Nhà báo – Muộn

Một tối xem truyền hình trực tiếp trên TV về chương trình trao giải nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. Nghe từ xa, lâu nay ít xem TV vì thấy nghe radio cũng đủ để biết tình hình thời sự, TV toàn những thứ nhảm nhí, bật lên thì 90% các kênh đang chiếu phim Tàu, phim Hàn Quốc, Thái Lan. Nghe radio vào buổi sáng rất thích, buổi tối cũng rất thích, đủ loại, đủ kênh.

 

Nhưng phải thừa nhận là VTV1 thi thoảng chương trình hay lắm, ví dụ như hôm vừa rồi phát chương trình phản biện về làng văn hóa, ấp văn hóa gì đó. Hóa ra chuẩn hóa toàn là bê tông hóa các bác ạ, đốn hết cây cối, phá hết cái cũ, xây lên cái mới, chỉ có cái khung xương, mà không thấy hồn, thấy cốt,  thấy người đâu, đau lòng quá.

 

Chương trình báo chí cách mạng cũng làm hoành tráng, đại khái là ca ngợi các nhà báo đã gian khổ, đã vất vả, đã hi sinh…Năm rồi, mình thấy phục nhất là anh phóng viên của Thanh Niên đã có bài điều tra về đường đi của dầu ăn bẩn, hay phóng viên của Tuổi Trẻ về loạt bài đinh tặc, loạt bài về mãi lộ – chuyện mà ai cũng thấy nhưng không ai chịu nói ra. Các ngón nghề của các anh ấy không chỉ hay, mà còn đòi hỏi cả lòng dũng cảm nữa. Trong tất cả các giải thưởng báo chí, giải dành cho cây bút điều tra là đáng giá nhất, vì đó mới là thứ làm nên tên tuổi của tờ báo.

 

Nhưng thấy năm nay sao nhiều giải thưởng quá, khiến mình cũng chả nhớ ai là ai nữa. Giải thưởng phải ít mới quý. Ví dụ  bọn Tây nó làm mấy giải như: “Tin độc quyền của năm” (SGTT với bài viết về cá bè Tàu ở Nha Trang là một ứng viên cho năm tới?), “Cây bút điều tra của năm”, “Phóng sự của năm”, “Trang 1 xuất sắc của năm”, “Ảnh phóng sự của năm”, “Ảnh chân dung của năm”, Phóng viên của năm”, “Tờ báo của năm”. Đó, in ít thôi thì hay. Nổi bật lắm, đáng tự hào lắm, thích lắm. 1 thôi, one and only.

 

Mấy người dẫn chương trình trên TV cứ ca ngợi nghề nghiệp làm báo là “đáng tự hào, vinh quang”. Nhưng thiển nghĩ, mỗi một nghề trong xã hội đều có vị trí quan trọng của mình, không ngành nghề nào là kém vinh quang, kém đáng tự hào hơn ngành nghề khác.

Mỗi người đều có vị trí của mình, tùy thuộc vào học vấn, vào mong muốn, sở thích cá nhân để sắp đặt mà thôi. Thiếu nghề nào cũng không được. Nghề nào cũng đòi hỏi cái tâm và sự cần cù mới bền lâu. Đó là chưa kể nghề báo là nghề có đặc ân lớn – học mãi, đọc mãi, nghiên cứu mãi không ngừng.

 

Tất nhiên, một số ngành nghề đòi hỏi cái lương tâm nhiều hơn ngành nghề khác. Làm bác sỹ mà không có tâm thì không cứu được người, làm thầy cô giáo mà không có tâm thì giết chết nhiều thế hệ. Làm báo mà không vì lợi ích công chúng thì công chúng quay lưng (ốm vẫn phải đi khám bác sỹ chứ không quay lưng với bác sỹ được, nhớn thì cũng vẫn phải tìm thầy để học chứ không lại thất học).

