Khói độc

Tôi vẫn nhớ cảm giác ngạc nhiên và (nói một cách không giấu giếm) là có phần sung sướng khi bước vào quán rượu gần nơi tôi sống có tên Ember ở sát ga tàu điện ngầm Farringdon, trung tâm London.

Cách đây hai tuần, trên bàn đã có biển báo có hàng chữ màu xanh trên nền trắng “smoke free zone” – khu vực không khói thuốc.

Nhìn quanh, tất cả các bàn đều có biển báo như vậy. Tôi chợt nhớ ra chỉ còn ít ngày nữa là đến 1-7 – một ngày đặc biệt
ở Anh.

Ember – một quán rượu khá nổi tiếng – đã đi trước rất nhiều quán rượu khác ở London khi quyết định không phục vụ những khách hàng hút thuốc trong quán.

Những người hút thuốc đang “kêu trời” vì họ sẽ không được phép hút tại những nơi công cộng khép kín như nơi làm việc, các quán rượu, các câu lạc bộ ban đêm, các quán cà phê, nhà hàng, phòng ăn hay khu mua sắm, trên các phương tiện công cộng được hơn một người sử dụng…

Họ chỉ được hút ở những phòng dành riêng cho người hút thuốc hay hút ngoài trời.

Chính phủ Anh đặt mục tiêu giảm số người hút thuốc lá vào năm 2010 xuống còn 21% dân số. Liên tục từ cả năm nay, trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng và các loại hình quảng cáo, lệnh cấm này được thông tin dày đặc đến người dân.

Đó là một chiến dịch thông tin bài bản với mục tiêu đạt được hiệu quả cao nhất.

Có các tờ rơi bằng nhiều thứ tiếng (có cả tiếng Việt) phát miễn phí cho mọi người và có thể xuống từ trang web www.smokefreeengland.com được thiết kế dành riêng cho chiến dịch này.

Vì sao nước Anh – đất nước của rất nhiều người hút thuốc và thu lợi nhuận lớn từ thuế thuốc lá – lại quyết định đưa ra luật mới này?

Họ bắt đầu nhận ra cần phải tôn trọng quyền của người dân được bảo vệ khỏi tác hại của việc hít phải khói thuốc và quyền được thở trong không khí không có khói thuốc.

Nhưng chính phủ cũng có những biện pháp hỗ trợ những người đang muốn cai thuốc lá bằng việc tạo một môi trường không khói thuốc và giảm thiểu số ca bệnh và ca tử vong do khói thuốc. 70% những người hút thuốc ở Anh nói họ muốn bỏ thuốc.

Hít phải khói thuốc do người khác hút cũng nguy hiểm không kém so với trực tiếp hút thuốc. Mỗi khi một người hít phải khói thuốc, họ hít phải 4.000 loại hoá chất độc hại khác nhau, trong đó có 50 loại là tác nhân gây ung thư.

Theo các nhà khoa học, có tới 85% khói thuốc là không được nhìn thấy và không mùi nên con người không lường hết được thảm họa với sức. Hít khói thuốc có thể khiến con người mắc bệnh ung thư phổi, bệnh tim, bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra triệu chứng chết đột ngột ở trẻ em cũng như giảm hoạt động của phổi.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm đưa luật vào thực tiễn? Các hội đồng địa phương. Họ sẽ hợp tác với các tổ chức kinh doanh để đảm bảo rằng tất cả mọi người biết phải làm gì để tạo dựng môi trường không khói thuốc.

So với Ireland, Scotland hay New Zealand và nhiều quốc gia khác, nước Anh chậm hơn trong việc cấm hút thuốc nơi công cộng khép kín. Tuy nhiên, bất kỳ ai không tuân thủ quy định đều bị coi là tội phạm hình sự.

Nếu họ vi phạm và bị bắt quả tang tại chỗ sẽ bị phạt 50 bảng (nhưng được giảm xuống còn 30 bảng nếu nộp phạt trong 15 ngày), và mức phạt là 200 bảng nếu họ bị đưa ra toà. Nếu người có trách nhiệm không cho phép người khác hút thuốc (như quản lý khu nhà hay tài xế xe khách) mà vẫn để họ hút thuốc sẽ bị phạt hai tội danh: không ngăn cản người
khác hút thuốc, và không treo biển cấm hút thuốc theo quy định. Mức phạt cao nhất có thể lên tới 1.000 bảng. (1 bảng = 30.000 đồng)

Để hỗ trợ những người muốn cai thuốc, Cơ quan Y tế Anh cung cấp một dịch vụ miễn phí với nhiều loại hình hỗ trợ qua tổng đài, qua mạng Internet, qua nhắn tin hay tiếp xúc trực tiếp với bác sỹ.

Dù chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên khắp các phương tiện như vậy, điều ngạc nhiên là theo con số thống kê mới đây, có tới gần ½ người dân Anh không biết rằng sẽ vi phạm luật nếu hút thuốc ở nơi công cộng từ ngày 1-7.

Bao thuốc lá ở Anh không đăng những hình khủng khiếp về tác hại của thuốc lá như hình miệng lở loét hay phổi thủng lỗ chỗ.

Các hình ảnh như vậy có thể có hiệu quả gây ghê sợ cho những người hút thuốc, nhưng lại có tác hại đến thần kinh của những người không hút thuốc nếu họ lỡ nhìn phải những hình ảnh này. Trên bao thuốc chỉ có những hàng chữ đơn giản như “Thuốc lá có hại cho sức khoẻ”, “Thuốc lá có hại cho con bạn khi bạn mang bầu” hay “Thuốc lá giết người”!

(Bài viết 30.05.2007 20:53)

free hit counter


web counter

Comments