“Mỗi người rồi sẽ có một chỗ trên Internet.”Đó là một câu trong cuốn sách What would Google do? của Jeff Jarvis. Cuốn sách rất thú vị về “Nền kinh tế Google”còn nói nhiều hơn về những thay đổi vĩ đại mà các công ty Internet tạo ra. Vì vậy, nếu bạn chưa đọc, có thể mua trên Amazon để đọc, hoặc, bật mí tí, là trên mạng cũng có bản pdf đấy. he he.
Nhưng entry này không định giới thiệu về sách. Những người có quan điểm cực đoan cho rằng, thời buổi này, bạn chỉ tồn tại khi người ta Google và tên bạn xuất hiện kèm theo những thông tin cơ bản hoặc sâu sắc về bản thân bạn; và có người lại nói, uy tín hay danh tiếng của bạn là những kết quả mà Google tìm thấy về bạn và chỉ cho những người đang tìm kiếm thấy điều đó. Nếu bạn là tập đoàn rất lớn và người ta tìm bạn những không thấy trên Internet, thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ cảm thấy áp lực rất lớn của việc phải khiến mình xuất hiện trên Internet.
Truyền thông xã hội là thế hệ kế tiếp của các website thời kỳ đầu và đang trở thành thứ thay đổi toàn bộ cục diện của rất nhiều ngành trong xã hội như báo chí, PR, truyền thông, xây dựng thương hiệu…. Trong entry có tiêu đề 10 câu nói giúp bạn hiểu hơn về truyền thông xã hội mà tôi trích dẫn sau đây, chúng ta cùng đi từng bước tìm hiểu, phần nghiêng là bình luận của tôi:
1- “Bạn là chính những gì bạn chia sẻ”. (Trong cuốn We Think: The power of mass creaativity của Charles Leadbeater – Nhà văn người Anh, cố vấn của Thủ tướng Tony Blair): Câu nói này thật rõ ràng, thật dễ hiểu. Bạn chia sẻ A thì người ta sẽ hiểu là A, có nhiều người cố tình sẽ hiểu là A- hoặc A+. Nhưng một người suốt ngày chia sẻ thái độ bi quan hận đời giận người thì bạn có thể hi vọng người đó mang đến cho bạn tinh thần lạc quan yêu đời hay năng lượng tích cực không?
2- “Truyền thông xã hội đầu độc thế giới bởi một loại virus ghê gớm tên là “sự phù phiếm””. (Kellie Elmore – Nhà văn, blogger người Mỹ): Sự phù phiếm. Ha ha. Đôi khi bạn nghĩ mình có vài chục ngàn người “like” hay “share” Facebook, status của bạn thì “sức mạnh” đó sẽ chuyển hóa thành hành động thực tế. Well, not that much. Unfortunately. So, keep calm and keep writing. 😀
3- “Truyền thông xã hội là cơ hội để bạn có một lượng lớn người dùng trung thực, trung thành và minh bạch”. (Trích trong cuốn Social Media for the Executive của Brian E. Boyd Sr – Nhà văn người Mỹ, CEO Media Connect): Đúng, với điều kiện bạn không sử dụng những “trick” mờ ám, hay “mua like”ảo để có được người dùng. Có rất nhiều khi tôi phải ngồi lọ mọ gỡ những thứ mình đã like ra vì không hiểu mình đã like lúc nào, và vì cái lý do quái quỷ nào mà mình đã like những trang chả có liên quan gì đến mình như thế. Sự phấn khích mà truyền thông xã hội mang đến rồi sẽ đi đến điểm thoái trào. Người ta sẽ chọn lựa, và mạng xã hội sẽ phân mảnh rõ rệt hơn, chứ không like love tùm lum tè le như bây giờ nữa. Và nếu muốn có người dùng trung thực, trung thành và minh bạch thì không có cách nào khác là phải có nội dung tốt, và bạn cũng phải là người trung thực, trung thành và minh bạch. Cuối cùng thì câu nói “nồi nào úp vung đấy” cũng sẽ ứng dụng vào truyền thông xã hội đấy.
4- “Tôi càng sôi nổi và hay tranh luận thì càng có nhiều người theo dõi và kết bạn online với tôi”. (Tasha Turner- Nhà văn Mỹ, người hướng dẫn truyền thông xã hội): Điều này rất đúng nếu bạn theo dõi những người có số người theo dõi và kết bạn online nhiều ở Việt Nam. Tự dưng nói cái gì đó gây tranh cãi là bà con ào ào kéo đến like like. Nó hơi khác với nước ngoài một chút, là những người vốn dĩ đã có uy tín và tầm ảnh hưởng ở bên ngoài khi lên mạng sẽ có nhiều người theo dõi, và thực ra bản thân họ cũng chẳng thể hiện gì nhiều về mình trên mạng. Ví dụ Christine Amanpour, chị này super nổi tiếng, chẳng bao giờ thấy tranh cãi hay nói gì về bản thân trên Facebook, nhưng vẫn có hơn 300 ngàn người theo dõi. Cách của 1 người chuyên nghiệp quản lý mạng xã hội của mình cũng đáng để tham khảo.