 

Năm 2006, tờ The Economist đã mô tả báo chí là “loại động vật có nguy cơ biến mất” – như trong sách đỏ – và sự tồn tại của tờ báo phụ thuộc vào tờ nào mang tính thương mại cao hơn. Năm 2009, Rupert Murdoch – người sở hữu News of the World khi đó vẫn đang ở đỉnh cao của thị trường khuyên: “Trước hết, các công ty truyền thông cần cho người đọc – khách hàng của họ – tin tức mà khách hàng muốn. Tôi không thể kể ra đây bao nhiêu tờ báo mà tôi ghé thăm treo đầy bằng khen thưởng, thành tích trên tường, và lượng phát hành ở chính tờ đó lại đang sụt giảm. Nó chứng minh là các biên tập viên đang sản xuất ra loại tin tức cho chính họ, thay vì làm ra loại tin tức mà độc giả cảm thấy có liên quan”.

Đó là quan điểm của trùm lá cải thôi, rất là benefit – driven. Ai cũng theo bác ấy thì lá cải hóa hết, teo hết não. Trong nghiên cứu “Ảnh hưởng của tin mềm tới mối quan tâm của công chúng đến tin tức (2012)”, TS Nguyễn Đức An, Giảng viên cao cấp ngành báo chí, ĐH Bournemouth (Anh) cho rằng, xu hướng thế giới đang dần chuyển sang thích thông tin “infotainment” – tức là những tin mềm, tức loại tin về lối sống, người nổi tiếng, giải trí, tội phạm, xì căng đan, mà ít dần đi các thông tin liên quan tới chính phủ, quan chức, chính sách vĩ mô, kinh tế.  Có ý kiến nhận định đó là cách tốt để phát triển bền vững cả doanh nghiệp kinh doanh tin tức và nền dân chủ. Truyền thông – như một cơ quan phục vụ công chúng- sẽ phục vụ ai trong tương lai nếu giới trẻ ngày nay cứ không chịu đọc tin giúp họ có thông tin?

Nhưng cũng có không ít người nhận định, mềm hóa thông tin sẽ gây thảm họa thực sự cho nền dân chủ và ngành truyền thông tin tức, vì sẽ khiến công chúng trở nên lãng quên, lãnh đạm và có thái độ cay độc về những gì đang xảy ra quanh mình. Tức là mình quên đi cảm giác hạnh phúc, hài lòng, yêu, sống, mà như vậy là khổ lắm.

Nhà nghiên cứu báo chí người Mỹ Michael Schudson đã sử dụng dữ liệu lịch sử để phân tích, lập luận là 1 công dân tốt không cần phải là công dân có được đầy đủ thông tin theo tiêu chuẩn của các nhà khoa học chính trị và các học giả tin tức. Đó là công dân không phải cái gì cũng quan tâm, nhưng luôn giám sát, để mắt tới không gian chính trị quanh mình và hành động ngay khi cần thiết.

Nói chung, nói chuyện vai trò của báo chí thì mình rất nhất trí với quan điểm của anh An. Đọc ở đây.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/498697/Su-to-mo-se-dan-chung-ta-di-dau.html

 

Thấy Tuổi Trẻ cuối tuần số cuối tuần này, tức phát hành ngày 29-6, có nhiều bài đọc rất được, mà không thể bật mí ra đây được. Tuy nhiên, các bác nên mua. Thật!

Vịnh Cam Ranh

Lần đầu tiên mình lên một cái tàu của hải quân Hoa Kỳ. Thấy nó cũng…to. Với người thường thì thấy Cam Ranh rất đẹp, nhưng mấy cái nhà máy làm ô nhiễm vịnh này cần phải dừng hoạt động để bảo vệ môi trường cho vịnh. Nói chung, nếu bạn đi du lịch được, hãy đi nhanh trước khi mọi thứ hỏng bét hơn ở Nha Trang.

Đường Trần Phú là một ví dụ điển hình và thấy ngay được một khi bạn đến Nha Trang, về cái cách mà người ta đối xử với không gian công cộng và môi trường. Hỗn loạn và ô nhiễm.

