Cần Thơ

Người dân rất chịu khó mưu sinh trên sông nước. Ảnh: K.Loan
Người dân rất chịu khó mưu sinh trên sông nước. Ảnh: K.Loan

Sống ở Sài Gòn, đến Cần Thơ rồi mới thấy sự thương mại hóa cũng tốt, nhưng cũng có hại thế nào. Ngày đầu tiên đến thành phố này, mình thấy thất vọng. Mình muốn thấy sự trù phú, nhưng cũng cần là sự yên bình. Quả thực là không muốn thấy Sài Gòn F1 ở Cần Thơ.

Cần Thơ có mọi thứ mà Sài Gòn có. Đồ hiệu giả, nhà sách, các khu chợ đông đúc, con người khá hiện đại, năng động và văn minh hơn nhiều vùng khác. Mình vẫn run khi đi qua đường vì xe máy lao ầm ầm. Vậy là chẳng có gì khác. Mình nghĩ thầm: Ai đó cho tôi một Cần Thơ khác. Tôi muốn thấy một Cần Thơ khác.

Uống bia trên sân thượng lầu 8 của một khách sạn, nhìn xuống sông Cần Thơ, thấy một cái thuyền ba tầng chở khách du lịch. Tầng một hát nhạc đỏ, tầng 2 hát nhạc hồng (kiểu Không đau vì quá đau), tầng ba hát “tình anh bán chiếu”. Ầm ầm cả một khúc sông. Thấy phục những người trên tàu vì họ vẫn chưa nhảy xuống nước.


Thích nhất là hình ảnh một anh rất ăn chơi sành điệu bán các món nhậu làm từ gà vịt. Trời mưa, anh í ngồi coi bói với một anh khác. Ở Cần Thơ có rất nhiều nam giới bán hàng ăn, hoặc bán một mình, hoặc phụ giúp vợ rất nhiệt tình hăng hái. Âu cũng là dấu hiệu của sự văn minh. Ai cũng cần phải lao động và không phân biệt mà.

Nếu Cần Thơ muốn là điểm đến nhiều lần, có lẽ cần phải có sự khác biệt. Một thành phố hiện đại, mà người dân sống văn minh. Hiện đại mà êm ả, có kỷ cương trật tự. Trong mơ.

Rau quả ở Cần Thơ. Đây là những loại rau cho món lẩu mắm.
Rau quả ở Cần Thơ. Đây là những loại rau cho món lẩu mắm. Ảnh: K.Loan

Nổi lầu. Trời ơi ngon lắm.
Nổi lầu. Trời ơi ngon lắm. By: K.Loan

Hoa nở bên đường đi. Ảnh: K.Loan
Hoa nở bên đường đi. Ảnh: K.Loan

Let’s go green! Ặc ặc

Ảnh: Vân Trường/Tuổi Trẻ
Ảnh: Vân Trường/Tuổi Trẻ

Sáng nay lại nghe thấy trên TV “Let’s go green” hay “Living on the brightside”. Ặc ặc. Chít mất, cứ tưởng mình ở Washington D.C. Làm sao các chị các mẹ các ông các chú đang xem TV có thể hiểu được nhỉ?

Lục lại bài viết của mình và post lên đây bản gốc:

Cảm giác ban đầu của tôi khi nhìn bức hình chụp băng-rôn đăng trên trang 1 và 14 báo Tuổi Trẻ vào ngày 15-10 với dòng chữ “Welcome to the home of Miss World 2010,” và “Sorry for any inconvenience caused” (*), tôi cứ ngỡ là băng – rôn căng ở đất nước nào đó sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức, kiểu như Mỹ, như Anh ở phương Tây, hay gần hơn như Ấn Độ hay Singapore ở châu Á.

Nhưng nhìn lại lần nữa thì hình ảnh người phụ nữ có nụ cười hồn hậu, và bộ đồ dễ dãi quen thuộc kiểu các bà nội trợ miệt vườn sông nước cho thấy, cái băng – rôn đó chẳng thuộc nước nào trong mấy nước trên.

Nói chính xác hơn là băng-rôn được căng ở một cái cù lao Thới Sơn, thuộc tỉnh Tiền Giang, một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, phía nam đất nước.

Vẫn biết cái cù lao này là điểm dừng chân của các tour du lịch sinh thái cho du khách trong nước và quốc tế khi về với Tiền Giang.

Nhưng theo website về thông tin kinh tế xã hội tỉnh Tiền Giang của UBND tỉnh Tiền Giang, khách thăm quan đến đây ngắn, số khách ở lại qua đêm thấp (http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?idcha=998&cap=3&id=2007). Như vậy, chắc hẳn người sống ở cù lao thường xuyên là những người địa phương chất phác.

