Văn hóa Nhật

Chỉ trong nguy nan mới biết vàng thau. Sự bình tĩnh của người dân Nhật đang khiến cả thế giới ngả mũ thán phục.  Nếu như nước Nhật đang mất mát quá nhiều, thì điều được nhất, chính là việc chưa bao giờ tinh thần Nhật, văn hóa Nhật lại được mổ xẻ, phân tích và ca ngợi như hiện nay.

Rất nhiều các quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ, đã được nghiên cứu và phân tích bởi các học giả Tây phương. Nhiều quan điểm được chia sẻ. Nhưng có 1 điều rõ: dù châu Á, trong đó có Ấn Độ, có nhiều điểm chung, chia sẻ nhiều giá trị châu Á với người Nhật, thì tính kỷ cương, kỷ luật tập thể, và tinh thần vì cộng đồng trong tình huống khẩn cấp là không có. Tính cách điển hình của một số dân tộc châu Á khác là thói quen truyền bá tin đồn gây sợ hãi và lo lắng cho người khác. Các quốc gia khác cũng có xu hướng mê tín hơn là phân tích logic.

Nếu chúng ta xếp hạng một xã hội phản ứng như thế nào trước một thảm họa, họ gắn kết như nào, thì rõ ràng, thế giới có thể cho Nhật Bản điểm A+.  Bạn có nhận thấy những tính cách mà người Nhật đang cho thế giới thấy không tồn tại ở bất kỳ một quốc gia hùng mạnh và rộng lớn nào khác không? Thế giới thấy tính cách khắc kỷ đó, nhưng với người Nhật, chuyện đó không có gì đặc biệt. Văn hóa Nhật bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: tài nguyên hạn chế (Chỉ bằng 1 bang California của Mỹ và 73% diện tích là núi đồi); Mọi thứ đều bé nhỏ. Vì vậy, cách sống hòa quyện cộng đồng là rất quan trọng. Không làm ồn, ảnh hưởng tới người khác. Nhưng cũng là nước giàu có, Nhật Bản có những quy định rất nghiêm khắc về hàng hóa tiêu dùng nên mọi thứ đều có giới hạn và đắt đỏ; Thiếu diện tích, không gian, mọi thứ đều tiện lợi, nhỏ gọn. Chủ nghĩa tiêu dùng tồn tại, nhưng người dân sẽ không mua quá nhiều vì không có chỗ để.

Người Nhật đã quen với thảm họa. Họ chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ: Ăn những cục cơm mặn gói bằng tảo biển đã được chuẩn bị từ trước; Không ai phàn nàn. Văn hóa Nhật khuyến khích sự hợp tác và không thích hành vi tư lợi. Nhưng giá trị mà phương Tây tôn sùng như tính tự quyết, cá nhân là trên hết, độc lập, và chỉ có ta mới là “rốn của vũ trụ” đều không phải là giá trị Nhật.  Điều quan trọng nhất trong văn hóa Nhật là tập thể, chứ không phải cá nhân. 

Tính cách của dân tộc sẽ định hình số phận dân tộc đó. Người Mỹ nổi tiếng với sự sáng tạo, suy nghĩ độc lập nên đã đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc. Tinh thần quả cảm của người Nhật sẽ giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn hiện nay. Họ sẽ fukutsu no seishin (Không bao giờ đầu hàng)!  Trong tình thế dường như bất khả kháng gồm động đất, sóng thần, hạt nhân, bão tuyết, lạnh giá, họ vẫn giữ được sự tự trọng, tự giác, lịch sự để cùng nhau vượt qua khó khăn. Trong những sự khó khăn nhất, họ vẫn giữ được phẩm chất mà loài người, dù dân tộc văn minh hay không cũng đều đặt lên hàng đầu. Họ đã mất mát nhiều, nhưng tinh thần, di sản văn hóa, và lòng tự trọng thì vẫn còn nguyên.  

Kiểm soát khủng hoảng cũng là một chức năng trong hành vi văn hóa. Trong khi xây dựng các tòa nhà chống động đất, đảm bảo độ an toàn của các con đập và nhà máy điện hạt nhân là quan trọng, thì cách ứng xử trật tự của cộng đồng trong tình huống căng thẳng lại càng vô cùng quan trọng. Các nhà lãnh đạo trên thế giới sau khi nhận thấy những lợi ích to lớn từ cách người Nhật ứng xử trong khủng hoảng, bắt đầu nghĩ tới việc làm thế nào để người dân nước mình cũng được như người Nhật, dù chỉ một phần nhỏ. Những nhà hoạch định chính sách cần phải thiết kế các kế hoạch lâu dài để làm thế nào xây dựng được văn hóa quốc gia như thế.

