Kim Jong Il

Bị truyền thông thế giới mô tả  là “lập dị”, “khùng”, trong khi báo chí cũng như người dân trong nước gọi là “lãnh tụ yêu quý”, nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã sử dụng kỹ năng chính trị để duy trì quyền lực với hiệu quả khó có thể phủ nhận.

Ông tiếp quản vị trí lãnh đạo từ cha mình – nhà sáng lập CHDCND Triều Tiên – bằng cách sử dụng các phương pháp tuyên truyền, các hoạt động đầy bí ẩn được huyền thoại hóa cùng lực lượng quân đội khổng lồ.

Báo chí thế giới cho rằng, các chi tiết liên quan tới ông Kim đều mang tính “phỏng đoán”, từ ngày sinh, nơi sinh và các sự kiện đưa ông lên làm lãnh đạo và duy trì sức mạnh cầm quyền đến nay. Người dân gọi ông là “lãnh tụ yêu quý”, “người kế tục vĩ đại sự nghiệp cách mạng”, trong khi gọi cha ông là Kim Il-sung là “lãnh tụ vĩ đại”.  Ở tất cả các gia đình hay các cơ quan nước đều treo trang trọng bức chân dung của ông bên cạnh cha mình. Khắp nơi mọi chốn đều treo các khẩu hiệu ca ngợi hai cha con.

Dáng người thấp đậm, báo chí thế giới hay mô tả ông thích đi giày lót đế để tăng chiều cao, chuộng đeo kính mát quá cỡ so với mặt. Ông rất thích điện ảnh, và từng bắt cóc cặp diễn viên, đạo diễn Hàn Quốc năm 1978 để yêu cầu giúp để vực dậy nền điện ảnh nước nhà. Cặp vợ chồng diễn viên, đạo diễn Choi En-hui và Shin Sang-ok sau đó đã mô tả ông Kim là người thông minh, nhưng “không có cảm giác mình đã làm việc có tội vì vốn được sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy”. Ông có  bộ sưu tập 20 ngàn đĩa phim nước ngoài, trong đó có đủ bộ James Bond.

Cho dù ông ít khi thấy thế giới bên ngoài (ngoại trừ Trung Quốc, Nga và Indonesia), các chính khách từng gặp ông đều cho rằng ông là người “am hiểu tình hình thế giới”.

Cựu Tổng thống Mỹ G.Bush gọi ông là “yêu tinh”, sách học của trẻ em Hàn Quốc vẽ hình ông Kim là con quỷ có sừng và răng nanh, nhưng những người đã từng gặp ông không giấu sự ngạc nhiên về ông. “Ông ta rất  hay nói” – Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo – hyun nhận xét sau khi gặp ông Kim ở Bình Nhưỡng năm 2007. “Và là người có phong cách và thái độ linh hoạt nhất ở CHDCND Triều Tiên”. Còn bà Wendy Sherman, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng phục vụ dưới thời Ngoại tưởng Madeleine K.Albright và tháp tùng bà tới CHDCND Triều Tiên nói năm 2008 nhận xét: “Ông ta thông minh, quan tâm tới mọi việc xung quanh, có kiến thức, tự tin, và chủ động trong mọi tình huống”.

Sử dụng con bài hạt nhân một cách thông minh, ông Kim đã duy trì được ảnh hưởng của mình và cân bằng vị trí trên bàn đàm phán với các bên, thậm chí còn vượt trội. Nói như GS Gramham Allison của ĐH Harvard (Mỹ): Khi người ta viết lại lịch sử thời này, điểm số sẽ là Kim: 8; Bush: 0”. Còn Alexander Mansourov, học giả về Triều Tiên và nhà cựu ngoại giao Nga cho rằng: “Tôi tin ông ta thông minh và thực tế.  Cũng có thể tàn nhẫn. Ông ta là người không để rơi vãi quyền lực cho những người quanh mình”.

