Cơ hội cho báo chí trong thời kỹ thuật số

Nội dung dưới đây được tôi chia sẻ trong Diễn đàn báo chí trực tuyến “Thực hành báo chí bền vững trong bối cảnh số hóa”.

Có một người bạn nói với tôi gần đây rằng: Giờ đây, báo chí không có doanh thu từ quảng cáo, mà từ những bài PR.

Đó có thể không phải là toàn bộ bức tranh, nhưng cũng không quá xa thực tế. Theo những chuẩn mực của báo chí chuyên nghiệp mà chúng ta dạy và học trong trường, bài PR hay bất kỳ cách thức quảng cáo nào đều không sai, miễn là nó không khiến cho người đọc hiểu nhầm đó là nội dung do bộ phận biên tập nội dung (editorial) thực hiện một cách độc lập. Đây là một khái niệm mà báo chí phương Tây tuân thủ và cổ súy. Dĩ nhiên, khi chuyển qua các thị trường đang phát triển, điều đó sẽ có những điều chỉnh thay đổi.

Báo chí chuyên nghiệp khác với các cách truyền đạt thông tin khác ở đặc điểm “độc lập”, “không thiên vị”, “công bằng”, “khách quan”. Việc dán nhãn nội dung hoặc không dán nhãn nội dung là quảng cáo; khiến người đọc, người xem hiểu sai, lẫn lộn giữa nội dung được thực hiện độc lập và nội dung quảng cáo, trong ngôn ngữ chuyên ngành gọi là mislabelling.

Continue reading

Khi chiếc áo trên người quá rộng: Chỉ là một quả flop mà thôi!

Cả tuần nay phát ngôn của một hoa hậu trẻ tuổi rất gây tranh cãi. Cô bé mới đeo lên đầu chiếc vương miện, rồi lập tức trở thành tâm điểm chú ý của công chúng, ban đầu có vẻ tích cực, rồi sau đó ào ào như thác đổ, xấu hơn. Chưa bao giờ trong đời mình cô chợt thấy sao nhiều người hò nhau vào ghét mình quá. Mình có làm gì đâu? Chỉ là trả lời đúng như những gì mình nghĩ. Không dòm bài ai, không sao chép ai. Rất tự tin và còn chính xác! Sao xã hội vẫn kêu gọi loại bỏ văn mẫu trong trường học, mà mình vừa trả lời chệch đường ray một cái đã bị thổi còi ngay. Thật khó hiểu cho xã hội quá. Hihi.

Nhiều bậc cha chú phân tích mọi lời lẽ của cô và phán xét nhận định dựa trên những nguyên tắc hành xử đạo đức bình thường của một xã hội. Rất tiếc, chúng ta đang không sống trong sự bình thường ngày xưa. Cuộc sống ngày nay đã quá khác xa rồi.

Khác thứ nhất, là chúng ta có vô số cuộc thi hoa hậu và người đẹp. Nhiều đến mức ta chưa kịp nhận ra hay nhớ tên người này thì đã có người khác nổi lên. Sóng sau xô sóng trước. Cô nào cũng phải cạnh tranh để gây chú ý. Càng xì căng đan càng gây chú ý. Càng nhiều click, nhiều view, thì càng có hợp đồng quảng cáo, lợi ích tài chính đi kèm. Phải làm gì đó để gây chú ý, nếu không ta sẽ không là ai cả. Rất là áp lực. Người thường không thể hiểu nổi, rằng nếu không có xì căng đan thì TikTik lấy gì để đăng, TikTiker lấy gì để xem, để chơi, để cười nhạo, báng bổ. Khi chị Moon thì đã lâu không nhìn thấy và chị đúng gật sai cãi đang tạm đi bổ cau trong phòng có bảo vệ bên ngoài.

Khác thứ hai, các cuộc thi hoa hậu và người đẹp là một sản phẩm kinh doanh của một công ty/tổ chức giải trí vì lợi nhuận. Chiếc vương miện chính là giải độc đắc mà bất kỳ người tham dự nào cũng mơ ước. Bạn có thể chọn làm Thúy Kiều hay Thúy Vân. Thúy Kiều để bị ghen và Thúy Vân để được yêu mến. Nhưng thôi nghĩ gì cho mệt não, nào cùng xông ra để chứng minh và được công nhận về hình thể trời ban (và có thể cả do tập luyện), và được công nhận về trí tuệ (biết đâu đấy các cô lại có rất nhiều). Khi là sản phẩm của một bộ máy, các cô phải tạo ra lợi nhuận. Không ai lại làm mà không vì lợi nhuận, hay vì lợi ích sau này để biến thành lợi nhuận. Do đó, các cô nằm trong một bộ máy được vận hành trơn tru để đưa các cô vào spotlight, bằng vô số các phỏng vấn, nội dung đáp ứng nhu cầu giải trí của số đông đang đói khát quá, để đám đông tạm quên đi những bức bối của thời đại, mối lo lắng mất việc, giảm thu nhập, ô nhiễm, chiến tranh, bệnh tật…vô số những khổ sở của con người. Công cụ truyền tin giờ đã có sẵn, giá rất rẻ, mọi lúc mọi nơi, từ giường ngủ tới phòng ăn, tới túi đựng đồ trang điểm. Các cô phải livestream đều đặn, nói chuyện gì đó ai mà biết được với những người đang theo dõi mình vốn rất rảnh, vì nếu không, họ quay sang xem người khác hi hi. Số đông không cần gì nhiều, chỉ cần cười cợt, chỉ trỏ, chê bai, khen ngợi gật gù, lên đồng. Bất kỳ phản ứng nào, miễn là có phản ứng, càng điên cuồng càng tốt, công ty sẽ thắng lợi.

Continue reading

Những đường biên cần vạch rõ

Tôi là người rất nhạy cảm. Dù ở tuổi này, nghĩ mình đã có những thời giờ tu tập tâm thân, thì chắc sẽ không bị tác động quá lớn của những năng lượng xấu. Nhưng hóa ra không phải. Hóa ra tôi vẫn có thể phát ốm theo đúng nghĩa đen sau khi gặp 1 người, hay ngồi nói chuyện với 1 người mà năng lượng họ quá xấu đến mức tôi run rẩy.

Một lần là gặp một cô gái, ngồi nói chuyện về một việc mà cô ấy quan tâm. Chuyện cũng không có gì phức tạp. Chỉ là sau 30 phút, tôi phải đứng lên tạm biệt, rồi lảo đảo ra về. Bám tường đi lên văn phòng, rồi tim đập thình thịch về nhà, nằm vật ra giường. Hôm sau ở sân bay, ăn một tô phở mà cầm thìa múc đồ ăn lên mà run run. Mấy ngày sau mới hết.

Continue reading

Hồi hương bộ sưu tập sơn mài của họa sỹ Trần Phúc Duyên

Hơn 20 năm kể từ khi nằm lặng lẽ trên căn gác xép của lâu đài Jegenstorf ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sĩ, di sản khoảng 300 tác phẩm, hiện vật, tài liệu, sổ sách của họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) cuối cùng đã trở về Việt Nam.

Một phần trong số đó lần đầu tiên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật tại quê hương ông từ ngày 21-7-2023. Tất cả bắt đầu từ một chữ “Duyên” kỳ diệu và hành trình hồi hương bộ sưu tập kéo dài 5 năm của hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (Phạm Lê Collection).

Xem tiếp tại đây