 

Hoa lan thép và Người đàn bà thép

The Iron Lady

Lâu không viết review về phim, nay cảm xúc tràn trề sau khi xem “The Lady” nên gõ mấy chữ. Nếu bạn chưa xem “The Iron Lady” và “The Lady” thì nên xem vì quá hay.

Trước hết, diễn xuất của hai nữ diễn viên chính là tuyệt vời. Margaret Thatcher của Meryl Streep  lạnh lùng gõ giày cốc cốc khi đi vào cuộc họp toàn đàn ông, mắng các ông xơi xơi là “kém cỏi”, “vớ vẩn”, và hay mắc cái tội “coi thường đàn bà”. Nhân vật này hoàn toàn có thể khiến bạn thót tim vì diễn xuất quá hay. Nói chung, Meryl vẫn là đỉnh của đỉnh trong diễn xuất. Nhưng chỉ thế thôi, bạn cũng không cảm thấy quá xúc động giống như khi một chuyện gần gũi với mình. Bộ phim không xuất sắc, chỉ có diễn xuất là xuất sắc. Bởi vậy cần xem để cảm nhận sự xuất sắc đó.

Bà Suu trong “The Lady” đã được Dương Tử Quỳnh thể hiện quá hay dưới góc độ của tình yêu, tình vợ chồng, con cái. Bà Suu là con gái trong gia đình có cha là người đặt nền móng cho nền độc lập Miến Điến khỏi tay Anh quốc. Ông ấy bị ám sát chết khi chỉ còn ít ngày nữa là Miến Điến tổ chức bầu cử đa đảng đầu tiên.

Bà Suu đi học ở các nước khác nhau, làm việc cho Liên Hợp Quốc, không nghĩ tới có ngày mình sẽ trở về Miến Điến và tham gia vào chính trường. Nhưng mọi việc thay đổi hoàn toàn khi mẹ bà ốm, bà phải về chăm, để lại chồng và 2 con ở Oxford.

The Lady

Bộ phim nói về diễn biến trước và sau khi bắt đầu trở thành lãnh đạo đảng đối lập NLD, ý muốn đưa Miến Điến trở thành một đất nước dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, thành phần trong xã hội vào công việc điều hành đất nước. Tức chủ yếu tình cảnh của bà ở Miến Điện, khi bà trở lại Rangoon cho  tới khi chồng bà chết vì ung thư ở Anh mà không được gặp vợ lần cuối.  Cảnh cuối của bộ phim là bà ra chào những người ủng hộ ở cổng căn nhà bên hồ. Nó rất giống những gì diễn ra thực sự ở nhà bà vào năm ngoái, dù cảnh quay được hoàn thành trước đó.

Bộ phim là bài học vỡ lòng rất dễ nhớ về chế độ chính trị mà người dân Miến Điện và nhiều quốc gia khác đang mong mỏi. Dương Tử Quỳnh không chỉ đẹp, đánh võ hay, cô còn diễn xuất quá tuyệt vời. Với những tình cảm gia đình thiêng liêng mà cô thể hiện, lời khuyên ở đây là bạn cần chuẩn bị sẵn một hộp khăn giấy bên cạnh mình.

Học lịch sử Miến Điện dưới góc nhìn của các nhà làm phim Pháp cũng không quá tệ.  Sau khi xem xong phim, chắc chắn bạn sẽ xông lên mạng, đào bới hết để đọc về bà ấy, về cha bà, mẹ bà, về các con bà, về GS Aris – người chồng rất mực yêu thương và ủng hộ bà cho dù ông phải hi sinh rất nhiều. (Margaret cũng được chồng yêu, trước khi cưới, bà ấy nói bà không biết làm việc nhà mà dành thời gian cho xã hội. Ông ấy đồng ý luôn, thậm chí còn nói rằng anh cưới em không phải đề làm việc nhà. Rồi nhảy tung tăng với nhau. Thích thế!).

