Ông ngơ ngác. Ông đã quá tốt theo cách của một thời để có thể hiểu được còn có một cách tốt khác hẳn, hoàn toàn ngược lại.

Riêng tôi, tôi nghĩ lẩn thẩn: hay là những vấn đề của nền giáo dục chúng ta, mà bao nhiêu người đang rất lo lắng, có thể bắt đầu từ chính chỗ cái chỗ bé tẹo này đây chăng?

Từ chỗ chúng ta định tạo ra những con người như thế nào, những con người suốt đời sẵn sàng giao phó cho ai đó suy nghĩ và quyết định mọi việc thay mình, hay những con người tự mình biết mình muốn gì và tự quyết định về mọi việc lớn nhỏ của mình. Chúng ta định dạy cho trẻ em từng em tự mình biết rõ mình muốn gì và dám tự quyết định lấy, hay dạy cho chúng biết vâng lời?

Hình như câu chuyện nhỏ trông chừng chẳng đâu vào đâu của cái gia đình nhỏ nọ có thể lại chẳng nhỏ chút nào.

Nguyên Ngọc

Sông Hồng cạn đáy

Trên Facebook, một người bạn ở Hà Nội chụp bức hình và ghi: Từ sông Hồng tới Copenhagen.

“Thực tế đang làm tôi kinh ngạc: Không có một giọt nước nào ở sông Hồng những ngày này. Sông cạn khô đến mức chúng tôi có thể đi bộ qua nó. Không có nước nghĩa là không có mùa màng, không có thực phẩm cho toàn bộ miền Bắc Việt Nam những tháng tới. Rất nhiều vấn đề về y tế và tội phạm xã hội từ đó sẽ gia tăng. Nước và bíên đổi khí hậu nên là chủ đề khẩn cấp bây giờ, chứ không phải nói về thất bại cảu đội tuyển bóng đá Việt Nam ở SEA Games.”- bạn ấy viết.

Tôi đồng ý với ý kiến của bạn mình. Bóng đá chỉ là một môn thể thao. Thể thao trước tiên là để vui và khỏe. Sự ăn thua cay cú chỉ làm mất đi tinh thần trong sáng của nó.

Tôi chưa bao giờ đặt niềm tin vào đội tuyển bóng đá của mình. Tôi chỉ hy vọng họ đá hết mình. Việc họ thua, hoàn toàn có thể hiểu được. Tôi không buồn. Chả có cảm xúc gì, thực ra mà nói. Mọi thứ đều có may rủi trong đó.

Tôi chỉ buồn khi thấy đất nước mình có bao nhiêu thứ đáng lo ngại.Tôi lo cho những thế hệ sau mình.

Đến chỗ này thì tự kiểm duyệt. Cắt.

Biến đổi khí hậu – bạn có thể làm gì?

Nếu không ngăn chặn được biến đổi khí hậu, 1/2 đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước biển. Chúng ta sẽ không có gạo ăn. Ảnh: Gia Tiến
Nếu không ngăn chặn được biến đổi khí hậu, 1/2 đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước biển. Chúng ta sẽ không có gạo ăn. Ảnh: Gia Tiến

Tôi quan tâm tới môi trường và giáo dục (Kinh tế thì có các con số loằng ngoằng nên để những người giỏi hơn mình quan tâm. He he).

Tìm hiểu thông tin về biến đổi khí hậu, môi trường khiến tôi cảm thấy tội lỗi khi dùng một túi ni lông đựng hàng, dùng nước hơi dư phải đổ đi, hoặc bật đèn sáng choang trong phòng khi chỉ có một mình mình làm việc, hay vì vội vã mà không với tay tắt cái bóng đèn ở nhà vệ sinh của cơ quan khi ai đó đã quên không tắt.

Quả thật là không có lý do gì để biện minh cho những hành động đó. Mỗi một cá nhân gây hại nhỏ sẽ góp phần vào một cộng đồng gây hại lớn.

