Tường Biển của nghệ sỹ Văn Ngọc thu hút sự chú ý của giới mỹ thuật Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024 bởi không gian trưng bày khác biệt: Toàn bộ hơn 1.000m2 là tác phẩm sắp đặt lớn, với ý niệm đầy cảm xúc, nhắc nhở con người về sự tồn tại mong manh của chính mình trên trái đất nếu không bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Không gian sắp đặt Tường Biển là toàn bộ tầng một của một cao ốc chung cư gần bến xe khách TP. Vũng Tàu. Đi qua cánh cửa đơn thật hẹp sau khi leo qua những bậc thang, người xem nhận thấy mình đang lọt vào không gian khác, của những màu đơn sắc: đa phần là trắng, xám, đen, nâu, thi thoảng có nét cọ hồng, xanh…điểm xuyết. Với nhiều chất liệu, từ gỗ, thiếc, bê tông, giấy dó, đinh, nét chì, gương, thậm chí cả những dấu dép.
Các tác phẩm trong lòng tác phẩm lớn được sử dụng nhiều phương pháp thực hành, với kích thước sắp đặt đa dạng, từ 122cm x 244 cm, tới các kích thước nhỏ như 30cmx40cm. Tường Biển là sự tiếp nối tâm thức của Văn Ngọc về các tác động của tự nhiên biển đến đời sống con người, được nhen nhóm từ tác phẩm sắp đặt Dư Chấn (Giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2006).
Nghệ sỹ Văn Ngọc diễn tả góc nhìn nghệ thuật của người nghệ sỹ về thiên nhiên nói chung, biển nói riêng trong đời sống của người và ngược lại. “Tường biển là hệ thống biển, bờ, kè để có thể chắn sóng, giữ biển, giữ lại đất liền, bảo vệ con người, nhắc nhở con người, rằng chúng ta nên có trách nhiệm bảo vệ nó, tức là bảo vệ bờ cõi, bảo vệ đất, con người,” ông chia sẻ với báo chí về ý tưởng của triển lãm như thế.
Đã từ lâu, nghệ sỹ Văn Ngọc thực hành nghệ thuật đương đại không bằng cách mô phỏng hiện thực, mà tái tạo hiện thực trong một không gian mang chủ đề, kích thích sự tưởng tượng của người xem. Trong không gian sắp đặt giao thoa với đời sống thực thông qua những cánh cửa mở để đón ánh nắng, gió biển, và cả tiếng ồn của đô thị, người xem di chuyển qua các khu vực một cách ngẫu nhiên, không theo luồng thông tin hướng dẫn, không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm kết thúc.
Người ta cảm nhận được sự thô ráp, mạnh mẽ, nguyên bản, không pha trộn. Những khối bê tông vuông, dài, xiên như những bờ đê chắn sóng. Những bức tranh khổ lớn, nặng tới 40 kg dựng đứng như vách chắn, xen kẽ những bức tranh nhỏ như những mảng đê chắn vỡ tung, thấp thoáng lẫn vào đó là những hình học trừu tượng.
Con đường khám phá nghệ thuật là tự do, giống như niềm tin “tự do trong sáng tác” mà nghệ sỹ Văn Ngọc vẫn theo đuổi. Người xem có thể thấy những đê biển khi sóng biển đập vào, kéo theo nhiều loại vật chất khác, từ những đồ vật bị bỏ hoang, chất thải công nghiệp, xác tàu đắm và tàn tích của sinh vật biển. (Con người, rốt cuộc, làm sao tránh được những thứ họ đã ném đi. Khuất mắt (away) là khái niệm rất tương đối trong cả đời sống vật chất hữu hình và đời sống vô hình.)
Họ dừng bước ở những tấm chắn làm bằng những khối kim loại lớn, thấy hình ảnh của mình phản chiếu trên những miếng gương trong các tác phẩm. Phải chăng, con người, rốt cuộc, vẫn luôn là nguyên nhân chính của những biến đổi đời sống và môi trường thực tại? Chúng ta có thể đổ lỗi cho ai nếu “chủ nhân của trái đất” – như đôi khi chúng ta ngạo nghễ tự nhận mình – lại không biết cách bảo vệ chính đời sống của mình, khi trực tiếp và gián tiếp gây ra nhiều thảm họa cho môi trường sống của chính mình?
