Tiêu chuẩn và giá trị Reuters (P3)

Phản ánh thực tế

Sự chính xác có nghĩa là hình ảnh và câu chuyện của chúng ta phải phản ánh được thực tế. Phóng viên dễ bị sa đà vào việc thêu dệt hay đẩy tình huống lên quá mức thực tế hoặc dẫn dắt độc giả đi về hướng giả định và ấn tượng của người viết mà có thể sai hay có hại về lâu dài. Lấy ví dụ chuyện một “cơn bão” người nhập cư, có thể trong thực tế chỉ là một số lượng người khá nhỏ, cũng như cổ phiếu tăng giá nhẹ hoặc giá cả chỉ mới cao hơn một tí. Hãy dừng lại để suy nghĩ và thảo luận về việc sử dụng ngôn từ để đảm bảo sự chính sáng báo chí, cũng như hạn chế tối đa tác hại lâu dài. Tương tự, báo chí sử dụng phương tiện tác động thị giác cũng không được phép bóp méo hay thêm thắt vào hình ảnh thực tế. Những điều này có thể tạo nên sự bịa đặt và tổn hại đến thanh danh của Reuters. Những hành vi thế này sẽ bị trừng phạt, trong đó có cả việc bị đuổi khỏi Reuters.

Thời gian và tên tác giả

Sự chính xác còn thể hiện qua việc sử dụng thời gian và tên tác giả. Độc giả cho rằng tên tác giả là người đã viết tin vào thời điểm ghi trên bài. Chúng ta chỉ nên ghi thời gian chính là thời điểm mà phóng viên hiện trường, cộng tác viên gửi bài. Phóng viên hoặc những cộng tác viên tự do đã đóng góp vào bản tin nên được đề cập đến vào bản tin thêm ở cuối câu chuyện và có tên họ cụ thể và địa điểm họ tác nghiệp.

Cộng tác

Sự chính xác có nghĩa là có sự ghi nhận về nguồn tài liệu mà không phải thuộc sở hữu của chúng ta, dù là chi tiết trong bài, hình ảnh hay video. Khách hàng và công chúng tin chúng ta vì sự thật thà về nguồn của tài liệu. Cách giải quyết như vậy giúp họ có được sự tin tưởng.

Nếu chỉ ghi video hay hình ảnh bằng từ “handout” (tức được bên khác trao lại) thì không đủ. Chúng ta luôn phải ghi rõ nguồn, ví dụ “Greenpeace Video” hay “U.S Army photo.” Điều này cũng rất quan trọng cho sự minh bạch về việc tài liệu chúng ta phát hành không phải tự chúng ta có, mà là có sự cộng tác của người khác, kể cả sự cộng tác đó xuất phát từ một tổ chức đối thủ. Nếu không làm được như vậy, chúng ta có thể bị tố cáo là đạo văn.

Tường thuật tin đồn

Reuters hướng tới tường thuật sự thật chứ không phải tin đồn. Khách hàng trông cậy vào chúng ta phải xác định cái nào là sự thật và cái nào là tin đồn và danh tiếng của Reuters cũng xuất phát một phần từ đó. Có những khi tin đồn ảnh hưởng đến thị trường tài chính và chúng ta có nghĩa vụ giải thích với độc giả tại sao thị trường lại biến động và giải mã tin đồn – khẳng định nó đúng hoặc dẹp bỏ nó. Có những trường hợp ngoại lệ khi thị trường biến động quá nhanh và quá mạnh mẽ đến nỗi chúng ta  buộc phast banr tin trước khi kịp đánh giá mọi thứ. Chỉ dẫn cụ thể về việc làm sao xử lý tin đồn có đề cập đến trong phần Những điều cần thiết về cách dẫn nguồn của Reuters.

Ảnh đồ họa và khiêu dâm

Trong quá trình vận hành, chúng tôi đã chứng kiến và ghi nhận lại hàng loạt cảnh bạo lực hay kích dục. Là nhà báo, chúng ta ngoài nghĩa vụ phải chắc chắn về thực tế mà chúng ta tường thuật là đúng đắn, chúng ta còn phải nhận rõ liệu những thông tin này có gây tranh cãi hay tổn hại phẩm giá của một cá nhân nào đó hoặc thậm chí là sự kiện đó gây chấn động cảm xúc lấn át cả nhìn nhận lí trí thông thường của độc giả hay không. Chúng tôi ta giảm đi tính bạo lực, không lược bỏ bài phát biểu hay nói khác đi sự kích dục. Tuy nhiên chúng ta không nên đăng những hình ảnh hoặc chi tiết có ngôn ngữ không phù hợp hoặc giật tít gây sốc. Nếu muốn đăng những thông tin này cần phải có sự quyết định đặc biệt của một biên tập viên cao cấp. Ở mọi tình huống, chúng ta cần xem xét liệu những thông tin này có cần thiết đối với chuyện miêu tả hay phản ánh thực tế hay không. Chúng ta cũng quan tâm rằng độc giả của chúng ta ở nhiều nước khác nhau có lối nghĩ và nhu cầu khác nhau. Những hình ảnh này nếu chúng ta gửi đến toàn bộ khách hàng đăng kí mua dịch vụ truyền hình có thể không thích hợp bằng gửi đi cho những khách hàng chỉ sử dụng tin trực tuyến, cũng như ảnh khiêu dâm chỉ phù hợp với một bộ phận trên thế giới chứ không phải là tất cả.