Tôi tự hỏi những người dân đó đang tiếp nhận những thông điệp “chào mừng” và “xin lỗi” mà các nhà tổ chức hay những người có trách nhiệm chăm sóc của cuộc, quan tâm tới những thay đổi của cuộc sống người dân địa phương ra sao. Bao nhiêu người dân địa phương sinh sống trên cái cù lao đó hiểu thông điệp đó? Có lẽ không có nhiều.

Và thông tin về khả năng sử dụng tiếng Anh “quá í ẹ” (có nghĩa là quá kém) của sinh viên VN so với sinh viên các nước trong khu vực vẫn còn nóng hổi sau một cuộc hội thảo do Bộ GD-ĐT phối hợp với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ tổ chức vào cuối năm 2008.

Tiếng Anh đã được khẳng định là ngôn ngữ quốc tế, được sử dụng thông dụng nhất trong tất cả các giao dịch xuyên quốc gia. Nhưng một cái băng-rôn toàn tiếng Anh treo ở một hòn đảo nhỏ, ở một nước có ngôn ngữ riêng thì quả thật, thấy rất chướng mắt.

Người dân ở đảo đang bàn tán xôn xao chuyện họ có thể nhìn thấy các cô gái đẹp đến từ mọi nơi trên thế giới, chắc cũng quan tâm chuyện gì đang diễn ra ở gần nơi họ ở.

Họ cũng cần xin lỗi nếu giấc ngủ trưa hay nghỉ ngơi ban đêm của họ bị những tiếng ồn xây dựng, xe cộ làm phiền? Cuộc sống quen thuộc của họ chắc sẽ bị đảo lộn đáng kể.

Họ có cần phải học tiếng Anh để hiểu câu xin lỗi được giăng lên dành cho họ tiếp nhận hay không? Mà còn đến cả năm nữa thì các cô hoa hậu mới đặt chân đến đây.

Chúng ta đang kêu gọi giữ gìn truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc. Những chuyến đi công tác nước ngoài cho tôi một cảm nhận là hiếm nơi nào trên thế giới mà chuyện “tiếng Anh hóa” mọi thứ một cách không cần thiết diễn ra lan tràn như ở Việt Nam.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tôi có cảm giác như đang ngao du ở đâu đó ở trời Âu đất Mỹ, với những biển tên cửa hiệu toàn tiếng Anh. Ngay cả những sản phẩm làm ra cho người Việt Nam mua thì những hướng dẫn sử dụng cũng bằng tiếng Anh.

Ai sẽ hiểu đây? Không loại trừ tâm lý “sính ngoại”, “làm cho ra vẻ sang trọng” mà nảy sinh ra hiện tượng đó. Nhưng tỉ lệ hơn 75% dân số Việt Nam là nông dân có lẽ cũng nên để cho những nhà đưa ra thông điệp một sự suy nghĩ nào đó chăng?

Chẳng lẽ những nhà sản xuất đang thực hiện chiến dịch kêu gọi người Việt Nam quan tâm tới hàng Việt Nam, dùng hàng Việt Nam để họ có thể giữ vững thị phần lại bỏ qua hàng triệu khách hàng tiềm năng của mình bằng cách chỉ đưa ra thông điệp mà một lượng khách hàng rất nhỏ có thể hiểu được?

Rõ ràng, cần phải học hỏi cái hay, cái tốt của nước ngoài để chúng ta thích nghi với sự phát triển chung của nhân loại. Tiếng Anh là một cây cầu tốt để ta làm điều đó.

Tôi không bài ngoại, nhưng cho rằng mọi thứ đều cần có giới hạn của nó, phù hợp mới là điều đúng đắn.

Chúng ta chào đón khách nước ngoài, trân trọng họ, nhưng không có nghĩa là chúng ta đánh mất mình, bản sắc của mình, và ngôn ngữ của mình.

Việc tiếng Anh được sử dụng lan tràn, không hợp quy định pháp luật, trên các băng-rôn, khẩu hiệu, các thông điệp hướng tới những người dân nói tiếng Việt có phải là sự xâm thực văn hóa hay không?

Một phong trào “cứu” tiếng Việt khỏi những cách sử dụng tùy tiện đang được một vài tờ báo đề cập tới. Nhưng chuyện “cứu” tiếng Việt đang bị tiếng Anh đẩy lùi một cách công khai khỏi cuộc sống của những người Việt có lẽ cũng cần thiết không kém.

Chúng ta kêu gọi giữ gìn, nhưng những người có trách nhiệm lại làm lơ cho những sự tồn tại phi lý đó. Riết mãi thành quen, thành nhàm. Thật vô cùng nguy hiểm.

Tôi vẫn nhớ khi đến Hy Lạp, đến các taxi chở khách, họ cũng không dùng từ taxi tiếng Anh, mà là từ taxi tiếng Hy Lạp. Một từ thông dụng như vậy, ở một đất nước châu Âu có tỉ lệ sử dụng tiếng Anh rất cao. Đó chỉ là một trong vô vàn ví dụ cho thấy sự tự hào của người Hy Lạp về tài sản văn hóa của họ. Tôi ước ao rằng chúng ta cũng như vậy.

