Trái tim của “Mẹ Tim”

Khổng Loan viết bài này đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Link tại đây.

TTCT – 30 năm qua, nhà thiện nguyện Aline Rebeaud, hay Hoàng Nữ Ngọc Tim, tận hiến cho một sứ mệnh: giúp đỡ hàng ngàn người kém may mắn, không nơi nương tựa tại Việt Nam.

Đã quá nửa đêm 17-9-2024, Sài Gòn mưa dầm dề, Tim vẫn thức. Lịch làm việc này, với chị, là bình thường, vì chị phải điều hành Tổ chức Maison Chance (Nhà May Mắn) tại Việt Nam với bốn cơ sở ở TP.HCM và Đắk Nông, vừa phải gây quỹ cho hoạt động của những nơi này. Nhưng đó là một đêm đặc biệt.

Đường dài của Aline

Bức tranh chị vẽ cách nay 35 năm tại Thụy Sĩ quê hương chị, vừa được chuyển đến hai ngày trước. Thời gian đã biến cô gái trẻ 21 tuổi, dáng người cao lớn, mái tóc cắt ngắn, ánh nhìn trong veo vui vẻ vào những ngày đầu đặt chân đến TP.HCM thành một phụ nữ tất bật. Chỉ có sự kiên định trong ánh nhìn và nụ cười rạng rỡ vẫn y nguyên. 

Thời gian cũng làm hư hại bức tranh sơn dầu mà chị vẽ khi còn là một họa sĩ nhiều tiềm năng trước khi chị bắt đầu hành trình từ Thụy Sĩ bằng đường bộ đến châu Á và dừng lại hẳn ở Việt Nam.

Đêm đó, chị nghĩ mình có thể tự phục chế được bức tranh có tên Chắp cánh ấy, nhưng “Tôi càng sửa, càng làm thì càng nghĩ thôi chết rồi, mình làm thế này sẽ làm bức tranh hư mất, làm sao đưa ra đấu giá được?” – Tim nói với âm giọng tiếng Việt rành rọt. Chị muốn đưa bức tranh ra đấu giá gây quỹ vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Maison Chance tại TP.HCM tối 21-9.

TRÁI TIM CỦA "MẸ TIM" - Ảnh 2.
Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn tại Đắk Nông

Việt Nam là đất nước đã chiếm trọn mối bận tâm, tình yêu thương, nỗi lo lắng của người phụ nữ Thụy Sĩ này từ hơn 30 năm nay. Việt Nam cũng là nơi chị cưu mang, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ hàng ngàn mảnh đời tưởng chừng không thể có cơ hội vươn lên. 

Đây cũng là nơi chị phải đôn đáo thực hiện nhiều chuyến đi trong và ngoài nước để gặp các nhà tài trợ, tổ chức các sự kiện gây quỹ để có thể đảm bảo ngân sách khoảng 2 tỉ đồng mỗi tháng, nhằm chăm lo cho hàng trăm con người không phải máu mủ ruột rà của mình.

Lễ kỷ niệm 30 năm hành trình của Nhà May Mắn tại Việt Nam diễn ra với sự tham gia của các đại sứ và lãnh sự nhiều quốc gia, cùng các nhà tài trợ Việt Nam, những người bạn, tình nguyện viên, cả những đại diện của những “người con” của Nhà May Mắn (Tất cả những người được chị cưu mang đều gọi chị là “Mẹ Tim”).

“Người phụ nữ này đã đến Việt Nam, mang theo những điều tốt đẹp nhất mà Thụy Sĩ có thể tặng cho người khác. Con người hiếm hoi đó đã dành trọn đam mê, tài năng, nguồn lực và tình yêu này cho đất nước và con người Việt Nam” – Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass nói.

Tim đã đem đến cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn một nơi ở, giúp họ được chăm sóc y tế, có cơ hội học tập và đào tạo nghề phù hợp. Chị muốn giúp họ khôi phục niềm tin và phẩm giá, lấy lại sự tự chủ và tái hòa nhập xã hội. 

30 năm qua, Maison Chance đã phát triển thành bốn cơ sở, đều có những sự liên hệ mật thiết với nhau theo nhu cầu của những “người con” của chị, gồm Nhà May Mắn, Trung tâm Chắp Cánh, Làng May Mắn (đều tại TP.HCM) và Trung tâm Bảo trợ xã hội tại Đắk Nông.

