Bé ơi, bé có hạnh phúc không?

Có bao nhiêu ông bố bà mẹ ôm đứa con bốn tuổi của mình vào lòng và thủ thỉ hỏi: “Con có hạnh phúc không?” hay “Con có hài lòng không?”. Và họ sẽ nghĩ gì nếu em bé cỡ tuổi đó được hỏi ý kiến để quyết định tương lai của chương trình học tại trường?

Bốn tuổi. Chắc nhiều người sẽ nghĩ bé thế thì biết gì. Nhưng các chủ nhân tương lai của nước Anh sẽ sớm tham gia chương trình mang tên “trắc nghiệm hạnh phúc” – một chương trình yêu cầu các trường học ở nước này có biện pháp tăng sức khỏe tinh thần và thể chất cho học sinh.

Theo Luật giáo dục và thanh tra năm 2006, cả trường cấp I và cấp II đều phải thực hiện nhiệm vụ tăng cường hạnh phúc cho học sinh.
Nhà trường sẽ là những người hỏi các em học sinh từ 4-11 tuổi rằng: Liệu em có cảm thấy tích cực, tự tin, được yêu thương, em có quan tâm tới người khác hay không?
Đó là những yếu tố căn bản mà các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ đem lại hạnh phúc cho một học sinh. Nhưng bốn tuổi thì liệu các em có hiểu thế nào là hạnh phúc?
Ngay cả với người lớn, hạnh phúc cũng là một thứ gì đó trừu tượng. Chín người thì mười ý.
Vì vậy, một bảng câu hỏi được đặt ra để tìm hiểu sức khỏe tinh thần của các em.
Căn cứ vào trả lời của các em, các trường sẽ thực hiện một nhiệm vụ mới theo pháp luật qui định là tăng sức khỏe về thể xác và tâm hồn cho học sinh.
Những người đứng đầu nhà trường sẽ phải giải quyết những vấn đề có khả năng dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe toàn diện này.
Họ được khuyến khích sử dụng những biện pháp, trong đó có thiết kế các chương trình đặc biệt để giúp trẻ vượt qua những khó khăn nếu có.
Những đánh giá về sức khỏe này đang được một cơ quan có tên là Viện Quốc gia về sức khỏe và hoàn thiện y tế (NICE) thuộc Cơ quan Y tế Anh thực hiện.
Một tài liệu do viện thực hiện sẽ chỉ rõ các trường học đã đạt đến mức nào trong việc giúp học sinh của trường cảm thấy hạnh phúc, theo “các thang điểm khỏe mạnh” – bao gồm sự tự tin, khả năng thích nghi, khả năng tập trung, và khả năng tạo các mối quan hệ tốt.
Tài liệu này sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Nice cho rằng học sinh có sức khỏe về tinh thần yếu sẽ có những thụt lùi trong học tập ở trường.

Ở Anh, số trẻ từ 11-16 tuổi có 12% nguy cơ bị xáo trộn tâm lý, với với 8% trẻ từ 5-10 tuổi.

Tâm hồn trẻ thơ là những tờ giấy trắng, các em thường thích bày tỏ ý kiến. Và quan trọng, các em không biết nói dối.

Tự nhiên, tôi có nhu cầu được ôm một đứa trẻ vào lòng và hỏi: “Con có hạnh phúc không?”. Tôi sẽ hồi hộp chờ đợi câu trả lời.
(Bài viết 10.06.2007 00:26)

free hit counter


web counter

Comments