Những hồi ức chữa lành

Bài viết về nghệ sỹ Tuấn Andrew Nguyễn đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Link tại đây

TTCT – Triển lãm cá nhân Radiant Rememberance (Những hồi ức vang rọi) của Tuấn Andrew Nguyễn tiếp nối cách kể chuyện day dứt nhưng đầy chất thơ về những đề tài lịch sử, ký ức và di dân mà nghệ sĩ ý niệm này theo đuổi từ lâu…

Chân trời vọng khúc uẩn âm (2022). Nguồn ảnh: Tuan Andrew Nguyen và James Cohan, New York
Chân trời vọng khúc uẩn âm (2022). Nguồn ảnh: Tuan Andrew Nguyen và James Cohan, New York

Triển lãm Radiant Rememberance diễn ra tại Bảo tàng New Museum, New York (chuyên về nghệ thuật đương đại) từ 29-6 đến 17-9-2023.

1. Nhà ở kiêm studio làm việc của Tuấn Andrew tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) khác biệt hẳn so với không gian xung quanh. Sơn màu đen với kết cấu nhiều thép và kính, không gian rộng và thoáng vì Tuấn Andrew đã chuyển một phần studio của mình sang TP Thủ Đức. 

Ở đó sẽ là không gian rộng hơn để anh thực hiện tác phẩm điêu khắc cao 5m, rộng 3,5m để sắp đặt cố định tại không gian nghệ thuật mới của một trường đại học ở Mỹ.

“Tôi đang làm cha toàn thời gian” – Tuấn Andrew nói khi tôi hỏi anh về công việc đang chiếm nhiều thời gian của anh nhất. Hai đứa bé tuổi từ 3-6 tất nhiên sẽ lấy đi hết thời gian và sức lực của mọi ông bố bà mẹ, nhưng Tuấn Andrew vẫn vừa có triển lãm cá nhân ở New Museum, vừa nhận giải thưởng Juan Miró năm 2023 (một trong những giải thưởng danh giá trong thế giới nghệ thuật đương đại), vừa chuẩn bị cho triển lãm cá nhân tại Fundació Joan Miró (Barcelona) năm 2024. Anh thậm chí đang bắt tay vào một dự án liên quan tới lịch sử của thực dân Đức ở Thái Bình Dương; viết cuốn sách về cộng đồng người Việt Nam ở Senegal và ấp ủ làm phim về họ.

Những công việc đó đều đòi hỏi sự tập trung cao độ, khả năng nghiên cứu, làm việc nhóm, khả năng lưu trữ, quan sát và tưởng tượng – đều là điều thiết yếu của một conceptual artist – nghệ sĩ ý niệm.

Triển lãm Những hồi ức vang rọi (New Museum, 29-6 đến 17-9-2023).
Triển lãm Những hồi ức vang rọi (New Museum, 29-6 đến 17-9-2023).

Triển lãm Những hồi ức vang rọi gồm bộ phim Because no one living will listen (Người sống chẳng ai nghe, 2023) và hai dự án video The Unburied Sounds of a Troubled Horizon (Chân trời vọng khúc uẩn âm, 2022) và The Specter of Ancestors Becoming (2019), cùng các tác phẩm thuộc không gian thực hành nghệ thuật rộng hơn (điêu khắc, ảnh tư liệu, sắp đặt) của Tuấn Andrew Nguyễn. The New York Times nhận định các tác phẩm của anh tại triển lãm lần này “có tính cá nhân hơn, tinh tế hơn và cũng tham vọng hơn”.

Ba bộ phim là câu chuyện của những con người trong những dòng chảy của lịch sử thuộc nhiều thế hệ, xuyên quốc gia, kết nối Việt Nam, Senegal, Morocco, Pháp và Mỹ. Những tác phẩm này kết hợp giữa cảm hứng từ sự thật, yếu tố xuyên không gian, đời sống tâm linh và trí tưởng tượng. 