Theo tài liệu của Triều Tiên, ông Kim sinh năm 1942 trong cabin tại một lán trại bí mật của du kích chống  Nhật đang nằm dưới sự chỉ huy của cha ông ở núi thiêng Paektu, CHDCND Triều Tiên. Truyền thông nước này cho biết, khi ông ra đời, có một ngôi sao sáng rực trên bầu trời, và cầu vồng xuất hiện. Ông chỉ là một cậu bé khi CHDCND Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, và cuộc chiến liên Triều bùng nổ những năm 1950. Không có nhiều chi tiết về thời điểm ông lớn lên, ngoại trừ thông tin chính thức là ông tốt nghiệp Khoa chính trị học và kinh tế học ở trường ĐH đặt theo tên của cha mình năm 1964. Ngay sau khi ra trường, ông Kim bắt đầu làm việc tại Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK). Năm 1973, ông được bầu làm Bí thư WPK. Khi còn ít tuổi, sáng sáng, ông đều đến vấn an cha, giúp cha đi giày cho tới khi được bầu vào Bộ Chính trị khi 32 tuổi, vào năm 1974.

Ông rất ít khi xuất hiện trước nơi công cộng hay phát biểu. Khi nói, ông có giọng cao, và vẻ hiền lành của cha mình. Theo Hwang Jang-yop, cựu thư ký WPK đã đào tẩu sang Seoul năm 1997, ngày  từ nhỏ, ông Kim con đã tỏ ra am hiểu về quyền lực. Tháng 8-1997, ông trở thành Tổng Bí thư WPK và đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên các khóa từ năm 1982 – 1998. Ông làm Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên từ tháng 12/1992 – tháng 4/1993.

Tiếp nối quan điểm lãnh đạo “tự lực tự cường” và độc lập, ông Kim là một trong những lãnh đạo bí ẩn nhất cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, lãnh đạo một đất nước cô lập về ngoại giao, suy sụp về kinh tế với 1/3 trẻ em bị đói.  Ông chết để lại một người vợ chính thức là Kim Yong Suk, 1 con gái và 3 con trai.

Chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Triều Tiên Andre Lankov nhận định: “Ông ta sẽ được nhớ đến như một người phải chịu trách nhiệm về những việc làm khủng khiếp nhất liên quan sự tồn tại của  một trong những nền độc tài  tồi tệ nhất trong lịch sử Triều Tiên và thế giới, ít nhất là trong thế kỷ 20 và 21”.

Vì sao báo chí phải nhập vai?

Một xã hội vận hành tốt cần các thành phần tham gia  có vai trò độc lập, bổ sung và đối lập nhau, bao gồm nhà nước, tổ chức dân sự, báo chí, nhân dân. Báo chí có vai trò độc lập, giám sát hoạt động của các thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào thông tin mang tính điều tra cũng dọn sẵn. Các nhà báo phải lăn lộn, mạo hiểm rất nhiều thứ, kể cả tính mạng của mình, để có được các thông tin hấp dẫn người đọc.

Có người nói rằng, tin tức là thứ mà ai đó, ở đâu đó, muốn che đậy, giấu giếm, đàn áp không cho xuất hiện, tất cả những thứ còn lại trên báo chí đều là quảng cáo.

Nhập vai là 1 kỹ năng trong báo chí điều tra. Tùy từng nước nhìn nhận và đánh giá kỹ năng này. Ở Bắc Âu có xu hướng cho rằng, báo chí tuyệt đối không nên có hành động khiến người khác sập bẫy, ví dụ, đề nghị hối lộ cho quan chức, rồi quan chức nhận hối lộ, rồi đăng tải lên đây là quan chức vô đạo đức. Tuy nhiên, Anh là nước rất thích kiểu nhập vai này. Cách nay không lâu, các quan chức nước này đã bị phát hiện sẵn sàng sử dụng sức ảnh hưởng của mình để làm lợi cho doanh nghiệp sau khi 1 nhóm nhà báo giả dạng là người môi giới, trả khoản tiền bộn cho các ông, rồi quay lại cảnh này bằng máy quay bí mật. Không ai thắc mắc về tính “đạo đức” của các nhà báo trong trường hợp này, vì họ đã thực hiện vai trò kiểm tra các quan chức, thay mặt dân chúng. Dù có bị bẫy hay không, các ông quan chức đó cũng không được làm điều mà họ đã làm. Nếu vì lợi ích công, hành động nhập vai này là hoàn toàn chấp nhận được.

