“Tôi sợ đến bình minh”

Đọc bài viết này của một đồng nghiệp và cảm thấy nhiều điều chia sẻ. Ngoài công việc ở TTXVN, và các việc bí ẩn khác, anh là sáng lập và điều hành trang web vietnamjournalism.com – một trang web được khá nhiều người làm báo ở VN quan tâm vì nó mở ra các lối đi cho một nền báo chí khỏe mạnh về cách điều hành và tác nghiệp trong báo chí.


Anh viết rằng:


“Nửa tháng, gần 400 giờ và hơn 22.000 phút. Quãng thời gian nằm viện duy nhất và dài nhất trong đời tôi cho tới nay. Tôi như đang như một kẻ phóng xe như gió trên đường cao tốc bỗng đạp phanh dừng lại.

Có chút gì đó chống chếnh, nhưng cũng là cơ hội để tôi ngẫm lại những việc đã làm, những chặng đã đi qua. Và tôi chợt thấy sợ một điều.

Giữa những cơn sốt miên man, giữa những dây nhợ y tế lằng nhằng và tiếng lanh canh của panh, của kéo, của những lọ thuốc kháng sinh, giữa những bóng áo blouse trắng bồng bềnh chạy đi chạy lại, tất cả những gì tôi nghĩ đến lại chỉ là những năm tháng trong nghề.

Và tôi khó hiểu khi bản thân mình cố gắng, nhiều người xung quanh cũng cố gắng, vậy mà chúng tôi cứ như thể cứ đi mãi và không thoát nổi những khúc quanh.

Công việc đầu tiên của tôi trong nghề báo là ở một bộ phận trực tin thế giới. Có thể nói hồi đó, chúng tôi gần như là những người đầu tiên ở Việt Nam biết được những sự kiện xảy ra bên ngoài đất nước.


Sự kiện dồn dập kiểu chiến tranh vùng Vịnh hay vụ Liên Xô sụp đổ hay thậm chí là những giải bóng đá cuốn chúng tôi đi suốt đêm ngày, các biên tập viên làm việc với những chiếc máy chữ cọc cạch và sự thiếu thốn đủ đường, tin tức được “sản xuất” ra hằng ngày nhanh nhưng khá đơn giản.


Giờ đây, khi kỹ thuật tiên tiến hơn nhiều và một lực lượng trẻ có vẻ năng động hơn nhiều, tôi vẫn không dám nói rằng chất lượng bản tin hôm nay hơn hẳn 20 năm về trước.

Sự khác biệt lớn nhất là nay tin được phát liên tục lên mạng trong ngày chứ không in thành 3 bản tin sáng, chiều, đêm như trước.

Ở một bộ phận khác nơi chúng tôi làm ra những bản tin tham khảo, hơn hai năm tôi và cả tập thể nỗ lực biến một bản tin nhạt nhẽo kém tính thời sự thành một bản tin chính trị-kinh tế nóng hổi, hoàn thiện vào đầu mỗi buổi chiều rốt cục trở lại thành con số 0 tròn trĩnh sau khi tôi chuyển sang đơn vị khác.


Người phụ trách mới lên thay chẳng thấy cần thiết phải tiếp tục đột phá làm gì, và kết quả là bản tin được “túc tắc” thực hiện đến tận lúc nhà nhà đã quây quần bên bữa cơm chiều.

Sáng sớm hôm sau, bản tin mới đến tay bạn đọc, chậm gần 2 ngày so với sự kiện quốc tế.

Tôi cũng từng tự hào đứng đầu một đơn vị biên tập tin được coi là “tiêu chuẩn” để nhiều ban biên tập tin khác trong cơ quan phải vì nể.

Một đội ngũ biên tập viên trẻ nhưng lành nghề, khả năng làm báo cực chắc chắn, tất cả lại đều được đào tạo bài bản về phương thức biên tập tin hiện đại, bao gồm cả kỹ năng về web và biên tập ảnh.

Chẳng còn gì phải lo!

Nhưng lại một lần nữa, khi tôi thuyên chuyển sang bộ phận khác, danh tiếng đó cũng mai một dần, tuy vẫn những con người đó tiếp tục đảm trách công việc đó.

Tôi không hiểu vì sao chất lượng đã đạt đến mức hài lòng – chưa dám nói đến hoàn thiện – lại có thể giảm sút đi nhanh chóng.

Không lẽ cả một tập thể đã được đào tạo chuyên nghiệp hôm qua vẫn có thể trở lại làm những anh nông dân chỉ cần làm hết phần việc của mình là rũ áo rửa cày đi về?

Không lẽ chỉ một người đứng đầu ngại khó lại có thể thay đổi cả một quy trình vốn mang lại những danh tiếng nhất định?

Suốt hai tuần tôi hầu như không ngủ bởi những trận sốt hầm hập suốt đêm.

Nhưng tôi lại sợ trời sáng, sợ bình minh đến báo hiệu một ngày như mọi ngày – lại truyền dịch, lại tiêm thuốc, lại nằm bẹp 8-9 tiếng đồng hồ trong ê ẩm, lại những cơn sốt nóng sốt lạnh liên tiếp đến kiệt người, và sợ nhất là khi tỉnh dậy xung quanh vẫn một màu trắng bất di bất dịch của bệnh viện.

Tôi cũng sợ khi ngày mới đến, vẫn chẳng có điều gì mới mẻ trong công việc của tôi. Nếu vậy, tôi sẽ có gì để nói sau 20 năm nữa!”


Loan viết: Tôi có thể chia sẻ rằng: Quản lý và lãnh đạo là hai công việc khác nhau hoàn toàn. Di sản của bất kỳ một nhà quản lý hay lãnh đạo nào, theo tôi, là khi ra đi, để lại đằng sau những người đủ tầm đủ khả năng để thay thế mình, tiếp bước tham vọng, sự nghiệp của mình chứ không phải là khoảng trống.


Một lãnh đạo ra đi và để lại câu bình luận: “Ông / bà đã để lại khoảng trống mà không ai có thể thay thế được”, theo tôi, là một lời chê bài và chỉ trích hơn là một lời khen.


Tôi cũng cho rằng, anh hiểu lý do dẫn đến việc “Chất lượng đã đạt đến mức hài lòng – chưa dám nói đến hoàn thiện – lại có thể giảm sút đi nhanh chóng.

Không lẽ cả một tập thể đã được đào tạo chuyên nghiệp hôm qua vẫn có thể trở lại làm những anh nông dân chỉ cần làm hết phần việc của mình là rũ áo rửa cày đi về? Không lẽ chỉ một người đứng đầu ngại khó lại có thể thay đổi cả một quy trình vốn mang lại những danh tiếng nhất định?”

Anh hiểu chứ, nhỉ?


(Bài viết 14.07.2008 09:45)