Trong sự nghiệp khoảng 40 năm của mình, nghệ sỹ Văn Ngọc khám phá các chủ đề xoay quanh con người, thiên nhiên và mối quan hệ cộng sinh của hai thế giới này. Ông nói, giờ đây, ông cảm nhận nhiều hơn về sự bấp bênh trong mối quan hệ đó. Là nghệ sỹ tiên phong ở Việt Nam trong sắp đặt trình diễn, trong hơn 20 năm qua, nghệ sỹ Văn Ngọc ông trưng bày các tác phẩm của mình theo cách đó. Lần đầu tiên là năm 2003, ông có triển lãm trình diễn sắp đặt đầu tiên Divergency (Sự bất đồng) tại Toulouse, Pháp.
Đến triển lãm sắp đặt năm 2005 có tên Dư chấn – Tưởng niệm (Aftershocks), người yêu nghệ thuật ở Việt Nam mới biết đến thật rõ một Văn Ngọc của những ý tưởng lớn và riêng biệt. Hành trình tâm thức về biển của Văn Ngọc được đánh thức sau những thiệt hại ghê gớm do cơn sóng thần châu Á tàn phá qua 14 quốc gia vào cuối năm 2004. Tác phẩm sắp đặt này gồm 36 bức hoạ bằng chất liệu tổng hợp được lồng ghép vào nhau bằng nghệ thuật điêu khắc, xen lẫn hội hoạ và sắp đặt. Lần đầu tiên, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã đưa vào thể loại giải thưởng giải nghệ thuật Sắp đặt và trao Dư chấn – Tưởng niệm giải A. Giải thưởng đó đã công nhận ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc sắp đặt, và đánh dấu con đường đi nghệ thuật của riêng Văn Ngọc.
Với Văn Ngọc, không gian của người nghệ sỹ là rất quan trọng. Có tác phẩm, nhưng phải tạo ra một không gian cho tác phẩm khi trưng bày tác phẩm. Ông nói: “Khi vào trong không gian đấy, người ta phải thấy được cái con người nghệ sỹ, thấy được tinh thần của nghệ sỹ đấy mới là quan trọng. Không được lẫn với ai khác, vì người nghệ sỹ đấy là khác biệt.” Văn Ngọc thường nói: “Nghệ thuật không giải thích. Tôi làm nghệ thuật bắt đầu từ những cảm giác của tôi về cuộc sống.” Ông cho rằng, khi tạo xong không gian cho tác phẩm của mình rồi, như vậy, nghệ sỹ đã xong công việc.
“Mọi người xem muốn hiểu nào thì hiểu. Cứ đặt tác phẩm của mình vào đúng không gian của mình. Thế là xong. “
Với không gian để sắp đặt Tường Biển, ông nói, chưa bao giờ có một không gian phù hợp như thế với con người mình, tác phẩm của mình như vậy. Người xem có thể tưởng đơn sắc nhưng không đơn giản; tưởng tự nhiên, mà có sự sắp xếp một cách tinh vi. Tất cả những gì diễn ra trong không gian ấy đều có tính toán: từ viên gạch vỡ, sàn xi măng nham nhở, mảnh inox, bù long, tới nơi ngồi xem, hay những người xem đứng trước tác phẩm. Bỏ qua những màu mè hoa lá, chỉ có tất cả những gì tương tác trong tổng thể của tác phẩm sắp đặt. Không được dư thừa chủ chỉ một chi tiết. Các tác phẩm không có kích thước, cũng không có tên, cũng không cần phải giải thích ý tứ gì. Người xem tự do tìm cho mình những câu trả lời và cảm nhận. “Mình không rào người ta vào trong suy nghĩ của mình, mà mình để cho người ta được quyền tự do, được quyền tưởng tượng.” Nghệ thuật đương đại đã mở ra cho con người trí tưởng tượng tự do.
Văn Ngọc đã có nhiều không gian của mình, với nhiều chất liệu sáng tác, từ giấy dó, cắt dán, sơn mài, sắp đặt, sơn dầu. Văn Ngọc sáng tác trên mặt phẳng 2 chiều, 3 chiều, tổ chức không gian “đa chiều”. Phần lớn những tác phẩm từ hội họa, điêu khắc, sắp đặt… đều thực hiện trên nền chất liệu nguyên sơ, thô mộc, thể hiện thời đã qua về vật chất, về con người, nhưng để diễn tả cảm xúc của thời đại …Một trong số các không gian được nhiều người biết đến, ông đặt tên một cách kiêu hãnh là “Nhà tù Văn Ngọc” tại TP. Vũng Tàu. Đây là không gian sinh hoạt gia đình, cũng là nơi ông sắp đặt các tác phẩm, khắc họa sự tương tác đầy biến động giữa thế giới nhân tạo và thế giới tự nhiên. Nhiều tác phẩm của ông có kích cỡ lớn, không thể đặt trong một không gian triển lãm hay không gian thông thường nào. Tại Nhà tù Văn Ngọc, ông sắp xếp chúng thành những tác phẩm tùy vào không gian hiện tại, để chúng có thể cất lời. Về Nhà tù Văn Ngọc, Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân đã từng bình rằng: “Sáng tác nghệ thuật chính là vận hành cái tự do trong nội giới mỗi cá nhân, mở nó ra mời mọi người chia sẻ viếng thăm, trải nghiệm”.