Vậy tôi đang cố gắng thay đổi lối sống như thế nào:

Báo tin bằng email thay vì in ra giấy;

Nếu có một mình trong phòng thì chỉ bật đèn sáng chỗ của mình;

Trước khi về 15 phút thì tắt máy lạnh trong phòng;

Tắt đèn ở nhà vệ sinh;

Vặn vòi nước vừa đủ khi rửa tay hay nấu ăn;

Không rót nước quá nhiều mức mình sẽ uống;

Nếu không dùng đồ điện nào thì rút phích điện ra, không cắm và để chế độ chờ;

Đi xe chậm vì lái xe nhẹ nhàng, không phanh gấp, tránh va đập và xóc mạnh sẽ giúp tiết kiệm khoảng 20% nhiên liệu so với khi bạn lái xe ẩu, tăng tốc tùy hứng và lao phăm phăm bất chấp ổ gà hay khúc quanh;

Tắt máy xe khi chờ đèn đỏ;

Tắt điện ở tất cả những nơi không cần thiết;

Một tuần giặt quần áo một lần để có thể sử dụng máy giặt theo công suất lớn nhất;

Khi cơm chín thì rút điện ra liền. Không nấu cơm quá sớm;

Để quạt chạy tốc độ nhẹ nhất,

Đi xe chung với người khác khi có dịp;

Ăn ít thịt;

– Có hai thùng đựng rác trong nhà. Một để rác ướt, phân hủy được. Một để rác khô, có thể tái chế để những người nhặt rác có thể kiếm được một đồng.

Bất kỳ hành động nào tôi cũng suy nghĩ: Tôi có thể làm gì để đỡ tiêu hao nhiên liệu và bớt chất thải ra môi trường?

Còn bạn thì làm gì?

Phim về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Quảng cáo thành công, xã hội thất bại

Bài viết của Trang Hạ. Cũng nhân đây nói là từ khá lâu rồi, mình đã không còn coi TV thường xuyên nữa. Mỗi tuần, thời gian dành cho TV chỉ khoảng vài tiếng. Mỗi ngày xem trung bình khoảng 45 phút, hầu hết là chương trình thời sự của VTV hoặc chương trình phim nước ngoài. Những gì chiếu trên truyền hình thật là vớ vẩn.

Nếu không là những thứ đã rất lạc hậu với thời cuộc thì là những cuộc thi, những cuộc trò chuyện không biết phải bình luận thế nào. Tôi không thấy chúng đủ hấp dẫn với mình.

Sách, trong bối cảnh này, trở thành người bạn tốt hơn nhiều.

“Con gái tôi thích xem quảng cáo bột giặt, ở trong ấy, có những em bé bẩn thỉu bỗng nhiên sạch sẽ, có một bà mẹ gần như phải chui xuống gậm giường. Con tôi thích hình ảnh ông bố không biết làm gì cả, kể cả việc đơn giản là bỏ làm sao cho lọt một khúc xương vào trong một cái nồi.

Ai cũng biết bỏ xương vào nồi thì cầm thế nào, nhưng khi ông bố và đứa con trai (một ông bố tương lai) không biết thì cũng không làm sao cả, mọi người đều cười vui sướng và khoái chí. Bởi mẹ đã có bột canh ngon hơn, mẹ biết làm tất cả, mẹ giải quyết mọi vấn đề ngay lập tức. Bởi đó là mẹ trong quảng cáo. Tôi thấy lòng nặng trĩu.


Vì tôi không thể giải thích cho con tôi rằng, có những bất công trong xã hội mà không thể

một sớm một chiều giải quyết. Có những định kiến dành cho phụ nữ dưới lời khen ngợi, có những điều phi lý phụ nữ phải chịu đựng dưới mỹ từ, danh hiệu vẻ vang. Có những ông chồng thành đạt trên sự bóc lột vợ. Và những hình ảnh đẹp đẽ ngọt ngào trong những spot quảng cáo trên truyền hình chỉ bộc lộ sự méo mó của chúng ta về hình ảnh người phụ nữ trong gia đinh.

