Bài viết này của nhà văn Nguyên Ngọc:
Trong một chuyến đi ra nước ngoài vừa rồi, tôi có gặp một câu chuyện ngồ ngộ, như sau: một cặp vợ chồng trẻ người Việt, do những hoàn cảnh nhất định, nay đang sống ở một nước châu Âu. Họ có một cậu con trai, sinh ở nước ngoài, hiện mới lên năm.
Năm ngoái, ông ngoại cháu từ trong nước ra thăm, sống với con cháu được mấy tháng. Ông cụ là cán bộ nhà nước đã về hưu, thuộc loại người cực tốt trong xã hội ta, suốt đời thanh bạch, giản dị, tận tụy với việc nước cũng như việc nhà. Con gái, con rể và cháu cũng hết sức quý bố quý ông. Một dịp đoàn tụ thế này, dễ gì có được và chắc gì còn có lần sau nữa…
Nhưng rồi sống với nhau mới gần tháng, trong cái tổ ấm con con ấy dần dần lại nảy sinh một chuyện chẳng đâu vào đâu, thoạt đầu thật nhỏ nhặt, thậm chí hơi buồn cười, nhưng rồi ngày bỗng trở nên phiền phức một cách chẳng ai ngờ. Chuyện nhỏ lắm, chỉ có thế này thôi: hỏi ông cần bất cứ điều gì, ông cũng đều không có ý kiến. Đấy là một con người quen sống sao cũng được. Hỏi ông muốn đi chơi những đâu, ông bảo đi đâu chả được, tùy chúng mày thôi. Hỏi ông định mua quà gì cho bà, ông bảo ối dào, quà gì chẳng là quà, quý là ở cái tình ấy mà. Hỏi ông muốn tiếp tục xem ti vi, hay tắt đài để cho ông ngủ sớm, ông bảo muốn thế nào cũng được. Hỏi ông muốn ăn món gì, ông bảo ăn gì cũng xong. Hỏi ông muốn uống bia hay uống rượu, ông bảo bia rượu gì tuỳ các con thôi.
Thậm chí trong bữa ăn hỏi ông muốn ăn nữa không, ông bảo ăn thêm cũng được, thôi cũng được!… Suốt đời ông vẫn thế, xưa nay ông vẫn thế, sao cũng được, chẳng bao giờ đòi hỏi điều gì, chẳng bao giờ có ý kiến riêng về bất cứ chuyện gì, mọi người cứ quyết định đi, ông theo… – cô con gái nhớ lại quả xưa nay bố mình vẫn vậy, cả nhà đều biết và đều quen vậy. Và hình như đấy chính là một trong những điều góp phần làm nên cái đức tính được coi là cực tốt, tốt nhất trong những người tốt của ông: chẳng có gì của riêng mình cả, một ý kiến riêng cho những nhu cầu nhỏ nhất của mình cũng không.
Ngày trước cả nhà đều yên trí như vậy và thấy cũng bình thường thôi… Nhưng nay, sống ở một môi trường khác, quen với cách sống, cách nghĩ và hành xử hằng ngày khác, quen lúc nào họ cũng không ngờ, họ lại thấy lạ và rồi dần dần khó chịu: chính vì ông không bao giờ có bất cứ ý kiến riêng về điều gì, ngay cả cho chính ông, nên khiến cô con gái và cậu con rể muốn chăm sóc bố bỗng rất lúng túng.
Ông không chọn lựa gì cả, cho chính ông, cho nên ngày nào, trong bất cứ việc nhỏ nhặt nào, họ cũng phải chọn lựa thay cho ông, luôn lo lắng không biết mình chọn lựa như thế này có vừa lòng ông không. Ngày nào họ cũng khó xử như vậy, khó xử vì những điều vụn vặt thôi, nhưng lại thường xuyên, lúc nào cũng phải tính, phải nghĩ, phải lo, lo mà chẳng biết mình lo vậy là đã được chưa.