Trách ai được khi chính chúng ta không biết yêu quý, nâng niu, gìn giữ những giá trị của mình, thì làm sao những người từ nơi xa lạ đến họ lại trân trọng những giá trị của chúng ta? Tiếng Việt chỉ là một trong vô vàn giá trị cần được gìn giữ của người Việt.

Các chuyên gia về dân học vẫn nói rằng, mất ngôn ngữ là mất tất cả.

(*)Tạm dịch: Chào mừng đến với ngôi nhà của Hoa hậu Thế giới 2010. Xin lỗi vì những bất tiện có thể xảy ra.

(*)Quy định với những biển hiệu tiếng nước ngoài là cần có song ngữ và tiếng nước ngoài nhỏ hơn tiếng Việt. Luật có cả. Ai sẽ theo luật đây?

Bản in trên Tuổi Trẻ.

Hoa hậu “quý bò”

Những nàng bò được chủ của chúng nâng niu và chăm sóc một cách tử tế nhất có thể. Ảnh: TT-VH
Những nàng bò được chủ của chúng nâng niu và chăm sóc một cách tử tế nhất có thể. Ảnh: TT-VH

Cái tít là mình lấy lại trên tờ Thể Thao – Văn Hóa.

Hôm qua xem TV và hôm nay đọc báo, mình cứ tủm tỉm cười. Các chú bò thật đáng yêu với bông hoa màu đỏ trên trán, lượn đi lượn lại để mọi người chấm điểm. Có chú mắt tròn xoe ngơ ngác, chắc vì không hiểu sao mình lại được trọng vọng như vậy.

Nông dân ta đang cố công chăm sóc đàn bò, hy vọng chúng sẽ cho nhiều sữa.

Trên thế giới, người ta chăm bò lắm, vì bò cho họ cuộc sống. Họ cho bò ăn món ngon, nhiều dinh dưỡng, cho nó nghe nhạc, cho nó tắm nắng…Mà sữa thì là nguồn dinh dưỡng rất tốt.


Không giống con gà, mỗi ngày bị bắt đẻ 2 trứng (loài người tài thật), sữa bò chỉ có khi nó thích có. Có nhiều quá thì làm sao ngon?

Mà nhớ, nhiều bà con cứ mắm môi mắm lợi vắt cật lực sữa bò từ dzú nó. Chắc là các chú bò đau lắm.

Mời đọc thêm ở link này.

Nhớ xem kỹ chú thích ảnh:

Tiếng Việt

Hôm nay đọc báo, thấy có một nhân vật rất uy tín và hay xuất trên trên truyền thông nói rằng, cần đạo luật bảo vệ tiếng Việt.

Mọi người cũng nói chuyện phải ngăn không cho bọn trẻ hay đám thanh niên sử dụng ngôn ngữ @.


Làm sao mà ngăn cho được, khác chi là cố gắng trói cẳng ngỗng trời. Ngôn ngữ thay đổi, đến rồi đi, có gì là bất biến đâu. Đến từ điển người ta cũng phải năm này cho từ này, năm kia cho từ nọ, bỏ vào bớt ra là chuyện thường.

Nhưng các sản phẩm văn hóa mới là đối tượng điều chỉnh để giữ cái sự trong, sáng của tiếng Việt. Nhưng với những khái niệm hoàn tòan nhập khẩu và không có từ ngữ tương đương ở VN thì phải chấp nhận lai thôi. Có người từng nói (mà mình không muốn trích tên), rằng nếu tiếng Việt có từ tương đương thì mình cố gắng mà dùng.


Cần nhiều đạo luật khác nữa ở đất nước này. Nhưng điều quan trọng hơn là làm cho các đạo luật đang có hiện nay phát huy hiệu quả. Luật thì nhiều, mà tác dụng không thấy bao nhiêu.


Hành vi đơn giản nhất trong các loại đơn giản đã có luật pháp điều chỉnh nhưng vẫn như không có là trên đường thì vẫn còn nhiều người phóng nhanh, vượt ẩu (các bác cứ phi như là ở trên sa mạc); mũ bảo hiểm thì đội lấy hình thức, nhìn cũng biết là nếu tai nạn thì cái đầu sẽ dập như trái dưa hấu; các bác cứ quần xà lỏn, áo may ô, đồ ngủ lượn ra đường. Rác rến, chuột chết có mặt khắp nơi trên đường. Đó là chưa kể tới những chiếc loa khuếch đại âm thanh cực mạnh gào rú trên đường phố.

Trời ơi, vẫn biết là tiếng Việt cần phải bảo vệ. Nhưng sao tự nhiên lại thấy đạo luật này nó xa xỉ như vậy trong thời buổi này. (Thở dài)