Thử xem nhé, trong những quảng cáo trên truyền hình, người mẹ sẽ mặc đồ nhẹ màu nhạt dịu, ngồi yên trong nhà làm bếp, lo chọn mua sữa cho con uống, lo tìm người chuyển sữa đến tay con, là người rửa bát, là người giặt đồ, lau nhà. Mẹ là người tắm cho em bé, cho con uống sữa ăn bánh, cho con uống thuốc ho.

Mẹ là người là phẳng đồ cho bố, phơi quần áo, vừa kiếm tiền vừa lo việc nhà, đang vừa may đồ vừa lo không có nước một lần xả thì quần áo không sạch, ảnh hưởng tới thu nhập gia đinh. Mẹ còn là người giữa bữa cơm phải đứng dậy lôi dao thớt ra băm chặt để hầu hạ một ông bố và một ông con đang cau mày trách móc ngồi vểnh đũa sau lưng, chỉ vì thiếu chút nước tương để chấm.

Lần đầu xem những quảng cáo ấy, tôi đa bật cười, vì ở gia đinh tôi, nếu giữa bữa cơm hết nước tương, hẳn ông bố sẽ là người đứng ngay dậy dao thớt băm chặt, rồi nhanh chóng pha ngay một bát nước chấm mới còn ngon hơn bát cũ. Cũng không có chuyện phụ nữ vừa phải kiếm tiền vừa phải lo giặt đồ. Đồ thì đa có máy giặt, tất nhiên. Nhưng người đang làm việc (kiếm tiền nuôi gia đinh) thì có thể ngồi yên type máy tính cho đến lúc xong việc, người đang rảnh tay sẽ tự động bỏ cuộc bia chiều, cuộc câu cá, cuộc bóng đá v.v… để tắm cho trẻ con, nấu cơm, xếp mâm bát tử tế. Vấn đề là, ông bố sẽ làm trong vui vẻ, và những người ngồi chờ phía sau đâu có ai cau mày trách móc, lắc đầu. Vị trí nhân vật quảng cáo nếu thay bố bằng mẹ, thì trong gia đinh tôi, thực chất đa không hề ảnh hưởng gì.

Nhưng trên quảng cáo ở tivi, hẳn sẽ nhận được nhiều lời phàn nàn của xã hội. Chắc chắn nhà quảng cáo không chấp nhận được việc thi rửa bát bằng nước rửa chén Sunlight mà để cho các ông vã mồ hôi đầu gục xuống, mười ngón tay bận rộn cọ cọ quẹt quẹt, các bà đứng thảnh thơi chơi không, đón lấy cái đĩa, chỉ dùng một ngón tay nhẹ nhàng quẹt một cái chứng minh là đĩa sạch. Không đâu, phụ nữ là phải đầu tắt mặt tối, như thế mới thuyết phục được xã hội người tiêu dùng. Nếu nhà quảng cáo nghĩ khác, hẳn họ đa không sản xuất clip quảng cáo như thế. Có quảng cáo tỏ ra ưu ái phụ nữ gia đinh bằng khẩu hiệu “cho mẹ nghỉ một tí” thực ra là một sự nhân đạo giả dối, bởi sau lưng nó là quan điểm mặc định: “Mẹ tức là phải bận rộn và vất vả suốt ngày, không được phép nghỉ ngơi”.

Nhà quảng cáo cũng sẽ mãi mãi đưa lên hình ảnh người phụ nữ vạn năng, khéo léo, duyên dáng, ấm áp với con, lãng mạn với chồng. Những hình ảnh thuyết phục hoàn hảo ấy là một thông điệp nó với phụ nữ rằng, chúng tôi là hàng hoá, chúng tôi giúp bạn đạt được điều ấy.Nhưng hình ảnh hoàn hảo ấy có tốt cho phụ nữ không, tôi nghĩ là không.

Những hình ảnh ấy bóp méo phụ nữ, bắt phụ nữ sống theo khuôn thước ấy của xã hội.