 Người sống chẳng ai nghe theo chân Habiba, một phụ nữ Việt Nam có cha là lính Morocco đào ngũ khỏi quân đội Pháp. Bộ phim dựa trên lá thư tưởng tượng mà Habiba đã viết cho cha, người đã qua đời khi Habiba còn nhỏ. 

Chân trời vọng khúc uẩn âm được xây dựng trên bối cảnh Quảng Trị, một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất trong cả nước (chiếm gần 82% tổng diện tích toàn tỉnh). Ở đó có Nguyệt (diễn viên Kim Oanh), một người chuyên thu mua phế liệu (công việc rất phổ biến tại đây) sống cùng người mẹ bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh. Nguyệt tin mình là kiếp sau của Alexander Calder (nghệ sĩ điêu khắc Mỹ) khi phát hiện cô đang làm những thứ giống như Calder từng sáng tác. 

Đó là 12 tấm chuông tròn dùng để xoa dịu nỗi đau trong mối quan hệ với mẹ (diễn viên Trương Thương Huyền) và Lai (Hồ Văn Lai, người mà năm 2000, khi 10 tuổi, đã bị tai nạn vì bom mìn, bị mất một bàn tay và hai bàn chân. Rồi Lai vượt qua, làm việc cho dự án Project Renew chuyên dạy trẻ em tự bảo vệ mình trước bom mìn tại Quảng Trị). Những tấm chuông đó được làm từ những mảnh bom, được chỉnh âm thanh để có tần số 432Hz giúp xóa đi những tâm trạng tiêu cực bên trong con người.

Không dễ để biết đâu là những chi tiết có thật, đâu là tưởng tượng. Tuấn Andrew cho biết bộ phim chỉ dài 60 phút nhưng là công sức của nhiều người, cần nhiều thời gian và tiền bạc để hoàn thành. 

Tác phẩm là một đề xuất của anh về cách mà “chúng ta có thể tìm ra cách để chữa lành, vượt qua những đau thương của lịch sử, của di cư, của chủ nghĩa thực dân”. Sâu xa hơn, anh muốn thấy một cộng đồng, một đất nước có lòng trắc ẩn, từ bi, thực sự đầu tư để phát triển văn hóa chứ không chỉ tập trung phát triển kinh tế.

Sử dụng ký ức làm nổi bật những góc nhìn lịch sử không mang tính chủ lưu, bị đè nén, Tuấn Andrew đan cài các yếu tố có thật, suy đoán, mang cả yếu tố bí ẩn từ những thế giới khác, tạo nên các bộ phim giúp hình dung lại lịch sử, quá trình con người tìm kiếm cách chữa lành khỏi những bi thương từ chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và mất nơi sinh sống.

Chân trời vọng khúc uẩn âm, 2022.
Chân trời vọng khúc uẩn âm, 2022.

2. Rời Việt Nam từ khi 2 tuổi, Tuấn Andrew tốt nghiệp khoa mỹ thuật (chuyên ngành phụ nghệ thuật số) tại Đại học California, Irvine năm 1999 và lấy bằng thạc sĩ mỹ thuật tại Viện Nghệ thuật California năm 2004. 

Trở lại Việt Nam hoạt động nghệ thuật năm 2004, khi 28 tuổi, anh sáng lập The Propeller Group, nhóm nghệ sĩ thực hành giao thoa giữa nghệ thuật và quảng cáo/truyền thông hai năm sau đó. Anh cũng là đồng sáng lập của Sàn Art – không gian nghệ thuật và chương trình giáo dục do nghệ sĩ khởi xướng – tại TP.HCM, có vai trò quan trọng trong việc đưa nghệ thuật đương đại trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân địa phương và là cầu nối giữa nghệ thuật đương đại Việt Nam và thế giới.