Văn Ngọc đề cao tính tự do trong tác phẩm của người nghệ sỹ. “Điều đấy là điều quyết định nhất, xem anh có trở thành nghệ sĩ được hay không hay là anh chỉ thành thợ thôi,” ông nói. “Tôi không bao giờ làm để cho mọi người khen nhiều. Tôi làm cho tôi đầu tiên.”
Người ta thường thấy Văn Ngọc lúc nào cũng trong tâm thế của lao động, sáng tác. Lúc nào cũng thấy ông đội chiếc mũ lưỡi trai, trong bộ quần áo tối màu, xắn cao, gọn ghẽ, dấu vết sơn dầu khắp người. Tường Biển được thực hiện (trưng bày, sắp đặt, giám tuyển) hoàn toàn bởi nghệ sĩ Văn Ngọc cùng các cộng sự vốn là những người thợ phụ trách kỹ thuật mặt bằng (thợ hồ, thợ điện, thợ nước, lái xe, lao công). “Nghệ thuật đương đại là thực hành nghệ thuật, tức là thực hành, lao động nghệ thuật, chứ không phải là “cưỡi ngựa xem hoa”, “thừa giấy vẽ voi” hay “vẽ hươu vẽ vượn,” ông nói.
—
Về nghệ sỹ Văn Ngọc:
Nghệ sỹ Văn Ngọc từng theo học lớp Trung cấp Mỹ thuật tỉnh Phú Thọ. Sau khi tham gia chiến tranh chiến tranh biên giới phía Bắc, ông xuất ngũ, theo học Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1986-1992). Ông và gia đình sống tại TP.Vũng Tàu từ năm 1993.
Đến nay, nghệ sỹ Văn Ngọc đã thực hiện 22 triển lãm cá nhân và nhóm:
1995: Triển lãm cá nhân đầu tiên tại Tòa soạn báo Công An TP. HCM.
1998: Triển lãm nhóm tại Hội Mỹ thuật TP. HCM, chủ yếu tranh sơn dầu bán trừu tượng.
1999: Nhà Tù Văn Ngọc được xây dựng là không gian sống, làm việc, trưng bày hành trình nghệ thuật từ lúc
khởi đầu cho đến nay.
2000: Triển lãm cá nhân tại gallery Hồng Hạc, TP. HCM.
2002: Triển lãm nhóm tại gallery Cố Đô, Hà Nội.
2003: Triển lãm tại gallery Lã Vọng, Hongkong.
Trình diễn – sắp đặt Sự Bất Đồng tại Toulouse, Pháp.
2005: Triển lãm sắp đặt Dư Chấn tại Vũng Tàu.
2006: Triển lãm sắp đặt Kiều tại Vermont Studio Center, Mỹ.
Triển lãm nhóm tại Blue Space Contemporary Art Center, TP. HCM
2008: Triển lãm sắp đặt Vũ Trụ tại Hội Mỹ thuật, TP. HCM.
2010: Triển lãm ứng xử tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM.
2011: Triển lãm sắp đặt hợp thể Những Chiếc Thùng Rỗng tại Viet Art Center, Hà Nội.
2012: Triển lãm sắp đặt Không Gian Thiền tại Vũng Tàu.
2013: Triển lãm sắp đặt Đêm Thánh tại Thánh đường nhà thờ Bãi Dâu, Vũng Tàu.
2014: Triển lãm sắp đặt Cận Góc Tối tại Dinh cựu Phó Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương, Vũng Tàu.
Triển lãm cá nhân tại gallery Hồng Hạc.
Loạt sắp đặt bên ngoài không gian Nhà Tù Văn Ngọc.
2015: Triển lãm sắp đặt Rằm tại Hội An, Quảng Nam.
2016: Tổ chức “Không gian trưng bày nghệ thuật cá nhân” tại tầng hầm khách sạn Bưu Điện, Vũng Tàu.
2017: Triển lãm sắp đặt Trôi tại Bình Dương.
2019: Triển lãm sắp đặt Đảo tại Nhà Tù Văn Ngọc, Vũng Tàu.
2024: Triển lãm cá nhân Tường Biển, Vũng Tàu.
–
KHỔNG LOAN
oho2rw