5- “Ngày nay, một kẻ khờ cũng có thể làm được một trang web”. (Trích trong cuốn Blood Bound của Patricia Briggs- Nhà văn, phóng viên của New York Times): Bạn đã có trang web chưa? Nếu chưa có thì chắc bạn không phải kẻ khờ. Vì kẻ khờ còn làm được trang web cơ mà. He he.
6- “Nếu bạn muốn tạo ra cái mới thì hãy dừng cách làm cũ”. (Peter F. Drucker – Nhà văn, Giáo sư người Mỹ): Có một câu khác là Hủy diệt chính là căn nguyên của phát triển. À, còn 1 câu khác nữa là Nếu bạn cứ giữ cách làm cũ thì có lý do gì để hi vọng một kết quả tốt hơn? À, còn câu nữa là Nếu bạn đầu tư theo cách của mọi người thì chắc chắn kết quả sẽ giống như họ.
7- “Sự thật vĩ đại nhất của thời đại này: Thông tin không phải là tri thức”. (Caleb Carr- Nhà văn, nhà sử học quân sự người Mỹ): Có bạn thắc mắc là tại sao lại thế. Tại sao thông tin không phải là tri thức. À, vì những gì bạn đọc trên blog hay Facebook này không làm bạn thông minh hơn đâu. Muốn thông minh thì cần phải tìm hiểu sâu, kỹ, phân tích, mà những blog hay Facebook làm sao cho bạn những thứ đó. Ok?
8- “Đừng chỉ sưu tập các fan hâm mộ, hãy tác động đến họ”. (Jay Baer – Founder của Convinceandconvert, diễn giả người Mỹ): Bạn muốn tác động đến họ thế nào? Tích cực hay tiêu cực, hay kệ họ (he he)?
9- “Tham gia vào LinkedIn là cách tốt nhất để nói “Hãy nhìn vào tôi” mà không cần phải nói “Hãy nhìn vào tôi” (Bobby Darnell – Founder của Construction Market Consulations): Những người mình biết trong cộng đồng nghề nghiệp hoặc có liên quan tới công việc ở Việt Nam thì đều có LinkedIn, chỉ có điều, ít có ma nào dùng tích cực.
10- “Những người kỳ quặc thường nổi bật”. (Dan Schawbel – Phóng viên, nhà bình luận của Forbes, New York Times): Chuyện này tưởng không chỉ có truyền thông xã hội chứ nhỉ?
Vậy làm thế nào để dùng mạng xã hội một cách hiệu quả nhất? Guy Kawasaki, một chuyên gia về truyền thông xã hội đưa ra 10 lời khuyên:
1. Phải bắt đầu xây dựng nền tảng truyền thông xã hội từ rất sớm:
Tức là ngay khi có ý tưởng mới, sản phẩm mới hay dịch vụ mới, hãy nghĩ tới cách sử dụng mạng xã hội cho nó và phát triển nó song hành với sự phát triển của bạn. Vì sao? Vì nó giúp bạn có cơ hội thu hút sự chú ý, nhận được phản hồi, và theo dõi sự tiến bộ của bạn.
2. Chọn đúng mạng xã hội phù hợp với mình:
Có một vài mạng xã hội cơ bản như Facebook (là nền tảng giúp bạn có thể tương tác với những người bạn đã biết); Twitter (là mạng lưới giúp quảng bá quan điểm, sáng kiến, phản ứng của bạn); Google + (là nơi Guy đang tư vấn, là nơi bạn có thể khám phá đam mê của mình và kết nối với những người có thể bạn không biết nhưng có cùng sở thích với bạn. P.S: quá lòng vòng không hiểu gì he he); Pinterest: Gim tất cả những thứ thể hiện mối quan tâm của bạn, và thể hiện con người bạn; LinkedIn: Giúp bạn tiếp thị bản thân và khả năng của bạn).
3. Hãy tạo một profile thật tốt:
Tốt không có nghĩa là dối trá. Mạng xã hội có thể giúp bạn giới thiệu về mình nhưng chỉ cần người muốn tìm hiểu về bạn hỏi một người quen của bạn, họ có thể biết rất nhiều thứ mà bạn không thể hiện. Guy cho rằng một người trung bình chỉ cần 2-3 giây là quyết định xem có nên follow bạn không dựa trên nội dung trang xã hội của bạn. Có nghĩa là chìa khóa để thành công trên mạng xã hội dựa vào khả năng bạn tạo ra một profile thể hiện cá tính của mình trong khi mời những người khác ghé vào nhà bạn. Profile giống như “cửa sổ để vào tâm hồn mạng xã hội của bạn” và là cơ hội để bạn kể chuyện của mình. So don’t miss your chance.