Tất nhiên họ có hơi phiền, ngày càng thấy phiền, họ thấy ông kỳ quá, những người như ông thật kỳ quá, sống như vậy thì lạ quá, sao lại có thể sống như vậy nhỉ, sống mà cứ như không có mình sống vậy, mà bao nhiêu người vẫn sống như thế đó, xưa nay… Họ nghĩ, nhưng đều giữ gìn không hở miệng. Bố ở với mình được bao nhiêu ngày đâu, khiến ông cụ bận tâm làm gì. Họ không nói ra, nhưng hóa ra cậu con trai mới lên năm của họ lại nghe thấy và hiểu cả. Nó thuộc một lớp người khác, một kiểu người khác, một môi trường xã hội và giáo dục khác. Và nó không biết kìm chế. Nó rất lấy làm khó chịu.
Cho đến một hôm, đột ngột thằng bé chỉ vào mặt ông, nói như quát lên: Chính ông cũng không tự biết ông muốn cái gì cả như vậy là ông làm phiền người ta lắm, ông có hiểu không? ông phải có ý kiến của ông chứ. Sao ông lại không bao giờ có ý kiến gì cả, vậy ai có ý kiến thay cho ông?!
Ông già sững người ra, còn bố mẹ thằng bé thì bịt mồm nó không kịp. Họ biết nó hỗn với ông đấy, nó còn chưa biết cách nói cho lễ độ, nhưng không thể mắng nó: bởi vì nó nói phải. Ông già suốt đời đã quen sống trong một xã hội không ai có ý kiến riêng của mình, không ai có quyền và rồi lâu dần cũng không có nhu cầu có ý kiến riêng của mình, từ việc nhỏ đếm việc lớn. Trong cái xã hội đó, không có ý kiến riêng gì cả được coi là rất đạo đức.
Suốt đời ông không tin quyết định việc gì cả, mọi sự lớn nhỏ đều là do “người khác”, do một ai đó ở đâu đó mà ông đã giao phó cuộc đời mình, do cộng đồng, do tập thể quyết định thay cho ông. Ông tin tưởng tuyệt đối ở cộng đồng, ở tập thể. Và đó là đạo đức của ông, mà thậm chí ông có thể rất tự hào…
Còn thằng bé thì khác: nó sinh ra và lớn lên trong một môi trường khác, ở đấy mỗi con người chỉ được coi là tốt khi trong mỗi việc lớn nhỏ đều có ý kiến riêng của mình, ý kiến đó có thể đúng hay sai, nhưng là ý kiến riêng, và dám chịu trách nhiệm về ý kiến đó.
Không như thế thì thật kỳ quặc. Nó thuộc một thế hệ khác, một xã hội khác, một nền giáo dục khác, tuy nó chưa đi học, chưa đến trường, nhưng nền giáo dục đó thấm trong toàn xã hội và môi trường xã hội ấy như không khí để thở đã quy định cách ứng xử tự nhiên hằng ngày của nó. Một xã hội tạo nên từng con người độc lập. Từng con người tự do…
Sau cái cuộc bi kịch bé tẹo trong cái gia đình bé tẹo ấy ông già có hiểu ra không, tôi không được biết. Có thể ông chẳng bao giờ hiểu được. Thậm chí cái bi kịch nhỏ đó đối với ông lại quá lớn, quá lạ, đến nỗi nó ở ngoài tầm hiểu của ông. Ông ngơ ngác. Ông đã quá tốt theo cách của một thời để có thể hiểu được còn có một cách tốt khác hẳn, hoàn toàn ngược lại.
Riêng tôi, tôi nghĩ lẩn thẩn: hay là những vấn đề của nền giáo dục chúng ta, mà bao nhiêu người đang rất lo lắng, có thể bắt đầu từ chính chỗ cái chỗ bé tẹo này đây chăng?
Từ chỗ chúng ta định tạo ra những con người như thế nào, những con người suốt đời sẵn sàng giao phó cho ai đó suy nghĩ và quyết định mọi việc thay mình, hay những con người tự mình biết mình muốn gì và tự quyết định về mọi việc lớn nhỏ của mình. Chúng ta định dạy cho trẻ em từng em tự mình biết rõ mình muốn gì và dám tự quyết định lấy, hay dạy cho chúng biết vâng lời?
Hình như câu chuyện nhỏ trông chừng chẳng đâu vào đâu của cái gia đình nhỏ nọ có thể lại chẳng nhỏ chút nào.
Nguyên Ngọc