Những đường biên cần vạch rõ

Tôi là người rất nhạy cảm. Dù ở tuổi này, nghĩ mình đã có những thời giờ tu tập tâm thân, thì chắc sẽ không bị tác động quá lớn của những năng lượng xấu. Nhưng hóa ra không phải. Hóa ra tôi vẫn có thể phát ốm theo đúng nghĩa đen sau khi gặp 1 người, hay ngồi nói chuyện với 1 người mà năng lượng họ quá xấu đến mức tôi run rẩy.

Một lần là gặp một cô gái, ngồi nói chuyện về một việc mà cô ấy quan tâm. Chuyện cũng không có gì phức tạp. Chỉ là sau 30 phút, tôi phải đứng lên tạm biệt, rồi lảo đảo ra về. Bám tường đi lên văn phòng, rồi tim đập thình thịch về nhà, nằm vật ra giường. Hôm sau ở sân bay, ăn một tô phở mà cầm thìa múc đồ ăn lên mà run run. Mấy ngày sau mới hết.

Về sau, tôi tự lý giải rằng cuộc nói chuyện đã cho tôi thấy sự phi lý của cuộc đời. Sự phi lý quá lớn. Tôi thấy một con người được vô số blessing của cuộc đời. Vô số điều thuận lợi, và thấy cô ấy cứ chấp chới bay trên không trung, không hiểu mình là ai, không biết mình muốn gì. Trong khi đó, ngoài kia, có biết bao nhiêu người chỉ mong có được 1 phần nhỏ sự may mắn phúc lành của cô ấy. Khi đó tôi có lẽ thấy thất vọng, thấy kinh hãi trước những sự phi lý của cuộc đời. Mà cuộc đời dĩ nhiên là phi lý.

Rồi một lần khác tôi cũng bị ốm tương tự khi phải trò chuyện với một người đàn ông mà nếu bình thường, có lẽ mình sẽ không đủ kiên nhẫn để đứng nói chuyện. Với những lời lẽ và cách hành xử không lấy gì làm lịch duyệt của anh ta, tôi tự hỏi tại sao mình phải ngồi cạnh lâu đến thế. Nhưng cuộc sống có những lúc mình không làm theo ý mình được, vì một bối cảnh chung. Rồi tôi cũng phát ốm lên sau cuộc trò chuyện đó. Đến nỗi ngày hôm sau, tôi phải đi bộ một quãng đường thật dài để detox những xúc cảm trong con người mình. Chỉ có những bước chân mới dứt tôi ra khỏi những rung động giác cảm không hề tích cực gì từ con người ấy.

Cuộc đời chúng ta không phải lúc nào cũng được lựa chọn, nhưng có lẽ nên vạch rõ những đường biên, để không rơi vào những hoàn cảnh phát ốm như tôi.

Đó là những đường biên đơn giản, bằng cách chúng ta xác nhận được lý lẽ để ở nơi đó, có mặt và engage vào một bối cảnh nào đó, với con người hay sự việc nào đó. Hãy đừng tự dối lòng, tự phỉnh dụ, tự cố tình quay lưng trước một sự thật. Hãy tin vào con tim của mình và trực giác của mình. Chúng không biết nói dối. Việc của chúng là làm cho ta hạnh phúc và thoải mái.

Tôi thích: Đó có thể là con người, sự việc, bối cảnh khiến ta thoải mái. Ta có thể ở lại lâu hơn.

Tôi không thích: Có thể tùy chọn ở lại hay đi, nhưng không thích là không thích.

Nó làm tôi thấy không thoải mái: Đây có thể là chủ đề khiến ta đỏ mặt, chủ đề vớ vẩn, tasteless, nằm ngoài trường quan tâm của mình. Ta có thể đứng lên, đi ra ngoài, tránh mặt, đeo tai nghe, tìm sự chú tâm khác nếu không thể rời đi.

Tôi không chấp nhận việc đó/ tolerate: Việc này có nghĩa là đi đối ngược với những niềm tin, giá trị, cách hành xử thông thường của mình. Như trắng và đen. Có lẽ rời đi nếu không thể nói thẳng.

Điều này quan trọng với tôi: Hãy thể hiện sự quan tâm và khích lệ với những gì đang diễn ra.

Nghe có vẻ hay: Hãy thể hiện sự hứng thú.

Đây là thứ tôi muốn: Đừng ngại thể hiện, tìm được thứ mình muốn mới khó làm sao. Thử suy nghĩ xem mình có thể vun trồng xây đắp nó thế nào.

Đây là con người tôi: Tìm được chính mình thật là hạnh phúc.

Sự trưởng thành là sự tự tin không đưa ra ý kiến của mình với rất nhiều thứ trong cuộc sống. Vì rất nhiều thứ ta không thể kiểm soát. Những thứ ngoài thân ta, trí ta, đời ta.

Comments