Đàn bà 30

Những năm tháng phải lòng, yêu đương, cuồng nhiệt đã trôi qua sau lưng lúc nào không nhận ra. Đàn bà ba mươi có hai cuộc sống. Một là gia đình, một là khao khát.
Gia đình tức là có nơi về, yêu thương con, chăm sóc chồng, vun vén cuộc sống ít vui nhiều lo âu.
Những người phụ nữ ba mươi tất bật, bình yên và quyến rũ bởi đầy đặn, bởi từng trải, bởi thành tựu và yêu thương.
Có những người quyến rũ được kẻ khác bằng cả vẻ đảm đương, an phận của mình, thật lạ.
Khao khát tức là khi đã bỏ sau lưng mười năm yêu trắng tay, đã từng tha thiết, tưởng hy sinh tất cả, tưởng sẽ trời đất dài lâu, tưởng sẽ trọn đời.
Rồi tuổi ba mươi đến, càng thành đạt càng hoang mang, mình đang ở đâu, ai sẽ đến trong đời mình.
Bất hạnh cho ai bị giằng xé giữa hai cuộc sống ấy, ở trong gia đình vẫn khao khát, hoặc độc thân nhưng đầy gánh nặng.
Đôi khi tôi tự hỏi tôi là ai.
Đàn bà ba mươi có quyền làm những gì tuổi hai mươi mơ ước chăng, có chứ. Có quyền lực sai khiến bằng một ánh mắt, một lời nói.
Có thể thanh thản từ chối vì biết mình là ai, cũng biết tiếc nuối bởi đủ từng trải để hiểu thế nào là hạnh phúc. Biết cách lý giải cho mọi cảm xúc, biết cách đẹp, biết đàn ông cần gì.
Dường như đến tuổi ba mươi, đàn bà biết cách yêu, biết cách nồng nàn.
Thứ nồng nàn đích thực mà tuổi thanh xuân không bao giờ chạm tay tới nổi.
Những người đàn bà đang đi tới tuổi ba mươi thường hoảng hốt, những người đàn bà vượt qua tuổi ba mươirồi thường bình yên.
Bởi hiểu ra không giống như xưa, chúng ta không còn lầm lẫn giữa nhan sắc và tuổi trẻ.
Và người phụ nữ nhận ra mình đẹp bắt đầu từ tuổi ba mươi, tự tin rằng những người đàn ông mình cần là những người nhận ra được người đẹp bên trong người đàn bà.
Tuần trước ngồi thương thảo hợp đồng với đối tác, bất ngờ người đàn ông thú nhận, tôi chỉ bị quyến rũ bởi những người đàn bà có năng lực, có đầu óc. Vì chúng tôi đến độ tuổi này, biết chúng tôi cần gì.
Thì ra đàn ông cũng đã phân biệt, thứ nhan sắc họ thèm và thứ nhan sắc họ cần.
Đàn ông có lẽ đã như nhau, tôi thèm có được hoa hậu, nhưng tôi cần một người đàn bà đích thực ở bên.
Vậy còn điều gì đàn bà ba mươi đã thua kém chính mình khi đôi mươi? Có lẽ đó là quyền lực thanh xuân, thứ quyền lực mà đàn bà ba mươi cố tình không muốn nhắc đến nhất.
Lúc đôi mươi tôi mặc một chiếc áo sơ mi trắng dài, thật rộng và nhảy nhót, tôi thật gợi cảm.
Lúc ba mươi nếu tôi vẫn nhảy nhót trong một chiếc sơ mi dài và thủng, tôi thật lập dị và gớm ghiếc.
Lúc đôi mươi tôi có quyền không son phấn ra phố, buộc tóc đuôi gà, ngồi lơ đãng bên bờ hồ tưởng tượng những lãng mạn.
Lúc ba mươi, không son phấn là một cách bất lịch sự, và bên hồ, những người đàn bà chỉ ngồi để chảy nước mắt đau đớn.
Vì năm tháng đã trôi qua lặng yên, có thứ đã đến, như thành đạt, như từng trải, như tiền.
Nhưng có thứ không níu nổi, như tuổi trẻ. Đàn bà ba mươi tối kỵ ngồi một mình, nghĩ một mình, làm một mình, và sống quạnh hiu.