Khi tôi đến Miến Điện vào năm 2011, tôi nhận thấy người dân ở đây rất hiền hòa mến khách, thiên nhiên đẹp đẽ, nơi đâu cũng có chùa chiền rộng lớn. Họ chỉ hơi “hâm”” một tí vì cứ đòi nhận đồng đôla mới cứng, không tì vết, và phải 5 người kiểm tra đồng đôla đó bằng tay thì mới yên tâm. Khổ cho họ lắm, vì chính phủ điều hành quá kém nên ngân hàng chết ngắc, hệ thống thẻ tín dụng không hề hoạt động, tỉ giá chợ đen hoành hành (nhưng dân Trung Quốc nhảy vào tiền xấu cỡ nào cũng tiêu được!).

Miến Điện rất giàu có về tài nguyên, giàu lắm. Đá quý, kim cương, gỗ rừng…vô số. Nhưng tiền rơi vào túi ai (mà ai cũng biết), dân chúng thì nghèo và bị cô lập với thế giới bên ngoài nên vẫn giữ những tập tục xưa. Ví dụ, thanh niên trai tráng tuổi 20 ở thành thị mà nhai trầu phun phì phì ngoài đường.

Nhưng sự hiểu biết của họ về dân chủ thì không hề kém các nước văn minh. Tài xế taxi nói tiếng Anh rất xịn, kể về việc người dân đã chọn cho mình lực lượng lãnh đạo từ hàng chục năm trước ra sao, và họ phải im lặng vì súng ống và đàn áp như thế nào.

Bởi vậy, việc đảng bà Suu nhận được 90% số ghế trong lần bầu cử bổ sung vừa qua chỉ là kịch bản lặp lại của vài chục năm trước. Nếu một cuộc bầu cử tự do công bằng thực sự diễn ra, bầu lại toàn bộ đại biểu quốc hội thì đảng của bà sẽ lại có đa số ghế trong quốc hội thôi. Vấn đề là có những ai sẽ chấp nhận kết quả mà người dân lựa chọn ấy.

Bà Suu được thế giới ngưỡng mộ vì sự hi sinh lớn lao của bà vì cuộc đấu tranh bất bạo động của mình. Người dân Miến Điện xứng đáng có hạnh phúc và cuộc sống tốt đẹp hơn vì đất nước có những người như bà.

Một câu nói rất nổi tiếng của bà: Please use your liberty to promote ours. (Xin hãy dùng tự do của bạn để thúc đẩy tự do cho chúng tôi).

Trở lại bộ phim, giá 20 ngàn ở tiệm băng đĩa. Muốn mua đĩa xịn cũng không có đâu.

Người đẹp và thuốc lá

Thanh Hằng và điếu thuốc trên tay. Ảnh chôm của báo Tuổi Trẻ

Nhân dịp người mẫu Thanh Hằng cầm điếu thuốc lá điện tử trên tay để “thể hiện ý tưởng” trong Elle show 2012:

12 năm trước, siêu mẫu Christy Turlington – người có cha qua đời vì bệnh ung thư phổi – đã trở thành gương mặt hàng đầu của giới nghệ sỹ trong chiến dịch chống thuốc lá của chính phủ.

Cô xuất hiện trên hàng loạt các quảng cáo chống thuốc lá của ngành y tế Anh. Sau khi cha chết, chính Christy đã dừng hút thuốc và làm mọi cách để thuyết phục người khác dừng hút thuốc.

“Hút thuốc luôn luôn thể hiện sự sành điệu. Trên mặt báo. Trong thời trang. Trong phim ảnh. Từ xưa tới nay luôn luôn là như vậy” – Valentine Fillol Cordier, là siêu mẫu từ tuổi 17 và hiện là chuyên gia phong cách nổi tiếng nhận định.

