Nghề nghiệp: Làm mẹ

Bài viết này cho những người làm mẹ – nghề nghiệp mà không biết bao giờ tôi mới làm…

Photo source: WordandImage.ch
Photo source: WordandImage.ch

Trên mặt báo, những hàng chữ giản dị như bao nhiêu hàng chữ khác trong đoạn giới thiệu tên, nghề nghiệp và quốc gia của những người tham gia chụp ảnh trên trang 20-21 của tờ Daily Mail số ra ngày 3-1-2007.
Quốc gia: Antigua and Barbua; Tên: Chan Roberts; Nghề nghiệp: Quản lý

—-Myanmar —- Min Min San —nhân viên bưu điện
—–Mỹ – Lily Bloomingdale —-LÀM MẸ
Phải rồi, làm mẹ. Đó là một nghề! Từ lâu, ai cũng cho rằng thiên chức của phụ nữ là sinh con, làm mẹ. Đó là điều hiển nhiên, vì đàn ông không sinh con được. That is just the way it is.
Chín tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau. Người phụ nữ mang chiếc bụng kềnh càng khi đi lại, nặng nề khi ngồi xuống. Người họ to ra, eo iếc mất tiêu hết, da dãn nở ra, gương mặt to ra, bắp chân to ra, nhiều người cắt tóc ngắn đi, mặt tròn như cái đĩa. Trong ánh mắt họ là sự tự hào, là niềm vui, là nỗi lo lắng và hồi hộp đón đứa con yêu thương của mình sắp chào đời. Họ hãnh diện nữa, vì họ sắp có con.
Rồi họ sinh con.

Đứa con nào cũng có mẹ.
Nhưng không phải ai cũng biết làm mẹ.
Không phải ai cũng biết làm mẹ một cách chuyên nghiệp.
Trên bức ảnh, bên cạnh 110 người khác, chị Lily Bloomingdale trông rất xinh đẹp và rạng rỡ.
Người khác là sinh viên, nhân viên, bồi bàn, luật sư, banker, giám đốc…chị là MẸ.
Chắc hẳn chị có nghề nghiệp và chuyên môn khác, nhưng chị không viết vào.
Vì sao chị lại viết nghề nghiệp của mình như vậy.
Thử lật lại xem vì sao chị lại không viết thế khác.
Chắc chị cũng giống như những bà mẹ khác.

Bế ẵm con, cho con bú. Nâng giấc con khi con mới “ra lò” chưa quen với cuộc sống nắng gió và nhiều điều bất trắc.
Cặm cụi rã ruốc (trà bông) cho con khi con sắp đi du học. Nơi đất khách quê người, những ngày đầu lạ lẫm, mẹ lo con chưa tìm được thức ăn hợp khẩu vị nên chuẩn bị sẵn món cho con.
Nhắc con mắc màn và đi ngủ sớm để mai đi làm.
Hâm cơm và thức ăn nóng cho con khi con đi làm về muộn. Nấu món khác cho con nếu hôm đó trở giời con không thích ăn những thứ đó.
Nhắc con đeo găng tay và bịt mặt khi ra đường vì trời nắng và gió, sợ con đen, xấu (mặc dù con xấu sẵn rồi. He he).
Hỏi con thích ăn gì để mẹ mua. “Ăn tôm to và cua mẹ ạ.”
Ngồi nghe con kể chuyện.
Thi thoảng con nói năng không giữ ý tứ, thi thoảng lại cãi lại “trứng khôn hơn vịt”, mẹ bỏ qua.
Nói chung, bà mẹ nào cũng thế. Tình yêu bao la dành cho những đứa con. Với họ, các con luôn bé bỏng, cần được chăm sóc, chở che. (mặc dù ra đường cũng đầu gấu lắm, về nhà thì vẫn rúc ti mẹ)

Những người phụ nữ học cách làm mẹ từ chính mẹ của mình. Người con gái chịu ảnh hưởng rất lớn từ người mẹ của mình. Nếu người mẹ đảm đang, hiền thảo, thuỷ chung, dịu dàng, tốt bụng, người con gái sẽ hưởng những nết đấy. Nếu người mẹ ghê gớm, người con gái (và cả con trai nhá!), sẽ không có đức tính vị tha và chia sẻ.
Bởi vậy, làm mẹ tốt là rất quan trọng. Có mẹ tốt, người con sẽ có nhiều cơ hội trở thành người tốt.
Ở các nước phát triển, người phụ nữ khi sinh con được ở nhà chăm con, nhận trợ cấp xã hội để tập trung nuôi con cho tốt.

Họ tham gia vào các khoá bồi dưỡng cách chăm sóc và nuôi dưỡng con.
Họ tập trung vào một việc.
Họ được trả tiền cho việc đấy. Họ phải làm tốt việc đấy. Vì vậy, đó là nghề của họ.
Họ có quyền tự hào về điều đấy.
Hãy hình dung, một ngày nào đó, tất cả các bà mẹ biến mất.
Tất cả mọi người sẽ bơ vơ trên thế giới.
Tôi cũng thế.
Vì vậy, một ngày nào đó, có ai đó hỏi tôi rằng: “Mẹ bạn làm gì?”

Tôi sẽ trả lời rằng: “Mẹ tôi LÀM MẸ.”