Có một cuốn sách đầu đề là “Đàn bà ba mươi mới đẹp”, trong đó nói, cái đẹp tới từ sự độc lập, bởi họ dũng cảm và từng trải. Cái đẹp ba mươi cũng đến từ tình yêu và sự tự tin khi vứt bỏ tình yêu. Và sách nói, đàn bà càng ba mươi, càng dễ buông tay khỏi ái tình.
Tôi nghĩ những điều đó hợp lý, khi phụ nữ nhận ra họ càng quý giá, họ càng khó có cơ hội ngã vào đời người đàn ông.
Đàn bà ba mươi không yêu nổi người đã tha thiết yêu khi mười tám.
Lại khao khát kết hôn với người chồng mà khi mười tám có đánh chết cũng không muốn lấy. Có người bảo, đó là bởi đàn bà đã thực tế hơn thiếu nữ, hiểu mình muốn gì. Tôi thì cho rằng đó là bởi người đàn bà ba mươi đã nếm đủ những đòn đau của cuộc sống, trong tình yêu và hôn nhân, họ sợ tương lai nhưng họ còn sợ quá khứ hơn!
Sách nói đàn bà ba mươi chỉ mơ hai thứ, chưa chồng thì mơ yêu đương nhiều hơn, có chồng thì mơ tiền nhiều hơn. Đàn bà ba mươi chỉ có yêu và tiền. Báo chí dành cho tuổi ba mươi thường là tạp chí tiêu dùng thời thượng hoặc mục tâm sự tình duyên éo le. Để đàn bà ba mươi tiêu những lo âu vào đó.
Tôi cũng đang viết cho những độc giả ấy, kín đáo hướng dẫn họ cách tiêu tiền hoặc trút những tâm tình lên giấy. Chúng ta giống nhau không phải bởi cùng bước qua ngưỡng cửa ba mươi, mà bởi đã chọn được cách dung hoà với cuộc sống. Ba mươi là lúc chấp nhận những
thay đổi mà cuộc đời dành cho ta, không kháng cự, chỉ uyển chuyển lợi dụng để những đổi thay cuộc đời biến thành động lực để ta đi tới.
Tôi nghĩ người đàn bà ba mươi có năng lực hay không, chỉ phân biệt bởi điểm đó, bởi lúc vượt qua trắc trở khó khăn.
Chứ không phải những người phụ nữ có xe đẹp nhà đẹp, chồng đẹp con cũng đẹp là người có năng lực, chỉ nên gọi họ là người phụ nữ may mắn mà thôi.
Đàn bà ba mươi đã thoát ra được những viển vông tuổi đôi mươi. Họ không cần lãng mạn, một sự ấm áp, một khoảnh khắc đẹp, mà mong muốn sở hữu, muốn có con, có người tình, những điều có thật trong đời. Mơ ước của tuổi ba mươi đã thật hơn, đã không còn chỉ là mơ ước.
Nên nhiều người đàn bà không nhận ra, tuổi đôi mươi rất ngại tới nhà bạn trai, tuổi ba mươi muốn để lại bàn chải đánh răng buổi sáng trong nhà bạn trai, muốn để lọ nước hoa,chai sữa tắm có mùi yêu thích ở lại nhà người yêu.
Như khi đàn bà đi, điều gì đó còn ở lại.
Bạn tôi nói, khi chia tay người yêu, đi khỏi đời nhau, cái cô ấy tiếc nhất không phải là anh bạn trai, mà là chai sữa tắm mùi vỏ cam còn để lại ở nhà anh kia. Cô ấy thích mùi vỏ cam, và với đàn bà ba mươi, chia tay nhau, thì đàn ông không còn giá trị bằng một chai sữa tắm.
Mặc dù cô ấy có tiền để bất cứ lúc nào mua một chai sữa tắm khác như thế.
À, có lẽ không phải đàn ông không còn giá trị, mà bởi đàn bà ba mươi yêu ghét rạch ròi.
Hình như ba mươi là lúc đàn bà mới bắt đầu cuộc sống đích thực đàn bà?
Tác giả: Nhà văn Trang Hạ