Bạn có thể nghĩ tới việc người Nhật tự sát rất nhiều, không chịu đẻ, dân số già, con gấu ngủ đông….Còn nhiều cách để nhìn một quốc gia…Bạn có thể mơ ước mình được sinh ra trong một xã hội văn minh…

Nhật Bản – Văn hóa tĩnh lặng

Chào các bạn,

Sự tỉnh táo và bình tĩnh của dân Nhật trước biến cố động đất và tsunami lớn nhất lịch sử nước Nhật là một biển hiện rõ ràng cho cả thế giới hiểu văn hóa tĩnh lặng là gì, và điều gì làm cho Nhật trở thành siêu cường.

Đây không phải là điều gì mới lạ. Tất cả các võ gia trong thiên hạ đã biết đến điều này cả ngàn năm nay. Muốn chiến thắng địch thủ thì tâm phải tĩnh lặng. Khi đánh nhau người ta đánh bằng đầu, tay chân chỉ là phụ họa. Một đầu óc tĩnh lặng luôn luôn tính toán thông minh và chính xác. Một đầu óc căng thẳng, giận dữ, buồn nản, kinh hãi… nói chung là xung động, thì không thể tính toán tốt.

Nếu các bạn xem đấu võ đài. Thông thường thì chưa đấu bạn đã đoán được khá chính xác là ai thắng ai thua, chỉ bằng nhìn vào mắt và dáng điệu của người đó—tĩnh lặng và tự tin hay hùng hổ và thiếu tự tin. Nếu không nhận ra khi chưa đấu, có thể sau một hồi đấu điều đó sẽ lộ ra rất rõ trong mắt và trong tay chân. Và đọc Đông Châu Liệt Quốc hay Tam Quốc Chí các bạn thấy các tướng ngày xưa chiếm thành bằng các biện pháp đọc nghe như trẻ con nhưng rất hiệu quả–chọc cho tướng trong thành nổi giận bằng cách cho binh sĩ ngày đêm chửi bới tướng trong thành và cả 5 đời gia tộc nhà hắn là hèn nhát như con rùa rút đầu, hay làm cho hắn căm phẩn bằng cách mang vợ con hắn ra giết trước thành… Trẻ con nhưng rất thường thắng, vì rất hiệu quả để làm cho trái tim chúng ta bị xung động.

Người ta nói đời là tranh đấu. Không hẳn là tranh đấu với địch thủ như võ sư, nhưng chính là tranh đấu với xung động của mình—giận dữ, buồn nản, tuyệt vọng, chán ngán, kiêu căng, sợ hãi, lạc lỏng… Và đã nói đến tranh đấu là ta nói đến quyền lực tối cao của trái tim tĩnh lặng.

Và ta không chỉ nói đến cá nhân ta. Một dân tộc có nhiều công dân tĩnh lặng là một dân tộc chiến thắng, hùng cường, vô địch.

Mỗi người chúng ta hàng ngày đối diện với thử thách bên ngoài—khó khăn công việc, thi cử, tiền bạc, bệnh hoạn, tình ái—và thử thách bên trong—lo sợ, giận dữ, băn khoăn. Nếu chúng ta tĩnh lặng chúng ta sẽ chiến thắng, sẽ thành công. Không nhất thiết là thắng mọi trận đụng độ, nhưng kết quả phải là toàn thắng cả cuộc chiến. We don’t necessarily win every battle, but we will win the war.

Và nếu quốc gia chúng ta có đại đa số công dân tĩnh lặng như thế, quốc gia chúng ta sẽ thành hùng cường.

Điều này chúng ta đã lập đi lập lại quá thường xuyên trên ĐCN. Quốc gia chỉ là những cá nhân họp lại mà thành. Quốc gia không thể tự chính nó tĩnh lặng, quốc gia chỉ tĩnh lặng khi đại đa số dân của quốc gia tĩnh lặng.

Trong cái họa có cái phước. Trong hiểm họa chết chóc của nước Nhật, chúng ta có bằng chứng trước mắt để chiêm nghiệm về đức bình tĩnh của dân tộc của một đại cường, và tự hỏi “Đâu là nhân đâu là quả?”–cường thịnh tạo ra tĩnh lặng, hay tĩnh lặng tạo ra cường thịnh?

Và tự hỏi thêm: Làm sao cho tôi tĩnh lặng? Làm sao cho dân tộc tôi tĩnh lặng?

Chúc các bạn một ngày yên tĩnh.

Mến,
Hoành

Link