Những chỉ dẫn cụ thể hơn về việc giải quyết vấn đề hình ảnh có thể được tìm thấy trong mục Hình ảnh và Video. Người viết nên tham khảo bài viết Style Guide về tính khiêu dâm và chỉ dẫn xử lí ngôn ngữ gây tranh cãi. Những câu chuyện có những ngôn từ như trên phải được gửi tới biên tập viên với dòng chữ “Attention Editor”.

Phần 1

Phần 2

Nguồn: Reuters Handbook of Journalism. Google it

Dịch: Cảnh Toàn

Hiệu đính: Khổng Loan

Đề nghị dẫn nguồn khi trích dẫn.

(Còn nữa)

Thế giới chờ đợi gì ở Kenya?

Một quốc gia thuộc thế giới thứ 3; 40 triệu dân;  thiên nhiên hoang dã phong phú;  có ngọn núi Kenya cao thứ 2 ở châu Phi; tỉ lệ thất nghiệp là 40% và số người sống dưới mức nghèo khổ là 50%. Đó là những nét chấm phá về Kenya, quốc gia nằm dọc Ấn Độ Dương thuộc  Xích đạo. Thế thì sao?

“Ở Kenya có 2 bộ tộc, 1 bộ tộc cực giàu có 10 tỉ phú với sự hậu thuẫn của Tổng thống, bộ tộc kia là tất cả những người Kenya còn lại và rất nghèo” – Grace Githaiga, một nhà nghiên cứu truyền thông địa phương ở Nairobi đã trả lời ngắn gọn như vậy khi tôi hỏi về lý do khiến người dân Kenya đã tỏ ra cực kỳ phấn khích khi cầm lá phiếu trên tay để quyết định vận mệnh của bản hiến pháp mới. Họ hy vọng đây là cột mốc để có thể thay đổi hoàn toàn tương lai vận mệnh của đất nước, và dĩ nhiên cả số phận của họ.

Có rất nhiều người dân không biết chữ, nên thế kỷ 21, Kenya vẫn còn những người đi bỏ phiếu bằng cách chỉ điểm. Nhưng có sao đâu, khi họ biết chắc những lá phiếu của họ  thực sự có tiếng nói và có ảnh hưởng. “Tôi cố gắng làm mọi cách để có thể bỏ phiếu về bộ luật cơ bản và quan trọng nhất này, nhưng người Kenya ở nước ngoài vẫn chưa thể thực hiện quyền công dân của mình” –  Grace  nói. Chị đang học ở bang California, Mỹ, nhưng chị mở Internet  hang giờ để theo dõi diễn tiến bầu cử, và sẵn sàng nói chuyện hàng giờ với những người chị quen về tình hình chính trị Kenya.

Người Kenya hiểu rằng khi họ đưa ra ý kiến về 1 bản hiến pháp mới, đó là 1 cách thay đổi  cực kỳ lớn lao, cho dù về cơ bản, vẫn cần có thời gian trả lời hiệu quả thực sự của đạo luật viết trên tờ giấy.   “Thay đổi hiến pháp, trong trường hợp này với Kenya là bước đi vô cùng quan trọng. Người dân đang bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý với những điều luật cho phép hay không cho phép chính phủ làm điều gì đó. Khi chính phủ đưa ra bản hiến pháp mới để trưng cầu dân ý, giống như họ đồng ý cho người dưới quyền trói mình lại, và cho dù sau này, dù họ có dung quyền lực buộc người kia cởi mình ra, người kia cũng không bao giờ được phép cởi để duy trì luật pháp” – một giáo sư về khoa học chính trị tại Stanford nói.