Ở thời điểm cuối năm 2023, Nhà May Mắn giúp đỡ 746 người thụ hưởng trực tiếp mỗi ngày, nuôi dưỡng 13 trẻ mồ côi (từ 6 tuổi), trẻ khuyết tật và 17 người khuyết tật trưởng thành đến từ khắp các vùng miền cả nước. Họ là những người khuyết tật nặng (hai chi hoặc tứ chi) do tai nạn lao động, tai nạn giao thông và có hoàn cảnh khó khăn.

Trung tâm Chắp Cánh hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm cho 53 người khuyết tật tùy thuộc khả năng và sở thích của họ. Trung tâm Bảo trợ xã hội tại Đắk Nông đã đón nhận 141 học sinh nghèo chủ yếu đến từ các làng dân tộc thiểu số, 30 em khuyết tật thể chất và chậm phát triển trí tuệ, 31 người khuyết tật nghiêm trọng. Bên cạnh đó có 128 học sinh nghèo (56 em tại TP.HCM và 72 em Đắk Nông) được Nhà May Mắn hỗ trợ học bổng hằng năm để học tiếp lên cấp II, cấp III và đại học.

Tại những cơ sở này, những thành viên khoẻ mạnh, thường là trẻ mồ côi, sẽ cùng chăm sóc, giúp đỡ các thành viên khuyết tật. Ngược lại, các thành viên khuyết tật là người đồng hành, chia sẻ và hướng dẫn cho các em những kiến thức, kinh nghiệm từ cuộc sống. Nhà May Mắn cũng thường xuyên tiếp nhận các chuyên gia, người tình nguyện để hỗ trợ các hoạt động đòi hỏi nguồn lực.

Để có thể tìm đủ ngân sách cho các hoạt động này, Tim cùng bảy người khác, gồm bốn “người con” và ba thành viên gây quỹ bên ngoài tổ chức, với năm cơ sở gây quỹ ở nước ngoài.

Những “số âm” trở thành “số dương”

Làng May Mắn (Village Chance) ở Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP.HCM) là nơi ở của Nguyễn Bá Bông, năm nay 35 tuổi, cùng vợ là chị Bích Đào và bé Khoai – con trai 3 tháng tuổi của họ. 

Đó là hiện thực hạnh phúc khó tưởng tượng với Bá Bông khi anh từng bị bệnh viện xác nhận mất 91% sức lao động, mọi hoạt động đều phụ thuộc người khác. Tim đã cưu mang anh sau khi anh bị tai nạn té trên boong tàu khiến cậu thanh niên 17 tuổi trong một gia đình khó khăn từ miền Trung vào Sài Gòn kiếm sống trở nên tàn phế vào năm 2007.

Tại Nhà May Mắn, anh được chăm sóc y tế, tập vật lý trị liệu và dần hồi phục một chút cánh tay, giúp anh có thể đánh máy vi tính với sự hỗ trợ của thanh nẹp sắt cuốn quanh mu bàn tay. Trong căn hộ có một phòng ngủ, một nơi sinh hoạt liền kề có chỗ anh để máy tính làm việc, bàn ăn nhỏ và căn bếp, vợ anh vừa chăm sóc chồng con vừa làm mọi việc trong nhà. 

Chị nói mình khâm phục tinh thần vượt khó và lạc quan của anh, đến với anh như một lẽ tự nhiên của con tim, vì “em cần anh ấy và anh ấy cần em”. Bá Bông giờ đã có thể tự kiếm sống và mong muốn có thể làm công việc tốt hơn để đem đến cho con mình cơ hội học tập và có tương lai tốt đẹp.

Vô số cuộc đời tưởng như về “số âm” đã trở thành “số dương” như thế, đúng như mong ước của Tim: “Qua thời gian và nhờ vào tình thương mến của tất cả thành viên trong gia đình, họ bắt đầu có cái nhìn mới về cuộc đời. Và từ nay, những người khuyết tật kém may mắn từng bước đi lên từ số 0”.