“Thời trang luôn tìm đường lần ngược trở lại quá khứ, và thuốc lá giúp cho cách thể hiện đó: hành động hút thuốc thể hiện lịch sử, phong cách, và có 2 chiều mô tả: 1 là sự lãng mạn mộng mơ, chút xíu tỏ ra học thức khi khói thuốc bao trùm những khoảng không bỏ trống trên sân khấu hay trong phim ảnh.Đó là lý do người ta thích thuốc lá. Nhưng một chiều khác, thực tế, là thói quen hút thuốc gây ra mùi hôi hám, chết người.  Thực tế, trên phim ảnh hay sàn diễn, hút thuốc lá luôn tỏ ra “sành điệu” và “đẹp” hơn đời thực”.

Thuốc lá không làm cho con người trở nên sành điệu, trưởng thành như những gì các nhà quảng cáo hay đưa ra và khiến con người lầm tưởng. Thuốc lá gây nghiện, khiến răng ố vàng, rụng, khiến phổi nám đen và các loại bệnh gây chết người.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo những người mẫu nên bỏ thuốc lá nếu họ muốn giữ làn da đẹp, và trở thành tấm gương cho những cô gái trẻ. Chỉ 5 năm thôi, họ sẽ thấy hậu quả của khói thuốc như thế nào với da của mình.

Mỗi năm, thuốc lá giết chết 6 triệu người trên thế giới. Ở các quốc gia Đông Nam Á – nơi có 240 triệu dân, chi phí cho thuốc lá tốn kém hàng thức 2 trong mỗi hộ gia đình, chỉ sau thực phẩm. Trong khi đó, gần ½ dân số khu vực này sống dưới mức thu nhập 2USD/ngày.

Các tổ chức xã hội trên thế giới đang đề nghị những phim có hình ảnh diễn viên hút thuốc phải lập tức được dán nhãn “dành cho người từ 18 tuổi trở lên”.

Theo Trung tâm nghiên cứu kiểm soát thuốc lá Anh, những bộ phim có hình ảnh thuốc lá cũng phải chịu sự phân loại tương tự như những phim có cảnh tình dục hay bạo lực.

Ở Việt Nam, theo WHO, trung bình mỗi năm có 40 ngàn người chết vì các căn bệnh liên quan tới thuốc lá. Đây cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới: hơn một nửa đàn ông ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá, và phần lớn bắt đầu hút thuốc từ rất trẻ từ 13-15 tuổi.

Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của mỗi cá nhân, cộng đồng mà còn làm thiệt hại lớn tới nền kinh tế quốc gia. Viện Chiến lược chính sách y tế cho biết cả nước có khoảng 17 triệu người hút thuốc và có tới hơn 60 triệu người còn lại phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Báo chí điều tra trong cơn bĩ cực (phần 1)

Bài này, viết theo tinh thần: Chỉ có những thông tin bị ngăn cản xuất hiện trên mặt báo thì mới là thông tin báo chí, những thứ còn lại, chỉ là quảng cáo.

Hồi tháng 9-2010, năm chính trị gia của Anh đã mất hết cả sự nghiệp uy danh sau khi bị lột mặt nạ trong một điều tra mà các nhà báo của một chương trình truyền hình đã cải trang để có được bằng chứng. Theo quy định, Anh cấm các chính trị gia đã nghỉ hưu sử dụng quyền và đặc ân của họ khi có được thời tại vị để trở thành các nhà vận động hành lang kiếm tiền bỏ túi. Một phóng viên của chương trình Dispatches trên Channel 4 đã giới thiệu mình từ công ty lobby, thảo luận các dịch vụ tư vấn với 5 cựu bộ trưởng Công đảng, và thành viên Đảng bảo thủ. Toàn bộ cuộc nói chuyện đều được quay phim lén.

