Những vết nứt

Cuộc sống đầy những vết nứt. Vì sao, tầng lớp trí thức, những người giàu có bỗng nhiên trở thành kẻ thù của những người nông dân?

Vì sao, những người trí thức không được lắng nghe, không được coi trọng? Vì sao lại không thể sống hòa bình với nhau, giúp đỡ lẫn nhau? Vì sao cái tư tưởng đấy nó vẫn còn tồn tại?


Hỏi thì hỏi vậy, nhưng có câu trả lời cả. Số phận của dân tộc ư? Ôi chao.


Mấy chục năm, vẫn thấy những vết nứt ngày càng to ra, ngày càng làm mọi thứ xa rời nhau. Những khoảng cách lớn, thi thoảng, người ta lại đào bới lên, lại xé ra, lại thấy rớm máu. Để làm gì? Tại sao lại chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt của cá nhân mình, mà không nghĩ tới cái lợi lâu dài của dân tộc?


Được làm vua, thua làm giặc. Vẫn vậy. Anh ở phe thua, cái gì anh cũng sai. Ta ở phe thắng, cái gì ta cũng đúng. Nhưng ở phe thắng, mà gạt bỏ những quá khứ bất đồng, vì điều kiện lịch sử, để cùng nhau làm vì một xã hội ra hồn, để khỏi xấu hổ với người ta, thì có nên không?


Có cần lúc nào cũng phải khẳng định ầm ầm: ta thắng, ta thắng? Gà cũng một mẹ, chớ hoài đá nhau. Câu ca các cụ dạy rồi. Đá nhau, ở ngoài, người ta cười cho. Tài năng ra sao, đức độ thế nào, đêm đêm, vắt tay lên trán, ai mà chả tự biết mình.


“Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước thì thương nhau cùng.” Sao câu dạy hay thế, mà chả thấy ai làm?


Hôm nay đọc lại một bài về nhạc sỹ Phạm Duy trên An ninh Thế giới. Thấy buồn ghê gớm.