Không ai đoán trước được tương lai một cách chính xác. Mỗi một sự kiện, sự việc xảy ra đều vì mối quan hệ tương tác khách quan và chủ quan. Giống cụ rùa đại sư trong Kungfu Panda: Không có gì là bỗng dưng cả.
Huyên thuyên một hồi tới mục đích chính hôm nay: Viết về các converged newsroom – phòng tin tức kết hợp giữa báo in và báo mạng.
Thực tế là gì: đó là xu hướng tất yếu và là tương lai gần, tương lai của những tòa soạn báo muốn giành giật – tôi dùng từ nghiêm túc đấy – giành giật độc giả. Giành giật, hay là chết?
Ở VN, chưa có tòa soạn nào thực hiện mô hình này, dù điều này không còn mới mẻ nữa.
Tháng 6- 2006, tờ The Guardian của Anh bắt đầu thực hiện mô hình xuất bản tin tức lên mạng trước, rồi mới in ra giấy (máu chưa!?), tháng 10-2006, tờ The Financial Times hoàn thiện quy trình thống nhất giữa báo in và báo online.
Tháng 4-2006, tờ The New York Times bắt đầu tiến trình thiết kế lại hoàn toàn trang web (mà chủ trò là một người Mỹ gốc Việt, nhưng bận wa’ hổng có thời gian ngó gì tới dự án của báo mình hết trơn!).
Tháng 9-2006, tờ The Telegraph tuyên bố bắt đầu cải cách sâu rộng mô hình phối hợp giữa hai loại hình báo mạng và báo in.
Báo mạng có phải là đe dọa của báo in không? Cho đến nay, sau khi dự nhiều cuộc hội thảo, lắng nghe nhiều chuyên gia, quan sát nhiều tờ báo, mình nói rằng: không.
Ngược lại, báo mạng giúp cho thông tin của bạn đến được với lượng độc giả khổng lồ hơn, và nếu bạn làm khéo, người ta vẫn thích báo in của bạn, vẫn bỏ tiền mua tờ đó.
Cái này giống như “gỗ” và “sơn”. Tại sao tôi lại phải chọn gỗ, khi tôi thích cả gỗ và sơn, khi cả gỗ và sơn mới là hoàn hảo?
Ở các nước phát triển, thông tin trở nên bão hòa, đến được với nhiều đối tượng bằng nhiều con đường khác nhau. So với VN, quả là thị trường thèm khát thông tin ở VN rất lớn, hơn 80 triệu dân vẫn thèm THÔNG TIN.
Nhiều tờ báo trên thế giới đã bắt đầu kết hợp báo online và print làm một. Online phụ trách TIN. Cái gì là tin, đưa lên.
Có sợ trễ, có sợ ngày mai mình không có gì đăng không? Không. Báo in không nên mơ mộng về tốc độ thông tin, cạnh tranh thông tin với truyền hình, website, radio…Thua là chắc. Vậy, tốt nhất là kiếm đường khác để đi.
Đường khác, có thể là cách tiếp cận thông tin khác, cách trình bày thông tin khác, bài viết chuyên sâu hơn.
Hình ảnh trên online nhiều hơn, đa phương tiện được sử dụng triệt để. Graphic trên print và hình ảnh trên print được chú trọng tối đa. Để làm gì? Để người đọc mở báo ra, xem, thấy mình như đang xem TV và lượt web. Ăn điểm.
Print mời độc giả mở trang web, nơi chúng tôi đem đến cho bạn nhiều hình ảnh tuyệt vời hơn, tin tức video cụ thể hơn, podcast để bạn có feeling hơn.
Trang web mời độc giả nhớ ngày mai mua báo, trên đó, chúng tôi có những bài phân tích chuyên sâu hơn, có ý kiến các nhà chuyên môn cụ thể hơn. Vì chúng tôi đã có cả một buổi chiểu để hỏi để tìm hình ảnh thật đẹp, để trang trí trang báo thật hay…Hấp dẫn quá.
Nhưng nói đi thì nói lại, thành Rome không xây xong trong một ngày. Có quá nhiều việc phải làm, mà quan trọng nhất là nhân sự.
Nhân lực, trong bất kỳ cơ quan, tổ chức…nào cũng cần được xem là cốt lõi của việc thành hay bại.
Nếu không đào tạo nhân sự, để họ làm quen với yêu cầu mới trong công việc thì coi như thất bại rồi.
Một phóng viên vốn chỉ quen với việc viết, ghi âm chỉ để cho mình nghe, chụp ảnh xấu đẹp không mấy ai để ý, lại chẳng bao giờ dùng máy quay phim, bỗng nhiên, được cử đi tác nghiệp với các yêu cầu: Chụp ảnh đẹp, quay phim, ghi âm, viết bài…để có thể dùng tất cả trên website được.
Họ cần được bồi thường lắm chứ, nhỉ? Vất vả hơn quá mà.
Một điều nữa, quan trọng không kém, là duy trì tiêu chuẩn của báo chí. Tin tức 24 giờ, không có nghĩa là bạn được phép làm ẩu.
Và điều quan trọng, hãy thử nghiệm. Đừng sợ thất bại. Không có gì đúng ngay lập tức. Một sản phẩm hoàn hảo cho độc giả của bạn, và nhân viên của bạn, chỉ có thể được tìm thấy qua những lần thử nghiệm và đúc kết từ những sai lầm.
Và đừng tiếc tiền thuê chuyên gia. Chất xám thật, bao giờ cũng không rẻ.
(Bài viết ngày 18.07.2008 15:42)