Các ông mô tả mình là “xe taxi chờ khách”, và muốn sử dụng kinh nghiệm để kiếm tiền, nói một cách thô thô là thế. Sau vụ này, quan chức phụ trách kiểm tra của Công đảng, Sir John Lyon, đã đề nghị phải xem lại các quy định về lobby để tránh các lãnh đạo lợi dụng quan hệ, kinh nghiệm thời còn đương nhiệm để trục lợi. Cũng phải nói thêm đây là dịp tranh cử, các điểm xấu của đối thủ chính trị đều bị lôi ra hết ánh sáng, và báo chí giúp cử tri chọn ra đâu là ứng viên thực sự cần cho họ.

Đó là chuyện ở Anh, nơi rất khuyến khích việc báo chí nhập vai để điều tra, và hầu như không ai thắc mắc về tính pháp lý hay đạo đức của hành động nhập vai của nhà báo. Họ cho rằng, nếu các chính trị gia, những người nắm trong tay quyền hành, thực sự trong sáng, thì chẳng có gì “rung chuyển” được tinh thần họ. Hành động của báo chí chỉ là bước cuối cùng làm lộ hết cái đuôi khỉ ra. Chính trị gia, người của cơ quan công quyền, tiêu thuế của dân bị lừa để lộ đuôi khỉ mà không kêu được, chuyện này khác người thường bị lừa ở chỗ đó.

Câu chuyện của quá khứ?

Nhưng ở Mỹ, các chuyên gia báo chí tỏ ra bi quan trước câu hỏi: “Liệu báo chí nhập vai có là chuyện của quá khứ?”

Bill Buzenberg, tổng giám đốc của Trung tâm Liêm chính công chúng, một tổ chức báo chí điều tra độc lập, cho rằng nếu một nhà nhà báo tác nghiệp mà lại giới thiệu mình không là nhà báo thì “không phải là một ý tưởng hay”. Còn Howard Kurtz, nhà phê bình truyền thông của Washington Post và CNN nhận định ngày càng ít nhà báo làm công việc báo chí nhập vai điều tra như những năm 1970, 1980 hay 1990. Những chương trình điều tra riêng ngày này có xu hướng đi theo chân các lực lượng thi hành pháp luật, giống như chương trình Dateline của NBC.

Vì sao lại có sự suy giảm như vậy? Kurtz giải thích: Lý do là cho dù đó là bài điều tra công phu, nhưng vì nhà báo nhập vai, giả danh nên có thể gây ra nhiều sự nghi ngờ. Nhưng đó không hẳn là toàn bộ câu chuyện.
Báo chí nhập vai có lịch sử lâu đời. Nellie Bly, từng nổi tiếng là người đi khắp thế giới trong 80 ngày, đã có bài điều tra nổi tiếng về điều kiện sinh hoạt của những người xin tị nạn nhưng tâm thần cho tờ New York World. Bly giả vờ bị điên để qua mắt được hàng loạt bác sỹ và được đưa vào khu tị nạn dành cho người điên. Ở đó, bà chứng kiến những cảnh kinh hoàng nhất về điều kiện sinh hoạt, những cách hành xử dã man của các y tá và những người có tinh thần bình thường khác.

Loạt bài điều tra sau đó được xuất bản thành sách, có tên 10 ngày ở nhà điên, đã tạo nên một làn sóng lớn. Bly sau đó được mời vào đội điều tra của chính phủ về điều kiện sinh hoạt của các khu tị nạn.

Kurtz cho rằng những năm 1970 và 1980, Chicago chứng kiến thời đại vàng của báo chí nhập vai, nhờ nỗ lực của một phụ nữ tên Pam Zekman. Bà và và đồng đội tại truyền hình WBBM đã sử dụng nghiệp vụ điều tra báo chí để đưa ra một loạt các câu chuyện động trời. Bà trở thành người điều dưỡng viết bài về y tế,  thầy dạy khiêu vũ, trợ lý trong một trạm y tế để viết bài về tình trạng phá thai, thậm chí còn kiếm việc ở sân bay để biết người ta kiểm tra hành lý ra sao.
Nhưng bài báo lớn nhất của Zekman là khi bà làm việc cho Chicago Sun-Times. Ai cũng biết chính quyền Chicago tham nhũng, nhưng Zekman mới là  người chứng minh việc đó. Bà mua một quán rượu và làm hàng loạt các vi phạm về quy định, lưu lại hàng loạt những bằng chứng cho thấy những nhân viên công quyền, từ đơn vị kiểm tra việc thực hiện phòng cháy chữa cháy, tới thông hơi, tới hành chính, kế toán…đều nhận hối lộ để làm ngơ các vi phạm của bà.