(Bài viết 20.09.2008 03:08)

Bộ quy tắc hành xử của phóng viên Anh

Bộ quy tắc hành xử của phóng viên Anh do Hiệp hội các nhà báo Anh quốc đưa ra, quy định những nguyên tắc chính của báo chí Anh và Ireland từ năm 1939. Nó được cập nhật vào năm 2007. Các thành viên của Hiệp hội các nhà báo quốc gia được mong đợi tuân theo các nguyên tắc nghề nghiệp sau:
Phóng viên
1. Luôn đi theo và bảo về nguyên tắc tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận và quyền của công chúng được biết thông tin

2. Cố gắng đảm bảo rằng thông tin mà họ cung cấp được truyền tải một cách trung thực, chính xác và công bằng
3. Nỗ lực hết sức để cải chính những thông tin không chính xác gây nguy hại
4. Phân biệt giữa tin tức có thật và ý kiến riêng
5. Thu thập tài liệu bằng các phương pháp thật thà, thẳng thắn và cởi mở, trừ những bài điều tra phục vụ lợi ích lớn của cộng đồng và liên quan tới những bằng chứng mà không thể có được nếu phóng viên sử dụng các biện pháp minh bạch
6. Không làm gì để xâm hại đến đời tư, nỗi đau hay sự khốn cùng của bất kỳ ai, trừ phi vì lợi ích rất lớn của cộng đồng
7. Bảo vệ bí mật của nguồn tin và những tài liệu thu thập được trong quá trình tác nghiệp
8. Chống lại những đe doạ hay bất kỳ thế lực nào muốn gây ảnh hưởng, bóp méo và đàn áp thông tin
9. Không tranh thủ làm lợi cho cá nhân mình một cách không công bằng nhờ vào những nguồn tin thu thập được trong quá trình tác nghiệp trước khi thông tin đó trở thành kiến thức của cộng đồng
10. Không tạo ra những sản phẩm có nhiều khả năng dẫn tới sự hận thù hoặc phân biệt dựa trên tuổi tác, giới tính, chủng tộc, sắc da, nguồn gốc, tình trạng thân nhân, sự ốm yếu tàn tật, tình trạng hôn nhân và xu hướng tình dục
11. Không phát biểu, viết hay xuất hiện dưới sự trợ giúp của bất kỳ sản phẩm thương mại hay dịch vụ nào, mà sản phẩm đó có quảng cáo trên phương tiện truyền thông mà người phóng viên đó làm thuê
12. Tránh đạo văn.
(Ngày viết 22.08.2007 13:03)

Những tính cách của một phóng viên

Những tính cách gì cần thiết cho một phóng viên? Nhiều người hỏi tôi như vậy. Tôi cũng trả lời họ theo như những gì mình hiểu. Hôm nay đọc được đoạn này, thấy hay. Dịch cho mọi người cùng đọc.
* Các tính cách cá nhân:

1/ Tò mò: Một phóng viên giỏi muốn biết mọi thứ và trải qua những thách thức để tìm câu trả lời cho câu hỏi của họ. Đây sẽ là tính cách mà một phóng viên cần phải phát triển và xây dựng, nếu họ chưa có nó. Những phóng viên cừ khôi nhất có “mũi đánh hơi thấy tin”. Họ sẽ bắt nhịp được ngay những thông tin có thể làm nên một bài viết tốt. Họ phát hiện ra điều gì bất thường.