Về nguyên tắc chung, các phóng viên phải công khai hoạt động của họ, tức giới thiệu giải thích…làm cho người mình tiếp xúc hiểu công việc đang được tiến hành, mục đích, yêu cầu…Tức là phóng viên phải công khai họ là ai. Tuy nhiên, phóng viên nhập vai lại khác. Họ có một số nguyên tắc cho phép họ nhập vai như sau:

1. Thông tin mà phóng viên muốn nhận được có ích cho xã hội, cho số đông, ví dụ như các vấn nạn xã hội (tham nhũng, bảo kê, hối lộ, làm sai, lạm dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm quyền con người)

2. Các biện pháp thu thập thông tin bình thường, công khai không đủ để họ có thể đạt được mục tiêu mong muốn, tức là họ biết có vấn nạn xảy ra, nhưng nếu không nhập vai thì họ sẽ không thể có được bằng chứng, hay thông tin.

3. Nếu họ nhập vai, nguy cơ đối với họ ở  mức có thể chấp nhận được.

4. Quyết định sử dụng các thông tin có được từ biện pháp nhập vai, cũng như xuất bản thông tin này có sự đồng ý, và nhận lãnh trách nhiệm của tổng biên tập hay người đại diện của phóng viên này.

Ở nơi mà  không có luật tiếp cận thông tin, hay thông tin bị ngăn chặn, che giấu, nhập vai là biện pháp cuối cùng mà phóng viên buộc phải thực hiện. Cho dù nhập vai có thể bị tranh cãi rằng không đạo đức, nhưng tôi cho rằng nó không sai trái. Điều quan trọng là phóng viên có được thông tin đúng.

Nếu các nhà báo sử dụng biện pháp nhập vai không được bảo vệ, thì  sẽ đặt ra những tiền lệ rất xấu cho công việc làm báo, và hậu quả là xã hội, tức chúng ta, sẽ phải gánh chịu.

“Tôi đã kiêu ngạo. Tôi đã không hỏi”

Câu chuyện của Johann Hari, một tay bình luận báo chí nổi tiếng ở Anh, tự rời bỏ công việc báo chí để bước vào trường học, học lại từ đầu, bằng tiền túi của mình, đang khiến mình suy nghĩ.

Mình biết đến Johann Hari khi còn đi học ở London. Ngày đó, có 3 tờ mình hay đọc là The Telegraph, The Guardian và The Independent. Báo chí ở Anh đa dạng, nhưng những tờ báo lá cải không khiến cho mình thấy mình sáng suốt hơn chút nào. Tờ The Telegraph rất nghiêm túc, The Guardian cũng thế. Phân tích, bình luận, cách dùng ngôn ngữ…mỗi tờ, mỗi ngày như những món ăn ngon vào buổi sáng.

Tờ The Independent là nơi mình thực tập trước khi tốt nghiệp. Mình chú ý đến cái tên Johann Hari, vì thói quen đọc báo là đọc tên tác giả, và hơn nữa, Johann Hari bằng tuổi mình, nhưng đã là một columnist có hạng, đoạt nhiều giải thưởng, và tài năng đã được thừa nhận tại một nền báo chí lâu đời và rất phát triển ở một đất nước tự do.

Nhưng đến gần đây, khi Johann Hari viết 1 bài xin lỗi rất dài đăng tải trên báo về việc anh đã sử dụng những trích dẫn mà không phải do mình hỏi, nhưng người trả lời phỏng vấn đã nói ở đâu đó, trên bài viết của mình. Lý do, như anh giải thích, là anh chỉ muốn cho những gì họ nói trở nên rõ ràng hơn với độc giả. Cũng là ý tốt. Nhưng đến nay thì như anh thừa nhận, đó là việc làm sai. Đơn giản vì nếu anh không phải là người hỏi trực tiếp, và người đã không nói với anh, thì cách diễn đạt của anh phải khác để bạn đọc không hiểu lầm.Nhưng việc này mới nghiêm trọng hơn. Anh sử dụng chiêu lấy tên giả để viết những bình luận, hay thay đổi thông tin theo hướng bất lợi cho những nhân vật nổi tiếng đã chỉ trích anh (vốn là các nhà báo) trên Wikipedia.