Tôi không thể tin nổi có một phụ nữ nào, có thể vừa xinh đẹp trắng da theo thời gian, chăm sóc tóc không gãy rụng, vừa nuôi con hoàn hảo, làm phẳng từng ly trên áo chồng, nấu ăn bằng bột canh tốt nhất nên mọi món đều được hít hà, nhà rộng sạch bong, cái nhà mà chắc chắn nếu đúng là phụ nữ lý tưởng như trong quảng cáo thì có phần tài sản khá lớn phải do mình làm ra góp tiền mua cùng chồng, chứ không phải do lấy nhầm… đại gia hoặc do vừa bán ruộng, được bồi thường giải phóng mặt bằng.

Liệu phụ nữ vừa thành đạt vừa giỏi giang, đảm đang, vừa tế nhị chu toàn, vừa khôn khéo để dành thời gian (ăn cắp được từ thời gian của gia đinh hoặc công sở) để chăm sóc chính bản thân mình nữa, có thật không, cho dù người phụ nữ ấy sử dụng tất cả mọi sản phẩm được quảng cáo trên tivi.

Nói một cách đơn giản, ngay chính những chủ nhân sản phẩm, những ông bà tổng giám đốc công ty ấy, hay những người trực tiếp sáng tạo và chế tác clip quảng cáo ấy, họ có được như vậy không? Chắc chắn là không. Vậy tại sao họ dựng lên hình ảnh một phụ nữ hoàn hảo tới mức chuẩn mực của xã hội.

Để làm cho phụ nữ bình thường khi xem chỉ nhận ra rằng, thì ra mình còn thua kém hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo. Mình thua kém mặt này hoặc mặt khác, mình muốn được như cô ấy về mặt này hoặc mặt khác. Vì thế, mình sẽ mua dùng sản phẩm này với mong ước làm cho mình gần hơn với hình ảnh phụ nữ được xã hội tôn xưng kia. Và người phụ nữ tiêu dùng tự nguyện trở thành nô lệ của món hàng đó, nghiêm trọng hơn là của triết

lý đó: Phụ nữ bị định hình trong xã hội, tuân theo mong ước của xã hội, là nô lệ cho dục vọng muốn được thoả mãn yêu cầu của xã hội, chấp nhận sự mất bình đẳng trong lao động và đóng góp gia đinh.

Tôi thấy thật là hài hước. Tôi thấy người phụ nữ chưa hoàn hảo đang ngồi xem ti vi kia mới đúng thật là phụ nữ của xã hội. Cớ sao những mẩu quảng cáo lại làm chị bất an, làm chị mất tự tin, làm cho chị thấy mình thua kém?

Trong thực tế, ở gia đinh tôi, ông bố mới là người nấu ăn ngon nhất, người khéo tay nhất,

đảm đang nhất, là người nuôi con khoẻ dạy con ngoan, người rửa bát nhanh hơn, người

đi chợ tháo vát nhanh nhẹn và tính toán bữa cơm một cách có khoa học hơn, làm sao để mọ người vừa ngon miệng vừa ăn hết sạch thức ăn, lại tiết kiệm. Tôi cũng làm tốt những việc đó, nhưng ông bố gia đinh tôi còn làm tốt hơn.

Hãy để người đàn ông tốt hơn, chăm sóc nhiều hơn bản thân anh ta rồi chăm sóc cả mọi người trong gia đinh nữa. Nếu những mẩu quảng cáo kia thành công, thì cả xã hội đa thất bại. Những cô con gái bé bỏng sẽ lớn lên với ý nghĩ rằng, mình buộc phải vừa đẹp vừa ba đảm đang, nếu không, mình là hàng thứ phẩm.

Thật khủng khiếp biết bao, khi hàng ngày, bao nhiêu phụ nữ bị đặt lên tóc những vòng nguyệt quế, những danh hiệu vẻ vang, những lời xưng tụng, để rồi bị biến thành nô lệ cho những danh hiệu ấy, một cách vô hình, với sự ủng hộ và tung hô của truyền hình.

Trang Hạ