2/ Lỳ lợm (chít rùi, thía à?): Một phóng viên giỏi phải tự tin và có chính kiến, ngay cả khi họ phải đối mặt với thực tế là họ bị tách ra khỏi đám đông hay làm người khác bực tức. Phóng viên đó hỏi những câu hỏi kỳ cục, có thể khiến người khác xấu hổ, hay thậm chí hỏi một cách hơi thô thiển (!). Phóng viên đó có thể phải đi đến nơi mà người đó không muốn.

Gan lỳ cũng là một tính cách tốt. Ngay cả khi gặp khó khăn, phóng viên đó vẫn luôn tiếp tục theo đuổi thông tin cần thiết cho bài viết. Họ sẽ tìm nguồn tin khác. Phóng viên đó sẽ tìm cách mở rộng nguồn tin để khẳng định chắc chắn thông tin mà họ có.

3/ Phóng viên đó nên có trí nhớ tốt. Họ nên biết lấy thông tin ở đâu, xâu chuỗi các thông tin với nhau.

4/ Phóng viên đó phải có khả năng lắng nghe. Phần lớn cuộc đời của phóng viên là dành để phỏng vấn mọi người. Một phóng viên chỉ thích nghe mình nói thì sẽ chẳng thể trở thành phóng viên giỏi được.

Tom Clancy, tác giả của The Hund for Red October, nói rằng: Mỗi người mà bạn gặp, mỗi thứ mà bạn làm cho cuộc đời đều là cơ hội để học điều gì đó mới mẻ. Điều này quan trọng với tất cả chúng ta, nhưng quan trọng nhất với người viết, vì là người viết, bạn có thể dùng bất kỳ dữ liệu nào bạn có từ những điều đó…Tôi chưa bao giờ lên tàu ngầm hạt nhân cho đến khi cuốn truyện được biên tập lần cuối. Nói cách khác, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người liên quan đến tàu ngầm hạt nhân.

5/ Phóng viên giỏi là người biết thuyết phục người khác. Mọi người không có nghĩa vụ phải nói chuyện với họ và cho họ thông tin. Phóng viên đôi khi phải thuyết phục nguồn tin rằng thời gian và nỗ lực của họ để giúp đỡ phóng viên là rất đáng giá.

6/ Chú tâm đến từng chi tiết cũng là một phần trong kho tính cách tốt của phóng viên. Khi thu thập tin tức, phóng viên đó phải biết chắc rằng họ hiểu mọi chi tiết. Tin tức họ có được phải đúng, phải được kiểm chứng. Cuộc nói chuyện công việc của họ không phải là cuộc nói chuyện xã giao bình thường.

7/ Và cuối cùng: sẵn sàng làm việc vất vả (híc híc). Làm phóng viên là một nghề khó khăn, mệt mọi và hay cáu gắt. Để tìm được thông tin hay có thể mất nhiều thời gian và thậm chí cả nguy hiểm.

* Các kỹ năng nghề nghiệp:

1/ Kỹ năng quan trọng nhất: Viết được. Phóng viên phải biết và tôn trọng ngôn ngữ.

2/ Phóng viên phải có khả năng thu thập thông tin, đánh giá thông tin, và viết nó một cách sáng tạo.

3/ Nghĩ một cách có tính phê bình và sử dụng kỹ năng này hàng ngày.

4/ Chính trực. Phóng viên phải xem xét thông tin một cách thật thà, kiểm tra các thông tin, không kết luận vội vàng hay có thành kiến.

5/ Biết nghi ngờ một cách lành mạnh: Phóng viên đó không dễ tin. Họ nên đặt câu hỏi về những gì họ nghe thấy, đọc được, hay nhìn thấy. Họ không muốn bị lừa. Song song với nó, họ không nghi ngờ một cách mù quáng, nghi ngờ tất cả những gì họ được nghe. Thay vào đó, họ nên sẵn sàng đặt câu hỏi cho nguồn tin và kiểm chứng với những thông tin khác mà họ có được.