Avatar là điều cần phải suy nghĩ. Hình chó mèo cũng ok nhưng nếu được bạn nên sử dụng hình ảnh gương mặt mình. Người ta nhìn mặt và sẽ quyết định bạn có phải là người đáng yêu hay đáng tin hay không, và họ có muốn quyết định với bạn trên mức độ chuyên môn hay không. (Hic, đang định thay avatar là hình mèo giờ phải suy nghĩ lại ). Cover photo cũng là nơi bạn thể hiện cá tính, đam mê, suy nghĩ, câu chuyện của mình.
Về bio, hãy cung cấp đủ thông tin để ai đó lần đầu ghé thăm bạn có thể có được quyết định dựa trên thông tin đầy đủ về việc có nên quan tâm tới bạn, công ty của bạn không. Nhưng đừng chia sẻ quá nhiều chi tiết, mốc thời gian…làm gì. À, bạn sợ mất sự riêng tư trên mạng xã hội? Quên nó đi, mạng xã hội chỉ là những gì bạn chia sẻ và không chia sẻ. Sự riêng tư đã chết rồi.
4. Nếu bạn đọc những gì thú vị của người khác, thì người khác cung hi vọng sẽ đọc những gì thú vị từ bạn:
Đừng có lấy hết chân giò nhưng không thò chai rượu nào cả. Nếu bạn đầu tư vào nội dung, bạn có thể trở thành người có ảnh hưởng, được biết đến nhiều hơn và có thể tạo lập được uy tín phần nào đó.
5. Nhảy xổ vào cơ hội:
Thấy chỗ nào đang hot là xông vào ngay, bình loạn ầm ĩ lên cũng là một cách để người khác biết đến mình. He he.
6. Kiềm chế tí: Nếu cứ “tự sướng” self-promotion nhiều quá trên mạng xã hội thì sẽ bị phản tác dụng. Guy gợi ý nên áp dụng quy tắc 20:1, tức là 19 status nhiều thông tin thú vị, hay ho, đặc sắc, tốt cho mọi người, bạn có thể đăng 1 status nói về bản thân mình.
7. Sử dụng hình ảnh:
Sử dụng hình ảnh là một cách rất hiệu quả để truyền tải thông tin. Nếu bạn gặp khó, thử Wikimedia và CreativeCommons xem sao.
8. Hồi đáp:
Nhớ là trả lời những người đã dành thời gian bình luận trên mạng xã hội của bạn để gắn chặt tình thương mến thương. Ai cũng thích social media notification, nếu không họ đã không dùng mạng xã hội.
9. Hãy có thái độ tích cực và hãy yên lặng:
Nếu không có gì dễ thương tử tế để nói trên mạng xã hội thì nên yên lặng, đừng nói gì cả. Nếu bạn gặp phải điều khó chịu thì đừng đưa lên mạng. Ví dụ, dịch vụ của một nhà hàng dở thì nếu bạn không trao đổi trực tiếp với chủ nhà hàng để họ có cơ hội sửa chữa thì bạn sẽ không đến lại nữa hay sẽ nói với các bạn mình không đến đó nữa. Làm tổn thương người khác và có thái độ không tích cực thì những người follow bạn họ cũng sẽ để ý cả đấy.
10. Lặp lại:
Post nhiều status có thể là một cách tốt giúp bạn hay việc kinh doanh của bạn. Thực ra, không phải ai trong số danh sách bạn bè của bạn cũng sẽ đọc được status của bạn, nên nếu bạn post lặp lại thì cơ hội để quảng bá thông tin đó nhiều hơn.
Chốt lại (ý của tôi): Mỗi một tài khoản xã hội như một căn nhà để mở cửa, cho vài người khách vào thăm, hoặc ai cũng vào được, không cần mua vé hay xin phép. Nhưng vì đây là nhà người khác, khi bạn vào thăm thì cũng phải áp dụng những lễ nghĩa nhất định từ đời thực. Ví dụ, khen đồ trong phòng của chủ nhà đẹp.
Đọc thêm: Những cách ứng xử lịch sự trên mạng xã hội. Trước đó, hãy trả lời cho các câu hỏi: Post cái gì, Post cho ai, và liệu có ma nào quan tâm không nhỉ? :twisted
Hình ảnh: Funny Social Media Photos
great, mate