Việc đánh cắp trích dẫn, và ném đá giấu tay đồng nghiệp  đã đặt một dấu dừng cho sự nghiệp của Johann, có thể là tạm thời.

Các phân tích trên báo chí đưa ra nhiều lý do. Trong đó, vấn đề mấu chốt là Johann chưa bao giờ đi học ở trường báo chí hay làm ở các ban tin tức, mà nhảy một phát lên vị trí columnist và tạo dựng sự nghiệp của mình ở đó, với vai trò là columnist, người chuyên phụ trách phỏng vấn và là phóng viên thường trú ở nước ngoài.

Bản thân Johann viết:

“Tôi đã làm 2 thứ ngu ngốc và sai trái. Đầu tiên là sau khi tôi phỏng vấn, tôi gõ lại những ý họ nói và thấy những gì mà mình thấy rất rõ ràng khi mình nghe họ nói trực tiếp lại trở thành khó hiểu khi viết lên mặt báo. Khi đó, nếu người trả lời phỏng vấn đã trả lời tương tự ở đâu đó, thì tôi sẽ dùng ý đó của họ. Tôi tự bào chữ cho mình rằng tôi đang cố gắng giúp cho họ thể hiện ý một cách rõ ràng nhất với bạn đọc.

Nhưng tôi đã sai. Một cuộc phỏng vấn không phải là màn chụp X-quang vào những ý nghĩ tốt nhất của 1 người. Đó là một bản tin về một cuộc gặp gỡ. Nếu muốn thêm chi tiết, thì có những cách khác để viết….

Nếu tôi hỏi rất nhiều đồng nghiệp có kinh nghiệm mà tôi có ở The Independent – những người luôn dành thời gian cho tôi – chắc chắn họ đã nói với tôi là việc tôi làm là sai, và vì sao lại sai như vậy.

Việc tôi không hỏi họ, thể hiện sự kiêu ngạo và ngu ngốc.”

Với những người làm báo, câu chuyện của Johann không quá ngạc nhiên. Mình đồng ý với bình luận trên tờ The Economist, rằng đó là khi người ta phát hiện ra, thì anh mới thanh minh. Nhưng có biết bao người bị bịa đặt trích dẫn trên báo chí? Những người nào hay đọc báo thì mới biết mình đã bị đặt một câu mà mình chưa bao giờ nói vào miệng. Còn những người nông dân, những người ít tiếp xúc với báo chí, thì làm sao họ biết?

Chỉ có lương tâm của nhà báo biết.

Và việc ai đó, nói không đủ hay khi được phỏng vấn, thì như bình luận trên The Economist, đó là lỗi của nhà báo.

Ở những nước đang phát triển, như tờ The Economist bình luận, rất ít điều có thể ngăn cản nhà báo bịa đặt, trừ phi lương tâm của nhà báo đủ mạnh.

Tòa soạn luôn cần trích dẫn hay, hấp dẫn, gây sốc, gây tranh cãi.

Nhưng không phải lúc nào phóng viên cũng mang được về. Mấu chốt nó ở chỗ đấy.

Khi không có trích dẫn hay, phóng viên chỉ còn cách trách bản thân mình,  đừng trách người phỏng vấn.

Tôi vẫn nói, đưa tin thì không khó. Cái gọi là người đưa tin thì không khó. Nhưng làm nhà báo thì khó.

Nó cần các kỹ năng làm báo, và cần cái gọi là đạo đức nghề nghiệp, mà nếu không có, thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho xã hội.

Đạo đức nghề nghiệp là thứ cần phải học, phải nghiên cứu, phải có người đi trước dẫn dắt, chỉ bảo, và cần sự chiêm nghiệm của bản thân, và sự tự nguyện chấp thuận đi theo của lương tâm.