Và cuối cùng, các phóng viên có thể tồn tại được với nghề trong một môi trường cạnh canh là vì họ có “giác quan làm người tốt hơn”.

Họ tin rằng họ làm báo vì các lý do khác hơn là vì kiếm được nhiều tiền và sống sung sướng, hay vì để thoả mãn ước vọng của cá nhân.

Họ luôn tin rằng thông tin tốt quan trọng cho xã hội. Và chia sẻ thông tin đó giúp xã hội hoạt động tốt hơn.

(Lược dịch)

Stovall G.J (2004): Web Journalism, Practice and Promise of a New Medium, US: Person Education Inc).
30.08.2007 20:34

Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam

Tiếp theo cái entry về Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của phóng viên Anh, tôi tìm được Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam trong một cuốn sách có tên là “55 năm Hội nhà báo Việt Nam”. Google cái này không thấy. Nhân đây hỏi anh Minh, founder của website Báo chí Việt Nam là sao anh chưa đưa cái này lên website của anh thía?
Các quy ước đó như sau:
1/ Mục tiêu cao cả của báo chí Việt Nam là phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Nhà báo hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực và hoàn cảnh nào cũng hướng về mục tiêu cao cả đó.

2/ Báo chí thực hiện quyền thông tin của nhân dân. Nhà báo phải khách quan, trung thực, tôn trọng Sự thật (viết hoa nhé!). Mọi thông tin đưa ra công luận phải phản ánh đúng bản chất Sự thật khách quan trong bối cảnh xã hội của nó, tuyệt đối không được xuyên tạc hoặc cường điệu sự việc, sự kiện. Nhà báo có trách nhiệm cung cấp cho công chúng hình ảnh chân thật, đúng bản chất về quá trình của sự kiận và tình huống được thông tin, thông qua đó hướng dẫn dư luận…

3/ Báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu với đời sống xã hội, là công cụ văn hoá. Nhà báo tôn trọng và thực hiện tự do báo chí, chịu trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân, và tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật. Nhà báo thực hiện đúng tôn chỉ của cơ quan báo chí, không vì bất kỳ sức ép nào mà làm trái mục tiêu cao cả của báo chí Việt Nam, đi ngược lợi ích đất nước.

4/ Cùng với quyền tự do thông tin, thực hiện quyền trả lời và quyền cái chính trên báo chí là một nguyên tắc cấu thành tự do dân chủ báo chí. Nhà báo có quyền kiên trì quan điểm và thông tin đúng đắn của mình, nhưng tôn trọng quyền trả lời và quyền cải chính của công dân theo đúng pháp luật.

5/ Nhà báo có nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin và giữ bí mật do người khác cung cấp, phù hợp với luật pháp.

6/ Báo chí Việt Nam phát huy văn hoá dân tộc, đồng thời tôn trọng các nền văn hoá khác và những giá trị tinh thần phổ biến của loài người, phấn đấu vì đại đoàn kết dân tộc, vì hoà bình hữu nghị, hiểu biết giữa các dân tộc và quốc gia trên thế giới.

7/ Nhà báo góp phần phát triển lợi ích cộng đồng, tôn trọng quyền con người, không lợi dụng thông tin để xúc phạm nhân phẩm và làm thiệt hại đến lợi ích của người khác.

8/ Nhà báo luôn luôn giữ phẩm chất trong sáng, không vụ lợi. Tuyệt đối không vì lọi ích cá nhân mà cố tình công bố hoặc bỏ qua không công bố một thông tin. Nhà báo không được dùng uy tín nghề nghiệp của mình để trục lợi.

9/ Nhà báo tôn trọng chính kiến và quan điểm xã hội, nghề nghiệp của đồng nghiệp, đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động và đời sống; đấu tranh không khoan nhượng chống mọi hành vi làm tổn hại đến đất nước, lợi ích nhân dân và trái với đạo đức báo chí.