TRÁI TIM CỦA "MẸ TIM" - Ảnh 3.
Người khuyết tật được trị liệu với ngựa tại Đắk Nông

Aline Rebeaud bắt đầu hành trình của Nhà May Mắn tại Việt Nam từ năm 1993. Khi đó, cô gái đến từ một đất nước giàu có và bình yên đã không thể rời đi khi chứng kiến một em bé người Campuchia không cha mẹ, dơ dáy, đói khát đang lang thang vào một buổi tối ở Sài Gòn. Aline đã cho em ăn, mua quần áo cho em mặc. 

Một lần khác, cô đi thăm viện tâm thần Thủ Đức, gặp cậu bé tên Thành, 12 tuổi, đang mắc bệnh tim phổi trầm trọng với chẩn đoán “em ấy sắp chết” của bác sĩ. Aline nghĩ “còn nước còn tát”, cô đưa Thành vào bệnh viện tim mạch, rồi trở thành người thân chăm sóc ngày đêm. Sau ba tháng, Thành hồi phục, cũng là lúc Aline được người xung quanh gọi bằng “Tim”, trong chữ Trái tim.

Tim bắt đầu thuê nhà tại ngoại ô TP.HCM, tiếp nhận thêm trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ em đường phố và người khuyết tật vào nhà, mang lại cho họ gia đình mới. Ngôi nhà nhỏ ở Bình Tân sau này được chính các thành viên tại đây gọi tên là “nhà may mắn”. 

Năm 1998, Maison Chance được công nhận là tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam. Tim đảm nhận vai trò giám đốc điều hành và phó chủ tịch ban quản lý. Theo thông tin từ trung tâm, tổng chi phí năm 2023 của trung tâm là gần 30 tỉ đồng, bao gồm các chi phí vận hành, xây dựng, đầu tư và sản xuất. Gần 92% số tiền từ các nguồn tài trợ được sử dụng trực tiếp vào các chương trình và dự án, 8% dành cho chi phí quản lý.

Chọn không kết hôn và không sinh con, Tim tiếp tục với các dự án mới để đem đến nhiều cơ hội hơn cho những người kém may mắn. Nhà âm nhạc và khu đa chức năng mới tại Nhà May Mắn Đắk Nông đã hoàn thành cuối tháng 4-2024. 

Các sản phẩm từ xưởng chế biến nông sản địa phương tại đây như hạt điều, trái cây sấy, cà phê, tinh dầu sả, vanilla đang dần được đưa ra thị trường. Tim rất hào hứng mỗi khi kể về những con vật như ngựa, gà, thỏ đang là những “bác sĩ tinh thần” cho trẻ em khuyết tật về thể chất và trí tuệ nơi đây.

“Tôi thấm thía câu nói: một giọt nước trong lòng đại dương, một hạt cát trong sa mạc, đúng hơn là một hạt cơm trong chén cơm của người đang đói” – chị nói vào dịp Nhà May Mắn 20 tuổi. Tim nghĩ mình còn rất nhiều việc phải làm, vì “Cuộc sống luôn có vấn đề, không bao giờ hết vấn đề. Khi nào vấn đề xảy đến thì Tim sẽ tìm cách giải quyết”. 

Cách nay hơn 10 năm, Tim chính thức trở thành công dân Việt Nam. Chị chọn tên Hoàng Nữ Ngọc Tim cho mình, sau khi suy tính nhiều yếu tố, từ ngữ nghĩa tới âm thanh. Trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà May Mắn, chị mặc chiếc áo dài màu xanh da trời, mỉm cười rạng rỡ bên những đứa con của mình, giới thiệu “mình sinh năm 1972, tuổi con Tý”.

Bức tranh sơn dầu Chắp cánh do chị vẽ có hình ảnh một cầu vồng uốn lượn, cây trơ trụi lá và đàn chim bay lên bầu trời. Trong muôn vàn khó khăn mà cuộc đời thử thách những người kém may mắn, vẫn có những khát khao vượt lên, chắp cánh bay cao của chính họ và những người có trái tim nhân ái như Tim.

Sau khi được một nhà phục chế nghệ thuật giúp phục chế miễn phí, bức tranh đã kịp xuất hiện tại buổi đấu giá và được bà Trương Thị Lệ Khanh – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, một trong nhiều nhà bảo trợ thường xuyên cho Nhà May Mắn – trả mức giá 200 triệu để sở hữu tác phẩm. Hiện nay, 70% tài trợ cho các hoạt động của Nhà May Mắn đến từ các cá nhân, doanh nghiệp trong nước.

Comments