Hi vọng Johann sẽ chọn vào học City University London. Ở đó, cách họ dạy làm báo sẽ giúp cho sinh viên hiểu, có những hàng rào mà phóng viên sẽ không được phép bước qua.

Dù sao, mình vẫn chờ đợi có ngày Johann sẽ viết lại. Trên một tờ báo nào đó. Bởi, ai cũng có thể mắc sai lầm. Vấn đề là họ đứng lên và tiếp tục đi tiếp như thế nào.

Review: “Quẩn quanh trong tổ” của Phan An

Nói luôn là tôi không phải người thích đọc fiction. Trong cái máy Kindle hầm bà lằng đủ thử của mình, tôi nhớ là mình luôn “skip” các loại fiction để mò tới những thứ non-fiction, và khi nào chán lắm thì mới đọc đến dạng fiction. 2 truyện gần đây nhất mà tôi đọc trong 2 tuần qua là “Búp bê Thượng Hải” (vừa đọc vừa cười hí hí, thật chả ra làm sao) và “Thiên táng” (vừa đọc vừa sướng vì các chi tiết thực là văn hóa, thực là yêu, thực là cảm xúc).

Nhưng một ngày thứ 7 để đọc xong “Quẩn quanh trong tổ” của Phan An, có thể nói, là không lãng phí.

Tôi mua cuốn sách mới của Phan An, chỉ vì tò mò không biết chủ nhân của “Lá cải blog” (mà chấm ọoc – org hẳn hòi. Chắc định làm “think-tank” về lá cải) viết ra sao. Những lời bình luận trên blog của Phan An, quả là cũng khiến những người làm báo đôi lúc  thấy xấu hổ. Đời cũng cần những lúc bị “đâm” cho vài nhát, để tỉnh lại, để đừng “tự dối mình, dối người”.

Trong “Quẩn quanh trong tổ”, Phan An đâm nhiều nhát lắm.

Có người sẽ ngạc nhiên, khi đọc lá cải chấm ọoc thì cười khằng khặc, nhưng sao đọc “Quẩn quanh trong tổ”, họ không thấy buồn cười.

Tôi cũng chả thấy buồn cười. Lạ thế, “em ạ” (*)

Mà lạ, mới 27 tuổi, cái gì đã khiến Phan An có cái nhìn thật gai góc, thật lạnh lẽo, thật thấu tim, thật khinh mệt, thật cay đắng, thật hài hước “tưng tưng” về những quan sát của cậu về cuộc sống. Có lẽ, cái trang “lá cải chấm ọoc”  góp phần kha khá vào những chi tiết mà Phan An sử dụng trong cái cuốn sách 226 trang, chả  thuộc thể loại gì. À, thuộc thể loại, thư gửi “người em gái không quen biết” (**).

“Em ạ”(*)

Nam Cao viết: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than…”

Đầy những sự lầm than. Đầy những tin tức cập nhật trong cái xã hội, mà đôi khi, ngồi trong phòng máy lạnh kín bưng, ta chả thấy. Ta bưng tai, bịt mắt, nhất định không thấy.

Thấy rồi, viết rồi, hẳn là đau, đọc rồi, hẳn là xấu hổ, là nhục.

Vũ Trọng Phụng nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội của mình. Ngày xưa, mình làm văn, toàn được khen.

Nhưng lạ, đọc các tác phẩm đó, chả thấy thấm nhiều. Đọc “Quẩn quanh trong tổ” lại thấy thấp thoáng Vũ Trọng Phụng trong đó, nhưng đắng hơn.

Hay vì mình đang sống cùng thời với tác giả nên thế?

“Em ạ”(*)

Thế là thế “đếu”(*) nào?

(*) Từ dùng của Phan An

(**): Nhại “Thư gửi người đàn bà không quen biết” – ANDRÉ MAUROI

Chú thích: Mình sẽ mua tặng em Chung Hoàng cuốn này, để nhớ đêm cuối cùng ở Bali, chị em mình nói chuyện vĩ mô. Em tự nhiên hào hứng nói nhiều, còn chị, mệt rũ ra sau 10 ngày căng thẳng, chỉ còn nhớ, chị đã ngủ trước khi em nói lời “chúc chị ngủ ngon”.