Loạt bài 25 kỳ đầy những chi tiết đắt giá. Hàng loạt du khách tới quán rượu vì nó trở nên quá nổi tiếng, và hàng trăm người gọi điện tới tòa soạn để thông báo về trường hợp của họ, báo chí thế giới cũng vào cuộc. Tổng cộng 29 thanh tra điện lực đã bị khởi tố, và cơ quan ngân khố Illinois phải thành lập ủy ban điều tra mới.

Những năm gần đây, Barbara Ehrenreich đã giả mạo thân nhân để làm việc như hầu bàn, phụ việc, nhân viên Wal-Mart, giúp việc gia đình để viết về họ.

Nhưng ngoài  những nhân vật này ra, báo chí nhập vai đang ngày càng ít đi.

Năm 1992, chương trình PrimeTime Live của ABC đã cho phóng viên đi điều tra về cửa hàng bán thực phẩm Food Lion. Phóng viên đã giả mạo là người xin việc, vào làm việc để biết cửa hàng đã cẩu thả ra sao trong quá trình cung cấp thực phẩm cho khách hàng. Người xem tin là Food Lion đã sai.

Nhưng Food Lion không phải dễ chấp nhận, đã đâm đơn kiện chống lại ABC. Cửa hàng này không phản đối bài viết về tính chính xác, nhưng cáo buộc phóng viên có tin vì đã dối trá. Food Lion kiện ABC vì lừa đảo (trong đơn xin việc), xâm nhập trái phép (đến Food Lion mà không được phép) và vi phạm luật trung thành (vì quay phim những hành vi sai phạm trong khi đáng lý phải làm việc vào giờ đó). Sau nhiều năm tranh cãi, năm 1997, thẩm phán đã phán Food Lion được bồi thường 5,5 triệu USD. Năm 1999, vụ án đã được làm lại sau khi ABC kháng cáo.

Nhưng khi đó đã quá trễ, do thời gian tranh cãi pháp lý tính tới gần 7 năm, vô cùng tốn kém. Các phóng viên và tòa soạn báo biết cái giá đắt như thế nào. Đó là chưa phải tốn máu.

Việc suy giảm của thể loại báo chí điều tra, nhìn chung, phản ánh quan điểm thận trọng ngày càng tăng, cũng như sự bảo thủ ngày càng tăng trong báo giới, đặc biệt là các tập đoàn báo chí “chiếu trên” của Mỹ. Khi các phóng viên càng ngày càng trở nên dễ nổi tiếng hơn trong vài thập kỷ qua, họ trở thành một phần của chính cấu trúc quyền lực mà đáng lý, họ phải có trách nhiệm theo dõi và chỉ trích.

Vì báo chí điều tra trở nên quá hiếm hoi, các tổ chức tư nhân phải lấp vào chỗ trống. Tập hợp các cá nhân đã hình thành tổ chức phi lợi nhuận có tên ProPublica, với ngân sách hoạt động hàng năm là 10 triệu USD. Nơi đây đang có đội ngũ các phóng viên điều tra báo chí lớn nhất của nước Mỹ.

Tác phẩm của họ đã được trao giải Putlizer danh giá lần đầu tiên dành cho báo mạng.

Có thể đọc thêm ở đây:

http://tuoitre.vn/The-gioi/373421/Lan-dau-tien-bao-mang-doat-giai-Pulitzer.html

và ở đây:

http://tuoitre.vn/The-gioi/434146/Bao-mang-lan-dau-gianh-giai%C2%A0Pulitzer-2011.html

(Còn nữa)