Hứng thú làm việc với những con người đã trải qua rất nhiều biến cố, bị gạt sang bên lề hay bị lãng quên là lý do khiến những chủ đề nghiên cứu, địa điểm của Tuấn Andrew trải rộng về địa lý, nhưng có sợi chỉ xuyên suốt. 

Tập trung nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, Mỹ, Pháp và những thế lực thực dân khác, anh nhận thấy những câu chuyện của lịch sử hay được kể lại hoặc lưu trữ dưới góc nhìn chủ lưu của một lực lượng áp đảo trong một phong trào, một diễn biến. 

“Tôi muốn những góc nhìn khác” – anh nói và tin rằng “nhìn cách khác” cũng là vai trò của người nghệ sĩ trong xã hội, cần tìm cách tư duy, sống và nhìn mọi thứ khác biệt, thể hiện những tác phẩm nhiều tầng ý nghĩa, nhiều chiều kích.

“Tôi đồ rằng mình phải bị ám ảnh bởi những gì mình muốn làm, mình phải thực sự yêu thích việc đó. Đến một thời điểm, tình yêu đó tích hợp vào cuộc đời ta đến mức ta không thể lập kế hoạch cho nó, lập chiến lược cho nó hay tính toán hơn thiệt, ta chỉ có thể sống với nó và tin vào nó” – Tuấn nói. 

Nhưng đấy cũng là một quá trình không hề lãng mạn, anh thừa nhận, ngược lại, rất chật vật, bấp bênh và vô số khó khăn. Dẫu đã đạt được những cột mốc quan trọng của người nghệ sĩ, giờ đây ở tuổi 47, anh vẫn đang nghĩ mình mới chỉ bắt đầu, như một đứa trẻ trong thế giới nghệ thuật. 

“Tôi cảm thấy cuối cùng mình đã thực sự bắt đầu hành trình nghệ thuật của mình” – Tuấn Andrew nói về mục đích giỏi hơn chính mình (master myself), trở thành người kể chuyện hiệu quả, giúp con người hiểu nhau hơn, thay đổi cách nhìn và tác động tới tương lai. 

“Tôi muốn một tương lai nhiều tình thương và tỉnh giác. Cuộc sống có quá nhiều điều khác với những gì chúng ta mong muốn nhìn thấy, nên tốt hơn là chúng ta nên nhìn thế giới theo một cách khác”. 

Tác phẩm Trăng qua màn khói, 2022.
Tác phẩm Trăng qua màn khói, 2022.

Các video và phim của Tuấn Andrew Nguyễn đã được trình chiếu ở các liên hoan nghệ thuật, sự kiện nghệ thuật lưỡng niên, các triển lãm tại Manifesta 14, Prishtina, Kosovo (2022), Aichi Triennale, tỉnh Aichi, Nhật (2022), Biennale de Dakar, Dakar, Senegal (2022), Asian Art Bienniel, Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Đài Loan, Đài Bắc (2021), Manifesta 13, Marseilles, Pháp (2020); Sharjah Architecture Triennial, Sharjah, UAE (2019); Soft Power, SFMoMA, San Francisco, Mỹ (2019), Sharjah Biennial, Sharjah 2019, UAE; Whitney Biennial, New York (2017) và các liên hoan phim ở nhiều nơi trên thế giới.

Tác phẩm của anh xuất hiện trong bộ sưu tập cố định của các tổ chức nghệ thuật như Carré d’Art, Nimes, Pháp; Queensland Art Gallery, Brisbane, SFMoMa, San Francisco; các bảo tàng nghệ thuật hiện đại – Museum of Modern Art, Solomon R. Guggenheim Museum và Whitney Museum of American Art (đều ở New York).

Hình ảnh trong phim The Specter of Ancestors Becoming.  Ảnh: TUAN ANDREW NGUYEN VÀ JAMES COHAN, NEW YORK
Hình ảnh trong phim The Specter of Ancestors Becoming. Ảnh: TUAN ANDREW NGUYEN VÀ JAMES COHAN, NEW YORK

Comments