ASEAN và ARF ở Bali, 7-2011

Cuộc họp Các ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44, và Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ 18 cuối cùng cũng sắp kết thúc. 10 ngày theo dõi các sự kiện ngoại giao của ASEAN, căng tai và căng óc để hiểu hàm ý của những lời lẽ ngoại giao, mà sau khi nghe lại băng, đến phóng viên Tây cũng nói “tao chả hiểu ông ấy nói gì, “không makes sense”.

10 ngày chỉ có từ chỗ ở đến nơi họp, đến lúc 9h sáng và về lúc 9h đêm (có hôm 11h). Biển Đông là chuyện duy nhất mà phóng viên ở đây quan tâm, tiếc là chả ông bà nào nói gì mới, hay nhiều. Cuộc họp ngoại giao khác với cuộc hội thảo của các nhà nghiên cứu, các học giả ở chỗ đó. Ngoại giao thì chệch ra ngoài làm sao được.

Mình thích phong thái ngoại giao của bà Mỹ quá. Ăn mặc rất đẹp, thấy phóng viên là hỏi tươi lém: “Hello every one. How are you doing?”. Cả bọn đang đợi dài cổ ra, thấy thế nhao nhao lên, nhưng hỏi thì cũng có được trả lời đâu. Tất cả các cuộc gặp của Mỹ với các nước khác, phóng viên cứ gọi là chen lấn xô đẩy, chờ cả 2,3 tiếng. Khổ một nỗi, không thấy tin gì…

Mình cũng thích cách tác nghiệp của các bạn Nhựt Bổn. Rất quyết liệt, toàn mang hàng khủng đi chiến đấu. Cái trung tâm báo chí hơn 200 người thì có tới 2/3 các bạn Nhựt Bổn, trong số đó có đa phần là từ NHK. Haizzz, ở đâu có Triều Tiên, ở đó có Nhựt Bổn mừ.  Các chính khách Nhật sẵn sàng trả lời câu hỏi, tổ chức họp báo cứ là nhiệt tình.

Nước chủ nhà Indonesia đợt này làm cứ gọi là đâu ra đấy. Có ông Ngoại trưởng tự tin, thông thạo  tất cả các vấn đề. Tổ chức họp báo không cần xem giấy, nói tiếng Anh chuẩn không cần chỉnh…

Có ông Ngoại trưởng Philippines hơn 70 tuổi nhưng đau đáu vấn đề biển Đông. Tổ chức họp báo liên tục, đưa thông tin tới báo chí ầm ầm. Ông trở thành hot man của báo chí. Gặp ông ở đâu cũng túm lấy ông, riết rồi ông cũng chả nói gì hay hơn cái cũ, nhưng cứ vây quanh chơi vậy đó. Thả ông đi, nhỡ ông í lại nói cái gì hay ho thì biết lèm seo. Ông í rất hoành tráng, tổ chức họp báo cho thời gian hẳn 1 tiếng, cánh báo chí dùng hết 25 phút, hết cả câu hỏi để hỏi. Nói chung, Philippines rất kiên quyết và tranh thủ hội nghị lần này để quảng bá quan điểm của mình về tranh chấp trên biển Đông.

Một ông giáo sư báo chí người Đức nói: “Thật là chưa thấy cái hội nghị nào thế này trong đời. Chả có thông báo ngắn sau các cuộc họp các bên, cả ngày có 1 cái họp báo chí thì lại cũng bị hoãn. Thế thì phóng viên biết lấy gì mà viết nhỉ?”

Hơ, hỏi thế thì biết trả lời làm sao!

Chờ đợi mãi, cuối cùng cái hướng dẫn thực thi DOC cũng có. 8 điều trong 1 trang giấy, không có tính ràng buộc pháp lý, kém cụ thể…Con đường tới tương lai cứ gọi là xa tắp…

Lần này, chưa xem được múa Bali…