Những người phụ nữ tham gia chiến dịch vận động thông qua bản hiến pháp mới tại Nairobi. Sau rất nhiều nỗ lực, cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra trong hòa bình tại nền kinh tế lớn nhất đông Phi. Ảnh: Noor Khamis/Irish Times

Không phải ngẫu nhiên Kenya trở thành tâm điểm thế giới theo dõi. Bản hiến pháp mới cho phép luận tội tổng thống, các nghị sỹ buộc phải trả lời các câu hỏi xuất phát từ các cử tri, ủy ban về đất đai được phép xem xét lại lịch sử của các vụ việc bất công, các quyền của người dân được mở rộng,cải cách hệ thống tòa án.

Kenya đã trải qua những cột mốc để đạt tới thời điểm ngày 5-8. Cuộc bầu cử năm 2007 là một cơn đại phẫu thuật cho nước này, khi kết quả bầu cử bị cáo buộc là gian lận đã  đưa Kenya tới bờ vực của nội chiến, hơn 1.000 người thiệt mạng trong giao tranh giữa phe bảo vệ chính phủ và những cử tri cho rằng lá phiếu của mình đã bị “ăn cướp trắng trợn”. Hiến pháp mới là 1 phần của thỏa thuận hòa bình được chính phủ và lực lượng thách thức  ký kết sau khi Liên hợp quốc can thiệp. Chiến dịch vận động cho bản hiến pháp mới cũng không  yên ổn khi 6 người đã chết vì đạn cối. Cựu Tổng thống  Daniel Arap Moi, người đã nắm quyền 24 năm, đã sử dụng vũ lực để buộc người dân không thông qua bản hiến pháp mới, với lý do bản hiến pháp được “người ngoài” viết và sẽ khiến gây căng thẳng sắc tộc.

“Nhưng Kenya làm gì có nhiều bộ tộc?” – Grace nói – “Kenya chỉ có những người giàu thật giàu, và nghèo thì vô cùng nghèo”. Khi  người dân Kenya đi bỏ phiếu, Daniel Arap Moi mới là người lo lắng, vì những tài sản đất đai khổng lồ của ông ta sẽ chính thức bị điều tra. Dĩ nhiên đi cùng đó là những “bộ sậu” đã nhận được ưu đãi lớn từ ông.

Liệu hiến pháp mới là bước đi mới, hay là phát súng đầu tiên gây bạo loạn cho cuộc bầu cử tới vào năm 2012? Các ông nghị ở Kenya đã tự mình thông qua luật cho phép mình nhận mức lương mà các ông nghị ở Mỹ cũng thèm muốn. Họ sẽ bị “trói chân tay” nếu bản hiến pháp được thông qua.

Báo chí thế giới đăng tải người Kenya xếp hàng dài đợi đến 5 tiếng đồng hồ để bỏ phiếu. Ở những khu ổ chuột tại thủ đô Nairobi, người ta xếp hang từ 3 giờ sáng. Kết quả ban đầu cho thấy, có 64% những người đến bỏ phiếu đã đồng ý thông qua bản hiến pháp, trong khi 36% nói không.

Bản hiến pháp cũ của Kenya được viết sau khi nước này dành độc lập năm 1963 từ Anh, đã cho Tổng thống quyền lực lớn. Quyền lực đó sẽ giảm rất nhiều nếu hiến pháp được thong qua, với nhiều cơ chế kiểm tra chéo, trách nhiệm phải giải trình trước cử tri được thiết lập, những lực lượng than quen với Tổng thống từ trước tới nay được ưu đãi sẽ không dễ nhận ưu đãi nữa. Như vậy, 1 trong những điều kiện quan trọng của thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Tổng thống  Mwai Kibaki và Thủ tướng  Raila Odinga để chấm dứt bạo lực  2007-08 đã diễn ra.

Liệu Kenya có chấm dứt hang thập kỷ của nạn tham nhũng, điều hành của chính quyền kém cỏi, dịch vụ công nghèo nàn, và quyền lực tập trung quá nhiều vào 1 nhân vật  hay không? Cơ hội sẽ thế nào?  “Hiến pháp mới chẳng phải cái chổi thần” – như  Maina Kiai, cựu Chủ tịch Ủy ban quốc gia về nhân quyền Kenya nói với New York Times – “nhưng là cơ hội để bắt đầu 1 chương mới đang được chờ đợi từ lâu.” “Tầm nhìn 2030” – tham vọng “ngồi cùng mâm” với những con hổ kinh tế châu Á mà chính phủ Kenya thông qua năm 2007, có thể  thực hiện được hay không cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào bản hiến pháp này, khi nó đòi hỏi chính phủ phải điều hành minh bạch và giải trình các hoạt động của mình nhiều hơn với cử tri Kenya.

Phút chót, người dân Kenya đã bỏ phiếu thông qua hiến pháp mới trong hòa bình. Grace đã nhảy múa và cười sung sướng suốt mấy ngày sau đó.