“Ý cò”

Có bốn bức tượng. Mà chả phải là tượng. Là bốn con khỉ. Người ta có thể làm nó bằng đủ mọi vật liệu: vỏ trái dừa, đá, gỗ.
Bốn con khỉ đó ở bốn tư thế khác nhau. Một con ôm đầu, úp mặt vào đầu gối, tỏ vẻ không biết gì đến xung quanh. Một con lấy hai tay bịt chặt lấy mắt, tỏ vẻ chả thèm nhìn xung quanh. Một con lại lấy hai tay bịt lấy hai tai, tỏ vẻ chả thèm nghe xung quanh. Con còn lại thì lấy hai tay bịt miệng, tỏ vẻ chả thèm nói chuyện với xung quanh.
Nhiều người thích, mua về bày trong tủ, để trên bàn. Cũng là một cách trang trí nhà cửa cho thêm phần sinh động và phong phú.
Nhiều người làm vậy vì thấy “hay hay”, nhưng cũng có người làm vậy để bày tỏ quan điểm của mình với đời: Không nghe, không nhìn, không thấy, không biết. Yên chuyện!
Một người bạn của mình dạo này rất hay phàn nàn rằng lớp học của bạn toàn nữ, chả có nam. Cái môn phê bình nghệ thuật và quản lý nghệ thuật của bạn ấy chẳng hấp dẫn được anh chàng nào vào học. Đã vậy, các giảng viên được mời đến giảng chả có ai là nam. Thật là một tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, rất không tốt cho sức khoẻ, tạo sự căng thẳng ức chế thần kinh, không tốt cho học hành. Bạn ấy nói sẽ phàn nàn với trưởng khoa về việc này. Để thế đâu có được!
Một người bạn khác có thể nói chuyện hàng giờ về lịch sử thế giới. Từ Chevez đến Bush, từ Mugabe đến Fidel Castro, từ Blair đến Saddam Hussein. Thích ông này, ghét ông kia. Người bạn này lại học về kinh doanh, chả dính dáng gì đến lịch sử chính trị thế giới cả. Bạn ấy bảo bạn ấy là người nhiều ý kiến, thích bày tỏ quan điểm của mình.
Môn Tin quốc tế của mình, ngoài một buổi nói chuyện một tuần trên lớp, các học viên thảo luận trên discussion room trên mạng của trường. Ai cũng phải đưa ra ý kiến của mình về vấn đề thảo luận trong tuần. Thầy giáo và các bạn sẽ phản hồi ngay trên đó. Đọc để thấy rằng có nhiều ý kiến trái ngược, nhưng thật sự mang tinh thần xây dựng và bổ ích. Tuần này, lớp học nói về vấn đề tách biệt giữa đưa tin và bình luận. Mình bảo rằng, bản thân các sự kiện trong tin đã hấp dẫn rồi, chả cần phải “thêm mắm dặm muối” làm gì. Reporter là report, comment là việc của commentator. Vấn đề là nên sắp đặt các chi tiết thế nào cho hấp dẫn, và biết đâu lại thể hiện quan điểm của mình? Thầy giáo và các bạn liền phản hồi. Có người đồng ý, có người đưa thêm ý kiến, có người hỏi thêm. Chóng cả mặt, mà thích.
Trước ngày hôm qua, bài tập môn Báo chí và xã hội khiến cả nhóm
của mình đau cả đầu, vì chưa gặp nhau để nói chuyện cho ra đầu ra đũa. Mọi người đều cả thấy frustrated và lo lắng. Đến tối qua thì ổn. Gặp nhau hơn 2 tiếng, từ 6-8.30, nói hết ý kiến của mỗi người, rồi cãi nhau, rồi tranh luận, gay gắt có, nhẹ nhàng lịch sự có. Cuối cùng, vấn đề được giải quyết. Ai cũng vui hơn, và thú nhận thật thà là trước đó cảm thấy thật khó làm việc. 5 người: một Nhật, một Pakistan, một Canada, một Việt Nam và một Trung Quốc. Lại nói về vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Dễ mới là lạ!
Lại có câu “Dĩ hoà vi quý” – hiểu nôm na là có được sự yên hoà, không conflict là cao quý.
Mỗi người hiểu một cách khác nhau.
Có người hiểu “hoà” là không làm mất lòng ai (Mô Phật, hình như
đời em làm mất lòng nhiều người, đặc biệt là các anh, lắm lắm).
Có người hiểu rằng “hoà” là kệ người khác, kệ việc đó, không phải của mình, đừng có dính vào, đừng có ý kiến, “chỉ tổ mang hoạ vào thân”, rồi
nó ghét mình, chẳng được yên thân. Đâm thiệt! Nói chung là “ngậm tăm”.
Có người bảo rằng, “quý” là cao quý. Thế nên mới có nhiều người tránh xa trần tục, lui về một chốn điền viên thôn dã, tránh xa cãi lũ người lau nhau tầm thường, tranh cãi về những thứ xa xôi, chả ảnh hưởng gì đến miếng cơm manh áo của mình. Thế nên nhiều người mới tôn thờ
những người như thế, cho rằng họ tránh xa được cái bụi hồng trần, cái nỗi vất vả khổ sở giành giật đấu tranh của kiếp làm người. Âu cũng là một sự thoát tục, bay bổng khỏi mặt đất để lên mây.
Lại có người hiểu rằng “hoà” là thảo luận, là đưa ra ý kiến, là bàn bạc, là không “mũ ni che tai”. Vậy là “hoà” là cái kết quả, chứ không phải cái bắt đầu.
Mà “quý” tức là thay đổi, là tốt hơn, là phát triển.
Mà suy cho cùng, muốn tham gia thảo luận thì cũng phải biết thì
mới nói với người ta được. Chả biết gì mà cứ thưa thốt thì người ta lại quát cho “dựa cột mà nghe”.
Ấy là phải biết. Cái biết này nhiều, mà khó. Lại còn phải tách bạch công việc và tình cảm. Cái ý kiến trong công việc chả ảnh hưởng gì đến quan
hệ cá nhân ngoài công việc. Thế mới khó, thế mới cần phải khoáng đạt.
Mà tại sao lại là “ý cò”? Vì ý này nó bé lắm, nên nó là “ý cò”. Nếu nó to hơn, nó đã là “ý kiến”.
(Bài viết 01.02.2007 04:37)

Comments