10/ Nhà báo sống lành mạnh, văn minh (híc!), khát khao học hỏi, khiêm tốn cầu tiến bộ. Nâng cao bản lĩnh (híc!), trình độ và kỹ năg nghề nghiệp của mình là ước vọng và sự phấn đấu suốt đời của người làm báo. (híc)

Sau đó, bản Quy định về đạo đức của người làm báo Việt Nam đã thay thế cái bản này:

Ngày 13/8/2005, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam như sau:

1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.

3. Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.

4. Sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.

5. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.

6. Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.

7. Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.

8. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.

9. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác./.
Hết
Thư anh Minh ngày 31-8-2007:
Anh có đăng ở đây từ lâu mà (từ ngày 03/09/2005), sao mắng
anh ghê thế  He he…
http://www.vietnamjournalism.com/module.html?name=News&file=article&sid=709* E Loan: Sorry anh Minh. Kekekekeke
(Ngày viết 30.08.2007 21:54)

Tiêu chuẩn đạo đức của phóng viên ở Hồng Kông

Tiếp theo entry trước về Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của phóng viên VN và Anh, tôi được một người thầy về báo chí của mình là Alan Robles chỉ cho đường link tới tiêu chuẩn của các nước khác. Dịch để mọi người cùng đọc. By the way, đây là việc làm có ích cuối cùng của hôm nay, ngày thứ bảy lười biếng.
* Phóng viên có nghĩa vụ phải duy trì các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo
đức ở mức cao nhất.

* Phóng viên luôn bảo về nguyên tắc tự do báo chí và các loại hình truyền thông khác trong quan hệ với việc thu thập thông tin và thể hiện bình luận và chỉ trích. Phóng viên sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự bóp méo, đàn áp thông tin và kiểm duyệt.

* Phóng viên nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin mà phóng viên thể hiện là công bằng và chính xác, tránh thể hiện bình luận và sự phỏng đoán như những sự thật có cơ sở và làm giả thông tin, bằng việc bóp méo, đưa thông tin có chọn lọc và thể hiện sai sự thật.

* Phóng viên sẽ cải chính ngay lập tức bất kỳ thông tin không chính xác gây hại nào, và đảm bảo rằng cải chính và lời xin lỗi đó được nhiều người biết đến,, đồng thời tôn trọng quyền được hồi âm của những người bị chỉ trích khi vấn đề đủ tầm quan trọng.

* Phóng viên chỉ thu thập thông tin, hình ảnh và những miêu tả bằng những phương cách công khai và thẳng thắn. Việc sử dụng các biện pháp khác chỉ có thể được chấp nhận nếu xét đến tầm quan trọng của lợi ích cộng đồng đối với thông tin đó. Phóng viên có nghĩa vụ phải thực hiện sự suy xét của bản thân để chống lại cách sử dụng các biện pháp không công khai và thẳng thắn khi tác nghiệp.

* Tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của thông tin với lợi ích của cộng đồng, phóng viên không làm điều gì xâm phạm đến nỗi khốn khổ và đau đớn của người khác. (Tức là nếu thông tin đó không quan trọng thì không nên…)

* Phóng viên đảm báo bí mật nguồn tin.

* Phóng viên không chấp nhận hối lộ hay cho phép lý do nào đó ảnh hưởng tới công việc chuyên môn của họ.

* Phóng viên không “cho mượn” bản thân họ để bóp méo và đàn áp sự thật vì quảng cáo hoặc những lý do khác. (tức là không “bán mình”).

* Phóng viên không tạo ra những sản phẩm khuyến khích sự phân biệt đối với chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính hay xu hướng tình dục.

* Phóng viên không kiếm lợi từ thông tin họ có được trong quá trình tác nghiệp, trước khi thông tin đó trở thành kiến thức chung của cộng đồng.
(Ngày viết 02.09.2007 00:49)